NGƯỜI KHÔN NGOAN LÀ NGƯỜI TIN TƯỞNG VÀO QUYỀN NĂNG CHÚA

Radiovaticana 18/12/2011 16.54.33 – Quý vị thính giả thân mến,

Sáng hôm nay, Chúa nhật thứ IV Mùa Vọng, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI có chuyến viếng thăm nhà tù Rebibbia, vùng ngoại ô Rôma. Đây là chuyến viếng thăm thứ hai đến một nhà tù sau lần thứ nhất ngài thực hiện vào ngày 18 tháng ba năm 2007 ở trại giam cho người vị thành niên Casal del Marmo. Tiếp đón Đức Thánh Cha trong nhà nguyện Padre Nostro có khoảng 300 người gồm các nhân viên và phạm nhân, những người đang mong đợi chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha. Sở dĩ như thế là bởi những năm gần đây tình trạng cuộc sống trong trại giam trở nên tệ hơn do quá đông đúc, thiếu các nhân viên phục vụ, do có quá nhiều ngoại kiều và những người đến từ giai tầng thấp trong xã hội, do thiếu trợ cấp và cung cách ứng xử nơi các nhà giam. Trả lời phỏng vấn, vị tuyên uý nhà tù, Linh mục Pier Sandro Spriano, cho biết ý nghĩa chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha.

"Theo quan điểm của tôi, cũng như quan điểm của các phạm nhân và nhân viên, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi trong thời điểm hiện tại, các phạm nhân dường như bị bỏ rơi, xã hội không ai quan tâm đến họ; đồng thời cũng tồn tại nhiều vấn đề khác. Giáo Hội, đặc biệt là Đức Thánh Cha, đã đến và nói rằng "chúng tôi ở với các bạn". Điều này thực sự có ý nghĩa. Nghĩa cử này cũng có thể là một khởi đầu cho những sáng kiến nhằm thuyết phục các nhà hành pháp thực hiện một điều gì đó khẩn cấp để giải toả tình trạng chen chúc không thể tưởng tượng nổi nơi đây. Tình trạng sống như vậy chắc chắn hạ thấp phẩm giá của con người. Do đó việc Đức Thánh Cha ghé thăm nói lên rằng Giáo Hội ở gần mọi người".

Mọi người đã chuẩn bị cho sự kiện này thế nào thưa Cha?

Đặc tính cuộc sống trong trại giam thường phân tán thành nhiều hướng và không có nhiều thời gian để chuẩn bị. Tuy vậy, trong trường hợp này chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi từ phạm nhân, từ đó một số được chọn để trình bày với Đức Thánh Cha. Có rất nhiều câu hỏi thuộc lãnh vực thiêng liêng và do đó tôi cho rằng đây là sự chuẩn bị tốt nhất. Bên cạnh đó, cũng có nhiều phạm nhân cộng tác với chúng tôi trong công việc, trong việc tạo ra một môi trường sống tốt đẹp hơn. Tất cả cũng là để cho sự kiện này.

Sau chuyến viếng thăm, Đức Thánh Cha trở về Vatican và chủ sự Kinh Truyền Tin như thường lệ vào khoảng 12 giờ trưa. Với khách hành hương tại quảng trường thánh Phê-rô, ngài ngỏ lời:

Anh chị em thân mến,

Trong Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, phụng vụ Lời Chúa giới thiệu cho chúng ta trình thuật truyền tin cho Đức Maria. Chiêm ngắm dung nhan tuyệt diệu của Đức thánh Đồng Trinh, trong giây phút nhận thánh ý Thiên Chúa, chúng ta lại được ánh sáng chân lý chiếu toả trong tâm hồn luôn luôn theo một cách thức mới mẻ. Cách đặc biệt, tôi muống dừng lại ở tầm quan trọng của đặc tính trinh nguyên của Mẹ Maria, ở việc Mẹ thụ thai Chúa Giê-su nhưng vẫn đồng trinh.

Đàng sau biến cố truyền tin ở Nazaret, ngôn sứ Isaia đã loan báo: "Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu:Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai,và đặt tên là Em-ma-nu-en." (Is 7,14). Lời hứa thuở xưa này được hoàn tất cách trọn vẹn trong biến cố Nhập thể của Con Thiên Chúa. Thực ra, không chỉ Mẹ Maria cưu mang Chúa Giê-su nhưng là do quyền năng của Chúa Thánh Thần, do bởi Chính Thiên Chúa. Thân phận con người của Thiên Chúa bắt đầu sự sống trong cung lòng Mẹ Maria nhưng hiệu hữu của Ngài khởi đi hoàn toàn từ Thiên Chúa. Do đó, Chúa Giê-su hoàn toàn là con người, nói theo ngôn ngữ biểu tượng của Kinh thánh là tạo nên từ đất; nhưng Ngài đến từ trên cao, từ Trời. Do vậy, sự việc Đức Maria thụ thai nhưng đồng trinh là nền tảng cho việc nhận biết Chúa Giê-su và cho đức tin của chúng ta. Bởi sự kiện này chứng tỏ rằng sáng kiến đến từ Thiên Chúa và đặc biệt chỉ ra rằng ai là người được thụ thai. Tin Mừng đã kể lại: "Vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa" (Lc 1,35). Trong ý nghĩa này, sự đồng trinh của Đức Maria và thần tính của Chúa Giê-su bảo đảm cho nhau.

Bởi lẽ đó, chúng ta thấy tầm quan trọng trong câu hỏi của Đức Maria, đang khi "rất bối rối", dành cho sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! (Lc 1,34). Trong sự đơn sơ của mình, Mẹ Maria thật sáng suốt. Mẹ không hoài nghi quyền năng của Chúa nhưng muốn hiểu hơn ý định của Người hầu theo trọn ý định nhiệm mầu của Chúa. Mầu nhiệm Thiên Chúa vượt xa trí hiểu của Mẹ Maria tuy nhiên Mẹ đã hoàn thành trọn vẹn vai trò được trao phó. Tâm trí của Mẹ tràn đầy khiêm tốn, và chính do lòng khiêm tốn này, Thiên Chúa trông chờ tiếng "Xin vâng" từ Mẹ để thực hiện công trình của Người. Tiếng "Xin vâng" của Mẹ Maria bao hàm cả tình mẫu tử lẫn sự đồng trinh. Mẹ đã mong muốn để vinh quang Thiên Chúa hiện thực nơi mình và Người Con sẽ sinh ra hoàn toàn là quà tặng ân sủng.

Anh chị em thân mến,

Sự đồng trinh của Đức Maria là độc nhất nhưng ý nghĩa thiêng liêng của sự kiện này hướng đến từng người tín hữu. Sự kiện này, trong căn tính, gắn liền với đức tin. Thực vậy, ai tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu Thiên Chúa, người đó đón nhận Chúa Giê-su nơi mình, đón nhận cuộc sống thánh thiêng của Ngài do bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Đây chính là mầu nhiệm Giáng Sinh! Tôi cầu chúc anh chị em sống mầu nhiệm đó với niềm vui sâu xa trong lòng.

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc đến sự kiện hôm thứ bảy, 17 tháng 12, tại Madrid, có lễ phong chân phước cho 22 nhà truyền giáo thuộc Tu hội Mẹ Maria Vô Nhiễm. Trong số các vị truyền giáo có một giáo dân. Tất cả đều hy sinh mạng sống ở Tây Ban Nha năm 1936 vì nhiệt thành làm chứng cho Tin Mừng. Nhờ những hy sinh của các nhà truyền giáo, nhiều hoa trái phong phú trong tiến tình hoà giải và hoán cải còn trổ sinh cho đến ngày hôm nay.

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ sự quan tâm đến người dân vùng nam Philippin, những người đang gánh chịu hậu quả do trận bão vừa qua. Đức Thánh Cha sẽ hiệp thông với mọi người qua lời cầu nguyện, đặc biệt cho các trẻ em, người bị mất nhà cửa và phải đi lánh nạn.

Với khách hành hương nói tiếng Anh, Đức Thánh Cha mời gọi họ chiêm ngắm Mẹ Maria, người đã cưu mang và hạ sinh Chúa Giê-su. Như Đức Nữ Đồng Trinh đã đưa Chúa đến cho chúng ta, ước gì mỗi người cũng không ngần ngại để Mẹ đưa chúng ta đến với Chúa.

Với khách hành hương nói tiếng Pháp, Đức Thánh Cha khích lệ mọi người, trong khi tiến gần đến đại lễ Giáng Sinh, biết lắng nghe Lời Chúa với thái độ như Mẹ Maria: tin tưởng và phó thác cuộc đời trong tay Chúa để cùng với Mẹ thưa lên với Chúa rằng: "Xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói". Ước gì những náo nhiệt bên ngoài không cản trở chúng ta nhìn thấy và nghiệm ra rằng Thiên Chúa đến cứu độ dân Người.

Sau cùng Đức Thánh Cha ban phép lành cho mọi người.

Đặng Thế Nhân

 


Về Trang Mục Lục