Hoạt
động đại kết của Đức Thánh Cha tại Luân Đôn
Radiovaticana 18/09/2010 – LUÂN ĐÔN. Trong chuyến viếng
thăm 4 ngày tại Anh quốc, ĐTC Biển Đức 16 đã dành chiều thứ sáu, 17-9-2010, cho
các hoạt động đại kết.
Lúc quá 4 giờ, ngài đã đến Điện Lambeth là dinh thự chính
thức của Đức Giáo Chủ Anh giáo ở Luân Đôn, để gặp gỡ Đức TGM Rowan Williams và
các vị lãnh đạo chính Anh giáo ở Anh.
Đây là cuộc gặp gỡ thứ 3 giữa ĐTC Biển Đức và Đức TGM
Williams. Vị giáo chủ này năm nay 60 tuổi (1950), nguyên là một nhà thần học,
giáo sư tại nhiều đại học, trong đó có hai đại học nổi tiếng là Cambridge và
Oxford, cho đến khi được bổ nhiệm làm GM giáo phận Monmouth hồi năm 1991. 12
năm sau đó, 2003, ngài thăng TGM Canturbury, là người thứ I trong số các GM
đồng hàng của Anh giáo gồm 43 giáo phận ở Anh và 1 giáo phận tại Âu Châu lục
địa, với tổng cộng 25 triệu tín hữu. Nữ Hoàng Elisabeth là Thủ lãnh tối cao của
Anh giáo ở Anh còn Đức TGM là thủ lãnh tinh thần của Giáo Hội này.
Đức TGM Williams cũng là giáo chủ danh dự của Liên hiệp Anh
giáo hiện có 77 triệu tín hữu thuộc 39 giáo tỉnh tự trị. Vì chỉ là giáo chủ
danh dự, ngài không có quyền tài phán gì trên các giáo tỉnh Anh giáo khác.
Trong những năm gần đây, Đức TGM Williams đã được rất nhiều giải thưởng và văn
bằng tiến sĩ danh dự. Phu nhân của ngài là bà Jane Williams vốn là một văn sĩ
và cũng là giáo sư thần học. Ông bà có hai người con một trai một gái.
ĐTC Biển Đức 16 đã gặp Đức Giáo Chủ Rowan Williams lần đầu
tiên ngày 23-11-2006 tại Vatican, nhân dịp kỷ niệm 40 năm cuộc gặp gỡ lịch sử
giữa Đức Phaolô 6 và Đức TGM Giáo Chủ Anh giáo Michael Ramsey.
Liên hiệp Anh giáo từ lâu nay bị chia rẽ trong nội bộ vì
vấn đề truyền chức GM cho phụ nữ, truyền chức cho những người thực hành đồng
tính luyến ái và chúc hôn cho những cặp đồng phái tính.
Đến điện Lambeth, ĐTC đã được Đức TGM Williams tiếp đón
nồng nhiệt tại lối vào thư viện. Hiện diện trong dịp này còn có các vị TGM Anh
giáo của giáo phận
Cổ võ việc rao giảng và chứng tá
Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức TGM Williams, ĐTC bày
tỏ hài lòng vì có thể viếng thăm đáp lễ cuộc viếng thăm của Đức TGM Williams ở
Roma. Ngài nhắc đến sự tìm kiếm hiệp nhất giữa Công Giáo và Anh giáo với những
lúc thăng trầm và nói thêm rằng: “Hôm nay chủ ý của tôi không phải là nói về
nhũng khó khăn mà con đường đại kết đã và tiếp tục gặp phải. Những khó khăn đó
mỗi người hiện diện tại đây đều biết rõ. Tuy nhiên, Tôi rất vui mừng vì tình
thân hữu sâu xa được tăng trưởng, vì những tiến bộ đã đạt được trong rất nhiều
lãnh vực đối thoại 40 năm qua từ khi Ủy ban quốc tế đối thoại giữa Công Giáo và
Anh giáo bắt đầu hoạt động.”
“Các tín hữu Kitô chúng ta phải công bố niềm tin của chúng
ta nơi đặc tính duy nhất của ơn cứu độ được Chúa Kitô mang lại cho chúng ta, và
cùng nhau tìm kiếm một sự hiểu biết sâu xa hơn về những phương thế mà Chúa ban
cho chúng ta để đạt tới ơn cứu độ.”
Sau cùng ĐTC nhắc đến ĐHY John Henry Newman được phong chân
phước vào chúa nhật 19-9-2010, và ngài nhận định rằng nhân cách của ĐHY Newman
là một người của Giáo Hội với quan điểm về Giáo Hội được nuôi dưỡng bằng quá
khứ Anh giáo và được trưởng thành trong những năm dài làm việc như mục sư của
Giáo Hội Anh giáo ở Anh. ĐHY Newman có thể dạy chúng ta về những nhân đức mà
phong trào đại kết đòi hỏi: một đàng Người được thúc đẩy theo lương tâm của
mình, dù phải trả giá bản thân đắt đỏ; đàng khác, Người tiếp tục duy trì tình
bạn nồng nhiệt với các đồng nghiệp cũ đã đưa ngài cùng với họ tìm hiểu về những
vấn đề mà họ không đồng ý với nhau, thủc đẩy do sự tìm kiếm sâu xa sự hiệp nhất
trong đức tin.
Sau cuộc gặp gỡ ở Thư Viện dinh Lambeth, ĐTC và Đức TGM
Williams đã hội kiến riêng với nhau trong 30 phút về các tín hữu Kitô tại Thánh
Địa với Thượng HĐGM sắp tới về Trung Đông, về những vùng lớn đang bị xung đột
trong đó Công Giáo và Anh giáo cố gắng cộng tác với nhau: chẳng hạn tại Sudan,
hàng giáo phẩm Anh giáo và Công giáo có thể làm việc chung, làm chứng tá và
củng cố hòa bình.. Sau cuộc hội kiến, có một tuyên ngôn chung được công bố
trong đó ĐTC và Đức TGM Anh giáo nhấn mạnh sự cần thiết phải công bố Sứ điệp
Tin Mừng cứu độ của Chúa GIêsu Kitô một cách có lý luận và có sức thuyết phục
trong bối cảnh những biến chuyển sâu rộng về văn hóa và xã hội ngày nay, đồng
thời qua chứng tá cuộc sống thánh thiện và minh bạch.
Trong tuyên ngôn, hai vị cũng đồng ý cần phải cải tiến các
quan hệ đại kết và tiếp tục đối thoại về thần học, đứng trước những thách đố
mới đang được đề ra cho sự hiệp nhất trong và ngoài cộng đoàn Kitô”.
Tại Đan viện Westminter
Tiếp đó, ĐTC và Đức Giáo Chủ Anh giáo đã tham dự Kinh Chiều
đại kết tại Đan viện Westminster, trước sự tham dự của đông đảo các GM Công
Giáo, Anh giáo, chức sắc của nhiều Giáo Hội Kitô khác như Tin Lành Methodist và
Trưởng Lão và các tín hữu.
Một hình ảnh hùng hồn nhất trong sinh hoạt này có lẽ là
cảnh tượng ĐTC và Đức TGM Rowan Williams Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo cùng quì
trước mộ của Thánh Eduardo Vị Hiển Tu trong Đan viện Westminter. Thánh nhân là
vua nước Anh hồi thế kỷ 11, trước khi các tín hữu Kitô tại nước này chia cách
nhau.
Đức TGM Williams đã chào đón ĐTC Biển Đức 16 như vị Giáo
Hoàng đầu tiên viếng thăm Đan viện Westminster nguyên là một cộng đoàn của các
Đan sĩ dòng Biển Đức cho đến năm 1540, khi Vua Henry 8 ly khai với Tòa Thánh và
giải tán Đan viện này.
Phái đoàn Tòa Thánh và Anh quốc thảo luận
Biến cố sau cùng trong chuyến viếng thăm của ĐTC ngày thứ
sáu, 17-9-2010, là bữa ăn tối làm việc giữa phái đoàn Tòa Thánh do ĐHY Quốc Vụ
Khanh hướng dẫn và phái đoàn chính phủ Anh do ngoại trưởng William Hague hướng
dẫn.
Thông cáo chung cho biết hai phái đoàn đã thảo luận về một
số lãnh vực được hai bên quan tâm và chia sẻ quyết tâm chấm dứt nghèo đói và
chậm tiến. Đứng trước Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới tại New York để kiểm điểm
những tiến bộ trong việc thực thi các mục tiêu đã được đề ra hồi đầu Ngàn Năm
Mới, Phái đoàn Tòa Thánh và Anh quốc có cùng xác tín: cần phải làm hơn nữa để
giải quyết những đau khổ không cần thiết do đói kém, bệnh tật và mù chữ gây ra.
Sự lãnh đạo vững chãi và mạnh mẽ về chính trị, cũng như sự tôn trọng luân lý
đạo đức của các cộng đồng địa phương là điều cần thiết trong việc thăng tiến
quyền sống, lương thực, sức khỏe và sự phát triển cho mọi người.
Chính phủ Anh và Tòa Thánh cũng xác tín cần cấp thiết hành
động để đối phó với thách đố thay đổi khí hậu, hành động ở mọi cấp độ từ chính
quyền cho đến cá nhân, để mau lẹ giảm bớt thán khí gây ra hiện tượng lồng kính,
tiến tới một nền kinh tế hoàn cầu ít chất than, trợ giúp các nước nghèo và dễ
bị thương tổn thích ứng với ảnh hưởng của sự thay đổi khí hậu.
Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề
xã hội và kinh tế, nhìn nhận vai trò thiết yếu của tín ngưỡng trong đời sống cá
nhân, và như là thành phần của một xã hội vững mạnh, quảng đại và bao dung.
Sau cùng, thông cáo nhìn nhận rằng cuộc viếng thăm của ĐGH
Biển Đức 16 là một cơ hội để trao đổi sâu rộng hơn quan điểm giữa Tòa Thánh và
chính phủ Anh.
G. Trần Đức Anh OP