Đức Thánh Cha chủ sự lễ phong chân phước cho ĐHY John Henry Newman

Radiovaticana 19/09/2010 – BIRMINGHAM. Sáng chúa nhật 19-9-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Tổng giáo phận Birmingham để tôn phong ĐHY John Henry Newman lên bậc chân phước, trước sự tham dự của 70 ngàn tín hữu.

Đây là lễ phong chân phước đầu tiên ngài cử hành kể từ khi được bầu làm Giáo Hoàng cách đây hơn 5 năm. Cho đến nay, ngài chỉ cử hành các buổi lễ phong Hiển Thánh.

ĐTC đã từ Luân đôn đáp trực thăng đến Birmingham, thành phố lớn thứ 2 của Anh quốc với 1 triệu dân cư và các Luân đôn 150 cây số về hướng bắc, nổi tiếng là thành phố “xanh” nhất Âu Châu với 490 công viên. Đây cũng là một thành phố đa chủng tộc và văn hóa, với 1 phần 3 dân số đến từ các nước trong Khối Thịnh Vượng chung, và tại đây có cộng đồng Công Giáo Việt Nam đầu tiên được thành lập. Tổng giáo phận Birmingham hiện có gần 283 ngàn tín hữu Công Giáo, do Đức TGM Bernard Longley cai quản. Đức Cha đã cùng với ông thị trưởng Birmingham đón tiếp ĐTC tại sân trực thăng khi ngài đến đây lúc 9 giờ rưỡi.

Liền đó ĐTC đã tiến về Công viên Cofton ở Rednal, cách Birmingham 14 cây số về hướng tây và gần nhà nghỉ mát của dòng Oratoire, cũng gọi là dòng Giảng Thuyết, nơi an táng ĐHY Newman. ĐTC đã đi xe bọc kính tiến qua các lối đi trong công viên để chào thăm các tín hữu tụ tập tại đây để tham dự thánh lễ phong chân phước cho ĐHY Newman do ĐTC cử hành lúc quá 10 giờ sáng dưới bầu trời mây phủ.

Đồng tế với ĐTC có hàng trăm GM ở hai bên bàn thờ trên lễ đài có mái vòm trắng che chở, không kể hàng trăm linh mục khác ở bên trái của lễ đài.

Mở đầu nghi thức phong chân phước, Đức TGM sở tại Bernard Longley đã thỉnh cầu ĐTC phong chân phước cho ĐHY John Henry Newman, và tiếp đó, tiểu sử vắn tắt của Vị Tôi Tớ Chúa đã được xướng lên.

Vài nét tiểu sử ĐHY Newman

ĐHY sinh tại Luân đôn năm 1801 và qua đời năm 1890 thọ 89 tuổi. Sau 20 năm làm mục sư Anh giáo, Người trở lại Công Giáo.

John Henry Newman là trưởng nam trong gia đình có 6 anh em, thân phụ là chủ ngân hàng và mẹ gốc người Pháp di cư. Năm 16 tuổi, cậu bắt đầu học thần học tại Đại học Trinity ở Oxford và 8 năm sau, 1825, được thụ phong mục sư Anh giáo. 3 năm sau đó, Mục Sư coi sóc giáo xứ St. Mary của các giáo sư và sinh viên đại học.

Mục Sư Newman đã khởi xướng Phong trào Oxford nhắm đào sâu việc nghiên cứu thần học, đặc biệt trong lãnh vực giáo phụ, tức là nghiên cứu về nền thần học trong thời kỳ Giáo Hội chưa bị chia rẽ, nhưng còn hiệp nhất giữa Đông và Tây Phương. Chính việc nghiên cứu ấy đã làm cho mục sư Newman đến gần Công Giáo và gia nhập Giáo Hội này vào năm 1845, khi đã 45 tuổi. Biến cố này đã gây kinh ngạc trong dư luận Anh giáo bấy giờ.

Năm 1847, Newman gia nhập dòng Oratoire, dòng Giảng Thuyết do thánh Philiphê Neri thành lập và thụ phong linh mục tại Roma ngày 30 tháng 5 cùng năm đó. Được sự khích lệ của ĐGH Piô 9, cha Newman thành lập tu viện đầu tiên của dòng Oratoire ở Anh quốc. Năm 1854 cha được bổ nhiệm làm Viện trưởng Đại học Công Giáo tân lập ở Dublin, thủ đô Ai Len.

ĐGH Lêô 13 phong cha Newman làm Hồng Y vào năm 1879 khi cha sắp tròn 80 tuổi. Việc bổ nhiệm này được coi như một sự nhìn nhận công trình, các tác phẩm và vai trò cao quí của cha. Khi ĐHY Newman qua đời năm 1890, Giáo Hội Công Giáo tại Anh quốc ở trong giai đoạn tái triển nở sau 3 thế kỷ bị bách hại và bị gạt ra ngoài lề xã hội.

ĐHY Newman đã ảnh hưởng lớn trên nhiều thế hệ các tín hữu Công giáo Anh quốc, trong đó có rất nhiều người trở lại. Ngài cũng ảnh hưởng trên đại truyền thống văn hóa Công Giáo tại các nước Anglosaxon.

ĐTC Biển Đức 16 đã lấy quyền Tông Đồ qui định rằng từ nay các tín hữu có thể tôn kính ĐHY John Henry Newman như chân phước, theo các qui tắc của Giáo Hội, lễ kính vào ngày 9 tháng 10 hàng năm.

Màn che bức hình vị tân chân phước trên lễ đài được kéo xuống, trước tiếng vỗ tay reo hò vui mừng của mọi người.

Đức TGM Longley của giáo phận Birmingham đã ngỏ lời cám ơn ĐTC và liền đó, mặt nhật đựng hài cốt của chân phước Newman được vợ chồng thày phó tế vĩnh viễn Jack Sullivan mang lên ĐTC để ngài hôn kính, trước khi đặt trên giá. Thầy Sullivan, có mái tóc bạc phơ, thuộc thành phố Marshfield, bang Massachusetts ở Mỹ, là người đã đã được khỏi bệnh cong cột sống một cách lạ lùng hồi tháng 8-2001 lời chuyển cầu của chân phước Newman. Thầy Sullivan đã được giao nhiệm vụ công bố bài Tin Mừng của buổi lễ.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng tiếp đó, ĐTC đặc biệt nhấn mạnh và giải thích khẩu hiệu của ĐHY Newman, đồng thời áp dụng vào đời sống chúng ta ngày nay, theo tinh thần bài Tin Mừng của ngày chúa nhật trong ngày lễ:

“Khẩu hiệu của ĐHY Newman, Cor ad cor loquitur, (lòng nói với lòng), giúp chúng ta đi sâu vào quan điểm của Người về đời sống Kitô như một lời mời gọi nên thánh, được cảm nghiệm như một ước muốn nồng nhiệt của tâm hồn con người, mong đi vào cuộc hiệp thông thân mật với Trái Tim Chúa. ĐHY nhắc nhớ chúng ta rằng sự trung thành cầu nguyện dần dần biến đổi chúng ta trong hình ảnh của Chúa. Như Người đã viết trong một bài giảng rõ ràng rằng: “Tập quán cầu nguyện, thực hành việc qui hướng về Thiên Chúa và thế giới vô hình trong mọi thời, mọi nơi, mọi lúc cấp thiết, tôi muốn nói việc cầu nguyện có một công hiệu tự nhiên là tinh thần hóa và nâng cao linh hồn. Một người không còn như trước nữa; dần dần người ấy nội tâm hóa một hệ thống mới các ý tưởng và được các nguyên tắc mới mẻ thấm nhiễm” (Parochial and Plain sermons, IV, 230-231). Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta rằng không ai có thể làm tôi hai chủ (Xc Lc 16,13) và giáo huấn của Chân phước John Henry về việc cầu nguyện giải thích rằng tín hữu Kitô được chỉ định phục vụ Vị Thầy chân thực duy nhất, Ngài là Đấng duy nhất có quyền được chúng ta tôn sùng vô điều kiện (Xc Mt 23,10).

“ĐHY Newman giúp chúng ta hiểu rõ ý nghĩa điều đó trong đời sống thường nhật của chúng ta: Người nói với chúng ta rằng Thầy Chí Thánh của chúng ta đã chỉ định cho mỗi người chúng ta một công tác chuyên biệt, một “việc phục vụ được xác định rõ ràng”, được ủy thác riêng cho mỗi người. ĐHY viết: “Tôi có sứ mạng của tôi và tôi là một mắt xích, một sợi giây nối kết giữa con người với nhau. Chúa không tạo dựng nên tôi mà không có chủ đích. Tôi làm điều thiện, tôi thi hành công việc của Chúa; tôi sẽ là một thiên thần hòa bình, một nhà rao giảng chân lý trong thân phận của tôi.. nếu tôi làm điều ấy, tức là tôi vâng phục các mệnh lệnh của Chúa và tôi phụng sự Chúa trong ơn gọi của tôi” (Meditations and devotions, 301-2).

ĐTC nói thêm rằng: “Việc phục vụ đặc thù mà Chân phước John Henry Newman được kêu gọi thi hành bao gồm việc sử dụng trí khôn tinh tế và ngòi bút phong phú của Người cho những điều cấp thiết nhất “trong số những vấn đề trong ngày”. Trực giác của Người về quan hệ giữa đức tin và lý trí, về khoảng không gian sinh tử của tôn giáo mạc khải trong xã hội văn minh, và về sự cần thiết phải có một phương pháp giáo dục có nền tảng rộng rãi và nhìn xa trông rộng, không những là điều rất quan trọng đối với Anh quốc thời Nữ Hoàng Victoria, nhưng vẫn còn tiếp tục gợi hứng và soi sáng cho nhiều người trên thế giới ngày nay. Tôi muốn ca ngợi quan niệm của ĐHY về giáo dục, đã đóng góp rất nhiều cho việc hình thành luân lý đạo đức vốn là sức mạnh nền tảng của các học đường và các đại học Công Giáo ngày nay. ĐHY là người quyết liệt chống lại mọi chủ trương hẹp hòi hoặc duy lợi ích, Người tìm cách đạt tới một bối cảnh giáo dục trong đó việc huấn luyện trí thức, kỷ luật luân lý và dấn thân đạo đức đi liền với nhau.

ĐHY Newman cũng kêu gọi đào tạo một hàng ngũ giáo dân thông minh và có trình độ giáo dục cao. Người viết: “Tôi muốn một hàng ngũ giáo dân không kiêu căng, không hấp tấp lên tiếng, không bút chiến, nhưng là những người biết rõ tôn giáo của mình, đi sâu vào tôn giáo, biết rõ mình đứng lên ở đâu, tin điều gì và không tin điều gì, biết tín ngưỡng rõ ràng đến độ có thể trình bày được, biết rõ lịch sử để có thể bảo vệ tín ngưỡng” (The Present Position of Catholics in England, IX, 390). Ngày nay trong lúc tác giả những lời này được tôn vinh trên bàn thờ, tôi cầu nguyện để nhờ lời chuyển cầu và tấm gương của Người, bao nhiêu người dấn thân trong công tác giáo dục và huấn giáo được soi sáng để nỗ lực hơn nữa nhờ quan niệm của ĐHY được trình bày rõ ràng trước chúng ta.”

Trong phần kết của bài giảng, ĐTC trình bày một suy tư ngắn về đời sống linh mục và mục tử các linh hồn của ĐHY. Sự nồng nhiệt và tình người trong sự quí chuộng sứ vụ mục tử của Ngài được trình bày qua một trong những bài giảng nổi danh:

“Anh chị em thân mến, giả sử các thiên thần là linh mục của anh chị em, thì các vị sẽ không thể tham phần vào những đau khổ của anh chị em, không thể cảm thương, đồng cảm với anh chị em, cũng không thể cảm thấy sự dịu dàng đối với anh chị em và tìm được lý do để biện minh cho anh chị em như chúng ta có thể; các vị không thể là mẫu gương và là hướng đạo cho anh chị em, và dẫn đưa anh chị em từ con người cũ đến đời sống mới, như những người đến từ cùng môi trường với anh chị em có thể (“Men, not Angels: the Priests of the Gospel”, Discourses to mixed congragations, 3). ĐHY Newman đã sống quan niệm rất nhân bản như thế về sứ vụ linh mục trong việc nồng nhiệt săn sóc dành cho dân chúng tại Birmingham trong những năm sống tại nhà dòng Oratoire mà ngài thành lập, viếng thăm các bệnh nhân và người nghèo, an ủi những người bị bỏ rơi, chăm sóc những người ở trong nhà tù. Không lạ gì sau khi ĐHY qua đời, hàng ngàn người đã xếp hàng trên đường phố tại nơi mà thi hài ĐHY được đưa tới chỗ an nghĩ cách cây nửa dặm. 120 năm sau, đám đông đông đảo lại tụ họp lại vui mừng vì sự nhìn nhận long trọng của Giáo Hội đối với sự thánh thiện đặc biệt của người cha rất quí mến của linh hồn.” Thánh lễ được tiếp tục với phần lời nguyện giáo dân bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó cũng có một ý nguyện bằng tiếng Việt do một phụ nữ mặc áo dài màu đỏ sậm xướng lên, cầu cho các nhà thần học.

Kinh Truyền Tin

Cuối thánh lễ, ĐTC đã chủ sự kinh Truyền tin. Trong bài huấn dụ ngắn, ngài gửi lời chào thăm các tín hữu tham dự lễ Phong chân phước cho Mẹ Maria dela Puríssima de la Cruz ở thành phố Seviglia, Tây Ban Nha và cầu mong Chân Phước sẽ soi sáng cho nhiều thiếu nữ noi gương Mẹ tận tụy yêu mến Chúa và tha nhân.

ĐTC cũng nhắc đến lòng kính mến của Chân Phước Newman đối với Đức Mẹ. Khi đến sống tại Birmingham, Người đã đặt tên cho nhà đầu tiên của tại đây là Maryvale. Nhà Dòng Oratoire Người thành lập được dâng kính Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm nguyên tội và Đại học Công Giáo Ai Len được Người đặt dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria, Tòa Đấng Khôn Ngoan. Qua rất nhiều cách, Người sống sứ vụ LM trong tinh thần sùng mộ con thảo đối với Mẹ Thiên Chúa. Khi suy niệm về vai trò của Mẹ Maria trong việc thi hành kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, ĐHY Newman thốt lên: “Ai có thể đánh giá được sự thánh thiện và trọn hảo của Mẹ, là Đấng được chọn là Mẹ Chúa Kitô?”. Mẹ có những hồng ân nào để được chọn là người thân trần thế duy nhất của Con Thiên CHúa, người duy nhất mà Chúa được liên hệ do bản tính để tôn kính và ngắm nhìn; Đấng được chỉ định huấn luyện và giáo dục Chúa ngày này qua ngày khác, khi Người lớn trong sự khôn ngoan và tuổi tác?” (Parochial and Plain Sermons, II, 131-2). Chính vì những hồng ân dồi dào ấy của Mẹ mà chúng ta tôn kính Mẹ ở đây và chính vì sự thân mật ấy với người Con thần linh của Mẹ mà chúng ta tìm kiếm sự chuyển cầu của Mẹ cho các nha cầu của chúng ta và các nhu cầu của thế giới. Qua lời kinh Truyền Tin, giờ đây chúng ta hãy hướng về Mẹ chí thánh và phó thác cho Mẹ những ý nguyện trong tâm hồn chúng ta..

Sau thánh lễ, ĐTC đã viếng thăm căn phòng nơi ĐHY Newman cư ngụ trong nhà dòng Oratoire, rồi đến Học viện St. Mary ở Oscott, nay là Đại chủng viện giáo phận Birmingham. Ngài cũng bữa trưa với các GM Anh quốc và Ecosse. Ban chiều ngài gặp chung các GM và ban huấn dụ, trước khi ra phi trường đáp máy bay về Roma.

 

G. Trần Đức Anh OP


Về Trang Mục Lục