Các Vụ Kỳ Thị Kitô Hữu Bên Pakistan

Radiovaticana 28/09/2010 – Phỏng vấn Đức Cha Sebastian Shaw, Giám Mục Lahore về các vụ kỳ thị tín hữu Kitô Kashmir và thảm cảnh lũ lụt bên Pakistan

Ngày 14-9-2010 mặc dù có luật giới nghiêm trong các thành phố chính của bang Kashmir bên Ấn Độ, các nhóm hồi cuồng tín ly khai vẫn tổ chức biểu tình và tụ tập nhau tai Khampora, khiến cảnh sát quận Baramulla đã phải nổ súng và dùng lựu đạn cay để giải tán họ, làm cho 4 người bị thương. Nhưng vụ bạo động nghiêm trọng nhất đã xảy ra ngày 13-9-2010 trong quận Tangmarg, khi một nhóm hồi cuồng tín đốt cháy trường học của Hội truyền giáo Kitô. Tuy nhiên trong cùng ngày đã có 3 trường Kitô khác nữa bị đốt phá: đó là trường Chúa Chiên Lành ở Pulwana cách Srinagar 40 cây số, và các trường tin lành Chúa Kitô và Chúa Kitô Mohalla trong tỉnh Pooch thuộc vùng Jammu.

Tình hình căng thẳng tới độ các chuyến bay đi và đến Srinagar đều bị hủy bỏ trong 3 ngày, và chính quyền New Dehli đã phải huy động hàng ngàn binh sĩ và cảnh sát tuần tiểu nghiêm ngặt và giữ gìn an ninh cho các nhà thờ và cơ sở của các Giáo Hội Kitô.

Như đã biết, các vụ tấn công các Kitô hữu đã bùng nổ đó đây tại Á châu, sau khi mục sư Terry Jones, thủ lãnh một nhóm tin lành tại Florida phát động biến ngày 11-9 thành ”ngày đốt sách Coran”. Do áp lực và các lời phê bình chỉ trích của nhiều chính quyền và giới lãnh đạo tôn giáo thế giới, mục sư Jones đã bỏ ý định đó. Nhưng ngày 11 tháng 9 cảnh xé sách Coran tại Washington đã khiến cho phong trào chống Mỹ và Kitô hữu lên cao. Các vụ tấn kích Kitô hữu trong bang Kashmir gia tăng, sau khi chính quyền trung ương New Dehli từ chối giảm luật giới nghiêm đã được thi hành trong bang này từ 20 năm qua. Binh sĩ và cảnh sát được lệnh bắn vào những người không tuân hành lệnh giới nghiêm. Đức Cha Celestine Elampassery, Giám Mục giáo phận Jammu Srinagar cho biết Kitô hữu tại đây rất lo lắng, vì tuy sống rất hòa bình, họ cảm thấy bị đe dọa nặng nề. Ông Syed Ali Shah Geelani, lãnh tụ lực lượng ly khai tại Kashmir đã tuyên bố 11 ngày phản đối và chọn ngày 21 tháng 9 để tổ chức một cuộc tuần hành chống quân đội và cảnh sát. Nhưng người cầm đầu cánh cực đoan của phong trào ly khai Hyrriat đã không ủng hộ sáng kiến này, và ông yêu cầu dân chúng sinh hoạt bình thường. Ông Geelani cũng đã mạnh mẽ lên án vụ tấn công trường Kitô tại Tangmarg và kêu gọi người hồi bình tĩnh.

Đức Cha Felix Machado, Tổng Giám Mục giáo phận Vasai, nguyên Chủ tịch Ủy ban đối thoại liên tôn của Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ, cho biết tình hình tại Kashmir đặc biệt trầm trọng. Nó là một thùng thuốc nổ. Vì thế vụ đốt sách Coran đổ thêm dầu vào lửa và tạo ra các căng thẳng chính trị bên trong và bên ngoài. Sự hiện diện của của các nhóm khủng bố như Laskar-e-Taiba cũng tạo thêm các hỗn loạn trong các vùng khác của ấn Độ.

Như đã biết Kashmir là vùng tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan từ 60 năm qua. Khi Ấn độ bị chia thành vùng có đa số dân theo ấn giáo và thành lập Pakistan cho những người hồi giáo ngày 15 tháng 8 năm 1947, vùng Kashmir ở trong tình trạng không rõ ràng và do một thủ lãnh Ấn giáo là Hari Singh cai trị đa số dân theo Hồi giáo. Sau đó, dưới áp lực của ông Jawaharlal Nehru Thủ tướng ấn Độ, ông Hari Singh xin sát nhập với Liên Hiệp Ấn. Chiến tranh giành độc lập bùng nổ từ đó, khiến cho quân đội Pakistan phải đi tới chỗ phân chia Kashmir thành hai vùng: vùng tây là Asad Kashmir, Kashmir tự do, thuộc quyền kiểm soát của Pakistan, và vùng bên kia là bang Jammu và Kashmir, sát nhập với Ấn Độ. Hai bên liên tục tranh chấp với nhau và năm 1965 chiến tranh Kashmir bùng nổ nhưng đã không giải quyết được vấn đề biên giới, vì cả hai đều cho rằng mình có chủ quyền trên bên kia. Các tranh chấp kéo dài trong 60 năm qua đã khiến cho hàng trăm ngàn người thiệt mạng. Chính trong tình trạng này cũng xảy ra thảm cảnh kỳ thị các Kitô hữu trong vùng Kashmir Pakistan.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha Sebastian Shaw, Giám Mục Lahore, về các vụ kỳ thị tín hữu Kitô trong bang Kashmir và thảm cảnh lũ lụt bên Pakistan. Đức Cha đang ở Roma trong các tuần này, nhưng tâm trí ngài vẫn hướng về các Kitô hữu và nạn nhân bên Pakistan, một đất nước bị ngã gục vì nạn lũ lụt nghiêm trọng chưa từng thấy từ 80 năm qua, khiến cho hàng ngàn người chết, hàng triệu người chỉ còn hai bàn tay trắng và 21 triệu người bị liên lụy.

Hỏi: Thưa Đức Cha Shaw, bên cạnh tai ương lũ lụt lại còn xảy ra thảm cảnh các nhóm tôn giáo thiểu số bị tấn kích và bách hại. Đây là các kỳ thị mới xảy ra hay đã có từ lâu, thưa Đức Cha?

Đáp: Bên Pakistan các vụ kỳ thị chống lại các nhóm tôn giáo thiểu số như các Kitô hữu và tín hữu Ấn giáo đã luôn luôn có từ xưa tới nay, chứ không phải mới xảy ra. Chẳng hạn, trong nhiều lãnh vực và trên nhiều mức độ các tín hữu Kitô và cả các tín hữu Ấn giáo nữa gặp khó khăn không xin được công ăn việc làm, hay có được một chỗ cho con em của họ trong trường học. Đây chỉ là các kỳ thị thông thường nhất. Tai ương lũ lụt tại Pakistan đã khơi dậy sự thương cảm nơi mọi người. Tuy nhiên, đối với các tín hữu Kitô, bên cạnh nỗi đau đớn chung đó, còn có thảm cảnh thường khi thấy mình bị từ chối không được giúp đỡ và cả cứu trợ nữa.

Hỏi: Đức Cha có thể cho biết vài trường hợp Kitô hữu không được cứu giúp hay không?

Đáp: Rất tiếc là có biết bao nhiều trường hợp người ta từ chối cứu trợ các Kitô hữu. Tại Karachi trong vùng Nur Muhammad Goth, nhân viên của một tổ chức phi chính quyền hồi giáo địa phương đã từ chối không cung cấp thực phẩm cho 3 gia đình Kitô. Các nhân viên của tổ chức này đã nói rõ với họ rằng: ”Người Kitô thì chúng tôi không cho gì hết”. Đây là điều chính các nữ tu, một linh mục và vài người thiện nguyện làm việc trong vùng này đã kể lại cho tôi nghe. Sau cùng các gia đình tuyệt vọng đó đã được các nữ tu trợ giúp thực phẩm để khỏi chết đói. Các vụ tương tự cũng xảy ra trong các làng Sialkot, Narowal và Kasur trong vùng Punjab.

Đây không phải do lỗi của chính quyền, vì chính quyền tìm trợ giúp tất cả mọi người. Nhưng nó tùy thuộc nơi thái độ kỳ thị của nhân viên nhiều tổ chức hồi giáo tư nhân phi chính quyền. Và đây cũng không phải là các sự kiện mới mẻ gì. Lý do là vì, tôi xin lập lại, các Kitô hữu đã luôn luôn bị kỳ thị như vậy. Chẳng hạn như tại Kasur, cách đây một năm đã xảy ra các vụ tấn kích vài gia đình công giáo. Ít lâu sau cảnh này cũng xảy ra tại Gogra, nơi có hai nhà thờ đã bị đốt cháy và 7 người bị sát hại, mà không có lý do gì.

Hỏi: Theo Đức Cha, sự thù ghét các tín hữu Kitô đâm rễ sâu trong qúa khứ này tùy thuộc cái gì?

Đáp: Tôi tin rằng yếu tố tôn giáo chỉ giải thích được một phần các tấn kích và xúc phạm chống lại các tín hữu Kitô. Hay nói đúng hơn tôn giáo bị các nhóm hồi cuồng tín lèo lái lạm dụng để gây oán thù chống lại một cộng đoàn, chỉ có lỗi là với thời gian đã chiếm được một địa vị kinh tế xã hội quan trọng. Đây là lý do thật của sự giận dữ chống lại các Kitô hữu. Các nhóm hồi cuồng tín này không tha thứ cho cộng đoàn kitô - xưa kia rất nghèo túng - được thành công và cải tiến tình trạng sống của họ. Nhưng các Kitô hữu đã thành công, vì đã làm việc rất vất vả và chăm chỉ. Đàng sau việc lèo lái tôn giáo đó dấu ẩn một sự cạnh tranh, hay nói đúng hơn một lòng ghen tương đố kỵ có tính cách kinh tế và xã hội.

Hỏi: Thưa Đức Cha, trong các tuần qua cũng đã có các lời tố cáo nhiều vụ ”lụt lội lèo lái”. Để cứu vãn các cánh đồng và đất đai của mình nhiều đại điền chủ và người giầu có quyền thế đã trả tiền cho người ta hướng các dòng nước lụt về các làng nghèo hơn, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đây là các sự kiện của lãnh vực công cộng tại Pakistan. Đài truyền hình đã nhiều lần loan tin này.

Hỏi: Giáo phận Lahore của Đức Cha có bị nạn lũ lụt tàn phá không?

Đáp: Thành phố Lahore đã không bị nước lũ tàn phá. Nhưng các làng chung quanh thành phố bị thiệt hại nặng. Giáo phận và Caritas Lahore đang gửi phẩm vật cứu trợ tới cho các nạn nhân để thoa dịu các nỗi khổ đau của họ. Tôi nóng lòng muốn trở về giáo phận trong tuần tới đây để trợ giúp một tay.

(Avvenire 15-9-2010)

Linh Tiến Khải


Về Trang Mục Lục