Bài giảng của
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI :Lễ
trọng Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ
Trao Dây
Pallium cho 44 Tổng Giám Mục Trưởng Giáo Tỉnh mới
được bổ nhiệm trong năm nay
ngày 29-6-2012
Kính thưa các Đức
Hồng Y đáng kính,
Anh Em thân mến trong hàng Giám Mục và Linh Mục,
Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta tụ họp chung quanh bàn thờ để cử hành trọng thể Lễ Hai Thánh Tông
Đồ Phêrô và Phaolô, là Quan Thày chính của Giáo Hội tại Roma. Còn có sự hiện
diện của các Vị Tổng Giám Mục Trưởng Giáo Tỉnh vừa lãnh nhận Dây Pallium, được
bổ nhiệm trong năm vừa qua, và Tôi đặc biệt chào thăm các Ngài. Cũng hiện diện
ở đây một Phái Đoàn đáng kính của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinopoli,
do Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Bartolomeo I cử sang, Tôi xin đón tiếp các Vị này
với lòng biết ơn huynh đệ và chân thành. Trong tinh thần đại kết Tôi vui mừng
chào thăm và cám ơn Ca Đoàn của Đan Viện Westminster, đã đem lại bầu khí vui
tương sống động cho buổi cử hành Phụng Vụ này cùng với Ca Đoàn Sistina. Tôi
cũng chào thăm các Vị Đại Sứ và các Cấp Chính quyền dân sự đã hiện diện và cùng
cầu nguyện với chúng tôi.
Trước Đại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, như tất cả đều biết, được đặt
hai tượng Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, các Vị này được nhận ra cách thật dễ
dàng do các nét tiêu biểu của các Ngài: chùm chìa khóa trong tay Thánh Phêrô và
chiếc gươm trong tay Thánh Phaolô. Cả trên cánh cửa chính của Đền Thờ Thánh
Phaolô Ngoại Thành cũng ghi các biến cố đời sống và cuộc tử đạo của hai Vị Cột
Trụ của Giáo Hội. Truyền thống Kitô Giáo từ lâu đời luôn coi Thánh Phêrô và
Thánh Phaolô không thể lìa xa nhau: quả thật, cùng nhau các Ngài tượng trưng
cho tất cả Phúc Âm của Đức Kitô. Rồi ở Roma, mối dây liên kết các Ngài lại với
nhau như anh em trong đức Tin đã có được một ý nghĩa đặc biệt. Quả thế, cộng
đoàn Kitô Hữu của Thành Phố này nhìn nhận các Ngài như là một sự đối ngược của
Romolo và Remo huyền bí, cặp đôi anh em này được nhận ra khi ngược dòng thời
gian lại cho tới việc thành lập thành Rôma. Người ta cũng có thể nghĩ tới một
hình thức song song nhưng cũng đối nghịch nhau, luôn liên hệ tới tình huynh đệ:
nghĩa là, trong khi cặp đôi trong Kinh Thánh chỉ cho chúng ta hiệu quả của tội
lỗi, do đó ông Cain giết ông Abele, còn Phêrô và Phaolô, cho dù khá khác nhau
xét về phương diện loài người và cho dù trong mối tương quan của các Ngài, cũng
không thiếu những đối nghịch, nhưng các Ngài đã thiết lập một cách thức mới để
nên anh em với nhau, được sống theo Phúc Âm, một cách chính thực có thể thực
hiện được chính nhờ ân sủng của Phúc Âm của Đức Kitô hoạt động trong các Ngài.
Chỉ có việc đi theo Chúa Giêsu dẫn tới một cung cách huynh đệ mới: đây là thông
điệp thứ nhất mà Lễ Trọng hôm nay gửi tới từng người chúng ta, và tầm quan
trọng của thông điệp này cũng liên hệ tới việc tìm kiếm một cuộc hiệp thông
trọn vẹn, mà Đức Thượng Phụ Chính Thống và Vị Giám Mục Rôma, cũng như tất cả
các Kitô Hữu khác đều khát vọng.
Trong bài Phúc Âm Thánh Matthêu mà chúng ta vừa mới nghe, Phêrô đã tuyên
xưng đức tin vào Chúa Giêsu, tuyên nhận Ngài như là Đấng Messia và Con Thiên
Chúa; Ngài tuyên xưng như thế cũng nhân danh tất cả các Tông Đồ khác. Đáp lại,
Đức Kitô mặc khải cho ông sứ mệnh đang chờ đợi trao phó cho ông, đó là trở nên
“tảng đá”, phiến đá, nền tảng hữu hình, trên đó được xây dựng tất cả tòa nhà
thiêng liêng của Giáo Hội (xem Mt 16, 16-19). Nhưng Thánh Phêrô là tảng đá theo
cách thế nào? Làm sao Ngài có thể thực hiện ơn sủng đặc biệt này, mà lẽ tự
nhiên Ngài đã không nhận cho chính mình Ngài? Bài tường thuật của Thánh sử
Matthêu nói cho chúng ta trước tiên rằng việc nhận ra căn tính của Chúa Giêsu được
Phêrô loan báo ra nhân danh Nhóm 12, không đến từ “xác thịt và máu huyết”,
nghĩa là không từ các khả năng của con người của Thánh Nhân, nhưng từ một mặc
khải đặc biệt của Thiên Chúa Cha. Trái lại, ngay sau đó, khi Chúa Giêsu tiên
báo cuộc khổ nạn, sự chết và phục sinh của Ngài, ông Simon Phêrô phản đối ngay
từ “xác thị và máu”: Thánh nhân “bắt đầu khiển trách Chúa: . . . điều này không
bao giờ xảy ra cho Thày đâu” (16, 22). Và đến lượt mình, Chúa Giêsu đáp lại:
“Hãy xéo về đàng sau khỏi mặt Ta! Con là cớ vấp phạm cho Ta…” (c. 23). Người
môn đệ, mà do ơn của Thiên Chúa, có thể trở nên tảng đá vững chắc, cũng tỏ ra
cho thấy điều mà, theo sự yếu đuối con người của ông: một viên đá tầm thường
nằm giữa đường, một viên đá mà người ta có thể vì nó mà vấp ngã – theo tiếng Hy
Lạp skandalon. Vậy ở đây điều hiển nhiên là có sự căng thẳng giữa ơn thánh đến
từ Thiên Chúa và các khả năng của con người; và trong câu truyện giữa Chúa
Giêsu và ông Simon Phêrô, chúng ta nhìn ra trước theo một cách thế nào đó thảm
kịch của lịch sử của chính địa vị giáo hoàng, được mang những nét đặc thù chính
trong sự đồng hiện diện của hai yếu tố này: một phần, nhờ ánh sáng và sức mạnh
đến từ trên cao, Vị Giáo Hoàng làm nên nền tảng của Giáo Hội lữ hành trong trần
gian này; đàng khác, xuyên suốt các thế kỷ cũng nổi cộm ra sự yếu đuối của con
người, mà chỉ có việc mở ra cho hành động của Thiên Chúa mới mong biến đổi
được.
Và trong bài Phúc Âm hôm nay chúng ta thấy xuất hiện cách mạnh mẽ lời hứa
rõ ràng của Chúa Giêsu: “Các cửa hỏa ngục”, nghĩa là các sức lực của sự dữ,
không thể nào có khả năng thắng được, “không thể nào thắng nổi”. Ở đây người ta
nghĩ tới câu truyện ơn gọi của Ngôn sứ Giêrêmia, mà Thiên Chúa nói với ngôn sứ
khi trao phó sứ vụ, như sau: “Này, hôm nay Ta làm cho con trở nên như một thành
trì kiên vững, một cột trụ bằng sắt và một bức tường bằng đồng chống lại đất
nước này, chống lại các vua của xứ Giuđa và các thủ lãnh của nó, chống lại các
tư tế của nó và chống lại dân tộc của xứ này. Ta sẽ làm cho con tham chiến,
nhưng chúng sẽ không thắng nổi con – không thắng được (non praevalebunt) – bởi
vì Ta ở cùng con để cứu độ con” (Gr 1, 18-19). Trong thực tế, lời hứa mà Chúa
Giêsu nói với Phêrô còn lớn lao hơn những lời hứa đã nói với Ngôn Sứ Giêrêmia:
quả thật, các ngôn sứ bị đe dọa chỉ do các kẻ thù con người, trong khi Phêrô
phải được bênh đỡ cho khỏi “các cửa hỏa ngục”, cho khỏi quyền lực phá hủy của
sự dữ. Ngôn sứ Giêrêmia nhận được một lời hứa liên hệ tới ông như một con người
và liên hệ tới tác vụ ngôn sứ của ông; ông Phêrô được bảo đảm về tương lai của
Giáo Hội, của cộng đoàn mới được Chúa Giêsu thành lập và lời hứa này trải dài
ra cho mọi thời đại, vượt qua sự hiện hữu của chính con người Phêrô.
Bây giờ chúng ta nói tới biểu hiệu chìa khóa, mà chúng ta nghe đọc trong
bài Phúc Âm. Điều này làm liên tưởng tới lời tiên tri của Ngôn sứ Isaia về một
nhân viên tên là Eliakim, mà lời ngôn sứ nói như sau: “Ta sẽ đặt trên vai hắn
chìa khóa của nhà của Đavit: nếu ông ta mở thì không ai sẽ đóng lại được; nếu
ông ta đóng, thì không ai sẽ mở ra được” (Is 22, 22). Chìa khóa tượng trưng cho
quyền lực trên nhà Đavit. Và trong Phúc Âm có một lời khác của Chúa Giêsu nói
với các thày luật sĩ và pharisiêu, và Chúa Giêsu khiển trách họ đã đóng cửa vào
Nước Trời trước mặt con người (xem Mt 23, 13). Cả lời nói này cũng giúp chúng
ta hiểu được lời hứa dành cho Thánh Phêrô: trách nhiệm của Ngài như là người
quản lý trung thành của sứ điệp của Đức Kitô, là mở cửa Nước Trời, và phán đoán
xem có thể đón nhận hay từ khước (xem Kh 3, 7). Hai hình ảnh – hình ảnh chìa
khóa và hình ảnh trói-cởi mở – vì thế diễn tả ý nghĩa tương tự và được tăng
cường lẫn cho nhau. Kiểu nói “trói và cởi mở” là của ngôn ngữ các thày kinh sĩ
Do Thái và một đàng, ám chỉ tới những quyết định mang tính cách giáo lý, đàng
khác nó cũng ám chỉ quyền hành về phạm vi kỷ luật, nghĩa là quyền ra án vạ
tuyệt thông và cất đi án vạ này. Kiểu nói song song “dưới đất . . . trên trời”
bảo đảm rằng các quyết định của Phêrô trong khi thi hành chức vụ này của ông
trong Giáo Hội có giá trị cả trước mặt Thiên Chúa.
Trong chương 18 của Phúc Âm theo Thánh Matthêu, là chương dành nói về đời
sống của cộng đoàn Giáo Hội, chúng ta tìm ra một câu nói khác của Chúa Giêsu
nói với các môn đệ: “Quả thật Tôi nói cho các ông: tất cả những gì các ông ràng
buộc dưới đất, thì sẽ bị ràng buộc ở trên trời, và tất cả những gì các ông cởi
mở dưới đất cũng sẽ được cởi mở trên trời” (Mt 18, 18). Và Thánh Gioan, trong
bài tường thuật việc Đức Kitô phục sinh hiện ra ở giữa các Tông Đồ vào chiều
Ngày Phục Sinh, cũng ghi lại lời của Đức Kitô: “Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh
Thần. Anh em tha tội cho ai, thì tội của người ấy sẽ được tha. Anh em không tha
tội cho người nào, thì tội của họ sẽ không được tha” (Ga 20, 22-23). Dưới ánh
sáng của các kiểu nói song đôi này, hiện ra một cách rõ ràng rằng quyền hành
tháo gỡ và cầm buộc hệ tại việc tha thứ tội lỗi. Ơn huệ này cất đi năng lực của
quyền lực do hỗn độn và do sự dữ mà có, đó là trọng tâm của mầu nhiệm và sứ vụ
của Giáo Hội. Giáo Hội không phải là cộng đoàn của những người hoàn hảo, nhưng của
những người tội lỗi, là những người phải nhận biết rằng mình cần tới tình yêu
của Thiên Chúa, cần được thanh luyện qua Thập Giá của Chúa Giêsu Kitô. Các câu
nói của Chúa Giêsu về quyền năng của Thánh Phêrô và của các Thánh Tông Đồ để lộ
ra cho thấy đúng rằng quyền năng của Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu chiếu tỏa
ánh sáng của mình từ Núi Calvario. Như thế chúng ta cũng có thể hiểu được tại
sao, trong bài tường thuật của Phúc Âm, sau lời tuyên xưng đức tin của Thánh
Phêrô, thì theo ngay sau đó là việc loan báo lần thứ nhất về cuộc thương khó:
quả thế, Chúa Giêsu với cái chết của mình đã thắng các quyền lực hỏa ngục,
trong máu mà Ngài đã đổ ra trên thế gian này một dòng sông lớn lao của lòng
thương xót, là dòng sông chảy tưới bằng dòng nước làm cho trong lành lại toàn
thể nhân loại.
Anh Em thân mến, như Tôi đã nhắc lúc ban đầu, truyền thống tranh ảnh vẽ
Thánh Phaolô với lưỡi gươm, và chúng ta biết rằng chiếc gươm này biểu tượng
dụng cụ mà Thánh nhân đã bị giết vì dụng cụ đó. Tuy nhiên, khi đọc các Thư của
Thánh Tông Đồ dân ngoại, chúng ta khám phá ra hình ảnh của lưỡi gươm chỉ tới
tất cả sứ mệnh của Ngài như là người đi rao giảng Tin Mừng. Thí dụ, Khi Ngài
cảm thấy đã gần kề sự chết, thì Ngài viết cho ông Timotheo như sau: “Cha đã
chiến đấu một cuộc chiến vẻ vang” (2Tm 4, 7). Chắc chắn không phải là cuộc
chiến của một người binh sĩ, nhưng là cuộc chiến của một người loan báo Lời của
Thiên Chúa, trung thành với Đức Kitô và với Giáo Hội của mình, Giáo Hội mà Ngài
đã trao ban tất cả chính mình Ngài. Và chính vì điều này Đức Kitô đã cho Thánh
nhân triều thiên vinh quang và đã đặt Ngài, cùng với Thánh Phêrô, như là cột
trụ của tòa nhà thiêng liêng của Giáo Hội.
Kính thưa các Đức Tổng Giám Mục Trưởng Giáo Tỉnh, Dây Pallium mà Tôi trao
cho Quý Đức Cha sẽ luôn nhắc nhở cho các Đức Cha rằng các Đức Cha đã được đặt
cử trong và cho mầu nhiệm lớn lao của sự hiệp thông là Giáo Hội, tòa nhà thiêng
liêng được xây trên Đức Kitô là Tảng Đá góc tường, và trong chiều kích trần thế
và lịch sử của tảng đá này, tức là trên tảng đá của Phêrô. Được làm cho sống
động bằng sự chắc chắn này, tất cả chúng ta hãy cảm thấy mình là các cộng sự
viên của chân lý, chân lý, như chúng ta biết – là một và “hài hòa”, và đòi hỏi
nơi mỗi người chúng ta và nơi các cộng đoàn của chúng ta sự dấn thân bền bỉ cho
việc hoán cải quay trở về với Chúa duy nhất trong ơn sủng của một Thánh Thần.
Xin Mẹ Chí Thánh của Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta và luôn đồng hành với chúng
ta trên hành trình đức tin và đức ái. Lạy Nữ Vương các Thánh Tông Đồ, xin cầu
cho chúng con! Amen.
(Dịch theo nguyên
bản tiếng Ý, do Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến, ngày 29-6-2012. Lm. Phanxicô
Borgia Trần Văn Khả, ngày 1-7-2012).