Đại sứ Anh tại Vatican: “ Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI sẽ khiến người Anh phải ngạc nhiên”

WHĐ (17.09.2010) – Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI sẽ khiến người Anh phải ngạc nhiên khi chính Ngài trình bày cho họ về mối quan hệ giữa đức tin và lí trí.

Ông Francis Campbell, đại sứ Vương quốc Anh tại Tòa Thánh, đã nói như trên.

Ông Francis Campbell là người giữ vai trò then chốt trong việc chuẩn bị chuyến công du của ĐTC được thực hiện tại Vương quốc Anh.

Ông Francis Campbell sinh năm 1970 tại Bắc Ireland. Ông là thư ký riêng của cựu Thủ tướng Tony Blair tại Downing Street (Phủ Thủ tướng), và là đại diện của Nữ hoàng Elizabeth II cạnh Tòa Thánh từ năm 2005.

Ông đại sứ đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Jesús Colina thuộc hãng tin Zenit, chỉ vài ngày trước chuyến công du của ĐTC Bênêđictô XVI.

ZENIT: Vì sao Đức Giáo Hoàng quyết định đến thăm Vương quốc Anh?

Francis Campbell: Theo tôi, có hai lý do chính: một, vì lí do tôn giáo; hai, vì lí do quốc gia tức hoạt động đối ngoại của một nhà nước.

Lí do tôn giáo của chuyến viếng thăm này được đặt lên hàng ưu tiên. Trong dịp này, ĐGH sẽ tôn phong chân phước cho Đức cố Hồng Y John Henry Newman, một khuôn mặt lớn của Giáo hội tại Anh cũng như thế giới. Đóng góp của ĐHY Newman cho nền giáo dục Kitô giáo là rất lớn.

Về phía Nhà nước, Vương quốc Anh đã có những mối quan hệ quốc tế chặt chẽ với Tòa Thánh, hướng vào một loạt các vấn đề, từ sự phát triển quốc tế đển sự biến đổi khí hậu.

Xem xét tình hình “giao thông” chính trị trong những năm gần đây, có thể thấy Vương quốc Anh rất coi trọng quan hệ với Tòa Thánh. Trong sáu năm qua chúng tôi đã có năm chuyến viếng thăm của thủ tướng. Tôi nghĩ, có lẽ chỉ Washington hay Brussels mới có thể có nhiều chuyến viếng thăm như vậy của thủ tướng Anh.

Đó là do mối quan hệ của hai quốc gia tập trung vào nhiều vấn đề cơ bản có tầm vóc quan trọng.

Có hai cách nhìn Tòa Thánh. Một số chỉ đơn giản coi Vatican là một thành bang nhỏ (nhà nước-thành phố) ở châu Âu. Nhưng quan hệ của chúng tôi không phải với một nhà nước-thành phố nhỏ, nhưng là với Tòa Thánh. Quan hệ ngoại giao của chúng tôi quan tâm đến sự có mặt khắp nơi của Tòa Thánh, ảnh hưởng đến 17,50% dân số thế giới.

Từ đó, có thể đề cập đến nhiều lĩnh vực của thế giới như phát triển quốc tế, giải trừ quân bị, thay đổi khí hậu, giải quyết và ngăn ngừa những xung đột.

ZENIT: Các phương tiện truyền thông ở Anh đã dành hẳn một không gian lớn cho những lời chỉ trích Đức Giáo hoàng và một số nơi ở Vương quốc Anh in đậm dấu ấn lịch sử phức tạp của tinh thần bài Công giáo. Điều này có làm ông lo lắng không?

Francis Campbell: Không. Tôi muốn phân biệt rõ: Có những người chỉ trích tôn giáo, trong đó có Công giáo, xuất phát từ quan điểm bất đồng trên bình diện lí trí thuần túy.

Tôn giáo phải luôn mở rộng cho sự phê bình của lí trí. Nhiều người có thể tiếp cận sự phê bình này từ những quan điểm khác nhau. Người thì muốn thay đổi việc giảng dạy tôn giáo cá biệt mà họ vốn không chấp nhận. Người thì không tán thành niềm tin vào Thiên Chúa nói chung.

Vương quốc Anh có truyền thống lâu đời về chủ nghĩa nhân đạo. Sự bất đồng đối với tôn giáo không giới hạn trong phạm vi Vương quốc Anh. Phần lớn những người chỉ trích tôn giáo thuộc số những người bất đồng. Nhưng tôi muốn phân biệt những người chỉ trích tôn giáo với số ít người tỏ ra thiếu khoan dung, từ chối xử sự bình đẳng với tha nhân – cụ thể là với các tín đồ.

Chúng tôi có truyền thống phản biện. Đó chính là truyền thống dân chủ của những người có thể bày tỏ sự phản đối và quan điểm của mình - nhưng chúng tôi cũng có truyền thống tôn trọng, lắng nghe người khác.

Theo tôi, một trong các mối nguy chính là các nhà báo ngoài nước Anh. Họ cho rằng cứ làm ồn ào lên thì người ta phải nghe theo thôi. Thật sai lầm nếu chỉ dựa vào những thông tin ồn ào truyền đến công chúng.

Đôi khi cũng có người nói nước Anh là một quốc gia thế tục. Tôi không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng nước Anh là một quốc gia đa nguyên. Theo cuộc điều tra dân số gần đây nhất, trên 70% người được hỏi đã xác định mình là Kitô hữu.

Nếu nói chúng tôi là một quốc gia thế tục, thì cần phải nhìn vào vai trò của nữ hoàng, vì nữ hoàng là vị lãnh đạo tối cao Giáo Hội Anh.

Kitô giáo thấm sâu vào cơ cấu nhà nước và Giáo Hội Anh giáo tại đây (nước Anh) là Giáo Hội chính thức của nhà nước. Còn tại Scotland, lại có thể thức tổ chức khác, tức Giáo Hội của Scotland.

Nêu một ví dụ cụ thể. Gần một phần tư trẻ em Anh đang theo học tại các trường tôn giáo, đó là những trường công lập, được nhà nước tài trợ. Học sinh được học hỏi những tập tục tôn giáo của mình; 10% trường học ở Anh là trường Công giáo. Như vậy trường học tại nước Anh có thể được xếp vào hệ thống trường học tôn trọng tín ngưỡng tốt nhất thế giới.

Nếu một người theo Thiên Chúa giáo, Anh giáo hay Công giáo, hoặc một đạo nào khác muốn con cái được giáo dục trong đức tin của đạo mình, thì đều có thể dạy con cái theo truyền thống tập tục của đạo mình đồng thời cho con học đạo ngay trong trường nhà nước.

Những ví dụ trên cho thấy Vương quốc Anh là một xã hội đa nguyên. Tín đồ các tôn giáo có vai trò tích cực trong xã hội. Chính quyền và xã hội trân trọng giá trị của tôn giáo.

ZENIT: Ông có thể cho biết mối quan hệ cá nhân của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI với nước Anh?

Francis Campbell: Câu hỏi này đã từng được báo chí Anh đặt ra cho tôi. Theo tôi, nhìn từ quan điểm văn hóa, Đức Bênêđictô XVI có lẽ là vị giáo hoàng hiểu biết nhiều nhất về nước Anh.

Tại sao? Bởi vì các vị tiền nhiệm của ngài đều xuất thân từ xã hội toàn tòng Công giáo, còn Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đến từ một xã hội người Công giáo cùng chung sống với các tín đồ Luther. Ngoài ra, phần lớn cuộc đời ngài giảng dạy tại trường đại học có phân khoa thần học dạy cả thần học Luther và thần học Công giáo.

Tôi nghĩ rằng đây là một vị giáo hoàng đến thăm nước Anh với sự hiểu biết vững vàng về Tin lành thệ phản. Tại Scotland, chúng tôi có Giáo Hội Trưởng Lão, John Knox, có những mối liên hệ với Geneva. Còn tại Anh, chúng tôi có Giáo Hội Anh giáo vốn kết hợp truyền thống tông đồ với truyền thống cải cách. Đức giáo hoàng hiểu rõ những điều này vì chúng thuộc về quy phạm tư duy của ngài, một chiều kích thuộc về nội lực văn hóa.

Tôi xin nói chính xác về chiều kích thứ hai như sau. Các bạn thường nghe Đức giáo hoàng nói về thiểu số sáng tạo. Các bạn có biết nguồn gốc từ đâu không? Nếu các bạn đọc sách ngài viết về châu Âu và những điều ngài viết về châu Âu, quả thật sẽ nhận ra ngài đang quan tâm đến tương lai của phương Tây.

Ngài điểm qua cuộc tranh luận hấp dẫn, trong giai đoạn giữa hai cuộc đại chiến thế giới, giữa Oswald Spengler và Arnold Toynbee. Toynbee là một trong những khuôn mặt lớn trong đời sống nước Anh thế kỷ 20. Toynbee viết nhiều tác phẩm về lịch sử nền văn minh và Đức Bênêđictô XVI đã đứng về phía Toynbee. Nội dung cuộc tranh luận giữa Spengler và Toynbee như sau: Spengler nói, “Cũng như mọi nền văn minh khác, phương Tây sẽ đi hết con đường phát triển của mình, thịnh rồi suy”.

Còn Toynbee thì nói: “Không, phương Tây thì không như vậy, vì phương Tây là của Kitô giáo. Phương Tây có Kitô giáo và Kitô giáo hoạt động như một sự đổi mới, như một nguồn lực không ngừng đổi mới. Kitô giáo là thiểu số sáng tạo ngay tại tâm điểm của một nền văn minh”. Đức Bênêđictô XVI cũng đã lập luận và khẳng định như vậy.

Vì vậy ngài là một độc giả am tường về cuộc tranh luận có ý nghĩa rất quyết định mà một trong những nhà tư tưởng kiệt xuất của chúng tôi thế kỷ XX đã dự phần vào. Điều này sẽ giúp các bạn nhận biết, ai là người đọc ra được ý nghĩa về kinh nghiệm của nền văn hóa Anh một cách am tường đến thế.

Điểm thứ ba, và có lẽ là điều quan trọng nhất: Một trong những ưu tiên lớn trong sứ vụ giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI và nền thần học của ngài là mối tương quan giữa đức tin và lý trí, và thêm vào đó, là vị trí của tôn giáo trong không gian công cộng.

Tại Pháp và Hoa Kỳ, Đức giáo hoàng đã đề cập vấn đề này, và ngài nói về sự phân cách Giáo Hội và Nhà nước, tại sao lại như vậy, tại sao có sự khác nhau ở những nơi khác nhau, tại sao Giáo hội và tôn giáo cần phải có một tiếng nói, không phải là tiếng nói đòi đặc quyền nhưng lên tiếng yêu cầu không được loại trừ. Và đây, ngài đang đi đến nước Anh.

Và nếu các bạn nhìn vào ba trong số những nhân vật lớn của Công giáo Anh: Thomas Beckett, Thomas More và John Henry Newman, đây là những nhân vật của lý trí và đức tin. Có sự khác biệt với một số khuôn mặt Công giáo trong đại lục địa như Gioan Thánh Giá hoặc Têrêsa Avila, Têrêsa Lisieux, và nhiều nhà thần bí khác nữa. Về nhiều phương diện, các vị là những người đang giãi bày lương tâm của mình.

Theo thuật ngữ tôn giáo, đây là ngôi nhà trí tuệ của Đức Bênêđictô XVI, bởi sự khai phóng tại Hoa Kỳ dựa trên việc tách Giáo Hội khỏi Nhà nước xuất phát từ Anh và Scotland. Đây không phải là mô hình khai phóng của Pháp.

Vì thế, từ ba lý do trên, tôi cho rằng Đức giáo hoàng là một người rất quen thuộc với các nền tảng văn hóa và những nét văn hóa tinh tế ở Vương quốc Anh.

ZENIT: Đâu là nét mới thực sự trong chuyến viếng thăm của Đức Bênêđictô XVI?

Francis Campbell: Có vẻ như một số người nghĩ rằng, chuyến viếng thăm nước Anh của Đức Gioan Phaolô II dễ dàng hơn so với Đức Bênêđictô XVI.

Nên biết, năm 1982, Đức Gioan Phaolô II đi công du mà như đi trên dây. Đó là một trong những thách thức lớn nhất trong các chuyến viếng thăm ngoại giao, vì ngài đến với một đất nước lúc đó đang có chiến tranh với một quốc gia đa số là người Công giáo (Xung đột Anh – Argentina về quần đảo Malvinas năm 1982 - Chú thích của người dịch). Sự kiện này đặt cho Tòa Thánh những vấn đề lớn vì Tòa Thánh vốn đứng ở vị trí trung lập. Đến thăm một quốc gia đang có chiến tranh quả là một thách thức thật sự.

Thách thức thứ hai đặt ra cho Đức Gioan Phaolô II là cuộc xung đột tại Bắc Ireland ... Tôn giáo là một trong các vấn đề. Đó là những vấn đề lớn trong quan hệ giữa cộng đồng Công giáo ở Bắc Ireland và nhà cầm quyền tại Luân Đôn. Nhưng đây cũng chỉ là một khía cạnh.

Chuyến thăm của Đức Bênêđictô XVI diễn ra trong một bối cảnh khác. Ngài không phải đi trên dây căng ngoại giao, nhưng đi đến với một xã hội khác biệt và hai dân tộc khác nhau. Đức Gioan Phaolô II kêu gọi và truyền đạt thông qua hành động; còn Đức Bênêđictô XVI kêu gọi qua ngôn từ.

Trên nhiều khía cạnh – tôi sẽ còn trở lại điểm này – có lẽ Đức Bênêđictô XVI là người gần gũi hơn với những kinh nghiệm của Anh, kinh nghiệm kết hợp đức tin và lý trí, kinh nghiệm dấn thân về mặt trí thức mà chân phước Newman là một nhân vật tiêu biểu.

Cũng vậy, bộ mặt của Giáo hội Công giáo ở Anh đã thay đổi kể từ chuyến thăm của Đức Gioan Phaolô II 28 năm qua. Nước Anh hiện có hơn một triệu người Công giáo.

Giáo Hội đa dạng hơn về chủng tộc. Những người nhập cư đến từ châu Á, Ấn Độ, từ Châu Phi hạ Sahara, châu Mỹ La tinh, châu Âu lục địa, bao gồm cả Đông Âu. Giáo hội đã đổi khác so với 28 năm trước. Tôi nghĩ điều đó có tác động tốt.

Người ta nói 28 năm trước không có phản kháng. Vâng, có những cuộc biểu tình - có lẽ là một kiểu phản kháng, đã diễn ra. Nhưng lần này có thêm nhiều cuộc biểu tình đang diễn ra do một số nhóm thế tục tổ chức nhắm vào một số giáo huấn cụ thể của Giáo Hội.

Một chiều kích khác là hiện nay chúng ta đang sống trong một nền văn hóa của các phương tiện truyền thông phát đi liên tục suốt 24 tiếng đồng hồ; 28 năm trước không như thế. Và chuyến viếng thăm của Đức Bênêđictô XVI sẽ rất khác.

Chuyến Đức giáo hoàng thăm Hoa Kỳ cũng đã rất khác rồi. Tại Hoa Kỳ, có người hỏi: “ Ngài sẽ ứng xử như thế nào đây?” . Thế rồi chuyến công du này thực sự đã thành công rực rỡ.

ZENIT: Đức giáo hoàng sẽ khiến người Anh phải ngạc nhiên?

Francis Campbell: Tôi nghĩ rằng người Anh sẽ bất ngờ vì chính mắt họ được nhìn thấy Đức giáo hoàng, sẽ nghe trọn vẹn lời ngài nói mà không bị cắt xén.

Một số cáo buộc Đức giáo hoàng cho rằng không phải Đức giáo hoàng đã nói. Cũng có những huyễn hoặc được dựng lên xung quanh giáo huấn của ngài, cho rằng ngài đả phá bộ luật về sự bình đẳng của chúng tôi vừa được Quốc hội thông qua. Ngài không làm như vậy đâu. Trong huấn từ dành cho các giám mục Anh quốc, ngài đã đề cập, bày tỏ sự hối tiếc về một số việc xảy ra trong quá khứ. Ngài đã trả lời về những điều được các giám mục đặt ra. Ngài không hề đề cập đến việc thông qua bộ luật hiện hành. Ngài không can thiệp vào tiến trình làm việc của Quốc hội.

Tương tự, một số người đã dùng thủ đoạn đối với một số bài phát biểu trước đây của ngài, nói rằng ngài có đề cập chuyện X, Y, Z nào đó, trong khi ngài không hề có ý như vậy.

Và tôi nghĩ, mọi người sẽ gặp được một khuôn mặt đôn hậu, thông minh, đang đến trong một chuyến viếng thăm lịch sử, mang nhiều ý nghĩa điển hình về sự hòa giải.

Đối với cá nhân tôi, thời điểm sâu sắc nhất là vào lúc 5g chiều thứ sáu khi ngài phát biểu tại Westminster Hall, ngay tại nơi Thomas More chịu tử hình.

Điều đó cho các bạn thấy con đường dài chúng tôi đã đi để trở thành một quốc gia, bởi tôi không nghĩ rằng điều này có thể diễn ra 28 năm trước đây. Tôi nghĩ sẽ vẫn còn khó khăn. Và tôi cho rằng, khi nghe tiếng ngài, người Anh sẽ gặp được một con người đang nói với họ chớ nên tự mãn về tương lai của mình. Ngài không thoái lui đâu. Ngài là người rất dấn thân.

Điều này có nguồn gốc từ thời thơ ấu của ngài. Đây là vị giáo hoàng ngay từ thời thơ ấu đã được tận mắt thấy những hiểm họa của chế độ độc tài toàn trị, và đối với ngài, tôn giáo và Công giáo, Kitô giáo là một chiếc phanh có thể ngăn chặn chủ nghĩa toàn trị.

Trên nhiều khía cạnh, cuộc đời của ngài là một minh chứng thực tế về mối quan hệ giữa đức tin và lí trí, vì lí trí không được kiểm soát sẽ trở thành tinh thần toàn trị chủ nghĩa. Tương tự, đức tin không được kiểm soát bởi lí trí cuối cùng cũng trở nên cực đoan và phi lí. Và đó là sự tương tác của cả hai. Tôi cho rằng ngài sẽ nối kết cả hai lại với nhau và sẽ dấn thân, sẽ đưa mọi người cùng tham gia với ngài. Ngài sẽ lên tiếng. Mọi người sẽ lắng nghe và lĩnh hội lời ngài. Tôi nghĩ rằng ngài sẽ tìm ra cách liên kết chặt chẽ [giữa đức tin và lí trí, ND].

ZENIT: Việc phong chân phước cho Đức Hồng y Newman có thể là dấu chỉ cho sự hiệp nhất giữa Công giáo và Anh giáo không?

Francis Campbell: Câu hỏi của ông rất thú vị: “ Có thể Đức giáo hoàng là một khuôn mặt của sự hiệp nhất?” Tôi nghĩ rằng ông đang đặt một câu hỏi rất quan trọng.

Từ khi còn ở trong Anh giáo, Newman đã thực hiện một khối lượng công việc đáng kể, và ngài là người của cả hai, Anh giáo và Công giáo. Ngài thành lập Phong trào Oxford. Phong trào Oxford vẫn còn có ảnh hưởng và là một tiếng nói mạnh mẽ trong Anh giáo liên quan đến bảo tồn truyền thống tông đồ của Anh giáo.

Newman đã dành một phần đáng kể cuộc đời mình trong Giáo hội Anh giáo. Ngài không phải là một thế lực gây chia rẽ.

Giáo huấn của ngài về lương tâm có thể áp dụng cho tất cả các Kitô hữu, cho mọi tín đồ các tôn giáo và mọi người thành tâm thiện chí. Vì vậy, ngài là một nhà tư tưởng lỗi lạc. Trước hết và trên hết ngài là một nhà tư tưởng Kitô giáo trước khi chúng ta bắt đầu phân chia ngài thành nhiều mảnh.

Tôi nghĩ, Đức Bênêđictô XVI có mối quan tâm đối với vị chân phước vốn là một nhà tư tưởng hậu-Khai-sáng và là người đã khắc phục sự rạn nứt giữa đức tin và lí trí do các nhà Khai sáng Pháp gây ra.

Vì vậy, trong chiều hướng này, ngài là một khuôn mặt không chỉ cho Giáo hội Công giáo mà còn cho phần còn lại của Kitô giáo và thực sự còn cho cả những con người của lòng tin.

ZENIT: Đại sứ sẽ nói gì với Đức giáo hoàng khi ngài đến đất nước của ông?

Francis Campbell: Có lẽ tôi sẽ nói: “ Benvenuto” (Chào mừng ngài đến thăm).

Có lẽ tôi cũng tự hỏi: “ Tôi nên nói chuyện với ngài bằng tiếng Ý hay tiếng Anh?” . Có lẽ nên nói với ngài bằng tiếng Anh thì tốt hơn, vì ngài sẽ dùng tiếng Anh trong suốt bốn ngày tới.

Tôi rất vui mừng về việc ngài sẽ đến. Tôi thực sự rất vui mừng vì ngài viếng thăm nước Anh.

Chuyến viếng thăm này quan trọng về nhiều khía cạnh. Nhưng tôi nghĩ có một lý do chính. Đây là mối quan hệ ngoại giao lâu đời nhất của chúng tôi. Quốc vương đã cử sứ giả vào năm 1479. Lần đầu tiên quốc vương gửi một sứ giả ra nước ngoài, và là vị sứ giả đến Rôma. Và trong nhiều thế kỷ, vẫn giữ mối quan hệ này, kể cả sau cuộc Cải cách, vẫn tồn tại giữa những nghi ngại và tranh chấp.

Nữ hoàng cũng đã nhiều lần đến Rôma - gần đây nhất vào năm 2000. Lần đầu tiên là vào năm 1951 khi còn là Công chúa Elizabeth trước khi trở thành nữ hoàng. Từ đó Nữ hoàng hầu như đều đến Rôma dưới các thời giáo hoàng khác nhau và bây giờ chúng tôi có thể đáp lại sự đón tiếp của Rôma trong nhiều năm qua.

Vinh dự cao nhất Nữ hoàng dành cho Đức giáo hoàng là chuyến viếng thăm cấp Nhà nước dành cho một người bạn lâu năm, cho nền hữu nghị ngoại giao lâu đời nhất thế giới, mà có người bảo “ lâu quá sức” .

Tôi rất mừng vì Đức giáo hoàng đã nhận lời viếng thăm, vì nền ngoại giao bao hàm tình hữu hảo và những mối liên hệ giữa vương triều và sứ vụ giáo hoàng từng không được đánh giá cao. Hoàng gia Stuart được an táng trong hầm mộ Đền thờ Thánh Phêrô. Những mối liên hệ giữa Vương triều và giáo hoàng đã được tái lập.

Khi Nữ hoàng được tin Đức giáo hoàng nhận lời mời viếng thăm Vương quốc Anh, bà đã chính thức viết thư mời và Đức giáo hoàng đã ưu ái đáp nhận. Và thứ năm này ngài sẽ đến Edinburgh – đối với chúng tôi thật hiếm có cuộc viếng thăm nào được bắt đầu tại Edinburgh- và hội kiến với Nữ hoàng.

Đức giáo hoàng năm nay 83 tuổi, còn Nữ hoàng 84. Cả hai vị đều sống một đời từng trải và có nhiều kinh nghiệm giống nhau.

Tôi nghĩ cuộc hội kiến sẽ là sự kiện độc nhất vô nhị.

Nguồn: ZENIT (14.09.2010)

Đức Thành dịch

 


Về Trang Mục Lục