Loan báo Chúa Giêsu Kitô tại châu Á ngày nay

WHĐ / Tổng hợp (11.09.2010) – Đại hội giáo dân công giáo châu Á, vừa diễn ra tại Seoul (Hàn quốc) từ ngày 31-08 đến 05-09. Đại hội do Hội đồng Tòa thánh phụ trách giáo dân tổ chức với sự cộng tác của Ủy ban giáo dân thuộc Hội đồng giám mục Hàn quốc, về chủ đề “Loan báo Chúa Giêsu Kitô tại châu Á ngày nay”. Đại hội quy tụ khoảng 400 tham dự viên, gồm các đại biểu và các giám mục đến từ 20 quốc gia thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu và các phái đoàn của 35 cộng đoàn, phong trào và hiệp hội giáo dân châu Á. Giáo hội công giáo Việt Nam có chín đại biểu tham gia: Đức giám mục Giuse Trần Xuân Tiếu, giám mục giáo phận Long Xuyên, chủ tịch Ủy ban giáo dân thuộc Hội đồng giám mục Việt Nam, linh mục Giuse Tạ Huy Hoàng, tổng thư ký Ủy ban, linh mục Giuse Trần Văn Toàn, phụ trách các tu sinh, giáo phận Long Xuyên, linh mục Đôminicô Ngô Quang Tuyên, tổng thư ký Ủy ban Loan báo Tin Mừng, một nữ tu và bốn giáo dân. Đoàn công giáo Việt Nam tham gia với một bài tham luận về Giáo hội Việt Nam và vai trò của người giáo dân được linh mục Giuse Tạ Huy Hoàng trình bày ngay ngày 01-09-2010.

Sứ điệp của Đức giáo hoàng

Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, qua vị chủ tịch của Hội đồng Tòa thánh phụ trách giáo dân, Đức hồng y Stanilas Rylko, đã gửi Đại hội một sứ điệp. Sứ điệp đã được công bố hôm 01-09.

Trong sứ điệp, Đức giáo hoàng đã nhấn mạnh vào sự kiện là hai phần ba dân số thế giới tập trung tại châu Á và đang sống với “sự tăng trưởng kinh tế” và “biến đổi xã hội” chưa hề thấy trước đây.

Sứ điệp khẳng định: Ơn kêu gọi của người công giáo tại châu Á là trở thành “dấu chỉ và sự hứa hẹn về sự hiệp nhất và hiệp thông, với Thiên Chúa và giữa con người”. Và sứ vụ của người công giáo luôn là “làm chứng về Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ phổ quát của nhân loại”. Đức giáo hoàng cho đây là một “công việc tối thượng” và là “quà tặng lớn nhất” Giáo hội có thể ban tặng cho “người dân châu Á”.

Trong bối cảnh đó, để chu toàn vai trò của mình, người giáo dân, hơn bao giờ hết, phải ngày càng “ý thức” về “ân sủng của bí tích Thánh Tẩy” và về “phẩm giá riêng của họ với tư cách là con của Thiên Chúa”.

Đức giáo hoàng kêu gọi trước tiên phải có sự hiệp nhất: “một sự hiệp nhất trong trí óc và con tim với các vị mục tử”, những người có trách nhiệm đồng hành với họ “ở mỗi giai đoạn của cuộc hành trình đức tin của họ”.

Ngài chỉ ra hai phương thế ưu việt: đó là “một nền giáo dục đạo đức và giáo lý hoàn hảo”. Ngài cũng khuyến khích họ “hợp tác một cách tích cực, không chỉ trong việc xây dựng các cộng đoàn kitô hữu địa phương của mình, mà trong cả việc tạo ra những hình thức mới để loan báo Tin Mừng trong mọi môi trường của xã hội”. Ngài cổ vũ họ “làm chứng cho chân lý của Tin Mừng,” nhắc nhở họ “một chân trời rộng lớn của sứ vụ” đang chờ đợi họ.

Đức giáo hoàng khuyến khích đặc biệt việc làm chứng bởi đời sống gia đình, tình yêu vợ chồng, bởi cuộc sống trong gia đình theo các nguyên lý Kitô giáo, việc bảo vệ sự sống, sự quan tâm chăm sóc đối với người nghèo và kẻ bị áp bức, thái độ sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù nghịch và kẻ bách hại, và trở thành gương mẫu về sự công bằng, tình yêu chân lý và về tình liên đới, trong lao động và trong đời sống xã hội.

Sứ điệp ca ngợi sự dấn thân của các giáo lý viên, những người “thông truyền các kho tàng của niềm tin công giáo cho người trẻ và người có tuổi”, ca ngợi các phong trào tông đồ và đặc sủng, các hội đoàn và phong trào của Giáo Hội.

Đức giáo hoàng cũng mong muốn có những “chương trình riêng biệt” cho việc rao giảng Tin Mừng mới, đồng thời ngài cũng nhắc nhở về tầm quan trọng phải gắn việc cầu nguyện với các công việc bác ái để các cộng đoàn được “đổi mới trong sự hăng say loan báo Tin Mừng”.

 

Quang cảnh Đại hội

Thông điệp của Đại hội

Sau sáu ngày làm việc, Đại hội đã kết thúc vào ngày 05-09 với một thánh lễ trọng thể được cử hành tại nhà thờ chính tòa. Đại hội đã đệ trình Đức Thánh Cha một bức thư cám ơn ngài về tấm lòng ưu ái của ngài đối với giáo hội tại châu Á và đối với Đại hội, đồng thời gửi một thông điệp chia sẻ các kết quả của Đại hội với anh chị em giáo dân của Giáo hội công giáo tại châu Á.

Các tham dự viên Đại hội nhấn mạnh rằng, mặc dù trách nhiệm nặng nề được giao cho đàn chiên nhỏ bé các Kitô hữu tại châu Á, họ cũng hiểu rằng sứ vụ của giáo dân “không chỉ là tham gia trong việc xây dựng các cộng đoàn kitô hữu địa phương mà cả trong việc tìm ra những con đường mới để loan báo Tin Mừng trong mọi lĩnh vực của xã hội”.

“Chúng tôi đã nghe được lời kêu gọi trở thành muối và ánh sáng của lục địa châu Á”, thông điệp kết thúc Đại hội tuyên bố.

“Chúng tôi tuy không đông nhưng có mặt khắp nơi, và tình yêu của chúng tôi đến với tất cả các anh chị em của chúng tôi tại châu Á, không phân biệt và không loại trừ một ai”.

Ý thức về tầm quan trọng của vai trò người Kitô hữu trong xã hội hiện tại, các tham dự viên khẳng định: “Chúng tôi hãnh diện về sự phong phú của các truyền thống văn hóa lâu đời của chúng tôi, và được thôi thúc chia sẻ niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, sự hoàn thành của mọi khát vọng của con người”.

Trong thông điệp kết thúc Đại hội, các giáo dân châu Á tự ví mình như một “đàn chiên nhỏ bé nhưng không cảm thấy mặc cảm hay e ngại về tính cách thiểu số của mình”: “Chúng tôi không muốn giam mình trong bốn bức tường của Giáo Hội, nhưng chúng tôi cảm thấy được kêu gọi trở thành muối và ánh sáng của lục địa châu Á”. “Chúng tôi muốn là những con người tích cực trong đời sống của Giáo Hội địa phương trong sự hiệp thông với các giám mục”.

Thông điệp giải thích: châu Á hiện đang trải qua một tiến trình tăng trưởng và biến đổi xã hội, kinh tế và dân số chưa từng thấy trước đây, nhưng vẫn còn những khó khăn phải vượt qua, liên quan đến việc thực thi sự tự do, công bằng, tình liên đới và phát triển các điều kiện nhân bản hơn.

Trong bối cảnh này, người giáo dân đánh giá “sự đóng góp của người Kitô hữu vì lợi ích của lục địa là một đóng góp “độc đáo và thiết yếu” và họ cam kết tăng gấp đôi nỗ lực để kinh nghiệm Kitô hữu tiếp tục đi con đường của mình trong xã hội.

Thông điệp nói rõ: “đây không phải là một thứ tiếp thị có tính cách chiến lược hay một thứ chiêu mộ tín đồ một cách cuồng nhiệt, mà đơn thuần là kết quả của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, từ đó nảy sinh một cách tự nhiên ước muốn đem ân sủng này đến với người khác”.

Tưởng nhớ tới tất cả các người tử vì đạo, những nạn nhân của chủ nghĩa bảo thủ và của sự bách hại vì niềm tin của họ tại châu Á, thông điệp kêu gọi sự “dũng cảm”, hăng say theo Đức Kitô bằng cách nghe lời Người, để mỗi người có thể trở thành một “cộng sự không thể thiếu trong đời sống của Giáo Hội”, vạch ra “những con đường mới đế loan báo Tin Mừng trong xã hội”.

“Chúng ta là những người đem điều lợi tối thượng cho dân châu Á ngày nay và mai sau”, bản văn viết thêm. Chúng ta được mời gọi chia sẻ với người khác kho tàng lớn lao là Chúa Giêsu Kitô”.

Thư gửi Đức giáo hoàng

Đại hội cũng đã gửi lên Đức Thánh Cha một bức thư cám ơn về tấm lòng ưu ái của ngài đối với Giáo hội tại châu Á đồng thời tường trình với ngài về những nỗ lực của họ.

“Kính thưa Đức Thánh Cha, chúng con rất cảm động vì tấm lòng ưu ái đầy tình phụ tử và gần gũi của Đức Thánh Cha”. Đối với các tham dự viên Đại hội, ưu ái và gần gũi là một biểu hiện của “thừa tác vụ phổ quát và sự quan tâm thừa sai không mệt mỏi của Người kế vị thánh Phêrô”.

“Mặc dù sống trong một xã hội đang trải qua những biến đổi sâu sắc, chúng con vẫn ý thức về vai trò của mình trong việc xây dựng cộng đồng Kitô hữu, về ơn gọi thực thi bác ái vì lợi ích của mọi người tại châu Á”.

Giáo dân tại châu Á cũng cầu xin Đức giáo hoàng, trong lời cầu nguyện của ngài, nhớ đến mọi chứng từ dũng cảm của lòng tin, vốn, với lòng yêu mến và hy vọng, loan báo Lời Chúa trên lục địa.

Bầu khí công giáo

Đại hội giáo dân đã diễn ra trong bầu khí công giáo và đại đồng, như Đức hồng y tổng giám mục Seoul, Nicholas Cheong Jinsuk, đã nhấn mạnh trong thánh lễ bế mạc do chính ngài chủ tế, hôm Chúa nhật, tại nhà thờ chính tòa Myongdong.

“Chúng ta có thể nói rằng toàn Giáo hội châu Á đều đã tụ họp tại đây, trong sự hiệp thông thực sự và đầy tình cảm với Đức Thánh Cha của chúng ta, qua Hội đồng Tòa thánh phụ trách giáo dân”.

Đức hồng y Cheong đã nói đến Giáo hội Hàn quốc, vốn trong ba mươi năm qua, đã tăng 66%, đạt gần 6 triệu tín hữu, tức 10% dân số.

Đức hồng y cũng nói đến “công việc bác ái giúp đỡ người trong cơn túng thiếu và thái độ cương quyết và dứt khoát của Giáo Hội trong các lĩnh vực công bằng, bảo vệ quyền của người lao động dưới các chế độ độc tài”.

“Việc loan báo Tin Mừng tại châu Á không phải là một sứ vụ không thể thực hiện được… Giáo Hội châu Á cần có thêm nhiều tông đồ mới, thấm nhuần học thuyết xã hội của Giáo Hội, có khả năng thực thi sứ vụ của họ trên bình diện đối thoại và rao giảng Tin Mừng”.

“Một thiên niên kỷ mới, một mùa xuân mới trong việc rao giảng Tin Mừng đã ló rạng tại châu Á. Giờ đã điểm để những vị tông đồ mới làm chứng cho Đức Kitô, không sợ sệt, biến châu Á thành một lục địa của hy vọng đối với thế giới”.

Tự do tôn giáo

Một trong các chủ để được nêu lên tại đại hội là chủ đề về tự do tôn giáo.

Trích dẫn một báo cáo của Hội Giúp đỡ Giáo Hội trong cơn cùng quẫn (Aide à l’Église en Détresse (AED), các người tham dự Đại hội cho biết quyền tự do tôn giáo đã bị giới hạn tại nhiều vùng rộng lớn của lục địa.

Thực tế, trong danh sách 13 nước trên thế giới bị xem là nơi quyền tự do tôn giáo bị giới hạn trầm trọng, thì có tới mười nước nằm ở châu Á.

Ký ức về không biết bao đấng tử đạo đã hy sinh mạng sống mình về tình yêu đối với Đức Kitô và đối với con người tại châu Á cũng đã được gợi lên tại Đại hội. Riêng tại Hàn quốc, trong vòng 100 năm, 10.000 người công giáo đã bị giết vì đức tin của họ. Hàn quốc đã dành trọn tháng chín hàng năm để bày tỏ lòng tôn kính đối với các thánh tử đạo. Người công giáo Hàn quốc cũng không quên nhớ tới các thừa sai Pháp và các thừa sai thuộc các quốc tịch khác đã tử vì đạo trên mảnh đất của họ.

Các tình nguyện viên

Thành công của Đại hội, một phần lớn nhờ ở sự dấn thân đại độ và không mệt mỏi của hàng chục anh chị em giáo dân thiện nguyện đã góp phần tổ chức với tinh thần tận tụy và sự chuyên nghiệp của họ.

Nhiều người trong số họ đã hy sinh kỳ nghỉ hằng năm, thường là ba, bốn ngày tại Hàn quốc. Nhiều thành viên của phong trào Focolari và Con đường Chầu nhưng mới đã giúp phiên dịch cùng lúc các phát biểu bằng tiếng Italia, Anh và Hàn quốc.

Bà con trong giáo xứ Seoul đã góp công góp sức trong việc hát lễ hay trong các lễ nghi, tổ chức tiếp đón, lau chùi, dọn dẹp, trang trí… Sự phục vụ của họ đã được các người tham dự ghi nhận và chân thành biết ơn.

Giuse Nguyễn

 


Về Trang Mục Lục