Hội nghị Liên Phi châu về giáo dân Công Giáo nhóm tại Yaoundé, Camerun

Radiovaticana 2012-09-06 14:56:57 – YAOUNDÉ. Trong những ngày này, hơn 300 đại biểu giáo dân Công Giáo thuộc các nước Phi châu, cùng với đại diện của các Phong trào và cộng đoàn mới của Giáo Hội, cũng như của các HĐGM và hàng giáo sĩ, tu sĩ thuộc 57 quốc gia Phi châu đang tham dự Hội nghị Liên Phi châu về giáo dân Công Giáo do Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân tổ chức, tại Yaoundé thủ đô Camerun, từ ngày 4 đến 9-9-2012 với chủ đề: “Chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô tại Phi châu ngày nay: muối đất và ánh sáng thế gian” (Mt 5,13-14).

Hội nghị diễn ra tại Đại học Công Giáo Trung Phi châu và được ĐHY Stanislaw Rylko, Chủ Tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân, khai mạc và chủ tọa. Trong gần 1 tuần nhóm họp, các tham dự viên suy tư về những thách đố và trao đổi kinh nghiệm về việc làm chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô. Ngoài các bài thuyết trình gợi ý, còn có nhiều cuộc hội luận trong các nhóm nhỏ và thảo luận bàn tròn.

Theo chiều hướng Tông Huấn “Ecclesia in Africa”, Giáo Hội tại Phi châu, của Đức Chân phước Gioan Phaolô 2 và Tông Huấn “Africae munus”, Sự dấn thân của Phi châu, do ĐTC Biển Đức 16 ban hành, Hội nghị hiện nay muốn là một biến cố hy vọng trong sứ mạng truyền giảng Tin Mừng và giúp tái khám phá ơn gọi tươi đẹp được làm Kitô hữu tại Phi châu, giữa những thách đố đa dạng mà các tín hữu giáo dân gặp phải trong việc làm chứng cho Chúa Kitô giữa các môi trường khác nhau của xã hội.

Trong số các thuyết trình viên chính tại Hội nghị, có ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, nói về đề tài “Muối đất và ánh sáng thế gian của một thế giới mới trong Tông huấn “Sự dấn thân của Phi châu”; bà giáo sư xã hội học Marie Thérèse Mengue, thuộc Đại học Công Giáo ở Yaoundé, nói về đề tài: “Phi châu ngày nay: các chiều kích xã hội, chính trị địa lý, kinh tế và văn hóa”; Đức Cha Barthélémy Adoukonou, người Bénin, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, nói về: “Chúa Giêsu Kitô tại Phi châu: các ưu tiên, các vấn đề và thách đố”; ĐHY Robert Sarah, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, sẽ trình bày về vấn đề giáo dục và huấn luyện giáo dân tại Phi châu.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha

Trong buổi khai mạc hôm 4-9-2012, mọi người đã nghe công bố sứ điệp của ĐTC Biển Đức gửi các tham dự viên hội nghị, trong đó ngài nhận định rằng chủ đề: “Chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô tại Phi châu ngày nay: muối đất và ánh sáng thế gian” (Mt 5,13-14) muốn gợi lại Tông Huấn hậu Thượng HĐGM Phi châu “Africae munus” với tiểu đề “Các con là muối đất… Các con là ánh sáng thế gian”. Khi đích thân trao Văn kiện quan trọng này cho các GM Phi châu ở thành phố Cotonou, thủ đô nước Benin, ngày 20-11 năm ngoái (2011), tôi đã muốn cống hiến một số đường hướng thần học và mục vụ cho hành trình của Giáo Hội tại Phi châu.

ĐTC khẳng định rằng: “Hội nghị của anh chị em là một giai đoạn rất ý nghĩa để thực hiện điều mà Chúa Thánh Linh soi sáng cho các nghị phụ Thượng HĐGM Phi châu kỳ 2, tiến hành tại Roma hồi tháng 10 năm 2009. Tại Cotonou tôi đã bày tỏ mong ước rằng Tông Huấn Africae munus là cuốn chỉ nam đặc biệt trong việc loan báo Tin Mừng qua sự dấn thân của toàn thể Dân Chúa. Chính vì thế tôi hài lòng khi được biết sáng kiến của Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân triệu tập một Hội nghị dành cho các tín hữu giáo dân Phi châu, là những người ngày nay được mời gọi đặc biệt thi hành công việc ngày càng khẩn trương trong vườn nho của Chúa (Xc Gioan Phaolô 2, Tông huấn Christifideles laici, 2).

“Trong các cuộc viếng thăm của tôi tại Phi châu, trong nhiều dịp tôi đã khẳng định rằng Phi châu được kêu gọi trở thành “Đại lục hy vọng”. Đó không phải là những lời trong dịp đó mà thôi, nhưng nó cho thấy chân trời sáng ngời đang mở ra dưới cái nhìn đức tin. Quả thực, thoạt nhìn, những vấn đề của Phi châu có vẻ rất trầm trọng và không dễ giải quyết, và không phải vì những khó khăn vật chất mà thôi, nhưng cả những chướng ngại tinh thần và luân lý mà Giáo Hội cũng gặp phải nữa. Ngoài ra, một điều rất đúng là cả các giá trị truyền thống vững chắc nhất của nền văn hóa Phi châu ngày nay cũng bị đe dọa vì sự tục hóa, nó tạo nên sự mất định hướng, sự phân hóa nơi cơ cấu bản thân và xã hội, tiếp đến có chủ nghĩa bộ tộc tạo nên những thái độ cực đoan, rồi có nạn bạo lực, tham ô trong đời sống công cộng, sự coi rẻ và bóc lột phụ nữ và trẻ em, tình trạng lầm than và nghèo đói gia tăng. Thêm vào đó có bóng đen của chủ nghĩa khủng bố cực đoan, gần đây cũng chĩa mũi dùi vào các cộng đoàn Kitô tại một số nước Phi châu. Nhưng nếu nhìn sâu hơn, nhìn vào tâm hồn của người dân Phi châu, chúng ta khám phá thấy một nguồn tài nguyên tinh thần rất phong phú, rất quí giá đối với thời nay: lòng yêu mến sự sống và gia đình, cảm thức vui tươi và chia sẻ, lòng nhiệt thành sống niềm tin nơi Chúa, mà tôi đã nhận thấy được trong các cuộc viếng thăm tại Phi châu, chúng vẫn còn ghi đậm trong tâm hồn tôi. Anh chị em đừng bao giờ để cho não trạng đen đối của thuyết duy tương đối và hư vô ảnh hưởng tiêu cực trên thực tại của anh chị em; hãy đón nhận và hăng say truyền bá sứ điệp vui mừng và hy vọng mà Chúa Giêsu mang đến, sứ điệp này có khả năng thanh tẩy và củng cố những giá trị lớn lao trong các nền văn hóa của anh chị em. Vì thế, trong thông điệp “Spe salvi” tôi đã muốn trình bày thánh nữ người Sudan, Giuseppina Bakhita, như chứng nhân hy vọng (Xc n.3), để chứng tỏ cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô có khả năng biến đổi sâu đậm mỗi người, cả trong những hoàn cảnh nghèo khổ nhất - Bakhita nguyên là một nô lệ - để trao ban phẩm giá tột cùng làm con Thiên Chúa. Chính “nhờ được biết niềm hy vọng ấy, Bakhita được 'cứu chuộc', không còn cảm thấy mình là nô lệ nữa, nhưng là người con tự do của Thiên Chúa” (Ibidem). Và sự khám phá niềm hy vọng Kitô đã khơi lên nơi Bakhita một ước muốn mới mẻ, không thể cầm hãm nổi: “sự giải thoát mà Bakhita đã nhận được từ Chúa Kitô, thánh nữ cảm thấy có nhiệm vụ truyền bá, niềm hy vọng ấy phải được trao ban cho cả những người khác, nhiều bao nhiêu có thể. Niềm hy vọng đã nảy sinh và cứu chuộc thánh nữ, thánh nữ không thể giữ riêng cho mình, và niềm hy vọng này phải chuyển tới nhiều người, tới tất cả mọi người” (ibidem). Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trao ban một đà tiến để vượt thắng cả những khó khăn có vẻ không thể khắc phục được. Đó là kinh nghiệm của thánh nữ Bakhita, những cũng là kinh nghiệm của bao nhiêu người trẻ Phi châu - tạ ơn Chúa-, họ chiếm đa số dân chúng tại đại lục này - họ được kêu gọi ngày nay trung thành bước theo Chúa. Biến Phi châu “thành đại lục hy vọng” là một nghĩa vụ phải hướng dẫn sứ mạng của các tín hữu giáo dân Phi châu ngày nay, như chính Hội nghị mà anh chị em đang cử hành đây”.

Chuẩn bị Thượng HĐGM 13 và Năm Đức Tin

“Trong viễn tượng đó, Hội nghị của anh chị em là một biến cố quan trọng trong việc chuẩn bị cho hai biến cố của Giáo Hội có tầm mức hoàn vũ đang đến gần: đó là Thượng HĐGM thế giới về việc tái truyền giảng Tin Mừng và “Năm Đức Tin”. Tại Cotonou, khi trao Tông Huấn Africae munus, tôi đã nhắc nhở rằng “tất cả những người đã lãnh nhận hồng ân đức tin tuyệt vời, hồng ân gặp gỡ Chúa Phục Sinh, đều cảm thấy nhu cầu phải loan báo hồng ân ấy cho tha nhân” (Bài giảng trong thánh lễ tại Sân vận động Thân Hữu, Cotonou, 20-11-2012). Thực vậy, sứ mạng nảy sinh từ đức tin là hồng ân của Chúa cần đón nhận, nuôi dưỡng và đào sâu vì chúng ta không thể chấp nhận để cho muối trở nên nhạt nhẽo và ánh sáng bị che kín đi” (Tự Sắc “Cánh cửa đức tin”, 3). Dĩ nhiêu ưu tiên của đức tin có một ý nghĩa theo lý luận hơn là theo thời gian. Thực vậy, đón nhận hồng ân này của Chúa đi song song với đà tiến để loan báo Tin Mừng, “theo một cái vòng tròn tốt đẹp”: nơi nào đức tin đưa tới sự loan báo, thì việc loan báo Tin Mừng cũng củng cố đức tin: “Quả thực, đức tin tăng trưởng khi được sống như một kinh nghiệm về một tình yêu được đón nhận và khi được thông truyền như một kinh nghiệm về ơn thánh và niềm vui” (Ibid. n.7). “Đức tin được củng cố khi trao ban!”, theo những lời không thể quên được của Đức chân phước Gioan Phaolô 2 (Thông điệp Redemptoris Missio, 2).

Sau cùng, tôi muốn nhắc lại vài lời của Vị Tôi Tớ Chúa Phaolô 6, người giải thích Công đồng một cách trung thành: “Đối với Giáo Hội, truyền giáo là đưa Tin Mừng đến mọi giai tầng nhân loại, và nhờ ảnh hưởng của Tin Mừng, biến đổi từ bên trong, làm cho chính nhân loại được đổi mới” (Tông Huấn Evangelii nuntiandi, 18). Trong công trình biến đổi toàn thể xã hội, vốn một điều rất cấp thiết đối với Phi châu ngày nay, các tín hữu giáo dân có một vai trò không thể thay thế được: “Qua những phần tử giáo dân của mình, Giáo Hội hiện diện và tích cực hoạt động trong đời sống thế giới. Các giáo dân có một vai trò quan trọng cần thi hành trong Giáo Hội và trong xã hội [...]. Thực vậy, các tín hữu giáo dân là “những sứ giả của Chúa Kitô” (2 Cr 5,20) trong môi trường công cộng, giữa lòng thế giới” (Tông Huấn Africae munus, 128). Những người nam nữ, già trẻ, các gia đình và toàn thể xã hội Phi châu ngày nay đang chờ đợi các “sứ giả” Tin Mừng, các tín hữu giáo dân đến từ các giáo xứ, các cộng đồng Giáo Hội sinh động, các phong trào và các cộng đoàn mới của Giáo Hội, yêu mến Chúa Kitô và Giáo Hội, đầy lòng vui mừng và biết ơn vì phép rửa đã nhận lãnh, những người can cảm kiến tạo hòa bình và loan báo niềm hy vọng đích thực”.

G. Trần Đức Anh OP

 


Về Trang Mục Lục