Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI tại Vận Động Trường Olympic của Nước Đức.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ 24/09/2011

“Chúa Phục Sinh ban cho chúng ta một Nơi Ẩn Náu, một Nơi Đầy Ánh Sáng”

Dưới đây là bản dịch Vatican bài huấn từ của ĐTC Bênêđictô XVI trong Thánh Lễ ngày 22 tháng chín, 2011 tại Vận Động Trường Olympic ở Bá-Linh.

* * *

Quý Hiền Huynh Giám Mục thân mến,

Anh chị em thân mến,

Nhìn quanh sân banh rộng lớn của Vận Động Trường Olympic, nơi mà đông đảo anh chị em tụ họp hôm nay thế này, làm cho lòng tôi tràn ngập niềm vui và tin tưởng. Tôi nhiệt tình kính chào tất cả anh chị em, các tín hữu từ Tổng Giáo Phận Bá-Linh và từ các Giáo Phận của nước Đức cũng như nhiều khách hành hương từ các nước láng giềng. Mười lăm năm trước đây Bá-Linh, thủ đô nước Đức, lần đầu tiên có một Giáo Hoàng thăm viếng. Tất cả chúng ta đều nhớ rất rõ chuyến viếng thăm của vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi, Chân Phước Gioan Phaolô II, và lễ phong chân phước và cho Cha Sở Nhà thờ Bá-Linh là Cha Lichtenberg Bernhard cùng với Cha Karl Leisner - ở chính nơi này.

Nếu chúng ta để ý đến các Chân Phước này và vô số những vị đã được phong hiển thánh và chân phước, chúng ta có thể hiểu việc sống như những ngành nho của Đức Kitô, cây nho thật, và sinh hoa trái dồi dào có nghĩa gì. Bài Tin Mừng hôm nay một lần nữa đặt chúng ta trước hình ảnh của cây leo này, là một cây lan tràn rất nhiều ở đông phương, một biểu tượng cho sức sống và ẩn dụ về sức năng động và vẻ đẹp của tình bằng hữu mà Chúa Giêsu dành cho các môn đệ và bạn hữu của Người.

Trong dụ ngôn cây nho, Chúa Giêsu không nói: “Các con là cây nho,” nhưng: “Thầy là cây nho, các con là ngành” (Ga 15:05). Nói cách khác: “Như ngành được gắn liền với cây nho thế nào thì các con cũng thuộc về Thầy như thế! Nhưng vì các con thuộc về Thầy nên các con cũng thuộc về nhau.” Việc thuộc về nhau và thuộc về Chúa này không phải chỉ là một mối liên hệ lý tưởng, tưởng tượng hay biểu tượng nào đó, nhưng tôi muốn nói hầu như là một liên hệ huyết thống, một tình trạng thuộc về Đức Chúa Giêsu Kitô có sức truyền sinh. Đó chính là Hội Thánh, sự hiệp thông sự sống này với Người và vì lợi ích của nhau, một sự hiệp thông bắt nguồn từ Bí Tích Thánh Tẩy và được đào sâu cùng được ban cho nhiểu sinh lực hơn trong Bí Tích Thánh Thể. “Thầy là cây nho thật” thực sự có nghĩa là: “Thầy là của các con và các con là của Thầy” - một sự đồng hóa vô tiền khoáng hậu của Chúa với chúng ta, Hội Thánh của Ngài.

Trên đường đi Đamascô, chính Đức Kitô đã hỏi Saulô, kẻ bách hại Hội Thánh: “Tại sao ngươi bàch hại Ta?” (Cv 9:04). Với những lời này Chúa diễn tả số phận chung phát sinh từ đời sống hiệp thông nội tâm của Hội Thánh với Người, Đức Kitô Phục Sinh. Người tiếp tục sống trong Hội Thánh của Người trên thế gian này. Người đang hiện diện giữa chúng ta, và chúng ta đang sống với Người. “Tại sao ngươi bách hại Ta?” Như thế chính Chúa Giêsu là người hứng chịu những cuộc bách của Hội Thánh của Người. Đồng thời, khi chúng ta đang chịu áp bức vì đức tin, chúng ta không chịu một mình: Chúa Giêsu cùng chịu với chúng ta.

Chúa Giêsu nói trong dụ ngôn: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho” (Ga 15:01), và Người tiếp tục giải thích rằng người trồng nho lấy dao ra cắt bỏ những ngành khô héo và tỉa những cây nho sinh hoa trái, để nó sinh sản thêm nhiều. Được diễn tả bằng hình ảnh từ sách Ngôn Sứ Edekiel mà chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất, Thiên Chúa lấy quả tim bằng đá đã chết ra khỏi ngực của chúng ta để ban cho chúng ta một quả tim sống động bằng thịt (x. Ez 36:26). Người muốn ban cho chúng ta sự sống mới, đầy sinh lực. Đức Kitô đã đến để kêu gọi những người tội lỗi. Chính họ là những người cần thầy thuốc chứ không phải những người khỏe mạnh (x. Lc 5:31 tt.). Do đó, như Công Đồng Vaticanô II diễn tả Hội Thánh là “bí tích cứu độ phổ quát “ (Lumen Gentium, 48), hiện hữu cho những người tội lỗi để mở cho họ con đường hoán cải, chữa lành và sống. Đó là nhiệm vụ đích thực và tuyệt vời của Hội Thánh, được Đức Kitô ủy thác.

Nhiều người chỉ thấy hình thức bên ngoài của Hội Thánh. Điều ấy làm cho Hội Thánh có vẻ chỉ đơn thuần là một tổ chức trong nhiều tổ chức của một xã hội dân chủ, mà các tiêu chuẩn và luật lệ của nó được áp dụng vào việc đánh giá và hành xử với một thực thể phức tạp như “Hội Thánh”. Nếu thêm vào điều này kinh nghiệm đáng buồn là Hội Thánh chứa đựng cà những con cá tốt lẫn những con cá xấu, lúa mì và cỏ lồng vực, và nếu người ta chỉ kể đến những khía cạnh tiêu cực, thì họ không còn thấy mầu nhiệm cao cả và thâm sâu của Hội Thánh nữa.

Tiếp theo đó là việc thuộc về cây nho này, “Hội Thánh”, không còn là một nguồn vui nữa. Sự không hài lòng và bất mãn bắt đầu lan tràn khi những quan niệm hời hợt và sai lầm về “Hội Thánh”, “Hội Thánh lý tưởng” của họ không thành sự thật! Sau đó chúng ta không còn nghe bài hoan ca “Cảm tạ Thiên Chúa trong ân sủng của Ngài đã gọi con vào Hội Thánh” mà các thế hệ người Công giáo đã hát với niềm xác tín.

Bài giảng của Chúa được tiếp tục: “Hãy ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Như ngành nho không thể tự nó sinh trái nếu nó không dính liền với cây nho, các con cũng thế, trừ khi các con ở trong Thầy… vì không có Thầy, các con không thể làm được việc gì”(Ga 15:04 tt.).

Mỗi người trong chúng ta phải đương đầu với lựa chọn lựa này. Chúa nhắc cho chúng ta về nguy cơ lớn lao thế nào khi Người tiếp tục dụ ngôn: “Nếu ai không ở trong Thầy, người ấy sẽ bị quẳng đi như một cành cây và sẽ bị khô héo; và các cành được gom lại và ném vào lửa cùng bị thiêu hủy” (Ga 15:6). Về vấn đề này, Thánh Augustinô nói: “Ngành chỉ thích hợp với một trong hai điều, hoặc là với cây nho hai là với lửa: nếu nó không ở trong cây nho, thì chỗ của nó sẽ là trong lửa; và nếu nó có thể thoát khỏi lửa, thì nó có thể có chỗ trong cây nho”( Bài về Tin Mừng Thánh Gioan 81:3 [PL 35, 1842]).

Quyết định mà chúng ta bắt buộc phải làm ở đây là ý thức sâu xa về ý nghĩa sống còn của những chọn lựa trong cuộc đời mình. Đồng thời, hình ảnh của cây nho là một dấu chỉ hy vọng và tin tưởng. Chính Đức Kitô đã đến thế gian qua việc nhập thể, để trở thành cội rễ của chúng ta. Cho dù bất cứ khó khăn hay hạn hán nào xảy đến cho chúng ta, Người là nguồn cung cấp nước hằng sống, là nước nuôi nấng và bổ sức cho chúng ta. Người gánh tất cả mọi tôi lỗi, lo âu và đau khổ của chúng ta, và Người thanh lọc cùng biến đổi chúng ta, một cách hoàn toàn bí nhiệm, thành rượu ngon. Trong những lúc khó khăn như thế chúng ta đôi khi cảm thấy như mình ở trong máy ép rượu, như những trái nho đang bị nghền nát hoàn toàn. Nhưng chúng ta biết rằng nếu được kết hợp với Đức Kitô chúng ta sẽ trở thành rượu chín mùi. Thiên Chúa có thể biến đổi ngay cả những khía cạnh nặng nề và ngột ngạt nhất của cuộc sống thành tìnhyêu. Điều quan trọng là chúng ta “ở lại” trong Đức Kitô, trong cây nho. Thánh sử dùng từ “ở lại” hơn một chục lần trong đoạn Thánh Kinh ngắn này. Việc “ở lại trong Đức Kitô” là đặc điểm của toàn thể dụ ngôn. Trong thời đại hiếu động và thiếu quyết tâm của chúng ta, khi quá nhiều người bị lạc đường và mất nền tảng, khi sự chung thủy yêu thương trong hôn nhân và tình bằng hữu trở thành quá mỏng manh và ngắn ngủi, khi trong sự thiếu thốn của mình, chúng ta kêu xin như các môn đệ trên đường Emmaus: “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều và đêm đen đang bao trùm tất cả chung quanh!” (X. Lc 24:29), sau đó Chúa Phục Sinh ban cho chúng ta một nơi ẩn náu, một nơi đầy ánh sáng, hy vọng, và tin tưởng, một nơi nghỉ ngơi và an toàn. Khi nạn hạn hán và tử thần xuất hiện trên những cành nho, thì tương lai, sự sống và niềm vui được tìm thấy trong Đức Kitô.

Như chúng ta đã thấy ở trên, ở lại trong Đức Kitô cũng có nghĩa ở lại trong Hội Thánh. Toàn thể sự hiệp thông giữa các tín hữu đã được gắn chặt vào cây nho, vào Đức Kitô. Trong Đức Kitô chúng ta thuộc về nhau. Trong sự hiệp thông này Người nâng đỡ chúng ta, đồng thời cùng tất cả các phần tử nâng đỡ nhau. Chúng ta cùng nhau đứng vững trước cơn giông tố và bảo vệ lẫn nhau. Những ai tin thì không cô độc. Chúng ta không tin một mình, nhưng chúng ta tin với toàn thể Hội Thánh.

Hội Thánh, như sứ giả của lời Chúa và người phân phát các bí tích, nối kết chúng ta với Đức Kitô, cây nho thật. Hội Thánh như “sự viên mãn và sự hoàn thành của Đấng Cứu Thế” (Piô XII, Mystic Corporis, AAS 35 [1943] p. 230: “plenitudo và complementum Redemptoris”) là một bảo chứng cho sự sống của Thiên Chúa và cho chúng ta cùng là trung gian của những hoa trái mà dụ ngôn cây nho nói đến. Hội Thánh là món quà đẹp nhất của Thiên Chúa. Do đó Thánh Augustinô cũng nói: “Ai yêu Hội Thánh nhiều của Đức Kitô nhiều chừng nào, thì người đó có Chúa Thánh Thần nhiều chừng ấy” (Bài về Tin Mừng Thánh Gioan 32:8 [PL 35:1646]...). Với và trong Hội Thánh chúng ta có thể rao giảng cho mọi người rằng Đức Kitô là nguồn mạch sự sống, rằng Người hiện hữu, rằng Người là Đấng mà chúng ta quá mong chờ. Người tự hiến mình. Ai tin vào Đức Kitô thì người ấy có tương lai. Vì Thiên Chúa không muốn những gì héo tàn, chết, thế phẩm, và cuối cùng bị loại bỏ: Ngài muốn sự sống trong sự sung mãn của nó.

Anh chị em thân mến! Ước muốn của tôi là tất cà anh chị em càng ngày càng khám phá ra niềm vui sâu thẳm được liên kết với Đức Kitô trong Hội Thánh, để anh chị em có thể tìm thấy sự thoải mái và ơn cứu độ trong lúc cần thiết, và anh chị em có thể càng ngày càng trở nên rượu quý của niềm vui và tình yêu của Đức Kitô cho thế giới này. Amen.

 


Về Trang Mục Lục