Gia đình là
trường dậy cầu nguyện và ý thức về Thiên Chúa
28/12/2011 18.25.55 – Sáng thứ tư 28-12-2011 là buổi tiếp
kiến chung cuối cùng trong năm 2011.
Tiếp tục đề tài cầu nguyện trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha
đã lấy Thánh Gia Nagiarét như mẫu gương của Giáo Hội tại gia, trường dậy cầu
nguyện. Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói với hơn gần 8.000 tín hữu và du
khách hành hương tại đại thính đường Phaolô VI:
Hôm nay tôi muốn mời anh chị em suy tư về cầu nguyện như là
một phần cuộc sống của Thánh Gia Nagiarét. Thật thế, nhà Nagiarét là một trường
học cầu nguyệu, nơi con người tập lắng nghe, suy gẫm, bước vào trong ý nghĩa
sâu thẳm sự biểu lộ của Con Thiên Chúa, theo gương Mẹ Maria, Cha thánh Giuse và
Chúa Giêsu.
Trong diễn văn đọc khi viếng thăm Nagiarét Vị Tôi Tớ Chúa
Đức Phaolô VI đã nói rằng theo học trường của Thánh Gia “chúng ta hiểu tại sao
chúng ta phải có một kỷ luật tinh thần, nếu chúng ta muốn theo giáo lý Tin Mừng
và trở thành môn đệ của Chúa Kitô. Trước hết, trường học Nagiarét dậy chúng ta
sự thinh lặng. Ôi! phải chi tái sinh trong chúng ta việc qúy trọng sự thinh
lặng, bầu khí đáng khâm phục và cần thiết của tinh thần; trong khi chúng ta bị
choáng váng vì biết bao nhiêu động tĩnh, tiếng nói ồn ào trong cuộc sống qúa
giao động và náo nhiệt của thời đại. Ôi! thinh lặng của Nagiarét, hãy dậy cho
chúng tôi biết ở yên trong các tư tưởng tốt lành, chú ý tới cuộc sống nội tâm,
sẵn sàng lăng nghe các linh hứng bí mật của Thiên Chúa và các khích lệ của các
bậc thầy đích thật” (Discoro a Nazaret, 5 gennaio 1964).
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã duyệt qua một số biến
cố trong cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu để rút tỉa ra vài nét về đời cầu
nguyện.
Trước hết là biến cố Đức Mẹ và Cha Thánh Giuse từ Bếtlehem
đi về Giêrusalem để dâng con đầu lòng là Chúa Hài Nhi cho Thiên Chúa trong Đền
Thờ, theo Luật Môshê. Cuộc hành hương của Thánh Gia là cuộc hành hương của đức
tin, của việc dâng của lễ, biểu tượng của lời cầu nguyện và của việc gặp gỡ với
Chúa, mà Mẹ Maria và Cha thánh Giuse đã trông thấy nơi con mình là Đức Giêsu.
Đức Maria là mẫu gương không thể vượt thắng nổi trong việc
chiêm ngưỡng Chúa Kitô. Đã chẳng có ai chiêm ngắm Chúa Giêsu kiên trì như Mẹ.
Gương mặt của Chúa thuộc về Mẹ một cách đặc biệt, vì Chúa ở trong cung lòng Mẹ
và thành hình trong đó bằng cách trở nên giống loài người. Cái nhìn của Mẹ đã
tập trung vào Chúa từ lúc Truyền Tin, khi Mẹ thụ thai Chúa bởi quyền năng của
Chúa Thánh Thần. Trong các tháng tiếp theo đó Mẹ cảm nhận được từ từ sự hiện
diện của Chúa cho tới ngày sinh hạ, khi đôi mằt của Mẹ có thể nhìn thấy gương
mặt của con với sự dịu dàng hiền mẫu, khi lấy tã cuốn cho con và đặt con nằm
trong máng cỏ. Các kỷ niệm về Chúa Giêsu khắc ghi trong tâm trí Mẹ đã đánh dấu
mọi lúc toàn cuộc sống của Mẹ. Mẹ sống với đôi mắt hướng về Chúa Kitô, và coi
mọi lời Chúa là kho tàng. Thánh sử Luca ghi lại thái độ của Đức Maria trước Mầu
Nhiệm Nhập Thể như sau: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi
nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Đó là thái độ Mẹ sẽ giữ mãi trong suốt cuộc
sống mình. Đức Thánh Cha giải thích ghi chú của thánh sử như sau:
Thánh sử Luca là người làm cho chúng ta hiểu biết con tim
của Đức Maria, đức tin (Lc 1,45), đức cậy, sự vâng lời (Lc 1,38) và nhất là lời
cầu nguyện nội tâm của Mẹ (Lc 1,46-56), sự gắn bó tự do của Mẹ với Chúa Kitô
(Lc 1,55). Và tất cả những điều này phát xuất từ ơn của Chúa Thánh Thần, là
Đấng ngự xuống trên Mẹ (Lc 1,35), như sẽ ngự xuống trên các Tông Đồ theo lời
hứa của Chúa Kitô (x. Cv 1,8). Đó là hình ảnh của Đức Maria mà thánh sử Luca
giới thiệu với chúng ta như mẫu gương của mọi tín hữu biết giữ gìn và đối chiếu
với các lời nói việc làm của Cháu Giêsu, giúp ngày càng hiểu biết Chúa hơn.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Khả năng của Đức
Maria sống vì cái nhìn của Thiên Chúa lan sang người khác, trước hết là Cha
Thánh Giuse. Tình yêu khiêm tốn và chân thành của Cha Thánh đối với vị hôn thê
đã được hứa cho Người, và quyết định kết hiệp cuộc sống mình với cuộc sống của
Đức Maria đã lôi kéo và dẫn đưa Người, đã là người công chính, vào trong sự
thân tình đặc biệt với Thiên Chúa. Thật vậy, cùng với Đức Maria và rồi nhất là
cùng với Chúa Giêsu, Người bắt đầu sống một kiểu tương quan mới mẻ với Thiên
Chúa, đón nhận Chúa vào trong đời mình, bước vào trong chương trình cứu độ của
Chúa, bằng cách chu toàn ý muốn của Chúa, làm theo lời sứ thần truyền, đưa Đức
Maria về nhà mình và chia sẻ cuộc sống với Mẹ: thánh nhân đã thật sự trao ban
tất cả chính mình cho Đức Maria và cho Chúa Giêsu, và điều này đã dẫn thánh
nhân tới chỗ toàn thiện trong việc đàp trả lại ơn gọi đã nhận lãnh....
Phúc Âm đã không ghi lại lời nói nào của thánh Giuse: sự
hiện diện của Người là một sự hiện diện thinh lặng, nhưng trung thành, liên lỉ
và cần mẫn. Chúng ta có thể hình dung ra cùng với Mẹ Maria và trong sự đồng
thanh sâu thẳm của Mẹ, thánh Giuse đã sống những năm thời thơ ấu và thanh niên
của Chúa Giêsu và hưởng nếm sự hiện diện của Chúa trong gia đình. Thánh nhân đã
chu toàn vai trò là cha của mình trong mọi khía cạnh. Chắc chắn Người đã giáo
dục Chúa Giêsu cầu nguyện cùng với Đức Maria. Đặc biệt thánh nhân đã đưa Chúa
đến hội đường trong các lễ nghi ngày thứ bẩy, cũng như lên Giêrusalem trong các
dịp lễ lớn của dân
Ngoài ra, có một giai thoại khác cho thấy Thánh Gia
Nagiarét tụ tập nhau cầu nguyện: đó là chuyến hành hương lên Giêrusalem khi
Chúa Giêsu lên 12 tuổi (Lc 2,42-42). Hành hương là một kiểu diễn tả niềm tin
tôn giáo được dưỡng nuôi bằng lời cầu nguyện đồng thời được lời cầu nguyện nuôi
dưỡng. Đức Thánh Cha giải thích hai chiều kích cá nhân và tập thể của lời cầu
nguyện như sau:
Gia đình do thái, cũng như gia đình kitô, cầu nguyện trong
sự thân tình của gia đình, nhưng cũng cầu nguyện chung trong cộng đoàn, thừa
nhận mình là thành phần của dân Chúa dang tiến bước; và cuộc hành hương diễn tả
chính sự tiến bước ấy của dân Chúa. Lễ Vượt Qua là tột đỉnh của tất cả các điều
này và bao gồm chiều kích gia đình và chiều kích phụng tự công cộng.
Sau lễ, Chúa Giêsu ở lại trong Đền Thờ mà cha mẹ Người
không hay biết. Hai ông bà đã lo lắng tìm kiếm Chúa trong ba ngày. Nghe lời
trách của Mẹ, Chúa Giêsu trả lời: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là
con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Câu trả lời của Chúa Giêsu
chỉ cho thấy ai là Cha thật, đâu là nhà thật của Người, và Người đã không làm
điều lạ lùng và không vâng lời. Người đã ở lại nơi Người phải là Con, nghĩa là
ở gần Cha, và đã nhấn mạnh ai là Cha. Từ “Cha” là chìa khóa mầu nhiệm của Chúa
Kitô là Con, và cũng là chìa khóa mầu nhiệm của các kitô hữu là các người con
trong Người Con. Đồng thời Chúa Giêsu dậy cho chúng ta biết phải là con như thế
nào: chính trong việc ở với Thiên Chúa Cha trong lời cầu nguyện. Một ngày kia,
Chúa Giêsu sẽ dậy các môn đệ cầu nguyện và gọi Thiên Chúa là Cha.
Khi Chúa Giêsu còn sống trong Thánh Gia Nagiarét, cần ghi
nhận sự vang vọng của từ “Cha” trên môi miệng Chúa Giêsu đối với con tim của Mẹ
Maria và Cha Thánh Giuse. Từ đó chúng ta có thể hình dung được cuộc sống trong
Thánh Gia còn tràn đầy lời cầu nguyện đến thế nào, bởi vì từ trái tim của con
trẻ, rồi thiếu niên và thanh niên Giêsu, nó sẽ không ngừng làm lan tỏa và phản
ánh trong tim của Đức Maria và Cha Thánh Giuse, ý nghĩa sâu thẳm của tương quan
với Thiên Chúa Cha. Như thế Thánh Gia Nagiarét là mẫu gương đầu tiên của Giáo
Hội, trong đó, chung quanh sự hiện diện của Chúa Giêsu và nhờ sự suy niệm của
Người, tín hữu sống tất cả tương quan với Thiên Chúa Cha, và biến đổi cả các tương
quan của con người với nhau.
Thánh Gia là hình ảnh của “Giáo Hội tại gia” được mời gọi
cùng nhau cầu nguyện. Gia đình là Giáo Hội tại gia và phải là trường dậy cầu
nguyện đầu tiên. Trong gia đình các trẻ em, ngay từ khi còn thơ, có thể học và
trực giác được ý thức về Thiên Chúa, nhờ giáo huấn và gương sáng của cha mẹ
sống trong bầu khí ghi dấu sự hiện diện của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác
nhau và chúc tất cả một năm mới hạnh phúc, thánh thiện. Sau cùng ngài cất kinh
Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải