THỜI THƠ ẤU CỦA ĐỨC GIÊSU NAZARÉT

MỘT CHƯƠNG KHÁC TRONG DI SẢN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

Lm. Robert Dodaro OSA

Viện trưởng Viện Augustinianum

Giáo sư môn Giáo phụ tại Đại Học Latêranô

L'Osservatore Romano (ngày 21 Tháng Mười Một 2012)

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Cha Robert Dodaro cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về cuốn thứ ba và là cuốn cuối cùng trong bộ tác phẩm của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI viết về cuộc đời Chúa Giêsu.

Tại sao Đức Thánh Cha viết cuốn sách này?

Trong lời tựa, Đức Thánh Cha viết rằng ngài đã hứa viết cuốn sách này như một “tiền sảnh” cho hai cuốn trước đây nói về hình ảnh và sứ điệp của Đức Giêsu Nazarét. Ngài không cho rằng đây là cuốn sách thứ ba và hy vọng rằng cuốn sách nhỏ này sẽ có thể giúp nhiều người trên con đường đi về và đi với Đức Giêsu.

Sứ điệp chính của cuốn sách là gì?

Có lẽ sứ điệp này được tóm kết cách xác thực nhất bằng chính lời của Đức Thánh Cha: “Từ khi chào đời, [Đức Giêsu] đã vượt qua những gì mà thế gian cho là quan trọng và quyền lực. Song con trẻ không thần không thế này lại chứng tỏ là người có quyền lực thật sự, người mà mọi sự cuối cùng đều phải dựa vào. Như thế, để trở nên một kitô hữu thì phải loại bỏ những gì mà mọi người tưởng nghĩ và ao ước, những tiêu chuẩn thịnh hành, để bước vào miền ánh sáng chân lý của hiện hữu chúng ta và được ánh sáng này giúp đỡ để tìm ra con đường đúng” (tr. 66-67)

Cuốn sách này nhằm đến những ai?

Đức Thánh Cha viết cuốn sách này cho mọi người: người tin hay không tin, Công giáo hay không Công giáo. Ngài nhận thấy rằng những người thiếu nền tảng thần học và chú giải Kitô giáo có thể thấy khó hiểu ở một vài điểm tranh luận có tính thuật ngữ. Tuy nhiên, ngài không viết sách này cho các chuyên viên hay học giả và hy vọng rằng mọi tín hữu sẽ đọc và tìm thấy ở đấy nguồn trợ lực cho đức tin của mình.

Đức Thánh Cha dùng phương pháp gì để viết?

Ngài bắt đầu bằng những lời của chính các tác giả Tin Mừng và rồi áp dụng các nghiên cứu Kinh Thánh hiện đại để tìm ra ý nghĩa lịch sử của các trình thuật Tin Mừng. Tuy nhiên ngài cũng lưu ý rằng các tác giả Tin Mừng “gần gũi với các nguồn và sự kiện hơn dù rằng chúng ta có hiểu biết uyên bác hơn về lịch sử” (tr. 63). Đồng thời ngài cũng suy tư về các trình thuật Kinh Thánh dưới ánh sáng chú giải của các thầy dạy Kitô giáo sơ thời, các Giáo phụ. Cuối cùng, Đức Thánh Cha xem xét các trình thuật về sự hạ sinh nói gì với chúng ta về đời sống Kitô hữu ngày nay.

Đức Thánh Cha có sử dụng học thuật Kinh Thánh hiện đại trong cuốn sách không?

Có. Trong cuốn sách, ngài tham chiếu các chú giải về Tân Ước và Cựu Ước của vài học giả Kinh Thánh hiện đại và ngay cả những vị mới gần đây. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng các học giả này không hẳn luôn đồng thuận với nhau về ý nghĩa lịch sử của một vài đoạn Kinh Thánh. Ngài cũng tham khảo các quan điểm của những giáo phụ Kitô giáo sơ thời cũng như các nhà thần học trung cổ khi trình bày quan điểm của Giáo Hội và của riêng mình về những đoạn Kinh Thánh khác nhau. Cuối cùng, Đức Thánh Cha bày tỏ quan điểm của riêng mình về ý nghĩa của nhiều đoạn Kinh Thánh.

Đức Thánh Cha chỉ trích dẫn các nhà thần học và học giả Kinh Thánh Công giáo?

Không. Trong số những anh em Tin Lành, ngài trích dẫn Karl Barth, Klaus Berger, Otto Kaiser, Hans-Joachim Kraus, Peter Stuhlmacher.

Đức Thánh Cha luôn đồng ý với các học giả hiện đại?

Không hẳn với hầu hết các học giả. Trước tiên, giữa họ đã không có sự đồng thuận với nhau. Một ví dụ cho tư duy độc lập của Đức Thánh Cha là ngài khẳng định rằng không có lý do thuyết phục nào để nghi ngờ rằng Chúa Giêsu được sinh ra tại Bêlem dù nhiều học giả cho rằng Ngài được sinh ra tại Nazarét (tr. 65-66). Để bảo vệ quan điểm của mình, Đức Thánh Cha nói rằng mặc dù các tường thuật lịch sử về cuộc hạ sinh của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthêu và Luca khác nhau đáng kể, song cả hai đều đồng ý rằng Ngài được sinh ra tại  Bêlem. Và họ là những nguồn duy nhất mà chúng ta có được về vấn đề này.

Đức Thánh Cha có nói điều gì mới trong cuốn sách?

Nếu “mới” có nghĩa là những khám phá uyên bác hay giáo huấn mới lạ về sự hạ sinh của Đức Kitô trái ngược hay thậm chí khác đi chút ít với cách hiểu truyền thống của Giáo Hội thì không có. Tuy nhiên, dưới hình thức súc tích và mới lạ, Đức Thánh Cha trình bày cách hiểu của riêng mình về sự hạ sinh của Đức Kitô và ý nghĩa của nó đối với nhân loại.

Đức Thánh Cha có nói điều gì độc đáo trong cuốn sách hay chỉ lập lại các quan điểm phổ biến của các học giả khác?

Ngài không có ý định đóng góp một ý kiến độc đáo, có tính hàn lâm vào nền học thuật đã có sẵn về các trình thuật Kinh Thánh có liên quan đến sự sinh hạ của Đức Kitô. Đồng thời, cuốn sách không phải chỉ là bản tóm đơn thuần những quan điểm của các học giả về vấn đề này. Đức Thánh Cha thường tham chiếu nhận định của các học giả khác nhau, nói lên những gì ngài đồng ý và không đồng ý với họ, chủ yếu chỉ để trình bày quan điểm của mình về những bản văn Kinh Thánh khác nhau nói về cuộc sinh hạ của Đức Kitô.

Đức Thánh Cha nói gì về sự thụ thai trinh khiết của Đức Giêsu?

Ngài nói điều đó là đúng và có tính lịch sử. Ngài nói các trình thuật về sự thụ thai và sinh hạ của Đức Giêsu trong Tin Mừng Matthêô và Luca không xuất phát từ huyền thoại nhưng từ “truyền thống gia đình … ghi chép những biến cố đã xảy ra” (tr. 53). Ngài đồng ý với Joachim Gnilka [Das Matthäusevangelium, Herders theologischer Kommentar Neuen Testament, vol. I/1, Freiburg – Basel - Vienna 1986, tr. 30] rằng những điều bí nhiệm có liên quan đến sự thụ thai và sinh hạ của Đức Kitô sau này mới được thêm vào phần đầu của các Tin Mừng này, chỉ sau cái chết của Đức Maria (tr. 53). Vì thế, những biến cố lạ lùng được công khai để trở thành các đối tượng cho suy tư thần học  (tr. 53).

“Theo lẽ tự nhiên, chúng ta không thể gán cho Thiên Chúa điều gì vô nghĩa hay phi lý, hoặc điều gì trái nghịch với sự sáng tạo của Ngài. Nhưng ở đây không phải là điều phi lý hay mâu thuẫn mà chính xác hơn là điều tích cực – với quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa, bao trùm toàn bộ hữu thể. Theo nghĩa này, cuộc sinh hạ trinh khiết và sự phục sinh từ nấm mộ là những viên đá góc của đức tin. Nếu Thiên Chúa không có quyền năng gì trên sự việc thì Ngài chẳng phải là Thiên Chúa. Nhưng Ngài đã có quyền năng này và, qua sự thụ thai và phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Ngài đã khởi đầu cho cuộc tạo dựng mới. Như vậy là Đấng Sáng Tạo nên Ngài cũng là Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Vì thế, sự thụ thai và sinh hạ của Đức Giêsu do Đức Trinh Nữ Maria là yếu tố nền tảng của đức tin và là dấu hiệu hy vọng của chúng ta” (tr. 57).

Các học giả Kinh Thánh hiện đại nói gì về sự trinh thai của Đức Giêsu?

Các học giả hiện đại không đồng thuận với nhau về ý nghĩa của các trình thuật về sự trinh thai của Đức Giêsu trong Tin Mừng Matthêô và Luca. Ví dụ như cha Raymond E. Brown và các tác giả khác (eds.) trong cuốn Mary in the New Testament: A Collaborative Assessment by Protestant and Roman Catholic Scholars, Philadelphia, 1978, tr. 85-97, kết luận rằng sử tính của sự trinh thai không thể được chứng minh hay phủ nhận nhờ các bằng chứng trong Mt 1, 18-25. Các học giả cũng bất đồng về việc Tin Mừng Luca có xác quyết hay không sự trinh thai của Đức Giêsu. Chẳng hạn như tác giả Joseph A. Fitzmyer, trong bài "The Virginal Conception of Jesus in the New Testament", tạp chí Theological Studies 34 (1973) 227-249, cũng như Brown và các đồng tác giả trong cuốn Mary in the New Testament, op. cit., tr. 119-125. Tuy nhiên, John McKenzie ("Die Mutter Jesu im NT", trong Was geht uns Maria an? Beiträge zur Auseinandersetzung in Theologie, Kirche und Frömmigkeit, ed. E. Moltmann-Wendel và các tác giả khác, Gütersloh 1988, 23-40, at 24-28) đã bỏ qua các trình thuật Kinh Thánh về sự trinh thai của Đức Giêsu vì hoàn toàn thiếu nền tảng lịch sử.

Có điều gì khác thường trong các trình thuật về thời thơ ấu mà Đức Thánh Cha nhìn nhận là có nền tảng lịch sử?

Đức Thánh Cha nhìn nhận tính lịch sử của trình thuật chung trong Tin Mừng Luca về mạc khải cho Đức Maria (biến cố “truyền tin”) liên quan đến sự thụ thai và hạ sinh của Đức Giêsu. Đồng ý với học giả Kinh Thánh người Đức Joachim Gnilka, Đức Thánh Cha đặt trọng tâm vào những lời lẽ trong Lc 2, 51 nói rằng: “Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” để nói đến vai trò của Đức Maria như là nguồn gốc chủ yếu của trình thuật trong Tin Mừng Luca về các biến cố này. Đức Thánh Cha cũng hiểu rằng không phải tất cả các học giả Kinh Thánh sẽ đồng ý với ngài về điều này: “Hẳn nhiên, các nhà chú giải ‘phê bình’ sẽ có khuynh hướng từ chối những liên kết như thế vì cho rằng nó ngây ngô. Thế nhưng tại sao lại không có một truyền thống thuộc loại này, được giữ gìn trong vòng thân mật và đồng thời được hình thành theo hướng thần học? Tại sao Thánh Luca lại phải bịa ra lời khẳng định rằng Đức Maria giữ những lời lẽ và các biến cố trong lòng nếu chẳng có nền tẳng cụ thể nào để nói như vậy? Tại sao Luca nói rằng Mẹ “cứ suy đi nghĩ lại” về những lời nào đó (Lc 2, 19 ; cf. 1, 29) mà nó chẳng được nói ra? (tr. 16).

Đức Thánh Cha cũng nhìn nhận tính lịch sử của các tường thuật trong hai chương đầu của Tin Mừng Matthêô liên quan đến vai trò của Thánh Giuse khi chấp nhận sự can thiệp kỳ lạ trong việc Đức Maria mang thai Đức Giêsu cũng như các biến cố liên quan đến sự thờ lạy của các Đạo sĩ.

“Hai chương trong Tin Mừng Matthêô dành cho các trình thuật về thời thơ ấu không phải là một suy niệm được trình bày dưới dạng câu chuyện, nhưng trái lại: Thánh Matthêô thuật lại một câu chuyện có thật, đã được tinh luyện qua suy tư và chú giải thần học, và như vậy giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mầu nhiệm Đức Giêsu” (tr. 119).

 Đức Thánh Cha cũng công nhận tính lịch sử của trình thuật về các Đạo Sĩ du hành tới Bêlem và thờ lạy Đức Kitô mới sinh ra tại đấy.

Đức Thánh Cha nói gì về dân Do Thái trong cuốn sách này?

Ngài không nói gì về dân tộc Do Thái trong cuốn sách. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha khẳng định rõ ràng rằng Chúa Giêsu được Đức Maria và Thánh Giuse nuôi dạy để trở nên một người Do Thái đạo đức, và cả hai vị đều là những người giữ luật Do Thái rất thành tâm. Lại nữa, Đức Thánh Cha cũng đặt biệt nhấn mạnh đến lời của Chúa Giêsu được ghi trong Mt 5, 17 rằng Ngài đến không phải để hủy bỏ lề luật nhưng làm cho nó trở nên trọn vẹn. Đức Thánh Cha phản đối cách giải thích về đời sống và sứ vụ của Chúa Giêsu cho rằng Ngài là một “nhà cách mạng” hay “người chủ trương tự do” đối với lòng đạo đức của người Do Thái. Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu tấn công sự đạo đức giả chứ không phải lòng đạo đức của dân tộc Do Thái” (tr. 120)

Tác giả của cuốn sách này là Đức Giáo Hoàng, liệu người Công giáo có buộc phải chấp nhận các quan điểm của nó?

Người Công giáo chỉ buộc chấp nhận những gì liên quan đến Kinh Thánh và Chúa Giêsu Kitô mà Giáo Hội Công Giáo dạy cách rõ ràng trong sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo. Đức Giáo Hoàng không thêm bớt hay thay đổi bất kỳ giáo huấn nào trong cuốn sách này.

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính (gpquinhon.org)

Nguồn tin: L'Osservatore Romano

 

 


Về Trang Mục Lục