NGOẠI TRƯỞNG TÒA THÁNH BÊNH VỰC TỰ DO TÔN GIÁO
Radiovaticana 07/12/2011 17.06.29 –
Đức TGM Mamberti đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài tham
luận tại Hội đồng thứ 18 cấp Bộ trưởng của tổ chức an ninh và cộng tác Âu Châu,
gọi tắt là OSCE, nhóm tại Vilnius, thủ đô Lituani, trong hai ngày mùng 6 và
7-12-2011 với sự tham dự của các ngoại trưởng của 57 nước Âu Châu, Hoa Kỳ và
Canada. Ngài nhận định rằng tổ chức OSCE từ nhiều năm nay vẫn dấn thân bênh vực
các quyền tự do căn bản và nhân quyền.. Trong số các tự do cơ bản ấy có quyền
tự do tôn giáo. Hội nghị Thượng đỉnh hồi năm ngoái của tổ chức này tại Astana,
thủ đô Kazachstan, đã tuyên bố rõ ràng rằng: “Cần cố gắng nhiều hơn nửa để
thăng tiến tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, và bài trừ sự bất bao dung và kỳ thị”.
Mặc dù được cộng đồng quốc tế và hiến pháp của nhiều quốc gia lập đi lập lại,
nhưng quyền tự do tôn giáo tiếp tục bị vi phạm tại nhiều nơi ngày nay”.
Trong Sứ điệp nhân ngày hòa bình thế giới đầu năm nay
(2011), ĐTC Biển Đức 16 nhận xét rằng “hiện nay, các tín hữu Kitô là nhóm tôn
giáo bị bách hại nhiều nhất vì đức tin. Nhiều Kitô hữu hằng ngày phải chịu xỉ
nhục và nhiều khi sinh mạng của họ bị lâm nguy vì họ theo đuổi sự thật, và niềm
tin nơi Chúa Giêsu Kitô, cũng như vì tha thiết yêu cầu tôn trọng tự do tôn
giáo. Tình trạng này không thể chấp nhận được, vì nó xúc phạm đến Thiên Chúa và
phẩm giá con người; hơn nữa nó đe dọa an ninh và hòa bình, và là cản trở việc
đạt tới sự phát triển nhân bản đích thực và toàn diện” (n.1).
Ngoại trưởng Tòa Thánh cho biết hiện có hơn 200 triệu Kitô
hữu, thuộc các hệ phái khác nhau, đang gặp khó khăn vì những cơ cấu luật pháp
và văn hóa, làm cho họ bị kỳ thị. Ngài kêu gọi tiếp tục thi hành quyết định của
Hội nghị hồi tháng 9 năm ngoái ở Roma về việc “phòng ngừa và đáp lại những vụ
oán ghét và tội ác chống lại các tín hữu Kitô”, đồng thời khuyến khích các nước
phúc trình vì những tội ác oán ghét chống Kitô hữu.
Đức TGM cổ võ việc cử hành Ngày Thế giới chống bách hại và
kỳ thị Kitô hữu. Việc cử hành này có thể là một dấu hiệu quan trọng cho thấy
các chính phủ thực tâm muốn đối phó với vấn đề nghiêm trọng này.
Sau cùng, về tệ nạn buôn người, nhất là các phụ nữ và trẻ
vị thành niên, không những để khai thác tình dục, nhưng còn để bóc lột sức lao
động của họ hoặc dùng như những nô lệ tại gia, Đức TGM Mamberti tố giác hiện
tượng này trở thành một doanh nghiệp phồn thịnh, có liên hệ tới nhiều quốc gia
nguyên quán, chuyển tiếp và các nước tiếp nhận. Ngài nói:
“Để chống lại tai ương buôn người với quyết tâm mạnh mẽ và
những kết quả cụ thể hơn, cần có sự phối hợp các nỗ lực: cần có một tâm thức
qui trọng tâm vào phẩm giá có một không hai của con người, cần trừng phạt thích
đáng những kẻ buôn người, chiến đấu chống nạn tham ô hối lộ, giáo dục đúng đắn
tại học đường về quan hệ hỗ tương giữa người nam và người nữ, các cơ quan
truyền thông cần thông tin đúng đắn về những thiệt hại do nạn buôn người gây
ra. (SD 7-12-2011)
G. Trần Đức Anh OP