Đức Thánh Cha kêu gọi tái khám phá ra vẻ đẹp của Bí Tích Rửa Tội

Radiovaticana 09/01/2011 18.34.35 –   Tôi muốn khích lệ mọi tín hữu tái khám phá ra vẻ đẹp được rửa tội, thuộc về đại gia đình của Thiên Chúa và tươi vui làm chứng cho đức tin của mình để nó sinh các hoa trái sự thiện và sự hòa hợp.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng ngàn tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 9-1-2011, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.

Trước đó lúc 10 giờ sáng Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ ban Bí Tích Rửa Tội cho 21 trẻ em, con của các nhân viên làm việc trong Tòa Thánh, tại nhà nguyện Sistina ở nội thành Vaticăng.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc phụng vụ, nhất là Phúc Âm thánh Mátthêu, kể lại biến cố Chúa Giêsu cũng khiêm tốn đến lãnh phép rửa từ tay Gioan Tẩy Giả, như các tín hữu khác đến từ khắp nơi trong đất Palestina. Họ đến để lắng nghe lời rao giảng của vị ngôn sứ lớn này, và để nhận lãnh phép rửa như dấu chỉ sám hối tội lỗi. Tuy gọi là phép rửa, nhưng nó không có giá trị bí tích của lễ nghi Rửa Tội các trẻ em được cử hành hôm nay. Vì với cái chết và sự phục sinh của Người, Chúa Giêsu đã thành lập các bí tích và làm nảy sinh ra Giáo Hội. Phép rửa Gioan Tẩy Giả ban là một cử chỉ sám hối, mời gọi con người khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa cho một khởi đầu mới.

Chính vì thế khi thấy Đức Giêsu sắp hàng đến lãnh phép rửa, Gioan Tẩy Giả đã kinh ngạc từ chối, vì ông nhận ra nơi Người Đấng Cứu Thế, Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng vô tội, và muốn được Người ban phép rửa cho. Nhưng Chúa Giêsu khuyến khích ông chấp nhận thi hành điều này “cho trọn sự công chính”. Với kiểu nói này Chúa Giêsu biểu lộ cho thấy Người đến trần gian để thi hành và làm trọn ý muốn của Thiên Chúa Cha. Chính để vâng lời Thiên Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã chấp nhận làm người. Cử chỉ này vén mở cho thấy Đức Giêsu là Con Thiên Chúa thật như Chúa Cha, là Đấng hạ mình làm người như chúng ta, và đã chấp nhận hạ mình cho đến chết trên thập giá (x. Pl 2,7).

Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau: đây là cử chỉ của Đấng muốn hoàn hoàn giống như một người trong chúng ta và xếp hàng với người tội lỗi. Người là Đấng vô tội, lại để cho mình bị đối xử như kẻ có tội (x. 2 Cr 5,21), để vác trên vai gánh nặng tội lỗi của toàn nhân loại. Đó là “người tôi tớ của Giavê” mà ngôn sứ Isaia đã nói tới. Người khiêm tốn, vì muốn thiết lập một sự hiệp thong tràn đầy với nhân loại, vì muốn thực sự liên đới với con người và thân phân của nó. Cử chỉ của Chúa Giêsu diễn tả trước thập giá và việc chấp nhận cái chết cho tội lỗi của con người.

Quay qua các cha mẹ và những người đỡ đầu Đức Thánh Cha nói: qua phép rửa, con cái anh chị em được tháp nhập vào chính sự sống của Chúa Giêsu, Đấng đã chết trên thập giá để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, và khi sống lại Người đã chiến thắng cái chết. Vì thế khi dìm mình một cách thiêng liêng trong cái chết và sự sống lại của Người, chúng được giải thoát khỏi tội tổ tông và bắt đầu cuộc sống mới trong ơn thánh, cuộc sống của chính Chúa Giêsu phục sinh.

Con cái anh chị em là một ơn qúy báu của Chúa, Đấng đã dành để trái tim chúng cho Ngài, để có thể làm cho nó tràn ngập tình yêu của Ngài. Qua bí tích Rửa Tội, ngày hôm nay Ngài thánh hóa chúng và mời gọi chúng theo Chúa Giêsu, qua việc thực hiện ơn gọi cá nhân của chúng theo chương trình tình yêu đặc biệt mà Thiên Chúa Cha có trong trí cho từng em. Đích điểm của cuộc hành hương trần thế này sẽ là sự hiệp thông trọn vẹn với Người trong hạnh phúc vĩnh cửu.

Tiếp đến Đức Thánh Cha nói về dấu ấn của bí tích Rửa Tội như sau: Khi nhận bí tích Rửa tội, các trẻ em này có được một dấu ấn tinh thần không hề phai nhòa, là “tính cách” ghi dấu luôn mãi sự tùy thuộc của chúng nơi Chúa và khiến cho chúng trở thành các chi thể của mình mầu nhiệm Người là Giáo Hội. Hôm nay khi trở nên thành phần của Dân Chúa, chúng bắt đầu con đường nên thánh và đồng hình dạng với Chúa Giêsu, là một thưc tại được đặt để trong chúng như hạt giống của một cây tuyệt đẹp, cần phải được vun trồng cho nó lớn lên... Các em sẽ được dậy dỗ giáo dục theo sự khôn ngoan của Thánh Kinh và các giáo huấn của Giáo Hội để cho mầm giống đức tin mà hôm nay các em nhận lãnh, lớn lên và để các em có thể đạt sự trưởng thành kitô toàn vẹn.

Tiếp đến là kinh cầu các Thánh và Đức Thánh Cha đã ban bí tích rửa tội cho các em. Trong phần tiến lễ vài anh chị của các em được rửa tội dâng lễ vật lên Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha đã cho cha mẹ của các em rước Mình Thánh Chúa.

Lúc 12 giờ trưa, từ cửa sổ phòng làm việc của ngài Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin chung với tín hữu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn Đức Thánh Cha cũng nhắc lại ý nghĩa của lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Nó kết thúc phụng vụ mùa Giáng Sinh. Mầu nhiệm cuộc sống của Chúa Kitô cho thấy tỏ tường biến cố Người đến trong thân xác là cử chỉ diễn tả tột đỉnh tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Có thể nói rằng từ biến cố long trọng này, hành động tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa của Thiên Chúa Ba Ngôi Rất Thánh sẽ luôn luôn được biểu lộ ra hơn nữa trong sứ mệnh công khai của Chúa Giêsu, trong giáo huấn của Người, cũng như trong các phép lạ, trong cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người.

Phúc Âm thánh Mátthêu kể rằng “vừa lãnh phép rửa xong, Đức Giêsu ra khỏi nước: và này đây, trời mở ra cho Người và Người trông thấy Thần Khí của Thiên Chúa ngự xuống như chim bồ câu và đến trên Người. Và này đây có tiếng từ trời phán: “Đây là con yêu dấu của Ta: Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17). Thánh Thần “ở” trên Con Thiên Chúa và làm chứng về thiên tính của Người, trong khi tiếng của Thiên Chúa Cha đến từ trời diễn tả sự hiệp thông của tình yêu. Phần kết luận cảnh lãnh phép rửa nói với chúng ta rằng Đức Giêsu đã nhận “sự xức dầu” đích thật này, rằng Người là Đấng Được Xức Dầu, Đức Kitô mong đợi” (Gesù di Nazareth, Milano 2007,47-48)... Người thật là Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa Tối Cao. Khi ra khỏi nước của sông Giọcđan, người thiết lập sự tái sinh trong Thánh Thần và mở ra cho những ai muốn khả thể trở thành con Thiên Chúa. Thật thế, không phải tình cở mà mọi tín hữu được rửa tội chiếm được “tính cách” là con từ tên gọi kitô, là dấu chỉ không thể nhầm lẫn được mà Chúa Thánh Thần “tái sinh ra” con người từ cung lòng Giáo Hội...

Đức Thánh Cha nói thêm về bí tích Rửa Tội như sau: Các bạn thân mến, bí tích Rửa Tội là khởi đầu cuộc sống tinh thần, tìm thấy sự thành toàn của nó nhờ Giáo Hội. Trong giờ ban bí tích, khi cộng đoàn giáo hội cầu nguyện và phó thác cho Thiên Chúa một người com mới, các cha mẹ và người đỡ đầu dấn thân đón nhận người mới được rửa tội, bằng cách nâng đỡ họ trong việc đào tạo và giáo dục kitô. Đây là môt trách nhiệm lớn lao bắt nguồn từ một ơn lớn lao! Vì thế, tôi muốn khích lệ mọi tín hữu tái khám phá ra vẻ đẹp được rửa tội và thuộc về đại gia đình của Thiên Chúa cũng như tươi vui làm chứng cho đức tin của mình để nó sinh các hoa trái sự thiện và sự hòa hợp. Sau cùng Đức Thánh Cha phó thác cho sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ Maria các cha mẹ và các giáo lý viên đang chuẩn bị cho con cái họ lãnh bí tích Rửa Tội.

Tiếp đến ngài đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã bầy tỏ tình liên đới với nhân dân Haiti, một năm sau khi bị động đất, nhưng lại bị dịch hạch. Ngài cho biết Đức Hồng Y Robert Sarah Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Cor Unum Đồng Tâm đã lên đường viếng thăm dân nước Haiti để nói lên tình liên đới và sự gần gũi của toàn thể Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui an bình.

Linh Tiến Khải


Về Trang Mục Lục