Khai mạc diễn đàn đối thoại với người không tín ngưỡng


PARIS. Chiều ngày 24-3-2011, ĐHY Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, đã khai mạc Diễn đàn cấp cao đối thoại với người không tin.


Diễn đàn do Hội đồng Tòa Thánh đề xướng, gồm một loạt các sinh hoạt trong đó các nhà trí thức, triết gia, văn sĩ, thuộc nhiều vũ trụ quan, trao đổi với nhau. Các cuộc thảo luận chiều hôm 24-3 có chủ đề “Ánh sáng, tôn giáo, lý trí chung” (Lumières, religions, raison comunne), diễn ra tại trụ sở tổ chức Unesco của LHQ ở Paris. Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc tổ chức quốc tế này, đã cùng với ĐHY Ravasi, chào mừng các tham dự viên.


Trong số những người hiện diện đặc biệt có Ông Giuliano Amato, cựu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia, Ông Jean Vanier, người Canada, sáng lập Cộng đoàn Arche (Con Tàu Noe), triết gia kiêm văn sĩ Pháp Fabrice Hadjadj, ông đại sứ Tiệp tại Pháp và bà đại sứ Maroc cạnh Unesco, cùng nhiều nhân vật khác thuộc đại học Sorbonne, triết gia và phân tâm học, nói về quan hệ giữa chủ thuyết soi sáng và tín ngưỡng.


Trong lời khai mạc, ĐHY Ravasi đề cao tầm quan trọng của công cuộc tìm kiếm, nghiên cứu, như Platon đã viết trong cuốn Biện hộ của Socrote “Một cuộc sống mà không có sự tìm kiếm thì không đáng sống”. Trong chiều hướng đó, từ “tín hữu” (croyant) không chỉ người tin một lần cho tất cả, nhưng là người không ngừng canh tân sự tin tưởng của mình. ĐHY Ravasi kể lại: “Cách đây nhiều năm, tôi được dịp gặp một đại nhân vật đặc biệt của nền văn hóa Pháp, Julien Green, và khi tôi hỏi ông đâu là điều giúp bảo tồn đức tin của ông, ông đã trả lời bằng một câu nói theo tư tưởng của thánh Augustino: “Bao lâu ta cảm thấy bất an, thì bấy lâu ta có thể ở yên hàn”. Đó chính sự bất an sinh động và mạnh mẽ của sự tìm kiếm”.


ĐHY Ravasi cũng giải thích về từ “Tiền đường dân ngoại” (Cortile dei Gentili) được chọn để chỉ diễn đàn đối thoại giữa các tín hữu và những người không tín ngưỡng. Đó là một khu vực tượng trưng ở Jerusalem được chọn làm nơi đối chiếu giữa các tín hữu và những người không tin, cả hai đều ở trong tiến trình tìm kiếm.


Tại Học Viện Pháp Quốc (Institut de France) thứ sáu hôm nay 25-3, có cuộc thảo luận về luân lý đạo đức trong kinh tế, nền tảng luân lý đạo đức của luật pháp và quan hệ giữa tín ngưỡng và văn hóa. Trong số các nhân vật tham dự, có Ông Giulio Tremonti, Bộ trưởng kinh tế và tài chánh của Italia, Đức cha Claude Dagens, GM giáo phận Angoulême ở Pháp..


Ngoài ra, tại Trung tâm văn hóa 'Học viện Bernardins' của Tổng giáo phận Paris, có diễn đàn thảo luận kết thúc.

Theo ban tổ chức, mục đích các sinh hoạt trên đây là tạo cơ hội cho một cuộc đối thoại mới giữa thế giới tín ngưỡng và giới trí thức. Trong thời kỳ của chủ thuyết vô thần cho đến thập niên 1970, người ta xây dựng một kiểu mẫu phản Kitô giáo, các thế hệ trẻ thường tỏ ra dửng dưng đối với tôn giáo.


Ngoài các sinh hoạt trí thức cấp cao trên đây, có một sinh hoạt mở rộng đặc biệt cho giới trẻ và diễn ra tại tiền đường Nhà Thờ chính tòa Đức Bà Paris. Sinh hoạt này có mầu sắc lễ hội với sự tham dự của khoảng 10 ngàn người, tín hữu và người không tín ngưỡng.


ĐTC Biển Đức 16 cũng gửi một sứ điệp Video cho Diễn đàn đối thoại với người không tín ngưỡng (SD 24-3-2011)


G. Trần Đức Anh OP





Về Trang Mục Lục