vi.radiovaticana.va2013-04-14
18:51:20 – ROMA.
Chiều chúa nhật 14-4-2013, ĐTC Phanxicô đã đến viếng mộ Thánh Phaolô Tông Đồ và
cử hành thánh lễ đầu tiên trong Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành.
Hiện
diện trong thánh lễ lúc 5 giờ rưỡi, có hàng ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường,
đặc biệt là các Đan sĩ dòng Biển Đức, đông đảo các sinh viên thuộc đại học Roma
3, cũng với nhiều chức sắc và tín hữu, trong đó có 12 Hồng y và một số Giám
Mục.
Đồng
tế với ĐTC có ĐHY James Harvey, người Mỹ, Giám quản Đền thờ này, và hai vị
nguyên giám quản là ĐHY Andrea Cordero Lanza di Montezemolo, ĐHY Francesco
Monterisi, cùng với Cha Edmund Power, Viện Phụ Đan viện Biển Đức cạnh Đền thờ
Thánh Phaolô ngoại thành. Khi đoàn rước tiến đến bàn thờ chính, ĐTC đã xuống mộ
của Thánh Tông Đồ dân ngoại, xông hương tôn kính và cúi mình thật lâu để cầu
nguyện trước mộ thánh nhân.
Trong
bài giảng thánh lễ, ĐTC đã nêu bật 3 ý tưởng dựa theo các bài đọc của Phụng vụ:
loan báo, làm chứng và thờ lạy Chúa. Ngài nói:
Anh
chị em thân mến
Thật
là một niềm vui cho tôi được cử hành Thánh Lễ với anh chị em trong Vương cung
thánh đường này. Tôi mến chào ĐHY Giám quản Đền thờ, James Harvey, và cám ơn
ĐHY vì những lời đã bày tỏ với tôi; cùng với ĐHY, tôi chào thăm các tổ chức
khác nhau của Đền thờ này và tất cả các anh chị em. Chúng ta ở tại mộ của thánh
Phaolô, một tông đồ vừa khiêm hạ vừa vĩ đại của Chúa, thánh nhân đã rao giảng
Chúa bằng lời nói, đã làm chứng cho Chúa bằng cuộc tử đạo và đã thờ lạy Chúa
với trọn tâm hồn. Tôi muốn suy tư về 3 động từ này dưới ánh sáng Lời Chúa mà
chúng ta vừa nghe: loan báo, làm chứng và thờ lạy.
1.
Trong bài đọc thứ I, ta thấy nổi bật sức mạnh của thánh Phêrô và các Tông Đồ
khác. Trước lệnh truyền phải im lặng, không được giảng dạy nhân danh Đức Giêsu
nữa, không được loan báo Sứ điệp của Chúa nữa, các Tông Đồ trả lời minh bạch
rằng “Cần phải vâng lời Thiên Chúa, thay vì vâng lời loài người”. Dù bị đánh
đòn, các vị vẫn không ngừng rao giảng, dù bị lăng mạ và cầm tù cũng thế. Phêrô
và các Tông Đồ can đảm loan báo trong tất cả sự thật điều mà các vị đã nhận
lãnh, đó là Tin Mừng của Chúa Giêsu. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có khả năng
đưa Lời Chúa tới các môi trường cuộc sống của chúng ta hay không? Chúng ta có
biết nói về Chúa Kitô, về vị thế của Chúa đối với chúng ta trong gia đình, với
những người thuộc về cuộc sống của chúng ta hay không? Đức tin nảy sinh từ sự
lắng nghe, và được củng cố trong việc rao giảng.
2.
Nhưng chúng ta hãy tiến thêm một bước: việc loan báo của thánh Phêrô và các
Tông Đồ không phải chỉ bằng lời nói, nhưng sự trung thành với Chúa Kitô còn
liên hệ tới trọn cuộc sống của các vị, một cuộc sống được biến đổi, được một
hướng đi mới, và chính bằng cuộc sống mà các vị làm chứng về đức tin và loan
báo Chúa Kitô. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu 3 lần yêu cầu thánh Phêrô chăn dắt
đoàn chiên của Ngài, và chăn chiên với lòng yêu mến, và Chúa báo cho Phêrô biết
trước: “Khi con già nua, con sẽ giang tay ra, và người khác sẽ mặc áo cho con và
đưa con đến nơi con không muốn” (Ga 21,18). Đó là một lời được gởi đến tất cả
chúng ta là những mục tử: ta không thể chăn dắt đoàn chiên Chúa nếu không chấp
nhận để thánh ý Chúa dẫn đưa tới nơi mà chúng ta không muốn, nếu ta không sẵn
sàng làm chứng cho Chúa Kitô bằng sự hiến chính bản thân chúng ta, không do dự,
không so đo, nhiều khi phải trả bằng chính mạng sống chúng ta. Nhưng điều này
cũng giá trị đối với tất cả mọi người: Tin Mừng cần được rao giảng và làm
chứng. Mỗi người phải tự hỏi: làm thế nào tôi làm chứng về Chúa Kitô bằng đức
tin của tôi? Tôi có lòng can cảm của thánh Phêrô và các Tông đồ khác để suy
nghĩ, chọn lựa và sống như Kitô hữu, vâng phục Thiên Chúa hay không? Chắc chắn
là việc làm chứng tá đức tin có bao nhiêu hình thức khác nhau, như trong một
bức bích họa to lớn, có nhiều mầu sắc và sắc thái khác nhau; nhưng tất cả những
điều ấy đều quan trọng, cả những điều không trổi lên. Trong kế hoạch bao la của
Thiên Chúa, mỗi chi tiết đều quan trọng, cả chứng tá bé nhỏ, khiêm hạ của bạn,
của tôi, cả những chứng tá âm thầm của người sống đức tin đơn sơ của mình trong
những quan hệ thường nhật của gia đình, nơi làm việc, với bạn bè, đều là điều
quan trọng. Có những vị thánh hằng ngày, những vị thánh 'âm thầm', một thứ “giai
cấp trung của sự thánh thiện” mà tất cả chúng ta có thể là thành phần. Nhưng
tại nhiều nơi trên thế giới, cũng có những người đang chịu đau khổ như thánh
Phêrô và các Tông đồ, vì Tin Mừng; có những người hiến mạng sống để trung thành
với Chúa Kitô bằng chứng tá được đánh dấu bằng giá máu. Tất cả chúng ta hãy nhớ
điều này: ta không thể loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô mà không làm chứng tá cụ
thể bằng cuộc sống. Ai nghe và nhìn chúng ta phải có thể đọc được trong những
hoạt động của chúng ta điều mà họ nghe từ miệng chúng ta và chúc tụng vinh danh
Thiên Chúa! Thái độ bất nhất của các tín hữu và các mục tử giữa điều họ nói và
điều họ làm, giữa lời nói và lối sống làm thương tổn uy tín của Giáo Hội.
3.
Nhưng tất cả những điều đó chỉ có thể nếu chúng ta nhìn nhận Chúa Giêsu Kitô,
vì chính Ngài đã kêu gọi chúng ta, đã mời gọi chúng ta tiến theo con đường của
Ngài, đã chọn chúng ta. Loan báo và làm chứng là điều chỉ có thể nếu chúng ta
gần gũi Chúa, như thánh Phêrô, Gioan và các tông đồ khác trong đoạn Phúc âm
ngày hôm nay, quanh Chúa Giêsu Phục Sinh; có một sự gần gũi hằng ngày với Chúa,
và các vị biết rõ Ngài là ai, họ biết Ngài. Thánh Sử Phúc Âm nhấn mạnh rằng “không
ai dám hỏi Ngài “Thầy là ai?”, vì họ biết rõ Ngài là Chúa” (Ga 21,12). Đó là
điểm quan trọng đối với chúng ta; sống một quan hệ khẩn trương với Chúa Giêsu:
một cuộc sống thân mật trong đối thoại đến độ có thể nhìn nhận Ngài là “Chúa”,
thờ lạy Ngài. Đoạn sách Khải Huyền mà chúng ta đã nghe nói về sự thờ lạy: vô số
các thiên thần, toàn thể các thụ tạo, các sinh vật, các kỳ lão, phủ phục thờ
lạy trước Ngai Thiên Chúa và Chiên Con bị sát tế, là Đức Kitô, lời chúc tụng,
vinh dự và vinh quang dành cho Người (Xc Kh 5,11-14). Tôi muốn tất cả chúng ta
tự hỏi: Bạn, tôi, chúng ta có thờ lạy Chúa hay không? Chúng ta đến cùng Chúa
phải chăng chỉ để cầu xin, cám tạ hay chúng ta cũng đến nơi Chúa để thờ lạy
Ngài? Thờ lạy Chúa như vậy có nghĩa là gì? Có nghĩa là ở với Chúa, dừng lại đối
thoại với Chúa, cảm thấy rằng sự hiện diện của Chúa là chân thực nhất, tốt lành
nhất, quan trọng hơn tất cả mọi sự. Mỗi người chúng ta, trong cuộc sống của
mình, một cách ý thức, và có lẽ nhiều khi không ý thức, có một thứ tự chính xác
nơi những điều được coi là hơn kém quan trọng. Thờ lạy Chúa có nghĩa là dành
cho Chúa chỗ thuộc về Ngài; thờ lạy Chúa có nghĩa là khẳng định, tin, nhưng
không phải chỉ bằng lời nói, rằng chỉ có Chúa thực sự hướng dẫn cuộc sống chúng
ta; thờ lạy Chúa có nghĩa là chúng ta xác tín trước Chúa rằng chỉ mình Ngài là
Thiên Chúa, Chúa Tể đời sống và lịch sử của chúng ta.
Điều
này có một hệ luận trong cuộc sống chúng ta: cởi bỏ bao nhiêu thần tượng lớn
nhỏ mà chúng ta có và nương náu trong đó, chúng ta tìm kiếm trong đó và nhiều
lần chúng ta đặt niềm tín thác nơi chúng. Đó là những thần tượng mà nhiều khi
chúng ta giấu kín: đó có thể là tham vọng, ham muốn thành công, sự nghiệp, đặt
mình ở trung tâm, xu hướng muốn trổi vượt hơn người khác, tự nhận mình là chủ
tể độc nhật của đời mình, đó là vài thứ tội mà chúng ta gắn bó, và nhiều tội
khác nữa. Chiều tối hôm nay tôi muốn một câu hỏi được vang dội trong tâm hồn
mỗi người chúng ta và chúng ta hãy thành thật trả lời: tôi có nghĩ đến thần
tượng nào ẩn náu trong cuộc sống của tôi hay không, thứ thần tượng cản trở tôi
thờ lạy Chúa? Thờ lạy là cởi bỏ những thần tượng của chúng ta, cả những thần tượng
thầm kín nhất, và chọn Chúa làm trung tâm, như con đường chủ yếu của đời ta.
Và ĐTC
kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, Chúa kêu gọi chúng ta mỗi ngày hay can đảm
theo Ngài trong niềm trung thành; Chúa ban cho chúng ta hồng ân lớn lao, Ngài
chọn chúng ta như những môn đệ của Ngài; Ngài sai chúng ta đi loan báo Ngài
trong niềm vui tươi như Đấng Phục Sinh, nhưng Chúa yêu cầu chúng ta thi hành
điều đó bằng lời nói, và bằng cuộc sống chứng tá thường nhật. Chúa là Thiên
Chúa duy nhất của đời ta và Ngài mời gọi chúng ta hãy cởi bỏ bao nhiêu thần
tượng và thờ lạy một mình Chúa. Xin Đức Trinh Nữ Maria và thánh Phaolô Tông Đồ
giúp chúng ta trong hành trình này và chuyển cầu cho chúng ta”.
G.
Trần Đức Anh OP