TIỀN BẠC PHỤC VỤ CON NGƯỜI, CHỨ CON NGƯỜI KHÔNG PHẢi LÀ NÔ LỆ CỦA TIỀN BẠC

Radiovaticana 30/07/2012 17.44.02 – BERNE: Nhân ngày lễ quốc khánh mùng 1-8-2012 Hội Đồng Giám Mục Thụy Sĩ đã công bố thư mục vụ suy tư về cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay và giúp kitô hữu hiểu biết thái độ phải có đối với tiền bạc và lợi nhuận.

Thư mục vụ do Đức Cha Markus Buechel, Giám Mục Fribopurg Saint Gallen, ký thay mặt Hội Đồng Giám Mục, tựa đề ”Tiền bạc phục vụ con người, chứ con người không phải là nô lệ của tiền bạc”. Trong thư các Giám Mục Thụy Sĩ nhận định rằng tiền bạc không phải là mục đích cho chính nó, mà chỉ là phương tiện. Nếu thế giới tài chánh sống cho chính mình, thì nó đánh mất đi lý do hiện hữu.

Ai đầu tư kiếm lời mà không chú ý tới sự bất hạnh của tha nhân, là hành động một cách vô trách nhiệm. Trước các cuộc khủng hoảng tài chánh, tiền tệ và kinh tế thế giới, các chuyên viên quốc tế không còn có thể loại trừ khả thể hệ thống tài chánh suy sụp toàn diện. Các thị trường tài chánh quốc tế có một cuộc sống riêng rẽ, cắt đứt khỏi sự cần thiết của nền kinh thế thực thụ, và không ai, cũng như không nhà băng và chính quyền nào có thể kiểm soát nổi. Trái lại, chính các thị trường quốc tế kiểm soát chúng ta một cách chặt chẽ. Vì thế cần phải cấp thiết tìm ra các phương tiện và lộ trình giúp tái lập tình trạng mất quân bình nguy hiểm này, vì để tình hình như thế không tìm thay đổi nó là vô trách nhiệm.

Các Giám Mục Thụy Sĩ đặc biệt nhắc đến cuộc khủng hoảng bất động sản xảy ra bên Hoa Kỳ và nhấn mạnh rằng dấn thân đầu tư tiền bạc vào các vụ buôn bán qúa nguy hiểm là thái độ vô trách nhiệm. Ngoài ra, vì sự thịnh vượng có các giới hạn của nó và không thể là sản phẩm bất tận, nên không được rơi vào cám dỗ thường xuyên sống qúa các khả thể của mình. Ai sống như thế là rơi vào vòng xoáy nợ nần tệ hại. Do đó các ngân hàng cũng như các cá nhân đều có trách nhiệm trong việc sử dụng tiền bạc. Cần phải bằng lòng với những gì cần thiết, và đây là một nghệ thuật sống mà con người của các nước kỹ nghỆ cao của cúng ta cần phải tái khám phá ra, bởi vì ai có nghệ thuật, sẽ khám phá ra các sự giàu có phong phú khác.

Nghĩ đến các người nghèo túng, các Giám Mục Thụy Sĩ nêu bật rằng có một thái độ kitô đối với tiền bạc có nghĩa là dấn thân thăng tiến sự phân chia tài nguyên kinh tế đồng đều. Và việc này bao gồm dấn thân chính trị, các hoạt động bác ái và việc cộng tác phát triển, mà không giảm thiểu sự trợ giúp các anh chị em túng thiếu, các người không có viễn tượng tương lai, các người thất nghiệp, các người bị gạt bỏ bên lề xã hội. Và các Giám Mục Thụy sĩ kết luận thư mục vụ với khẳng định rằng: Ngày nay hơn bao giờ hết, tiền bạc phải phục vụ con người, chứ con người không phải nô lệ tiền bạc. Chúng ta phải hướng cái nhìn về tương lai với tâm tình tin tưởng sâu xa nơi Thiên Chúa (SD 27-7-22012)

Linh Tiến Khải

 


Về Trang Mục Lục