Đừng để cho Lễ Giáng Sinh mất đi ý nghĩa tôn giáo sâu xa của nó
Radiovaticana 21/12/2011 18.31.19 – Sáng thứ tư 21-12-2011
trong đại thính đường Phaolô VI là buổi tiếp kiến cuối cùng trước lễ Giáng
Sinh. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về ý nghĩa lễ Giáng Sinh. Ngài mở
đầu bài huấn dụ như sau:
Anh chị em thân mến, tôi vui mừng tiếp đón anh chị em trong
buổi tiếp kiến chung mấy ngày trước lễ Chúa sinh ra. Lời chào trên môi miệng
của tất cả mọi người trong những ngày này là “Mừng lễ Giáng Sinh! Chúc mừng lễ
Giáng Sinh!”, chúng ta hãy làm sao để cả trong xã hội hiện nay, lời trao đổi
chúc mừng lễ không mất đi ý nghĩa tôn giáo sâu xa của nó, và ngày lễ không bị
thu hút bởi các khía cạnh bề ngoài, nhưng đánh động con tim. Dĩ nhiên, các dấu
chỉ bề ngoài cũng xinh đẹp và quan trọng, miễn là chúng giúp chúng ta sống lễ
Giáng Sinh trong ý nghĩa đích thật, thánh thiêng và kitô của nó làm sao để niềm
vui của chúng ta không hời hợt, nhưng sâu xa.
Với phụng vụ giáng sinh Giáo Hội dẫn đưa chúng ta vào trong
Mầu Nhiệm cao cả của sự Nhập Thể. Thật thế, Giáng Sinh không chỉ là một kỷ niệm
đơn thuần sự sinh ra của Chúa Giêsu, mà còn hơn thế nữa là việc cử hành một Mầu
Nhiệm đã và còn tiếp tục ghi dấu lịch sử của con người - chính Thiên Chúa đã
đến ở giữa chúng ta (x. Ga 1,14) và đã trở thành một người như chúng ta - một
Mầu Nhiệm liên quan tới đức tin và cuộc sống của chúng ta, một Mầu Nhiệm mà
chúng ta sống một cách cụ thể trong các buổi cử hành phụng vụ, đặc biệt trong
Thánh Lễ.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nêu lên câu hỏi: làm sao
mà có thể sống và tham dự một cách có hiệu quả vào biến cố đã xảy ra cách đây
hơn 2.000 năm được? Trong Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh chúng ta sẽ lập lại điệp khúc
thánh vịnh “Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh”. Trạng từ thời gian “hôm nay”
trở lại nhiều lần trong tất cả các buổi cử hành giáng sinh và quy chiếu về biến
cố sinh ra của Đức Giêsu và ơn cứu độ, mà sự Nhập Thể của Con Thiên Chúa đem
lại. Trong Phụng Vụ biến cố đó vượt ngoài các giới hạn không gian và thời gian,
và trở thành thời sự, trở thành hiện tại. Hiệu qủa của nó kéo dài, cả khi ngày,
tháng, năm và các thế kỷ có trôi qua. Khi ám chỉ Chúa Giêsu sinh ra “hôm nay”,
phụng vụ không sử dung một câu nói vô nghĩa, nhưng nêu bật rằng sự Sinh Ra đó
mặc lấy và thấm nhập tất cả lịch sử, tiếp tục là một thực tại cả ngày nay nữa,
mà chúng ta có thể đạt đến chính trong phụng vụ. Đối với tín hữu chúng ta, việc
cử hành lễ Giáng Sinh canh tân xác tín Thiên Chúa hiện diện thực sự với chúng
ta, vẫn là “thịt xác”, chứ không chỉ xa cách: mặc dù Người ở với Thiên Chúa Cha,
Người vẫn gần gũi chúng ta. Trong Trẻ Thơ sinh ra tại Bếtlêhem Thiên Chúa đã
đến gần con người: chúng ta có thể gặp gỡ Ngài bây giờ đây, trong một “hôm nay”
không tàn phai.
Con người thời nay là con người của “cảm nhận”, của những
gì có thể thực nghiệm được, ngày càng gặp khó khăn trong việc rộng mở cho chân
trời và bước vào trong thế giới của Thiên Chúa. Và Đức Thánh Cha quảng diễn
thêm lễ Giáng Sinh như sau:
Dĩ nhiên, ơn cứu rỗi của nhân loại xảy ra trong một thời
điểm chính xác và có thể nhận diện của lịch sử: trong biến cố Đức Giêsu thành
Nagiarét; nhưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, là Đấng đã
không chỉ nói với con người, đã cho con người thấy các phép lạ, đã hướng dẫn
con người dọc dài lịch sử cứu độ, mà đã làm người và tiếp tục là người. Đấng
Vĩnh Cửu đã bước vào trong các hạn hẹp của thời gian và không gian dể khiến cho
con người có thể gặp gỡ Người “hôm nay”. Các văn bản phụng vụ lễ Giáng Sinh
giúp chúng ta hiểu rằng các biến cố cứu độ do Chúa Kitô thực hiện luôn luôn
thời sự; chúng liên quan tới từng người và tất cả mọi người.
Trong các buổi cử hành phụng vụ, khi chúng ta lắng nghe hay
nói lên câu “Hôm nay Đấng Cứu Thế đã được sinh ra cho chúng ta”, chúng ta hiểu
rằng Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta “hôm nay”, bây giờ đây, cho tôi và cho
mọi người trong chúng ta, khả thể hiểu biết Người và tiếp đón Người như các mục
đồng đã làm xưa kia tại Bếtlehem, để Người cũng sinh ra trong cuộc sống chúng
ta, canh tân nó, soi sáng nó, và biến đổi nó với Ơn Thánh, với Sự Hiện Diện của
Người.
Đức Thánh Cha đã trích dẫn các suy tư trong các bài giảng
của thánh Giáo Hoàng Lêô Cả khích lệ tín hữu nhảy mừng và rộng mở con tim cho
niềm vui, phát xuất từ ơn cứu độ mà Chúa Giêsu giáng sinh đem đến cho nhận
loại. Vì hôm nay Đấng Tạo thành thế giới đã sinh ra từ cung lòng của một trinh
nữ, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã xuất hiện mặc lấy thân xác hữu hình của con
người.
Đức Thánh Cha đã gắn liền Sự Nhập Thể với Mầu Nhiệm Phục
Sinh và giải thích như sau:
Sự Nhập Thể và sinh ra của Đức Giêsu mời gọi chúng ta hướng
cái nhìn về cái chết và sự phục sinh của Người: Giáng Sinh và Phục Sinh cả hai
đều là lễ của ơn cứu độ. Phục Sinh cử hành ơn cứu độ đó như chiến thắng trên
tội lỗi và cái chết: ghi dấu thời điểm cuối cùng, khi vinh quang của Con Người
- Thiên Chúa rạng ngời như ánh sáng ban ngày; Giáng Sinh cử hành ơn cứu độ như
việc Thiên Chúa bước vào trong lịch sử để làm người và đem con người tới với
Thiên Chúa. Nó ghi dấu lúc khởi đầu khi ban mai chiếu sáng. Như chính như ban
mai đi trước và làm cho thấy trước ánh sáng ban ngày, lễ Giáng Sinh đã loan báo
Thập Giá và vinh quang của Sự Phục Sinh... Trong khi Phục Sinh rơi vào đầu mùa
xuân, khi mặt trời chiến thắng các sương mù dầy đặc và lạnh lẽo, và canh tân
mặt đất, thì Giáng Sinh rơi đúng vào đầu mùa đông, khi ánh sáng và sức nóng mặt
trời không thể đánh thức thiên nhiên bị bao bọc bởi giá lạnh, nhưng bên dưới sự
sống đập nhịp và bắt đầu trở lại chiến thắng của mặt trời và sức nóng.
Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Các Giáo Phụ đã
luôn luôn đọc hiểu sự sinh ra của Chúa Giêsu dưới ánh sáng của toàn công trình
cứu độ, đạt tột định trong Mầu Nhiệm Phục Sinh. Sự Nhập Thể của Con Thiên Chúa
xuất hiện không chỉ như sự khởi đầu và là điều kiện của ơn cứu rỗi, nhưng còn
như là chính sự hiện diện của Mầu Nhiệm cứu độ của chúng ta: Thiên Chúa làm
người, sinh ra là trẻ thơ như chúng ta, nhận lấy thịt xác của chúng ta để chiến
thắng cái chết và tội lỗi. Thánh Basilio có hai văn bản minh giải Mầu Nhiệm ấy
rất ý nghĩa. Người nói: “Thiên Chúa nhận lấy thịt xác chính là để tiêu diệt cái
chết ẩn nấp trong đó. Như là thuốc giải độc một khi đã uống vào rồi thì phá hủy
các hiệu qủa của thuốc độc, và như bóng tối của một căn nhà tan đi trước ánh
sáng mặt trời, cái chết đã thống trị bản tính con người bị phá hủy bởi sự hiện
diện của Thiên Chúa. Như đá băng đông cứng trong nước cho tới khi nào đêm còn
kéo dài và bóng tối ngự trị, nhưng nó tan chảy ngay dưới sức nóng của mặt trời,
cũng thế cái chết đã thống trị cho tới khi Chúa Kitô tới, ơn thánh của Thiên
Chúa Cứu độ vừa xuất hiện và mặt trời công chính mọc lên, thì nó bị chiến thắng
nuốt trửng” (1 Cr 15,54), vì không thể cùng hiện diện với Sự Sống” (Omelia
sulla nascita di Cristo 2: PG 31,1461).
Trong một văn bản khác thánh Basilio mời gọi tín hữu cử
hành ơn cứu độ của thế giới, ngày sinh của nhân loại, vì hôm nay tội của Ađam
đã được tha thứ, con người không còn phải nói “ngươi là cát bụi hay trở về cát
bụi”, nhưng được kết hiệp cùng Đấng đã đến từ trời, ngươi sẽ được chấp nhận vào
trời (Omelia della nascita di Cristo 6; PG 31,1473).
Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Trong lễ
Giáng Sinh chúng ta gặp gỡ sự dịu hiền và tình yêu thương của Thiên Chúa, là
Đấng cúi xuống trên các hạn hẹp, các yếu đuối và tội lỗi của chúng ta và Người
hạ mình thấp cho tới chúng ta. Thánh Phaolô khẳng định rằng Đức Giêsu Kitô “tuy
đồng hàng với Thiên Chúa, nhưng đã dốc đổ chính mình, bằng cách nhận lấy điều
kiện là tôi tớ, trở nên giống phàm nhân” (Pl 2,6-7). Chúng ta hãy nhìn vào hang
đá Bếtlêhem, Thiên Chúa đã hạ mình đến nằm trong một máng cỏ, và đó đã là mở
đầu cho sự tự hạ trong giờ khổ nạn của Người. Tuyệt đỉnh của lịch sử tình yêu
giữa Thiên Chúa và con người đi ngang qua máng cỏ Bếtlêhem và ngôi mộ ở
Giêrusalem... Chúng ta hãy sống lễ Giáng Sinh sắp tới trong tươi vui. Chúng ta
hãy sống biến cố tuyệt vời này: Con Thiên Chúa còn sinh ra “hôm nay”, Thiên
Chúa thật sự gần gũi từng người trong chúng ta và muốn gặp gỡ chúng ta, muốn
đưa chúng ta tới với Người. Người là ánh sáng thật dãi tỏa và đánh tan bóng tối
bao trùm cuộc sống chúng ta và nhân loại.
Chúng ta hãy sống lễ Giáng Sinh của Chúa bằng cách chiêm
ngưỡng con đường tình yêu vô biên của Thiên Chúa, là Đấng đã nâng chúng ta lên
với Người qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, Khổ Nạn, Cái Chết và Phục Sinh của Con của
Người.
Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác
nhau và chúc tất cả một Lễ Giáng Sinh tuơi vui, an lành, thánh thiện. Sau cùng
ngài cất kinh Lậy Cha và ban phèp lành tòa thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải