Kinh Truyền tin chúa nhựt 27-6: Tiếng gọi đi theo Chúa triệt để

Radiovaticana 27/06/2010 – Chúa nhựt hôm nay, Đức Thánh Cha chỉ có một buổi gặp gỡ cộng đồng Dân Chúa vào lúc đọc kinh Truyền tin, nhưng trong tuần này, ngài sẽ chủ sự nhiều buổi cử hành phụng vụ trọng thể nhân dịp đại lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, tại hai thánh đường dâng kính hai vị. Đề tài của bài suy niệm lúc 12 giờ trưa dựa trên các bài đọc Sách Thánh của Thánh lễ chúa nhựt thứ XIII mùa Thường niên. Thánh Luca kể lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với vài thanh niên được mời gọi đi theo Người, với những yêu sách xem ra quá đáng. Tuy nhiên, những đòi hỏi này có thể hiểu được nếu nhìn trong tương quan của tình yêu, là nòng cốt của sự tự do mà Chúa Giêsu đã chinh phục cho chúng ta theo như thánh Phaolô đã viết trong thư gửi các tín hữu Galát. Sau khi ban phép lành Toà Thánh, trong những lời chào thăm các phái đoàn hành hương, đức Bênêđictô XVI đã nhắc đến lễ phong chân phước cho tu sĩ Estéphan Nehmé, diễn vào ban sáng tại Kfitan bên Liban. Vị tân chân phước, sống vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, đã làm chứng tá cho Tin mừng qua sự cần cù lao động và cầu nguyện liên lỉ. Sau đây là bài suy niệm

Anh chị em thân mến,

Các bài đọc Sách Thánh trong Thánh lễ chúa nhựt hôm nay là cơ hội để tôi trở lại đề tài tiếng gọi của Chúa Kitô và những yêu sách của nó. Đề tài này đã được đề cập tuần trước, vào dịp lễ truyền chức cho các linh mục thuộc giáo phận Rôma. Thực vậy, nếu ai may mắn được quen biết một người trẻ tuổi, nam hoặc nữ, đã từ bỏ gia đình, học đường hoặc nghề nghiệp để dâng mình cho Chúa thì sẽ hiểu rõ nội dung câu chuyện, đó là đáp trả cách triệt để tiếng gọi của Chúa. Và đây là một trong những kinh nghiệm tuyệt vời nhất ở trong Giáo hội, khi được nhìn thấy hoặc đụng đến tác động của Thiên Chúa trên cuộc sống con người; cảm nhận rằng Thiên Chúa không phải là cái gì trừu tượng nhưng là một Thực thể cao trọng và mạnh mẽ có khả năng lấp đầy trái tim của con người, một Đấng sống động và gần gũi, yêu thương chúng ta và muốn được yêu thương.

Thánh sử Luca trình bày cho chúng ta thấy Đức Giêsu, đang khi trên đường hướng về Giêrusalem đã gặp một vài người, có lẽ là đang tuổi thanh xuân, họ hứa sẽ đi theo Người khắp nơi. Người đã tỏ ra rất yêu sách đối với họ, cảnh báo cho họ biết rằng “Con Người, tức là Đấng Mesia – không có chỗ gối đầu”, nghĩa là không có một nơi thường trú, và ai đã chọn làm việc với Người trong cánh đồng của Thiên Chúa thì không được quay trở lại (xc. Lc 9,57-58.61-2). Với một người khác, đức Giêsu nói: “hãy theo tôi”, và yêu cầu anh cắt đứt mọi ràng buộc với gia đình (xc. Lc 9,59-60). Những đòi hỏi này xem ra quá đáng, nhưng thực ra chúng diễn tả sự mới mẻ và ưu tiên của Nước Thiên Chúa hiện diện ở nơi bản thân của đức Giêsu Kitô. Nói cho cùng, tính cách triệt-để bắt nguồn từ Tình yêu của Thiên Chúa mà đức Giêsu là kẻ đầu tiên đã vâng theo. Phàm ai từ bỏ tất cả, ngay chính bản thân mình, thì đi vào một chiều kích mới của tự do, được thánh Phaolô định nghĩa như là “bước theo Thánh Linh” (xc. Gl 5,16). Thánh Phaolô viết: “Đức Kitô đã giải thoát chúng ta để cho ta được hưởng tự do”, và ngài giải thích rằng hình thái mới của sự tự do mà đức Kitô đã chinh phục cho chúng ta hệ tại việc “phục vụ lẫn nhau” (Gl 5,1.13). Tự do và yêu thương trùng hợp với nhau. Ngược lại, việc tuân theo tính ích kỷ dẫn tới hiềm khích và xung đột.

Các bạn thân mến, sắp hết tháng 6, dành cho việc tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu. Chính vào lễ Thánh Tâm Chúa, cùng với các linh mục trên thế giới chúng ta đã lặp lại lòng cam kết nên thánh. Hôm nay tôi xin mời tất cả mọi người hãy nhìn ngắm mầu nhiệm Trái tim của đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người, ngõ hầu kín múc tận nguồn tình yêu của Thiên Chúa. Ai nhìn ngắm trái tim đã bị đâm thâu và mở toang ra vì yêu thương chúng ta, sẽ nghiệm thấy sự thật của lời cầu “Chúa là cõi phúc duy nhât của con”, và sẵn sàng từ bỏ tất cả để đi theo Chúa. Ôi Mẹ Maria, Mẹ đã đáp trả không chút dè dặt tiếng Chúa gọi, cầu cho chúng con.

Bình Hòa


Về Trang Mục Lục