Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Anh Quốc

Radiovaticana 16/09/2010 – EDINGBURG. Sáng 16-9-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã lên đường viếng thăm chính thức tại Anh quốc trong 4 ngày, từ 16 đến 19-9-2010 theo lời mời của Nữ Hoàng Elisabeth II.

Đây là lầu đầu tiên trong gần 5 thế kỷ, một thủ lãnh Giáo Hội Anh giáo mời một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm, tuy rằng hồi năm 1982, ĐTC Gioan Phaolô 2 đã đến thăm các tín hữu Công Giáo tại Anh quốc trong khuôn khổ một cuộc viếng thăm mục vụ.

Cao điểm và cơ hội của chuyến viếng thăm là lễ tôn phong chân phước cho ĐHY John Henry Newman, một nhân vật giữ một vai trò nổi bật trong sự hồi sinh của Giáo Hội Công Giáo tại Anh Quốc. Khẩu hiệu được chọn cho cuộc viếng thăm của ĐTC cũng là khẩu hiệu Hồng Y của Đức Newman “Lòng nói với lòng” (Cor ad Cor).

Tháp tùng ĐTC trên chuyến bay Airbus 320 của hãng Alitalia có 70 ký giả quốc tế và đoàn tùy tùng 30 người.

Vì những lý do lịch sử, Giáo Hội Công Giáo tại các đảo Anh có hai HĐGM: Ecosse (Scotland) và Anh, kể cả miền bắc Ai Len, với tổng cộng gần 5 triệu 300 ngàn tín hữu Công Giáo, trên tổng số gần 60 triệu dân, tức là tương đương với gần 9% dân số. Giáo Hội tại các đảo Anh gồm có 32 giáo phận với 59 GM, được sự cộng tác của 5.225 linh mục triều và dòng. Tại đây có 800 phó tế vĩnh viễn, 340 tu huynh và gần 6.200 nữ tu.

Sau hơn 3 giờ bay, vượt qua 1.930 cây số, máy bay chở ĐTC đã đáp xuống phi trường quốc tế Edinburg lúc gần 10 giờ rưỡi sáng. Đây một thành phố có nửa triệu dân cư, thủ phủ xứ Ecosse và cũng là trụ sở của tổng giáo phận Thánh Anrê và Edinburg có hơn 111.500 tín hữu Công Giáo do ĐHY Keith O'Brien coi sóc.

Không có nghi thức đón tiếp tại phi trường. ĐTC chỉ chào vài nhân vật và hội kiến ngắn với phu quân của Nữ Hoàng Elisabeth II, hoàng tế Philip, cũng là quận công xứ Edinburg. Liền đó ngài tiến về lâu dài hoàng gia Holyroodhouse, cách đó 15 cây số, để tham dự nghi thức đón tiếp chính thức. Lâu đài này, có nghĩa là Nhà Thánh Giá, là dinh thự chính thức của Nữ Hoàng ở xứ Ecosse trong mùa hè.

Tại lâu đài hoàng gia, ĐTC đã hội kiến riếng với Nữ Hoàng. Bà lớn hơn ĐTC 1 tuổi, sinh năm 1926 và vốn là con của Vua George VI, thành hôn với Trung Úy Philip Mountbatten năm 1947 khi được 21 tuổi. 4 năm sau đó, bà trở thành Nữ Hoàng Anh, đồng thời cũng là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội Anh giáo.

Sau khi hội kiến với Nữ Hoàng Anh, ĐTC được mời ra khuôn viên để gặp gỡ 400 người gồm các vị lãnh đạo chính quyền, giới chức chính trị, xã hội, Giáo Hội Anh giáo và Công Giáo, Do thái, cùng với một số vị đại biểu quốc hội Ecosse.

Trong lời chào mừng ĐTC, Nữ Hoàng Anh ca ngợi sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là các hoạt động của Giáo Hội trong việc giúp đỡ người nghèo và trong lãnh vực giáo dục. Nữ Hoàng cũng đề cao vai trò của tôn giáo trong xã hội Anh quốc, cũng như gia sản Kitô chung của Công Giáo và Anh giáo.

Diễn văn của Đức Thánh Cha

Trong diễn văn đầu tiên trên đất Anh, ĐTC đặc biệt đề cao căn cội Kitô của đất nước này và cảnh giác chống lại những hình thức tục hóa quá khích muốn loại bỏ các giá trị truyền thống và mọi căn cội Kitô. Ngài bắt đầu từ sự kiện tên của chính lâu đài hoàng gia:

“Tên Holyroodhouse, dinh thự chính thức của Nữ Hoàng tại xứ Ecosse này, gợi lại “Thánh Giá” và hướng cái nhìn về những căn cội Kitô sâu xa vẫn còn hiện diện trong mọi tầng lớp của đời sống ở đây. Các vị Vua Chúa của Anh và Ecosse đều là Kitô hữu ngay từ thời khởi đầu và trong đó có cả những vị thánh đặc biệt như Edoardo vị Hiển Tu và Margarita xứ Ecosse. Như Nữ Hoàng đã biết, nhiều người trong các vị ấy đã thi hành nghĩa vụ cai quản một cách kỹ lưỡng dưới ánh sáng Tin Mừng, và qua đó đã uốn nắn đất nước trong sự thiện hảo ở mức độ sâu xa nhất. Kết quả là sứ điệp Kitô đã trở nên thành phần của ngôn ngữ, tư tưởng và văn hóa của các hải đảo Anh trong hơn 1 ngàn năm. Lòng tôn trọng của các tiền nhân của quí vị đối với sự thật và công lý, sự khoan dung và lòng bác ái được truyền đến quí vị nhờ một niềm tin vẫn còn là một sức mạnh sâu xa để mưu cầu thiện hảo trong Vương quốc của quí vị, mưu lợi ích lớn lao cho các tín hữu Kitô và những người không Kitô”.

ĐTC nhắc đến sự đóng góp của Anh quốc để chấm dứt nạn buôn bán nô lệ trên thế giới, rồi cũng có những phụ nữ Anh như bà Florence Nightingale đã phục vụ người nghèo và các bệnh nhân, đặt ra những tiêu chuẩn mới trong việc săn sóc sức khỏe, sau đó được noi theo tại các nơi. John Henry Newman, sắp được phong chân phước, là một trong nhiều tín hữu Kitô Anh quốc trong thời đại của họ, với lòng từ nhân, tài hùng biện và hoạt động đã làm vinh dự cho đồng bào của mình.

ĐTC cũng đề cao các vị thủ lãnh của Anh quốc đã chống lại “chế độ độc đoán của Đức quốc xã nhắm loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi xã hội và coi nhiều người không có nhân tính chung, đặc biệt là những người Do thái bị họ coi là không đáng sống. Ngoài ra, tôi muốn nhắc đến thái độ của chế độ Đức Quốc xã đối với các vị mục tử Kitô và các tu sĩ đã rao giảng sự thật trong tình thương, đã chống đối Đức quốc xã và đã phải trả giá bằng mạng sống của mình vì sự chống đối đó. Và ĐTC cảnh giác rằng:

“Trong khi chúng ta suy tư những lời cảnh giác về chủ nghĩa cực đoan vô thần của thế kỷ 20, chúng ta không bao giờ có thể quên rằng sự loại trừ Thiên Chúa, loại trừ tôn giáo và đức tin ra khỏi đời sống công cộng rốt cục sẽ đưa đến một quan niệm què quặt về con người và xã hội, và qua đó, nó đưa tới một “quan niệm thu hẹp về con người và vận mệnh con người” (Caritas in veritate, 29).

ĐTC nhắc đến sự đóng góp của Anh quốc vào việc hình thành LHQ cách đây 65 năm, cũng như những nỗ lực của chính phủ nước này trong việc chấm dứt xung đột tại miền bắc Ai Len. Ngài nhận định rằng:

“Chính phủ và nhân dân Anh là đã hình thành những ý tưởng ngày nay vẫn còn ảnh hưởng vượt ra ngoài các đảo Anh. Điều này cũng đòi họ phải chu toàn nghĩa vụ đặc biệt, đó là hành động một cách khôn ngoan để mưu công ích. Đồng thời, vì ý kiến của họ được truyền tới rất nhiều người, nên các cơ quan truyền thông có một trách nhiệm hệ trọng hơn những người khác, và cũng có cơ hội rộng rãi hơn để thăng tiến hòa bình giữa các dân nước, sự phát triển toàn diện của các dân tộc và sự phổ biến các nhân quyền đích thực. Ước gì tất cả mọi người dân Anh có thể tiếp tục sống các giá trị lương thiện, tôn trọng và quân bình vốn làm cho họ được nhiều người quí chuộng và ngưỡng mộ.”

Và ĐTC kết luận rằng: “Ngày nay Vương quốc thống nhất đang cố gắng trở thành một xã hội tân tiến và đa văn hóa. Trong nghĩa vụ đầy khích lệ này, ước gì xã hội Anh luôn có thể duy trì sự tôn trọng các giá trị truyền thống và tôn trọng những biểu thị văn hóa mà những hình thức tục hóa quá khích nhất không còn quí chuộng và chấp nhận nữa. Ước gì xã hội Anh không để bị lu mờ nền tảng Kitô vốn là căn cội của tự do, và ước gì gia sản ấy, vốn luôn phục vụ đất nước, có thể liên tục hình thành tấm gương của chính phủ và dân tộc Anh đối với 2 tỷ thành viên của Khối Thịnh Vượng chung, cũng như đại gia đình các dân nước nói tiếng Anh trên thế giới”

Sau bài diễn văn, ĐTC đã được Nữ Hoàng tháp tùng giới thiệu với các vị khách mời cao cấp nhất và chào thăm họ. Trước khi giã từ lâu đài hoàng gia, ngài đã được một số em học sinh tặng hoa. Liền đó ngài dùng xe bọc kính tiến về tòa TGM giáo phận Edinburg. Trên xe ngài đeo một khăn quàng màu xanh đậm có sọc, biểu tượng của xứ Ecosse. Dọc đường 5 cây số, có đông đảo các học sinh, tín hữu và dân chúng đứng hai bên đường, cầm cờ Tòa Thánh và Ecosse để chào mừng ngài.

Tại tòa TGM giáo phận Thánh Anrê và Edinburg, ĐTC đã dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng cũng như các vị lãnh đạo Công Giáo ở địa phương, và nghỉ ngơi.

 

Ban chiều 16-9-2010, ĐTC đã giã từ thành phố Edinburg, đi xe tới Glasgow cách đó gần 90 cây số để cử hành thánh lễ đầu tiên trong cuộc viếng thăm. Hàng trăm ngàn tín hữu tụ tập tại công viên Bellahouston để tham dự thánh lễ do ĐTC cử hành. Sau thánh lễ, ĐTC ra phi trường đáp máy bay về thủ đô Luân Đôn.

G. Trần Đức Anh OP

 


Về Trang Mục Lục