Thánh Lễ trao dây Pallium cho 38 Tổng Giám Mục tại đền thờ Thánh Phêrô

Radiovaticana 29/06/2010 – Tường thuật thánh lễ Đức Thánh Cha chủ sự kính hai thánh Phêrô Phaolô và nghi thức trao dây Pallium cho 38 Tổng Giám Mục trên thế giới tại đền thờ thánh Phêrô

Sáng thứ ba 29-6-2010 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chủ sự trong đền thờ thánh Phêrô lễ trọng kính hai thánh Phêrô Phaolô Quan Thầy của Giáo Hội Roma. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có một số Hồng Y và 38 vị Tổng Giám Mục Trưởng Giáo Tỉnh được Đức Thánh Cha trao dây Pallium trong đó có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám Mục Hà Nội.

38 Tổng Giám Mục nhận dây Pallium gồm 4 vị Italia, 3 vị Hoa Kỳ, 3 vị Tây Ban Nha, 2 vị Anh quốc, 2 vị Brasil, 2 vị Mehicô, các vị khác đến từ các nước Ecuador, Zimbabwe, Lesotho, Canada, Angola, Phi Luật Tân, Camerun, Slovenia, Nam Phi, Bỉ, Tchèques, Colombia, Panama, Ấn Độ, Madagascar, Nam Hàn, Ba Lan, Việt Nam, Ghana và Slovakia.

Tham dự thánh lễ ngoài hàng chục Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục hiện diện tại Roma cũng có phái đoàn của Giáo Hội chính thống Costantinopoli và 10.000 tín hữu, trong đó có một số linh mục và tu sĩ nam nữ Việt Nam.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em rất thân mến, từ thời xa xưa Giáo Hội Roma cử hành lễ trọng kính các Tông Đồ Phêrô Phaolô như lễ duy nhất trong cùng một ngày.

Ngày lễ hôm nay cũng là một tưởng niệm biết ơn các chứng nhân lớn của Chúa Giêsu Kitô, đã trở thành anh em trong cuộc tử đạo, và là một tuyên xưng long trọng Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Dấu chỉ của lễ Hiện Xuống - cộng đoàn mới nói mọi thứ tiếng và hiệp nhất mọi dân tộc thành một dân duy nhất trong gia đình của Thiên Chúa - đã trở thành thực tại. Trong khi khẩn nài sự cầu bầu của các Tông Đồ Phêrô Phaolô, chúng ta hãy chuẩn bị cử hành các mầu nhiệm thánh và thú nhận các tội tỗi của chúng ta”.

Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha đã quảng diễn đề tài sự tự do của Giáo Hội trong chiều kích lịch sử và tinh thần như được trình bầy trong các bài đọc phụng vụ, và khẳng định rằng Thiên Chúa gần gũi các tôi tớ trung tín của Ngài, giải thoát họ khỏi mọi sự dữ và giải thoát Giáo Hội khỏi các quyền lực tiêu cực.

Bài đọc thứ nhất sách Công Vụ kể lại biến cố vua Hêrôđê bách hại Giáo Hội, bắt giữ và tống ngục thánh Phêrô. Nhưng đang đêm Thiên Chúa sai sứ thần đến tháo xiềng xích và giải thoát thánh nhân khỏi nhà tù Giêrusalem (Cv 12,1-11). Bài đọc thứ hai trích từ thư thứ II thánh Phaolô Tông đồ gửi Timoteo, trong đó thánh nhân tổng kết cuộc đời dương thế sẳp kết thúc của mình, và xác nhận rằng Chúa đã luôn gần gũi và giải thoát người khỏi miệng sư tử, khỏi mọi hiểm nguy và sẽ dẫn đưa người vào Nước vĩnh cửu (2 Tm 4,6-8.17-18). Thánh vịnh 33 cũng khẳng định Thiên Chúa giải thoát tín hữu khỏi mọi sợ hãi. Và đặc biệt trong Phúc âm Chúa Giêsu bảo đảm che chở toàn Giáo Hội khỏi mọi sức mạnh sự dữ và “các cửa hỏa ngục sẽ không thắng được Giáo Hội” (Mt 16,18). Cuộc chiến đấu của Giáo Hội không phải là cuộc chiến đấu với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác từ chốn trời cao” (Pl 6,12). Áp dụng vào lịch sử Giáo Hội Đức Thánh Cha nói:

Thật thế, nếu chúng ta nghĩ tới hai ngàn năm lịch sử của Giáo Hội, chúng ta có thể ghi nhận như Chúa Giêsu đã báo trước rằng đối với các kitô hữu đã không bao giờ thiếu các thử thách. Trong một vài giai đoạn và tại một vài nơi, các thứ thách đó có tích cách bách hại thực sự. Tuy nhiên các khổ đau đó không gây ra, và không là nguy hiểm trầm trọng nhất đối với Giáo Hội. Qủa thế, nguy hại lớn nhất Giáo Hội phải chịu là những gì làm ô nhiễm đức tin và cuộc sống kitô của các thành phần và các cộng đoàn, và tấn công sự toàn vẹn của Thân Mình mầu nhiệm, làm suy yếu khả năng ngôn sứ và chứng tá của nó, và vấy bẩn vẻ đẹp gương mặt của nó. Đây là thực tại được thánh Phaolô nói tới trong thư thứ I gửi tín hữu Corintô khi trả lời một số vấn đề chia rẽ, không trung thực và bất trung với Tin Mừng đe dọa Giáo Hội. Thư thứ II gửi Timoteo cũng nói tới các “nguy hiểm của thời cuối cùng” là các thái độ sống tiêu cực thuộc thế gian có thể tiêm nhiễm cộng đoàn kitô như ích kỷ, khoe khoang, kiêu căng, ham hố tiền bạc vv... (2Tm 3,1-5).

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói: Thiên Chúa bảo đảm cho Giáo Hội được tự do khỏi các ràng buộc vật chất cản ngăn sứ mệnh của Giáo Hội cũng như khỏi các sự dữ tinh thần và luân lý.

 Lễ nghi trao dây Pallium biểu hiệu cho sự hiệp nhất cũng diễn tả sự tự do mà Chúa Kitô đã hứa với Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa sự hiệp thông với Phêrô và các Người Kế Vị như sau:

Trên bình diện lịch sử, sự hiệp nhất với Tông Tòa bảo đảm cho các Giáo Hội địa phương và các Hội Đồng Giám Mục sự tự do đối với các quyền bính địa phương, quốc gia hay quốc tế, trong một vài trường hợp có thể ngăn cản sứ mệnh của Giáo Hội. Ngoài ra, và một cách đặc biệt, sứ vụ Phêrô là bảo đảm của sự tự do trong nghĩa gắn bó trọn vẹn với sự thật, với truyền thống đích thật, và như thế Dân Chúa được giữ gìn khỏi các lầm lạc về đức tin và luân lý... Đậy là điều hiển nhiên trong trường hơp các Giáo Hội bị bách hại, hay bị các quyền lực xen vào, hoặc bị các thử thách khó khăn khác. Nhưng nó cũng không kém phần quan trọng trong trường hợp các Cộng đoàn bị ảnh hưởng của các giáo thuyết lầm lạc hay các khuynh hướng ý thức hệ và thực hành trái với Tin Mừng. Như thế, trong nghĩa này, Dây Pallium trở thành dấu chỉ của sự tự do, giống như “ách êm ái nhẹ nhàng” mà Chúa Giêsu mời gọi mọi người mang trên vai (Mt 11,29-30).

Sau cùng là lời Chúa Kitô hứa giải thoát Giáo Hội khỏi các quyền lực hỏa ngục. Một trong các hậu qủa đặc thù hành động của Kẻ Dữ là gây chia rẽ trong Cộng đoàn Giáo Hội. Thật thế, các chia rẽ là triệu chứng sức mạnh của tội lỗi tiếp tục tác động nơi các thành phần Giáo Hội, cả sau khi được ơn cứu rỗi. Sự hiệp nhất của Giáo Hội đâm rễ sâu nơi sự hiệp nhất với Chúa Kitô là nguồn gốc của sự hiệp nhất tràn đầy của các kitô hữu, cần được tìm kiếm và canh tân từ đời này sang đời khác. Đức Thánh Cha xin hai thánh Phêrô Phaolô bầu cử cho các Tổng Giám Mục Trưởng Giáo Tỉnh ngày càng yêu mến Hội Thánh hơn là Thân Mình mầu nhiệm của Chúa Kitô, sứ giả của hiệp nhất và hòa bình cho mọi người, cũng như biết tươi vui dâng mọi vất vả khổ đau phải chịu vì trung thành với Tin Mừng cho sự thánh thiện và sứ mệnh của Giáo Hội. Ngài xin Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các Tông Đồ, luôn che chở các vị trong sứ vụ Tổng Giám Mục Trưởng Giáo Tỉnh.

Sau khi Đức Thánh Cha kết thúc bải giảng, các Phó tế bưng các dây Pallium tới trước bàn thờ Tuyên xưng đức tin. Dây Pallium hay Dây Quàng Cổ có hai dải phía trước và phía sau, quàng bên ngoài áo lễ, được dệt bằng lông chiên màu trắng có thêu 5 thánh giá mầu đen, hai dải cũng kết thúc bằng len mầu đen. Nó biểu hiệu cho sự hiệp nhất của các Tổng Giám Mục Trưởng các Giáo Tỉnh trên toàn thế giới với Đức Giáo Hoàng, Chủ Chăn của Giáo Hội hoàn vũ, cũng như biểu hiệu cho quyền bính trên các Giám Mục khác thuộc giáo tỉnh.

 Truyền thống của Dây Quàng Cổ có từ thế kỷ thứ IV, và di tích các hình vẽ có từ thế kỷ thứ V. Từ thế kỷ thứ V trở đi nó thuộc phẩm phục của Đức Giáo Hoàng và các Tổng Giám Mục Trưởng. Theo thời gian, đặc biệt trong thời Trung Cổ, các Dây Pallium này biến dạng với các hình thánh giá khác nhau, có khi là mầu hồng ám chỉ Chúa Kitô là Chủ chiên lành kiếm tìm con chiên lạc và hối thúc đoàn chiên trở về. Trừ các Giáo Hội công giáo đông phương Maronít, Malankara và Malabar không dùng Dây Palliun, trong các Giáo Hội Đông Phương khác Dây Pallium rộng tới hai vai và có hai dải phía trước và phía dài xuống tới chân, có thêu thánh gía mầu đen hay mầu hồng.

Vào thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II các chiên con được dâng trong dịp lễ Phục Sinh được giao cho các nữ tu dòng kín nuôi và lấy len của chúng để làm Dây Pallium. Từ hậu bán thế kỷ thứ IX trở đi các Tổng Giám Mục Trưởng Giáo Tỉnh có thói quen xin Dây Pallium này, trong thời gian 3 tháng sau khi được chỉ định làm Tổng Giám Mục. Ngày nay, nghi lễ trao dây Palllium được tổ chức tại Roma ngày 29 tháng 6 hàng năm nhân dịp lễ trọng kính hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô. Nếu vì lý do ngăn trở vị Tổng Giám Mục không thể đến Roma được, Dây Pallium sẽ được gửi tới cho đương sự.

Đức Hồng Y trưởng đẳng Phó tế xướng danh 38 vị Tổng Giám Mục trưởng giáo tỉnh và nói: “Kính lậy Đức Thánh Cha, các Tổng Giám Mục đáng kính hiện diện nơi đây tỏ lòng tôn kính trung thành và vâng phục lên Đức Thánh Cha và Tông Tòa, khiêm nhường kính xin Đức Thánh Cha trao cho các ngài Dây Pallium, lấy từ Mộ Thánh Phêrô, như dấu chỉ quyền Tổng Giám Mục đứng đầu Giáo Tỉnh, trong niềm hiệp thông với Giáo Hội Roma và được bổ nhiệm cách hợp pháp trong Giáo Tỉnh của mình”.

Tiếp theo đó các Tổng Giám Mục xướng tên mình và tên Giáo Phận và tuyên thệ trước mặt Đức Thánh Cha và cộng đoàn như sau: “Tôi... Tổng Giám Mục Giáo Phận... sẽ luôn luôn trung thành và tuân phục Thánh Phêrô Tông Đồ, Giáo Hội tông truyền Roma, Đức Thánh Cha là Giáo Hoàng, và các Đấng kế vị cách hợp pháp của Đức Thánh Cha. Và xin Thiên Chúa toàn năng trợ giúp con”.

Rồi Đức Thánh Cha đọc lời nguyện làm phép Dây Pallium: “Lậy Thiên Chúa là Mục tử đời đời của các linh hồn mà Chúa đã kêu gọi, nhờ Con Chúa, Đức Giêsu Kitô, như là các con chiên của đoàn chiên và việc chăn dắt đoàn chiên này được trao phó - dưới hình ảnh Chúa Chiên Lành - cho thánh Phêrô và các Đấng kế vị Người, qua thừa tác vụ của chúng con, xin Chúa đổ tràn đầy ân sủng đem lại phúc lành của Chúa trên các Dây Pallium này, được chọn để biểu hiệu cho thực tại săn sóc mục vụ.

Xin Chúa nhân từ thương chấp nhận lời cầu nguyện chúng con khiêm nhường dâng lên Chúa, nhờ công nghiệp và lời khẩn cầu của các Thánh Tông Đồ mà ban cho những người do ân lộc Chúa, sẽ đeo các Dây Pallium này để họ ý thức nhận ra mình là Mục Tử coi sóc đoàn chiên Chúa, và để họ thực hành trong cuộc sống ý nghĩa của biểu hiệu này.

Xin cho các Ngài nhận lấy ách Phúc Âm trên vai và xin cho ách này trở nên nhẹ nhàng êm dịu để các ngài có thể bước đi trước đoàn chiên trong việc thực thi các giới răn của Chúa, với gương sáng trung kiên cho tới khi đáng được đưa vào các đồng cỏ vĩnh cửu của Nước Chúa. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Sau cùng Đức Thánh Cha đọc công thức trao dây Pallium: “Để tôn vinh Thiên Chúa toàn năng và ca tụng Đức Maria trọn đời đồng trinh và các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, và để làm hiển vinh các Tòa Tổng Giáo Phận đã được trao phó cho anh em, và để cho thấy quyền của vị Trưởng Giáo Tỉnh, Ta trao cho anh em dây Pallium, lấy từ mộ nơi tử đạo của Thánh Phêrô, để anh em dùng trong ranh giới Giáo tỉnh của mình. Ước chi Dây Pallium này là dấu hiệu của sự hiệp nhất ràng buộc trong tình hiệp thông với Tông Tòa, là mối dây bác ái và tăng thêm sức mạnh, để trong ngày trở lại và ngày mạc khải của Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa tối cao và là Thủ Lãnh các mục tử, cùng với đoàn chiên đã được trao phó, anh em chiếm được áo của sự bất tử và vinh quang”.

 Tiếp đến Đức Thánh Cha đeo Dây Pallium cho từng Tổng Giám Mục và hôn chúc bình an các vị, trong khi ca đoàn Sistina hát: “Các con hãy đi khắp nơi trên thế giới và dậy dỗ Tin Mừng cho muôn dân, Alleluia”.

Các lời nguyện tín hữu cầu cho Giáo Hội, các Tổng Giám Mục Trưởng Giáo Tỉnh và các nhu cầu của Giáo Hội, đã được đọc trong các thứ tiếng Bồ Đào Nha, Việt Nam, Malgache, Đại Hàn và Pháp. Lời nguyện tiếng Việt cầu cho Đức Thánh Cha như sau:

Cầu cho Đức Thánh Cha Biển Đức XVI Đấng Kế Vị thánh Phêrô và là vị Đại Diện của Chúa Kitô. Xin cho người luôn sống phù hợp với mầu nhiệm trọng đại người phục vụ, cho vinh danh Thiên Chúa và việc thánh hóa dân Ngài.

Trong phần hiệp lễ 50 linh mục đã giúp Đức Thánh Cha cho tín hữu rước Mình Thánh Chúa. Thánh lễ đã kết thúc lúc gần 12 giờ trưa.

Sau Thánh lễ Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin với tín hữu. Trong bài huấn từ ngắn, người nhắc lại lễ kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô Bổn Mạng Giáo Hội Roma. Hài cốt của hai thánh được cất giữ trong hai đền thờ nguy nga dâng kính các Ngài.

Tuy nhận đươc các đặc sủng và sứ mệnh khác nhau, nhưng cả hai đều là nền tảng của Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, thường hằng rộng mở cho năng động truyền giáo và đại kết, vì cả hai vị đều đã được Chúa gửi đi loan báo, làm chứng, thực thi và phổ biến mầu nhiệm hiệp thông trên thế giới.

Đức Thánh Cha đã chào thăm và chúc mừng lễ các Tổng Giám Mục Trưởng Giáo Tỉnh và tín hữu đã tham dự thánh lễ và lễ nghi trao Dây Pallium cho các vị bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.

Linh Tiến Khải

 


Về Trang Mục Lục