Đức Thánh Cha Biển Đức XVI viếng thăm
mục vụ Anh quốc
Radiovaticana 13/09/2010 – Phỏng vấn Đức Hồng Y Vincent Nichols,
Tổng Giám Mục Westminster, và Lord Christopher Patten, đặc nhiệm của thủ tướng
Anh tổ chức chuyến viếng thăm mục vụ Anh quốc của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI
Trong các ngày từ 16 tới 19 tháng 9 này Đức Thánh Cha Biển Đức XVI
sẽ viếng thăm Anh quốc thể theo lời mời của Nữ hoàng Elidabét II và Hội Đồng
Giám Mục nước này.
Trong các ngày lưu lại đây Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Nữ hoàng
Elidabet II tại dinh Holyrood House ở Edinburg, chủ sự thánh lễ cho tín hữu tại
Công viên Bellahouston trong tỉnh Glasgow, cũng như gặp gỡ các đại diện thế
giới chính trị, văn hóa và kinh doanh tại Westminster Hall. Đức Thánh Cha cũng
sẽ tham dự một buổi phụng vụ đại kết tại Đan viện
Các sinh hoạt của chuyến viếng thăm sẽ được đài truyền hình BBC
chiếu trực tiếp và nhiều chương trình và phóng sự về Đức giáo Hoàng sẽ được
truyền đi trên đài phát thanh và truyền hình BBC Luân Đôn.
Anh quốc rộng 230.762 cây số vuông. có 59 triệu 381 ngàn đân, trong
đó có 5 triệu 264 ngàn tín hữu công giáo. Nhân lực của Giáo Hội gồm 59 Giám
Mục, 3.819 Linh Mục triều, 1.406 Linh Mục dòng, 802 Phó tế vĩnh viễn, 245 đại
chủng sinh, 342 tu huynh, 6.155 nữ tu và 34.669 giáo lý viên. Số nhân lực trên
đây phục vụ trong 32 giáo phận, 2.977 giáo xứ và 239 trung tâm mục vụ. Giáo Hội
cũng điều khiển 2.378 trường mầu giáo và tiểu học, 428 trường trung học 22 đại
học và cao học, với tổng cộng hơn 800.000 sinh viên học sinh. Ngoài ra Giáo Hội
cũng điều hành 8 nhà thương, 171 nhà dưỡng lão, 78 viện mồ côi, 94 trung tâm cố
vấn gia đình và bảo vệ sự sống, 147 trung tâm giáo dục đặc biệt hay cải huấn xã
hội.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức
Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám Mục Westminster, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục
Anh quốc về chuyên viếng thăm mục vụ Anh quốc của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, trong các ngày qua Đức Tổng Giám Mục George
Carey, nguyên Giáo chủ Anh giáo, đã công bố sứ điệp chào mừng Đức Thánh Cha
viếng thăm Anh quốc. Trong sứ điệp Đức Tổng Giám Mục Carey đã nêu bật vai trò
tích cực của Giáo Hội công giáo đối với xã hội Anh. Sự trông đợi xem ra ngày
càng lớn mạnh, và chuyến viếng thăm sẽ lôi cuốn toàn Anh quốc, chứ không chỉ
liên quan tới Giáo Hội công giáo mà thôi, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Vâng, riêng cá nhân tôi, tôi chờ đợi chuyến viếng thăm của Đức
Thánh Cha với niềm vui và tâm tình tham dự sâu đậm, bởi vì sự hiện diện của Đức
Thánh Cha tại Anh quốc sẽ là một thời điểm rất quan trọng đối với cuộc sống đức
tin. Lý do là vì Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là một nhân vật rất lôi cuốn và
được mọi người qúy trọng. Tôi nghĩ rằng dân chúng Anh, Êcốt và vùng Galles sẽ
tiếp đón Đức Thánh Cha với lòng yêu mến và lòng yêu mến đó sẽ gia tăng trong
cuộc viếng thăm.
Hỏi: Trọng tâm chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha tại Anh
quốc là lễ tôn phong Chân Phước cho Đức Hồng Y John Henry Newman. Biến cố này
có tầm quan trọng nào đối với xã hội Anh, chứ không phải chỉ đối với tín hữu
công giáo mà thôi?
Đáp: Đối với chúng tôi, đó sẽ là một thời điểm lịch sử, bởi vì đây là
lần đầu tiên từ 500 năm qua một vị không phải là tử đạo được tôn phong Chân
phước tại Anh quốc. Đức Hồng Y Newman là một nhân vật quan trọng của nền văn
hóa Anh quốc, và cuộc hành trình của người từ Giáo Hội Anh giáo sang Giáo Hội
Công giáo đã là một điều đáng khâm phục vào thời ấy. Đức Hồng Y Newman đã có
khả năng giải thích cuộc hành trình đức tin này. Chắc chắn người là một gương
mặt của nền văn chương, một gương mặt của nền giáo dục Anh. Vì thế lễ nghi
phong chân phước này là biến cố lịch sử rất quan trọng.
Hỏi: Chuyến viếng thăm mục vụ này của Đức Thánh Cha Biển Đức có thể
đem lại các hoa trái nào, cả trên bình diện đại kết nữa, thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Trên bình diện đại kết sẽ có hai cuộc gặp gỡ: Thứ nhất là sự kiện
Đức Thánh Cha sẽ thăm Dinh Lambeth và hội kiến với Đức Tổng Giám Mục
Canterbury, vì trong lúc này tương quan giữa hai Giáo Hội Công giáo và Anh giáo
đang ở trong giai đoạn tế nhị. Biến cố thứ hai là buổi cử hành đại kết tại Đan
viện
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ nói với con tim
của mọi người, theo khẩu hiệu được chọn cho chuyến công du mục vụ là “Con tim
với con tin”, có đúng thế không?
Đáp: Ngôn ngữ của con tim cũng là ngôn ngữ của hình ảnh, của các lúc
gặp gỡ hơn là của các đề tài thảo luận. Chuyến viếng thăm này sẽ tràn đầy các
hình ảnh, các lúc gặp gỡ biểu tượng trực tiếp nói với trái tim con người. Đức
Thánh Cha có khả năng nói chuyện một cách cá nhân và rất thu hút. Đức Thánh Cha
có khả năng nói với con tim bằng các hình ảnh và ngài có các lời lẽ rất cao
qúy. Tôi tin rằng điều này cũng sẽ xảy ra với chúng tôi tại Anh quốc.
** Sau đây là một số nhận định của Lord Christopher Patten,
đặc nhiệm của thủ tướng Anh chuẩn bị chuyến viếng thăm Anh quốc của Đức Thánh
Cha.
Hỏi: Thưa ông Patten, đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng chính
thức viếng thăm Anh quốc, vì do Nữ hoàng Elidabét mời. Và Đức Thánh Cha sẽ được
Nữ hoàng tiếp kiến tại dinh Holyrood House ở
Đáp: Tôi chắc chắn là mọi chuẩn bị do chính quyền trung ương cũng như
địa phương và các Hội Đồng Giám Mục Anh quốc và Êcốt xúc tiến, sẽ khiến cho
chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha được thành công tốt đẹp.
Hỏi: Đâu là thách đố lớn nhất trong các tuần chuẩn bị này thưa ông?
Đáp: Có lẽ người ta đánh gía thấp sự phức tạp của việc phối hợp chuyến
viếng thăm của một quốc trưởng và chuyến viếng thăm mục vụ của một thủ lãnh
Giáo Hội. Chẳng hạn trong trường hợp của tổng thống Barack Obama, chúng tôi
không thể nào để cho ông ra ngoài gặp gỡ 100.000 người. Nhưng trong trường hợp của
Đức Giáo Hoàng thì lại khác. Tuy nhiên việc chuẩn bị đang tiến hành tốt đẹp;
chúng tôi cố gắng làm sao để cộng đoàn công giáo cũng như cộng đoàn các tín hữu
khác và dân chúng có thể đến gần Đức Giáo Hoàng trong các lễ nghi và sinh hoạt
mục vụ. Đây cũng là dịp giúp chứng minh cho thấy một chính quyền của một nước
không có đa số theo Công Giáo, nhưng vẫn có các cơ quan rộng rãi có thể cộng
tác với Giáo Hội công giáo trong nhiều lãnh vực khác nhau như sự bình đẳng toàn
cầu, các thay đổi khí hậu, môi sinh có thể chịu đựng nổi vv... Từ từ, khi người
ta ý thức được tầm quan trọng chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha, chúng
tôi có thể gây ngạc nhiên cho những người ban đầu đã tỏ ra khó chịu phê bình
cuộc viếng thăm này.
Hỏi: Vâng, đúng thế, đã có các lời phê bình chuyến công du này của
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại Anh quốc. Điều này có khiến cho ông lo lắng
không?
Đáp: Không. Chúng ta đang sống trong một xã hội tự do. Dân chúng có
quyền phản đối một cách hòa hoãn. Nhưng tôi nghĩ đó chỉ là một thiểu số rất bé
nhỏ. Điều khiến cho chúng tôi rất lo lắng: đó là làm sao bảo đảm an ninh, không
phải chỉ cho Đức Thánh Cha, nhưng còn bảo đảm thế nào để cho các biến cố mục vụ
được diễn ra tốt đẹp nữa, nếu không thì sẽ là một xúc phạm lớn...
Hỏi: Thưa ông Patten, cũng có những lời chỉ trích liên quan tới số
tiền mắc mỏ ngày càng gia tăng phải chi cho cuộc viếng thăm này của Đức Giáo
Hoàng, ông nghĩ sao?
Đáp: Các chi phí cho cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng là khoảng từ 10
tới 12 triệu bảng anh. Nhưng nếu chúng ta so với các chi phí cho hội nghị
thượng đỉnh của khối G20, chỉ kéo dài có 1 ngày, mà đã lên tới 19-20 triệu bảng
anh, thì điều này phải khiến cho người ta suy tư về sự kiện mọi việc phải ở
trong bối cảnh riêng của nó.
Hỏi: Mới đây ông có nói rằng Anh quốc là nước tục hóa nhất mà Đức
Giáo Hoàng viếng thăm cho tới nay, có đúng thế không?
Đáp: Vâng, tôi có ý ám chỉ các khía cạnh như: số tín hữu tham dự Thánh
Lễ ít, ước muốn biểu lộ đức tin kém, cộng thêm với khuynh hướng vô ngộ và chủ
thuyết vô thần trí thức đã xâm chiếm nhiều không gian trong cuộc sống công cộng
và lãnh vực truyền thông. Có một câu liên quan tới cái chết trong cuốn sách rất
hay của nhà văn Julian Barnes. Ông bắt đầu cuốn sách với câu nói với người em: “Không
có gì phải sợ hãi. Anh không tin nơi Thiên Chúa, nhưng anh thiếu vắng Ngài”.
Tôi tin rằng đó là tâm tình của nhiều người sống trong xã hội Anh quốc của
chúng tôi hiện nay.
Hỏi: Ông cũng đã nói tới thái độ bất khoan nhượng tôn giáo tại Anh.
Nó chỉ là sự bất khoan nhượng đối với Giáo Hội công giáo thôi, hay thế nào?
Đáp: Vâng, tôi tin rằng đó là sự bất khoan nhượng đặc biệt đối với Giáo
Hội công giáo, vì tầm quan trọng ưu đẳng của nó, vì sự trường thọ của nó cũng
như sự chắc chắn mà Giáo Hội công giáo khẳng định vài sự thật nền tảng của cuộc
sống. Nhưng điều này không khiến cho tôi phải lo lắng thái qúa. Tôi nghĩ rằng
chúng ta phải trung thực, và khi chúng ta đưa ra một vài khẳng định nào đó,
chúng ta phải nhận rằng thường khi trong qúa khứ chúng ta cũng bất khoan nhượng
nữa...
Hỏi: Trong bối cảnh như thế, làm cho sứ điệp của Đức Thánh Cha đến
được với dân chúng xem ra là điều khó, có đúng thế không thưa ông?
Đáp: Tôi nghĩ rằng có lẽ dễ khiến cho sứ điệp đến với dân chúng hơn,
khi chú ý tới nhiều đề tài mà Giáo Hội đề cập tới, nhất là khi chú ý tới sự
nhậy cảm của các thế hệ trẻ đối với các khía cạnh của công bằng xã hội trên
bình diện toàn cầu. Chắc chắn có ít người biết rằng 25% các cơ cấu giáo dục
trong vùng Phi châu nam sa mạc Sahara là do Giáo Hội công giáo cung cấp; 25%
việc trợ giúp y tế của toàn vùng này của Phi châu là do Giáo Hội công giáo và
các nhóm gắn liền với Giáo Hội đảm trách... Các sứ điệp này chắc chắn là đến
được với dân chúng một cách rõ ràng, chính nhờ sự hiện diện của Đức Thánh Cha
tại Anh quốc, và nhờ biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ quan trọng khác của ngài nữa.
Về điểm này thì chúng tôi không bi quan chút nào cả.
(SD 31-8-2010; SD 15-6-2010; 27-7-2010)
Linh Tiến Khải