Đức Thánh Cha viếng thăm giáo xứ thánh Patricio ở Roma

Radiovaticana 2012-12-16 17:39:14VATICAN. Sáng chúa nhật 16-12-2012, ĐTC đã viếng thăm giáo xứ thánh Patricio ở Roma. Đây là giáo xứ thứ 2 tại Roma được ngài viếng thăm trong năm nay.

Xứ này thuộc khu vực Đồi Prenestino ở mạn Đông Roma, được thành lập hồi giữa thập niên 1980. Sau nhiều khó khăn ban đầu, giáo xứ có được một thánh đường mới được thánh hiến hồi năm 2007 sau một thời gian dài chờ đợi. Hiện nay có gần 8 ngàn dân thuộc giáo xứ này và do Cha Fabio Fasciani làm chánh xứ.

Đến nơi vào lúc quá 9 giờ rưỡi, ĐTC đã được ĐHY Giám quản Vallini, Đức cha phụ tá khu vực Giuseppe Marciante cùng với 8 LM tiếp đón. Ngài đặc biệt chào thăm lối 30 đôi vợ chồng trẻ có con được rửa tội trong năm qua, trước khi cử hành thánh lễ trước sự hiện diện của hơn 500 người ngồi chật thánh đường. Nhiều người khác tham dự thánh lễ từ bên ngoài hoặc qua truyền hình.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng, ĐTC nhắc đến đặc tính và ý nghĩa của chúa nhật thứ 3 mùa vọng, cũng được gọi là “Chúa nhật 'Gaudete' (Anh chị em hãy vui mừng). Ngài nói: “Chúa nhật này phụng vụ mời gọi chúng ta hãy vui lên. Mùa vọng là một dấn thân và hoán cải để chuẩn bị Chúa đến; nhưng hôm nay Giáo Hội cho chúng ta nếm hưởng trước niềm vui của lễ Giáng Sinh đang đến gần. Thực vậy, Mùa vọng cũng là mùa vui mừng, vì trong đó niềm mong đợi Chúa Cứu Thế được khơi dậy trong tâm hồn các tín hữu, và việc chờ đợi một người mà chúng ta yêu mến sắp đến, luôn luôn là lý do làm chúng ta vui mừng.”

Tiếp đến, ĐTC lần lượt giải thích ý nghĩa của 3 bài đọc trong ngày lễ:

- Bài đọc thứ I là một lời mời gọi tha thiết hãy vui mừng và bắt đầu bằng câu “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy vui lên.. Hỡi thiếu nữ Jerusalem, hãy nhảy mừng và hết lòng tung hô” (Sofonia 3,14). Câu này cũng giống như lời loan báo của Thiên Thần với Mẹ Maria “Hỡi Bà đầy ơn phúc, hãy vui lên” (Lc 1,26). Lý do chính yếu để thiếu nữ Sion có thể vui mừng được diễn tả trong lời quả quyết mà chúng ta đã nghe, đó là “Chúa đang ở giữa bạn” (Xp 3,15.17)... Ngôn Sứ muốn nói với chúng ta rằng không có lý do gì để thất vọng, nản chí, buồn sầu, dù tình trạng ta phải đương đầu có thế nào đi nữa, vì chúng ta chắc chắn về sự hiện diện của Chúa, nguyên sự hiện diện ấy cũng đủ để làm cho con tim được thanh thản và hân hoan.

- Trong bài đọc II, thánh Phaolô mời gọi các tín hữu thành Philiphê vui lên trong Chúa. Tại sao cần vui mừng? Thưa vì “Chúa đang đến gần!” (Pl 4,5). Trong vài ngày nữa, chúng ta sẽ mừng lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa đến, Ngài trở thành trẻ thơ và anh em của chúng ta để ở với chúng ta, và chia sẻ thân phận phàm nhân của chúng ta. Chúng ta phải vui mừng vì sự gần gũi, vì sự hiện diện của Chúa. Thánh Tông đồ mạnh mẽ nói trong một thư khác rằng không điều gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ trong Đức Kitô. Chỉ có tội lỗi mới làm cho chúng ta xa Chúa.. Nhưng cả khi chúng ta lìa xa Chúa, Ngài vẫn không ngừng yêu thương và gần gũi chúng ta trong lượng từ bi của Ngài, sẵn sàng tha thứ và tái đón nhận chúng ta trong tình thương của Ngài”.

- Sau cùng bài Phúc Âm hôm nay nói rằng để đón tiếp Chúa chúng ta phải chuẩn bị, cứu xét kỹ lưỡng lối sống của chúng ta. Với những người hỏi thánh Gioan Tẩy Giả xem phải làm gì để sẵn sàng đón Đấng Cứu Thế đến (Xc Lc 3,10.12.14), thánh nhân trả lời rằng Thiên Chúa không đòi điều gì ngoại thường, nhưng Chúa muốn mỗi người sống theo các tiêu chuẩn liên đới và công bằng; nếu không có những đức tính này thì ta không thể chuẩn bị tốt đẹp để gặp gỡ Chúa.

ĐTC cũng ghi nhận sự khiêm tốn sâu xa của thánh Gioan khi thánh nhân xác nhận sứ mạng của mình chỉ là dọn đường cho Chúa Giêsu, đồng thời Người loan báo một Đấng “mạnh mẽ hơn”, sẽ làm phép rửa “trong Thánh Linh và lửa” chứ không phải trong nước.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC chào thăm mọi người hiện diện, từ ĐHY Giám quản, tới cha sở và các thành phần khác nhau trong giáo xứ, và cả các em đang học giáo lý. Ngài nhắn nhủ rằng “Năm Đức Tin chúng ta đang sống phải trở thành cơ hội để làm tăng trưởng và củng cố kinh nghiệm về việc giảng dạy giáo lý, làm sao để toàn thể khu phố này được nhận biết và đào sâu đạo lý của Giáo Hội và gặp gỡ Chúa như một Nhân Vật Sinh Động. Tôi đặc biệt ngỏ lời với các gia đình, và cầu chúc họ hoàn toàn thực hiện được ơn gọi yêu thương với lòng quảng đại và kiên trì.

Sau cùng ĐTC khích lệ các trẻ em nam nữ và những người trẻ trong giáo xứ và nói rằng: “Các con hãy cảm thấy mình là những người thực sự giữ vai chính trong công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, dành trọn năng lực tươi mát, lòng hăng say, khả năng của các con để phụng sự Thiên Chúa và tha nhân trong cộng đoàn”.

Sau khi kết thúc thánh lễ, ĐTC còn dừng lại tại nhà nguyện nơi cử hành thánh lễ ngày thường, để chào thăm những người già cả và anh chị em bệnh nhân.

Kinh Truyền Tin

Trở về Vatican, ĐTC đã xuất hiện lúc quá 12 giờ trưa tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với 40 ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô, trong đó có đông đảo các trẻ em và thân nhân thuộc các giáo xứ ở Roma.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC quảng diễn ý nghĩa bài Phúc Âm chúa nhật thứ 3 mùa vọng hôm qua, với cảnh tượng thánh Gioan Tẩy Giả nói với dân chúng đến xin Ngài làm phép rửa ở sông Giordan. Vì thánh Gioan dùng những lời nghiêm nghị khuyên mọi người chuẩn bị đón Đức Cứu Thế đến, một số người hỏi thánh nhân: “Chúng tôi phải làm gì đây?” (Lc 3,10.12.14). Các cuộc đối thoại này thật ý nghĩa và rất thời sự.

Câu trả lời thứ I của thánh nhân hướng về tập thể dân chúng. Thánh Gioan Tẩy Giả nói: “Ai có hai áo chùng, thì hãy cho người không có một áo, và ai có lương thực để ăn thì cũng hãy làm như vậy” (v.11). Ở đây chúng ta có thể thấy một tiêu chuẩn công lý, được đức bác ái linh hoạt. Công lý đòi phải vượt thắng sự chênh lệch giữa người có dư thừa và người thiếu những điều tối cần thiết; bác ái thúc đẩy quan tâm đến người khác và đáp ứng nhu cầu của họ, thay vì tìm kiếm những lý lẽ biện minh để bảo vệ tư lợi. Công lý và bác ái không đối nghịch nhau, nhưng cả hai đều cần thiết và bổ túc cho nhau. “Tình thương luôn luôn là điều cần thiết, cả trong một xã hội công bằng nhất”, vì “luôn luôn có những tình trạng thiếu thốn về vật chất trong đó sự trợ giúp là điều tối cần thiết trong sự yêu thương cụ thể đối với tha nhân” (Deus caritas est, 28)

Câu trả lời thứ hai của thánh Gioan dành cho một số người thu thuế cho người Roma. Những người này bị khinh rẻ vì họ thường lợi dụng địa vị để ăn cắp. Thánh Gioan không bảo họ phải đổi nghề, nhưng đừng đòi thêm điều gì khác ngoài mức đã được ấn định (Xc v.13). Nhân danh Thiên Chúa, vị Ngôn Sứ không đòi phải có những cử chỉ ngoại thường, nhưng trước tiên hãy chu toàn nghĩa vụ của mình một cách lương thiện. Bước đầu tiên tiến về cuộc sống đời đời luôn luôn là tuân giữ các giới răn; trong trường hợp này đó là giới răn thứ bẩy: “chớ trộm cắp” (Xc Xh 20,15).

Câu trả lời thứ ba liên quan đến các binh sĩ, một loại người có một quyền bính nào đó, và vì thế dễ bị cám dỗ lạm quyền. Với các binh sĩ, thánh Gioan nói: “Đừng ngược đãi và đừng bóc lột ai; hãy hài lòng với đồng lương của các anh” (v.14). Cả trong trường hợp này, sự hoán cải bắt đầu bằng sự lương thiện và tôn trọng tha nhân: chỉ dẫn này có giá trị đối với mọi người, nhất là những người có trách nhiệm lớn hơn.

ĐTC nhận xét rằng “xét chung các cuộc đối thoại này, điều gây ấn tượng mạnh nhất là tính chất rất cụ thể trong những lời của thánh Gioan: Vì Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta về những gì chúng ta làm, nên trong cách cư xử cần chứng tỏ chúng ta tuân theo ý Chúa. Và chính vì thế, những chỉ dẫn của thánh Gioan Tẩy Giả vẫn luôn thời sự: cả trong thế giới phức tạp của chúng ta ngày nay, tình thế sẽ khá hơn nếu mỗi người tuân giữ các qui luật hành xử này. Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria chí thánh, giúp chúng ta chuẩn bị Lễ Giáng sinh với nhiều thành quả tốt đẹp của sự hoán cải.

Kêu gọi và chào thăm

Sau kinh Truyền Tin và phép lành, ĐTC nhắc nhở mọi người rằng: “Từ ngày 28-12 đến 2-1 tới đây, tại Roma sẽ có cuộc gặp gỡ các bạn trẻ Âu Châu do Cộng đồng Taizé cổ võ. Tôi cám ơn các gia đình theo truyền thống hiếu khách của Roma, đã sẵn sàng đón tiếp các bạn trẻ ấy. Cám ơn Chúa, vì số cầu nhiều hơn số cung, tôi lập lại lời kêu gọi đã gửi đến các giáo xứ, để các gia đình khác, trong sự đơn sơ, cũng có thể trải qua kinh nghiệm thật đẹp về tình thân hữu Kitô.”

Theo tòa Giám Quản Roma, có hơn 40 ngàn bạn trẻ Kitô Âu Châu thuộc các hệ phái Kitô, về đây tham dự cuộc gặp gỡ.

Trong lời chào thăm các tín hữu hành hương, bằng tiếng Pháp, ĐTC nhắc đến chúa nhật thứ ba mùa vọng là chúa nhật vui mừng, nhưng ngài đặt câu hỏi: “Nhưng sự vui mừng có nghĩa gì khi mà con người đang chịu đau khổ vì thử thách hoặc cô đơn? Trong năm Đức Tin này, chúng ta cố gắng coi cuộc sống và những khó khăn của chúng ta với cặp mắt đức tin, để khám phá thấy Chúa Kitô là nguồn mạch vui mừng! Sự hiện diện của Chúa có sứ cứu độ, giải thoát con tim chúng ta khỏi những gì làm chúng ta lo âu; sự hiện diện của Ngài đổi mới và làm cho hòa dịu. Đúng vậy, chúng ta hãy vui lên trong Chúa đang tới! Ước gì niềm vui của chúng ta cũng lan tỏa trong các gia đình, nơi làm việc, trong các cộng đoàn và đất nước chúng ta bằng những cử chỉ quan tâm, chia sẻ và tha thứ!

Với các tíin hữu nói tiếng Anh, ĐTC nhắc đến vụ thảm sát 28 người hôm 14-12-2012 và nói: “Tôi rất đau buồn vì bạo lực vô nghĩa lý xảy ra hôm thứ sáu vừa qua tại thành phố Newtown bang Connecticut. Tôi bảo đảm sự gần gũi của tôi trong kinh nguyện, với các gia đình nạn nhân, nhất là những gia đình bị mất một người con. Xin Thiên Chúa của sự ủi an đánh động tâm hồn và thoa dịu nỗi đau khổ của họ. Trong mùa vọng này, chúng ta hãy cố gắng cầu nguyện sốt sắng hơn và hoạt động cho hòa bình. Tôi khẩn cầu dồi dào phúc lành của thiên Chúa cho những người bị thương tổn vì thảm trạng này và mỗi người trong anh chị em.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, ĐTC đặc biệt chào thăm các em bé Roma đến đây để xin làm phép tượng Chúa Hài Đồng. Ngài nói: “Các con rất thân mến, trong khi cha làm phép các tượng Chúa Giêsu mà các con sẽ đặt trong hang đá của các con, cha thành tâm chúc lành cho mỗi người trong các con và gia đình các con, cũng như cho các thầy cô và Trung Tâm sinh hoạt của các trẻ em thuộc các giáo xứ (oratorio) Roma.

G. Trần Đức Anh OP

 


Về Trang Mục Lục