Thiên Chúa hiện diện, lắng nghe và giải thoát

Radiovaticana 07/09/2011 18.09.43 – Thiên Chúa luôn luôn ở gần chúng ta cả trong các khó khăn, các vấn đe và trong những lúc đen tối của cuộc đời. Người lắng nghe, đáp lời và giải thoát chúng ta trong cách thức của Người.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến hơn 20.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 7-9-2011.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha tiếp tục khai triển đề tài “trường cầu nguyện” và bắt đầu suy niệm một số thánh vịnh. Ngài nói:

Thánh vịnh đầu tiên mà tôi muốn dừng lại suy niệm là một thánh vịnh than vãn và khẩn cầu thấm đẫm lòng tín thác, trong đó xác tín về sự hiện diện của Thiên Chúa xây dựng lời cầu nảy sinh từ một điều kiện khó khăn tột cùng, mà người cầu nguyện đang phải sống. Đó là thánh vịnh 3 mà truyền thống do thái quy chiếu về vua Đavít, khi nhà vua phải chạy trốn con mình là hoàng tử Absalom. Đây là một trong các giai thoại thê thảm và khổ đau nhất trong cuộc đời nhà vua, khi người con tiếm ngôi bắt buộc nhà vua bỏ thành Giêrusalem để cứu lấy mạnh sống mình (x 2 Sm 15 ttt.). Như thế, sự hiểm nguy và nỗi âu lo vua Đavít đã sống là bối cảnh giúp chúng ta hiểu lời cầu nguyện này. Trong tiếng kêu của tác giả thánh vịnh mọi người đều có thể nhận ra các tâm tình khổ đau, cay đắng và tin tưởng nơi Thiên Chúa đồng hành với nhà vua trong cuộc trốn chạy khỏi thành thánh.

Thánh vịnh mở đầu với lời kêu lên Chúa: “Lậy Chúa thù địch con đông vô số kể, người nổi dậy chống con thật qúa nhiều! Qúa nhiều kẻ đang nói về con: “Chúa Trời đâu cứu hắn!” (cc.2-3).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói tác giả miêu tả hoàn cảnh nguy ngập với giọng điệu thê thảm bằng cách lập lại ba lần rằng các kẻ thù “đông đảo”, “nhiều”, “biết bao”, cả ba từ trong tiếng Do thái có cùng một gốc. Việc nhấn mạnh trên số đông và cái lớn lao cảu các kẻ thù nhằm diễn tả sự không tương xứng giữa tác giả và các kẻ bách hại ông. Và sự không tương xứng ấy giải thích lời cầu cứu cấp thiết của ông. Đám đông nổi lên chống lại ông gây ra sợ hãi và gia tăng sự đe dọa kinh hoàng. Nhưng người cầu nguyện không để cho cảnh chết chóc ấy chiến thắng, mà vẫn duy trì tương quan vững vàng với Thiên Chúa của sự sống và hướng về Ngài. Tuy nhiên, các kẻ thù cũng tìm cách bẻ gẫy mối dây liên hệ ấy của ông với Thiên Chúa và làm suy yếu niềm tin của nạn nhân. Chúng nói rằng Thiên Chúa không thể can thiệp và khẳng định rằng Người cũng không thể cứu ông. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Như vậy, sự tấn công không chỉ là vật lý mà còn đụng chạm tới cả chiều kích tinh thần nữa: Họ nói “Chúa không thể giải cứu nó”. Nhân tố chính của linh hồn tác giả thánh vịnh bị tấn công. Và cám dỗ tột cùng mà tín hữu phải chịu là cám dỗ mất đức tin, mất niềm tin tưởng nơi sự gần gũi và trợ giúp của Thiên Chúa. Người công chính thắng vượt thử thách cuối cùng này, kiên vững trong đức tin và xác tín sự thật và sự tin tưởng tràn đầy vào Thiên Chúa; và chính vì thế mà họ tìm được sự sống và chân lý...

Xem ra thánh vịnh cũng đụng chạm tới chúng ta: trong biết bao nhiêu vấn đề chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng có lẽ cả Thiên Chúa cũng không thể cứu được tôi, Người không biết tôi, có lẽ Người không có khả năng giải cứu; cám dỗ chống lại đức tin là tấn kích cuối cùng của kẻ thù, và chúng ta phải chống trả lại nó, và như thế chúng ta tìm thấy Thiên Chúa và tìm ra sự sống.

Như vậy, người cầu nguyện được mời gọi đáp trả lại các tấn kích của các kẻ thù gian ác với lòng tin. Các người thù địch khước từ rằng Thiên Chúa có thế trợ giúp tín hữu; nhưng trái lại tín hữu khẩn cầu Người, gọi tên Chúa và hướng về Người trong cách xưng hô thân tình diễn tả tương quan vững bền và xác tín Chúa sẽ đáp lời họ: “Nhưng lậy Chúa, chính Ngài là khiên che thuẫn đỡ, là vinh dự của con, là Đấng cho con được ngẩng đầu bất khuất. Tôi vẫn cất tiếng kêu lên cùng Chúa, Chúa liền đáp lại từ núi thánh của Người” (cc. 4-5).

Các thù địch biến mất. Chúng đã không chiến thắng, vì ai tin nơi Thiên Chúa thì chắc chắn rằng Thiên Chúa là bạn của mình. Đối chọi với đám đông vô số là một mình Chúa, nhưng cao cả và quyền uy hơn bao địch thù. Chúa là sự trợ giúp, bênh vực, giải thoát và thuẫn đỡ che chở ai tín thác nơi Người; và Người cho họ ngẩng đầu trong cử chỉ khải hoàn và chiến thắng. Con người không cô đơn nữa, các thù địch không phải là không đánh bại được nữa, bởi vì Chúa lắng nghe tiếng kêu cứu, trong âu lo, trong nguy hiểm, trong khổ đau. Con người kêu cứu và Thiên Chúa đáp lời. Sự giao thoa giữa lời khẩn cầu của con người và sự đáp trả của Thiên Chúa là biện chứng của lời cầu nguyện và chià khóa đọc hiểu toàn lịch sử cứu độ. Tiếng kêu diễn tả sự cần được trợ giúp, và kêu lên sự trung thành của người khác. Kêu lên có nghĩa là đặt một cử chỉ tin tưởng nơi sự gần gũi và sẵn sàng lắng nghe của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện diễn tả xác tín của một sự hiện diện thiên linh đã được kinh nghiệm và tin được tỏ lộ tràn đầy trong lới đáp trả của Thiên Chúa...

Sự đáp trả của Thiên Chúa trao ban cho tác giả thánh vịnh sự chắc chắn hoàn toàn. Nỗi sợ hãi cũng hết, và tiếng kêu cứu trở thành niềm an bình sâu thẳm: “Tôi nằm xuống và tôi thiếp ngủ, rồi thức dậy, vì Chúa đỡ nâng tôi. Tôi chẳng còn phải sợ lũ người đông vô số đang vây bọc quanh tôi” (cc.6-7).

Tuy bị bao địch thù bủa vây tứ phía, chống đối nhạo cười, tấn công và tìm cách làm cho tín hữu bị ngã, nhưng tín hữu vẫn ngủ yên vì xác tín có Thiên Chúa hiện diện. Khi thức dậy ông thấy Thiên Chúa ở cạnh bên, Người là Đấng canh thức không ngủ. Người nâng đỡ, cầm lấy tay ông và không bao giờ rời ông. Đức Thánh Cha nói thêm:

Sự sợ hãi cái chết bị thắng vươt bởi sự hiện diện của Đấng không chết. Chính đêm đen đầy sợ hãi, đêm đen khổ đau của cô đơn, của đợi chờ khắc khoải, giờ đây được biến đổi: điều nhắc tới cái chết trở thành sự hiện diện của Đấng Vĩnh Cửu.

Sự hiện diện vô hình của Thiên Chúa đối chọi với sự hữu hình của các tấn công thù địch, đông đảo, mạnh mẽ. Thù địch đứng lên chống lại nạn nhân của chúng. Nhưng ở đây Thiên Chúa đứng lên để đánh gục chúng và giải thoát tín hữu. Tác giả thánh vịnh miêu tả chiến thắng của Thiên Chúa trên các thù địch. Với sự đàn áp bất công và tàn bạo của họ, các thù địch biểu tượng cho tất cả những gì chống lại Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Người. Nhưng họ bị Chúa đánh vỡ mặt và đập gẫy răng, không thể tấn kích với bạo lực tàn phá của họ nữa, cũng không thể rỉ tai cám dỗ tín hữu nghi ngờ sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa nữa. Họ bị sự can thiệp cứu độ của Thiên Chúa làm cho câm lặng. Và tác giả thánh vịnh có thể kết thúc với lời cầu chúc tụng cảm tạ và ngợi khen trong sắc thái phụng vụ như sau: “Chúa chính là nguồn ơn cứu độ, xin ban phúc lộc cho dân Ngài”.

Rồi Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau: Khi cầu nguyện với thánh vịnh này chúng ta có thể lấy các tâm tình của tác gỉa làm của mình. Gương mặt của tác gỉa được hoàn thành nơi gương mặt của Chúa Giêsu. Trong đau đớn, trong nguy nan, trong nỗi cay đắng vì không được hiểu biết và bị xúc phạm, các lời thánh vịnh rộng mở con tim chúng ta cho xác tín trao ban an ủi của đức tin. Thiên Chúa luôn ở gần kề chúng ta cả trong các khó khăn, các vấn đề, trong những lúc đen tối của cuộc đời. Người lắng nghe, đáp lời và giải thoát chúng ta trong cách thức của Người.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Tchèques, Croat, Slovac, Hungari và Ý, trước khi cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

 


Về Trang Mục Lục