100 ngàn người canh
thức cầu nguyện với Đức Thánh Cha tại Luân Đôn
Radiovaticana 19/09/2010 – LUÂN ĐÔN. Tối thứ bẩy, 18-9-2010, 100
ngàn tín hữu Công Giáo, đa số là người trẻ, đã tham dự buổi canh thức cầu
nguyện với ĐTC Biển Đức 16 ở công viên Hyde Park, Luân Đôn, vọng lễ tôn phong
chân phước cho ĐHY John Henry Newman.
Hyde Park là một trong các công viên lớn nhất trong thủ đô Luân
Đôn, rộng 350 mẫu tây, và là công viên nổi tiếng nhất. Công viên này ban đầu
thuộc Đan viện biển Đức Westminster, nhưng năm 1536 bị vua Henry VIII thủ đắc
và biến thành khu săn bắn của triều đình. Năm 1665 nhiều người dân Luân Đôn đã
vào đây để trốn trận dịch hạch làn tràn trong thành phố. Từ năm 1814 trở đi
công viên trở thành nơi tổ chức các lễ hội lớn như lễ hội mừng chiến tranh với
Napoleon chấm dứt năm 1815, cuộc Triển lãm năm 1851, lễ mừng 25 năm cai trị của
Nữ hoàng Elisabeth II năm 1955. Trong công viên này có một chỗ gọi là “Góc diễn
đàn” để người dân nếu muốn có thể diễn thuyết hay trình bày về nhiếu đề tài
khác nhau. Xưa kia đây là nơi xử tử các tội nhân và theo thói quen, trước khi
chết các tội nhân có thể ngỏ lời với dân chúng. Năm 1759 triều đình rời chỗ xử
tử vào trong nhà tù Newgate.
Buổi canh thức đã bắt đầu lúc 7 giờ, trễ hơn giờ dự định 45 phút và
đã diễn ra dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa và chầu Thánh Thể. Xe bọc
kính chở Đức Thánh Cha đi một vòng để ngài chào các tín hữu.
Sau hai bài sách thánh, ĐTC đã giảng và khẳng định rằng” “Cuộc sống
của Đức Hồng Y Newman mời gọi chúng ta duyệt xét lại cuộc sống của mình, nhìn
nó trong chân trời rộng rãi chương trình của Thiên Chúa và lớn lên trong sự
hiệp thông với Giáo Hội thuộc mọi thời đại và ở khắp nơi: Giáo Hội của các Tông
Đồ, Giáo Hội của các vị tử đạo, Giáo Hội mà Đức Hồng Y Newman yêu mến và tận
hiến toàn cuộc sống người cho sứ mệnh của nó.”
Tiếp đến Đức Thánh Cha đã khai triển vài khía cạnh trong cuộc đời
của Đức Hồng Y Newman mà ngài coi là quan trọng đối với cuộc sống của tín hữu
và đối với cuộc sống của Giáo Hội ngày nay.
Trước hết Đức Hồng Y Newman đã đi trọn con đường cuộc đời người
dưới ánh sáng của kinh nghiệm hoán cải hồi còn trẻ. Đó là một kinh nghiệm trực
tiếp về sự thật lời Chúa, về thực tại khách quan của mạc khải kitô được Giáo
Hội thông truyền lại. Kinh nghiệm vừa trí thức vừa tôn giáo đó đã linh hứng ơn
gọi làm thừa tác viên của Tin Mừng, sự phân định suối nguồn giáo huấn uy tín
của Giáo Hội Chúa và lòng hăng say canh tân cuộc sống giáo hội trong niềm trung
thành với truyến thống tông đồ...
Vào cuối cuộc đời, Đức Hồng Y Newman chắc hẳn đã miêu tả công việc
trong cuộc đời mình như là một cuộc chiến đấu chống lại khuynh hướng coi tôn
giáo như là chuyện hoàn toàn riêng tư, như việc chủ quan, như vấn đề ý kiến cá
nhân. Đó là bài học đầu tiên chúng ta có thể học được từ cuộc đời ĐHY: ngày
nay, khi khuynh hướng duy tương đối trí thức và luân lý đe dọa phá hoại các nền
tảng của xã hội, Đức Hồng Y Newman nhắc cho chúng ta biết rằng như là những
người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta được để hiểu biết sự
thật, tìm ra trong sự thật ấy sự tự do cuối cùng và việc thành toàn các khát
vọng sâu thẳm nhất của con người. Tắt một lời chúng ta, chúng ta được chỉ định
hiểu biết Chúa Kitô, Đấng chính “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6).
Cuộc sống của Đức Hồng Y Newman cũng dậy cho chúng ta biết rằmg
lòng say mê sự thật, lương thiện trí thức, và hoán cải tinh tuyền có giá trả
mắc mỏ... Tại Tyburn, cách đây không bao xa, đã có đông đảo anh chị em của
chúng ta đã chết vì đức tin; chứng tá sự trung thành cho tới cùng của họ mạnh
mẽ hơn là những lời được linh hứng mà nhiều người trong họ đã nói lên trước khi
về với Chúa. Trong thời đại chúng ta giá cả phải trả cho lòng trung thành với
Tin Mừng không còn phải là bị treo cổ, đốn ngã hay phanh thây nữa, nhưng thường
kéo theo việc bị loại trừ và nhạo báng. Nhưng Giáo Hội không thể miễn cho mình
nhiệm vụ loan báo Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài, là sự thật cứu độ, suối nguồn
hạnh phúc cuối cùng của chúng ta và là nền tảng của một xã hội công bằng và
nhân bản.
Và sau cùng Đức Hồng Y Newman dậy cho chúng ta biết rằng không thể
tách rời đức tin khỏi lối sống. Mọi tư tưởng lới nói và hành động của chúng ta
phải hướng tới chỗ làm vinh danh Thiên Chúa. Đức Hồng Y Newman đã hiểu điều này
và là nhà vô địch lớn trong vai trò ngôn sứ của giáo dân kitô. Sự thật không
chỉ được thông truyền bởi giáo huấn, mà cũng qua chứng tá cuộc sống trung tín, toàn
vẹn và thánh thiện nữa. Cũng giống như biết bao nhiệu vị thánh đi trước người
trong lịch sử Giáo Hội, Đức Hồng Y Newman dậy cho chúng ta biết rằng “ánh sáng
dễ thương” của đức tin hường dẫn chúng ta và khiến cho chúng ta nhận ra sự thật
về chính mình, về phẩm giá của chúng ta là con Thiên Chúa, về số phận cao cả
đang chờ đợi chúng ta trên trời.
Và ĐTC nói với các bạn trẻ rằng: “Các bạn trẻ thân mến: chỉ có Chúa
Giêsu biết việc phục vụ nhất định nào Ngài có trong trí dành cho các con. Hãy
rộng mở để tiếng nói của Ngài vang vọng trong sâu thẳm trái tim của các con: cả
giờ đây trái tim của Ngài đang nói với trái tim của các con. Chúa Kitô cần đến
các gia đình để nhắc nhở cho thế giới biết phẩm giá của tình yêu nhân loại và
vẻ đẹp của cuộc sống gia đình. Ngài cần đến những người tận hiến cuộc sống cho
nhiệm vụ cao quí là giáo dục, lo lắng cho giới trẻ và đào tạo họ theo các con
đường của Phúc âm. Ngài cần biết bao nhiêu người tận hiến cuộc đời cho việc
theo đuổi đức ái toàn thiện, trong khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời, và phục
vụ Ngài nơi các anh chị em bé nhỏ nhất. Ngài cần tình yêu mạnh mẽ của các tu sĩ
chiêm niệm nâng đỡ chứng tá và sinh hoạt của Giáo Hội qua lời cầu nguyện liên
lỉ của họ. Và Ngài cần các linh mục, tốt lành thánh thiện, sẵn sàng mất sự sống
mình vì đoàn chiên.
Buổi canh thức đã kết thúc với nghi thức Mình Thánh Chúa và Phép
Lành Thánh Thể.
Cũng nên nói thêm rằng một hoạt động của ĐTC trong ngày thứ bẩy
18-9-2010 tại thủ đô Anh quốc, tuy âm thầm nhưng lại được giới báo chí nói đến
nhiều nhất là việc ngài gặp gỡ 5 nạn nhân các vụ lạm dụng tính dục của một vài
giáo sĩ. Linh Mục Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh ra thông cáo cho
biết:
“Thứ bẩy, 18-9-2010, tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Luân Đôn, ĐTC đã
gặp một nhóm người đã bị các phần tử của hàng giáo sĩ lạm dụng tính dục.
“Ngài cảm động vì những gì họ kể lại và bày tỏ đau buồn sâu xa và
xấu hổ vì những đau khổ các nạn nhân và gia đình họ đã chịu. Ngài cầu nguyện
với họ và đoan chắc với họ rằng Giáo Hội Công Giáo đang tiếp tục áp dụng các biện
pháp hữu hiệu nhắm bảo vệ người trẻ và đang làm tất cả những gì trong quyền hạn
của mình để điều tra, cộng tác với các chính quyền dân sự và đưa ra trước công
lý những giáo sĩ và t usĩ bị cáo về những tội ác khôn tả này.
“Như đã làm trong các dịp khác, ĐTC cầu nguyện để tất cả các nạn
nhân bị lạm dụng có thể cảm nghiệm sự chữa lành và hòa giải và có thể vượt
thắng những đau thương của họ trong quá khứ và hiện nay trong thanh thản và hy
vọng cho tương lai.
“Sau cuộc gặp gỡ trên đây, ĐTC đã gặp một nhóm những người chuyên
nghiệp và thiện nguyện dấn thân bảo vệ trẻ em và người trẻ trong các môi trường
Giáo Hội.
Linh Tiến Khải