Đối thoại với người Islam (Hồi giáo) để xây dựng tình bạn

WHĐ (23.08.2011) – Như mọi năm, nhân dịp kết thúc tháng Ramadan, Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn đã gửi chúc mừng tới người Islam. Trong cuộc trao đổi với Đài phát thanh Vatican sau khi công bố sứ điệp này, Đức Hồng y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng này, nói rằng cuộc đối thoại với người Islam trước hết nhằm xây dựng một tình bạn.

Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại liên tôn

Sứ điệp nhân dịp kết thúc tháng Ramadan

‘Id al-Fitr 1432 H. (năm 2011)

Kitô hữu và người Hồi giáo: Cùng nhau hoạt động cho lĩnh vực tinh thần của con người

Các bạn Hồi giáo thân mến,

1. Kết thúc tháng Ramadan đã cho Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại liên tôn một dịp tốt để gửi đến các bạn lời chúc mừng thân ái nhất của chúng tôi, hy vọng rằng những nỗ lực các bạn đã quảng đại thực hiện trong tháng này mang lại hoa trái tinh thần mong ước.

2. Năm nay, chúng tôi nghĩ đến việc dành ưu tiên cho chủ đề về lĩnh vực tinh thần của con người. Chủ đề này liên quan đến một thực tế mà các Kitô hữu và người Hồi giáo cho là quan trọng hàng đầu, khi chúng ta phải đối mặt với những thách đố của vật chất và trào lưu thế tục hóa. Mối quan hệ của mỗi con người với siêu việt không phải là một thời điểm trong lịch sử, nhưng là một phần của bản tính con người. Chúng ta không tin vào số phận, chúng ta tin rằng –hơn nữa chúng ta cảm nghiệm rằng– Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta trên đường chúng ta đi!

3. Kitô hữu và người Hồi giáo, vượt khỏi những khác biệt của mình, đều công nhận phẩm giá của con người được phú cho cả quyền lợi và nghĩa vụ. Họ nghĩ rằng sự hiểu biết và tự do là những món quà thực sự, phải thúc đẩy các tín hữu nhận ra những giá trị này vốn phải được chia sẻ bởi vì những giá trị ấy đều dựa trên cùng bản tính con người.

4. Đây là lý do tại sao việc thông truyền các giá trị nhân bản và đạo đức cho các thế hệ trẻ trở thành mối quan tâm chung. Bổn phận của chúng ta là giúp họ khám phá ra rằng có cả thiện và ác, rằng lương tâm là một nơi tôn nghiêm phải được tôn trọng, và rằng việc vun trồng các chiều kích tinh thần làm cho chúng ta có trách nhiệm hơn, sẵn sàng hơn cho công ích.

5. Kitô hữu và người Hồi giáo rất thường là chứng nhân của các hành vi vi phạm nơi thánh thiêng, của sự ngờ vực mà đối tượng là những người tự cho mình là tín hữu. Chúng ta không thể không lên án mọi hình thức của chủ nghĩa cuồng tín và sự đe dọa, những thành kiến và các cuộc luận chiến, cũng như sự phân biệt đối xử mà, đôi khi các tín hữu là đối tượng cả trong đời sống xã hội lẫn chính trị cũng như trong các phương tiện thông tin đại chúng.​​

6. Các bạn thân mến, chúng tôi rất gần gũi các bạn trong tinh thần, xin Chúa ban cho các bạn năng lực tinh thần mới và chúng tôi gửi đến các bạn những lời chúc hòa bình và hạnh phúc tốt đẹp nhất.

Hồng y Jean-Louis Tauran

Chủ tịch

+ Pier Luigi Celata

Tổng giám mục Thư ký

(Nguồn: vatican.va, 19-08-2011)

ĐHY giải thích: “Đối thoại liên tôn là một hoạt động chủ yếu mang tính tôn giáo. Không phải các tôn giáo đối thoại, mà là các tín hữu gặp gỡ nhau mặc dù họ thuộc về các nền văn hóa và truyền thống khác nhau”.

“Không hề biện minh cho những rào cản, những chia rẽ,” cuộc đối thoại phải “thúc đẩy các tín hữu vượt qua những rào cản của hiểu lầm và định kiến bằng cách giúp mở lòng ra với tha nhân trong sự tôn trọng lẫn nhau”.​​

Vẫn nhìn nhận còn có những “khó khăn” trong cuộc đối thoại với người Islam, Đức Hồng y Tauran nhấn mạnh tầm quan trọng của “việc dành ưu tiên cho các mối tương quan giữa con người, các cuộc tiếp xúc”. “Đối thoại liên tôn chủ yếu dựa trên lòng quý mến lẫn nhau, khởi đầu bằng lòng tôn trọng và phải dẫn đến tình bạn. Vào lúc này, điều quan trọng là xây dựng tình bạn”.

ĐHY Tauran đặt câu hỏi: “Tại sao người Islam làm chúng ta sợ?”. “Trước hết vì chúng ta không hiểu biết họ. Phần nào chúng ta nhìn họ theo những định kiến phổ biến trong giới truyền thông”. Ngài nói thêm: Phải nói rằng đạo Islam “là một thực tại rất phức tạp: vừa là một nền văn minh, một tôn giáo, lại vừa là một hệ thống chính trị. Đây là một thực tại không như những khuôn thức tinh thần và như cách chúng ta ứng xử trong xã hội. Và ta không thể phủ nhận rằng chủ nghĩa khủng bố vì lý do tôn giáo khiến người ta sợ hãi”.

Tuy nhiên “không có gì phải sợ hãi người Islam khi chúng ta là những Kitô hữu xác tín, nhưng nếu chúng ta là những Kitô hữu nguội lạnh, thì đúng là có thể sợ hãi. Sự sợ hãi này hữu ích theo nghĩa đó là một lời mời gọi Kitô giáo phải hữu lý hơn. Người Kitô hữu phải thực sự biết tại sao mình tin và tin vào ai. Ngày nay, chúng ta buộc phải trình bày Kitô giáo với tất cả sự nghiêm túc của nó”.

Được hỏi về tinh thần của cuộc gặp gỡ sẽ tổ chức tại Assisi vào tháng Mười sắp tới, 25 năm sau cuộc gặp gỡ lịch sử theo ý muốn của Đức Gioan Phaolô II, Đức Hồng y Tauran nói rằng đó sẽ là một cơ hội, theo mong muốn của Đức giáo hoàng, “để thinh lặng suy tư, để cầu nguyện - không phải cầu nguyện chung, nhưng mỗi tín hữu (cầu nguyện) theo truyền thống tôn giáo của mình, để xét xem chúng ta có thể làm gì cho xã hội với tư cách là những người tin”.

Ngài nói thêm: “Và để lặp lại rằng hòa bình là điều có thể đạt được. Thiên Chúa dựng nên con người để họ được hạnh phúc. Vấn đề là làm sao cho xã hội chúng ta trở thành nơi tốt đẹp để sống cùng nhau, chung hưởng hạnh phúc. Không thể hạnh phúc mà không có nhau”.

ĐHY kết luận: “Chủ đề tự do tôn giáo có lẽ cũng được đề cập đến. Khi tự do tôn giáo bị đe dọa, các quyền tự do khác cũng bị đe dọa. Không thể tưởng tượng rằng năm 2011 vẫn còn có những tín hữu bị phân biệt đối xử và thậm chí bị hành quyết, vì là tín hữu. Ngay tại nơi mình sống, chúng ta hãy cố gắng tìm ra những gì có thể cùng nhau thực hiện vì thiện ích của xã hội”.

(Theo zenit.org, 22-08-2011)

 


Về Trang Mục Lục