Chỉ người có con tim bé mọn và tinh thần khó nghèo mới được gặp
gỡ và trông thấy Thiên Chúa
Radiovaticana 07/12/2011 18.23.02 – Muốn gặp gỡ và trông
thấy Thiên Chúa chúng ta phải có con tim của những người bé mọn, của những
người có tinh thần nghèo khó, để nhận ra rằng chúng ta cần Thiên Chúa, cần gặp
gỡ Người, lắng nghe Người và nói chuyện với Người.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên với 6.000
tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung với Đức Thánh Cha
trong đại thính đường Phaolô VI sáng
thứ tư 7-12-2011. Bên cạnh các đoàn hành hương Bắc Mỹ và Âu châu cũng có
một đoàn hành hương đến từ Nigeria bên Phi châu, một đoàn hành hương đến từ
Mêhicô bên châu Mỹ Latinh và cũng có một nhóm tín hữu Việt Nam.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích lời cầu
nguyện của Chúa Giêsu gọi là “Thánh thi
vui mừng cứu thế”. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:
Anh chị em thân mến, các thánh sử Mátthêu và Luca đã truyền
lại cho chúng ta một “báu vật” lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, thường
được gọi là “Thánh thi vui mừng”,
hay “Thánh thi vui mừng cứu thế”
(Mt 11,25-30; Lc 10,21-22).
Đây là một lời cầu cảm tạ và chúc tụng. Trong văn bản gốc
tiếng Hy lạp động từ bắt đầu thánh thi diễn tả thái độ của Đức Giêsu hướng về
Thiên Chúa Cha là “exomologoumai”, thường được dịch là “tạ ơn”
(Mt 11,25; Lc 10,21). Nhưng trong các tác phẩm tân ước động từ nòng cốt này ám
chỉ hai điều: thứ nhất là “thừa nhận tới tận cùng”; chẳng hạn thánh Gioan Tẩy
Giả xin người đến để lãnh phép rửa từ ông thừa nhận tới tận cùng các tội lỗi
của họ (x. Mt 3,6); thứ hai là “thấy mình đồng ý với”. Như thế, kiểu nói Chúa
Giêsu bắt đầu lời cầu của Người bao gồm việc thừa nhận cho tới tận cùng, một
cách tràn đầy hành động của Thiên Chúa Cha, và đồng thời là sự ý thức hoàn toàn
và đồng ý tươi vui với kiểu hành động ấy của Thiên Chúa Cha, với chương trình
của Thiên Chúa Cha.
Thánh thi vui mừng là tột đỉnh con đường cầu nguyện nêu bật
sự hiệp thông sâu xa thân tình của Chúa Giêsu với sự sống của Thiên Chúa Cha
trong Chúa Thánh Thần và biểu lộ chức là Con Thiên Chúa của Người.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: trong lời cầu
nguyện Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là “Cha”. Từ này diễn tả ý thức và sự chắc
chắn của Chúa Giêsu là “Con”, trong sự hiệp thông thân tình và liên lỉ với
Người, và đó là trung tâm điểm và suối nguồn mọi lời cầu của Chúa Giêsu. Chúng
ta nhận thấy điều này vào cuối lời cầu: “Mọi sự đã được Cha giao phó cho Ta, và
không ai biết người Con, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai,
trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Lc 10,22). Như thế Chúa
Giêsu khẳng định rằng chỉ có người “Con” thực sự hiểu biết Chúa Cha. Mọi hiểu
biết giữa con người, như chúng ta tất cả có kinh nghiệm, đều bao gồm một liên
lụy, một mối dây nội tâm giữa người hiết và người được biết trên mức độ ít
nhiều sâu xa. Không thể biết mà không có sự hiệp thông bản vị. Trong Thánh thi
vui mừng cũng như trong toàn lời cầu của mình Chúa Giêsu cho thấy rằng sự hiểu
biết Thiên Chúa đích thực giả thiết sự hiệp thông với Người... Chỉ có Chúa Con
hiệp nhất toàn hảo sâu xa với Chúa Cha mới có thể vén mở cho thấy ai là Thiên
Chúa.
Tên gọi Cha được tiếp theo bởi một tước hiệu khác “Chúa
trời đất”. Với kiểu nói này, Chúa Giêsu thâu tóm niềm tin nơi sự tạo dựng và
làm vang lên các lời đầu tiên của Thánh Kinh: “Từ khởi nguyên Thiên Chúa đã tạo
dựng nên trời và đất” (St 1,1). Khi cầu nguyện, Chúa Giêsu nhắc lại trình thuật
kinh thánh về tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, bắt đầu với hành động
tạo dựng. Chúa Giêsu xen mình vào lịch sử tình yêu ấy, Người là tột đỉnh và sự
thành toàn của nó...
Chúa Giêsu bầy tỏ niềm vui sướng của Người, vì Thiên Chúa
Cha đã muốn dấu mầu nhiệm đó với các kẻ thông thái khôn ngoan, mà lại mạc khải
cho những người bé mọn (x. Lc 10,21). Đức Thánh Cha giải thích điểm này như
sau:
Mạc khải của Thiên Chúa không xảy ra theo cái luận lý trần
gian, theo đó các người thông thái và quyền thế chiếm hữu được các sự hiểu biết
quan trọng và truyền chúng lại cho những người đơn sơ, bé nhỏ hơn. Thiên Chúa
đã dùng một kiểu hoàn toàn khác: chính những người bé mọn lại nhận được sự
thông truyền của Người. Đây là ý muốn của Thiên Chúa Cha, và Chúa Con chia sẻ
điều đó với niềm vui sướng. Tiếng reo vui “Vâng, lậy Cha” diễn tả sự sâu thẳm
trong con tim của Người và việc gắn bó với sự đồng ý của Thiên Chúa, như vang
vọng tiếng “xin vâng” của Mẹ Người trong lúc thụ thai, và như là khúc nhạc mở
đầu cho điều Người sẽ nói lên với Thiên Chúa Cha trong cơn hấp hối. Toàn lời
cầu của Chúa Giêsu là sự gắn bó yêu thương của trái tim là người ấy của Người
với “mầu nhiệm ý muốn” của Thiên Chúa Cha (Ep 1,9) (GLHTCG 2603). Từ đó phát
xuất ra lời nguyện chúng ta hướng lên Thiên Chúa trong Kinh Lậy Cha: “xin cho ý
Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” : cùng với Chúa Kitô và trong Chúa
Kitô chúng ta cũng xin bước vào trong sự đồng điệu với ý muốn của Thiên Chúa
Cha, và như thế trở thành con cái của Ngài. Vì thế trong thánh thi vui mừng này
Chúa Giêsu diễn tả ý muốn lôi cuốn vào trong sự hiểu biết con thảo, tất cả
những ai mà Thiên Chúa Cha muốn cho trở thành những người tham dự; và những
người đón nhận ơn đó là những kẻ “bé mọn”.
Bé nhỏ đơn sơ có nghĩa là gì? Đâu là sự bé nhỏ rộng mở con
người cho sự thân tình con thảo với Thiên Chúa và chấp nhận ý muốn của Người?
Trong Diễn văn trên núi Chúa Giêsu khẳng định “Phúc cho ai có tâm hồn trong
sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Chính sự trong sạch của con
tim cho phép nhận ra gương mặt của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô; chính việc có
con tim đơn sơ như con tim của trẻ em, không yêu sách của người tự khép kín trong
chính mình, nghĩ rằng mình không cần ai hết, kể cả Thiên Chúa, cho phép chúng
ta nhìn thấy Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: thật là điều hay,
khi duyệt xét khung cảnh trong đó Chúa Giêsu nói lên lời cầu này.
Trong trình thuật của thánh sử Mátthêu Chúa Giêsu vui mừng,
vì mặc dù có các chống đối và khước từ, vẫn có những kẻ bé mọn đón nhận lời
Người và rộng mở cho ơn đức tin nơi Người. Thật thế, trước đó Chúa Giêsu đã ca
ngợi thánh Gioan Tẩy Giả là một trong “những
kẻ bé mọn” đã nhìn nhận hành động của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô (Mt
11,2-19), và Chúa khiển trách thái độ không tin của dân chúng các thành phố
quanh bờ hồ, nơi Người đã làm đa số các phép lạ của Người (Mt 11,20-24). Như
thế, niềm vui của Chúa Giêsu được thánh sử Mátthêu gắn liền với hiệu qủa lời
rao giảng và hoạt động của Người.
Thánh sử Luca thì gắn liền Thánh thi vui mừng với sự phát
triển của việc loan báo Tin Mừng. Chúa Giêsu đã gửi 72 môn đệ ra đi rao giảng.
Các ông lo sợ không thành công, vì thái độ không tin của dân chúng các thành
phố nơi Chúa Giêsu đã rao giảng và làm nhiều phép lạ. Nhưng các môn đệ đã trở
về tràn đầy niềm vui vì đã thành công trong sứ mệnh. Họ thấy rằng với quyền lực
của lời Chúa bệnh tật của con người được vượt thắng. Và Chúa Giêsu chia sẻ niềm
vui đó của các môn đệ, và Người hớn hở vui mừng nói lên Thánh thi vui mừng.
Còn hai yếu tố trong lời cầu của Chúa Giêsu: “Chúa Giêsu hớn hở vui mừng trong Thánh Thần”.
Người khởi hành từ chỗ sâu xa nhất, từ sự hiệp thông hiểu biết và yêu thương
với Thiên Chúa Cha, từ sự tràn đầy Chúa Thánh Thần. Khi lôi cuốn chúng ta vào
chức làm con của Người, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta rộng mở cho ánh sáng
của Chúa Thánh Thần.
Trong Phúc Âm thánh Mátthêu, sau lời cầu ấy, Chúa Giêsu đưa
ra một trong những lời kêu gọi thân tình nhất: “Hãy đến cùng Ta hỡi các con tất cả là những kẻ mệt mỏi và bị áp bức, và
Ta sẽ bổ sức cho các con” (Mt 11,28). Chúa Giêsu mời goi chúng ta đến
với Người, là sự khôn ngoan đích thật, là Đấng “hiền lành và khiêm nhường trong
lòng”. Người đề nghị chúng ta mang lấy “ách” của Người, là con đương khôn ngoan
của Tin Mừng. Nó không phải là một lý thuyết phải học hỏi hay một đề nghị luân
lý, mà là một Người phải đi theo: đó là chính Người Con Một hiệp nhất toàn vẹn
với Thiên Chúa Cha.
Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Với ơn
Thánh Thần chúng ta cũng có thể hướng về Thiên Chúa trong lời cầu nguyện với sự
tin tưởng của con cái và gọi tên Người là “Abba”. Nhưng chúng ta phải có con tim của những người bé mọn, của
những người có tinh thần nghèo khó, để nhận ra rằng chúng ta không tự đủ, chúng
ta không thể xây dựng cuộc sống một mình, nhưng cần đến Thiên Chúa, cần gặp gỡ
Người, lắng nghe Người và nói chuuện với Người. Lời cầu nguyện rộng mở con tim
chúng ta cho ơn của Thiên Chúa, cho sự khôn ngoan của Người, là chính Chúa
Giêsu Kitô.
Chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh
Cha đã khích lệ mọi người sống Mùa Vọng sốt mến, noi gương Mẹ Maria Vô Nhiễm
Nguyên Tội gắn bó với thánh ý của Thiên Chúa và để cho Thiên Chúa uốn nắn cuộc
sống như Ngài muốn. Sau cùng Đức Thánh Cha cất kinh Lậy Cha và ban phép lành
tòa thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải