Buổi canh thức của Đức Thánh Cha với các Phong Trào

vi.radiovaticana.va2013-05-18 19:05:21 – VATICAN. Chiều thứ bẩy 18-5-2013, 200 ngàn thành viên các phong trào, cộng đoàn với và hội đoàn từ nhiều nơi trên thế giới đã tham dự buổi canh thức cầu nguyện với ĐTC nhân dịp Năm Đức Tin.

Cuộc gặp gỡ và canh thức cầu nguyện có chủ đề là “Con tin! Xin gia tăng niềm tin trong chúng con!”.

Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, cũng là trưởng ban tổ chức, cho biết các tham dự viên thuộc hơn 150 Phong trào, Cộng đoàn mới và Hội đoàn giáo dân từ các nơi về tham dự. Ngài thưa với ĐTC:

“Chiều tối hôm nay, tại Quảng trường này, toàn thế giới thực sự là có đại diện. Chỉ cần trưng dẫn vài nước, con nhắc đến những người đến từ Italia, Argentina, Bạch Nga, Brazil, Congo, Pháp, Đức, Ấn độ, Ai Len, Lituani, Malta, Mêhicô, New Zealand, Ba Lan, Porticio, Slovak, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Trinidad, Tobago và bao nhiêu nước khác...”

“Có những thực tại rất được biết đến và ngày nay đã ăn rễ sâu như Phong trào Hiệp Thông và giải phóng, phong trào Focolari, Tổ Ấm, Phong trào Công giáo tiến hành, Hướng đạo sinh, Con đường Tân Dự Tòng, và những hình thức khác nhau của Phong trào Canh tân trong Thánh Linh, Cộng đồng thánh Egidio, Cộng đồng Emmanuel, Cộng đồng Sermig- Huynh đoàn Hy Vọng, Cộng đoàn Nomadelfia, Phong trào Tông Đồ người mù, v.v. Nhưng không thiếu những thực tại nảy sinh để đáp ứng ơn gọi tái truyền giảng Tin Mừng như: Shalom, Cancão Nova, Bài Ca mới, những tế bào giáo xứ rao giảng Tin Mừng, các chân trời mới, Phong trào Quốc tế giới trẻ 2000, Totus tuus, Toàn thân con thuộc về Mẹ, Tái truyền giảng Tin Mừng, các Tổ Bác ái (Foyers de la Charité), Đức tin và Ánh sáng, Ánh sáng và Sự Sống, Hiệp Hội các ông bà nội ngoại Công Giáo, và bao nhiêu danh xưng lạ lùng khác của các thực tại Giáo Hội này”.

Từ 3 giờ chiều, các tham dự viện bắt đầu tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô: có những sinh hoạt chào đón, suy niệm, thánh ca, âm nhạc và trình bày chứng từ. Trong số các nhóm góp phần linh hoạt trong giai đoạn này đặc biệt có đoàn Gen Xanh, thuộc Phong trào Focolare, Tổ Ấm. Người linh hoạt cuộc gặp gỡ này là cô Lorena Bianchetti, vốn là một người điều khiển chương trình trên truyền hình, trong khi ca đoàn gồm 150 ca viên hợp tuyển từ các Phong trào khác nhau đảm nhận phần thánh ca và âm nhạc. 7 chứng từ được trình bày trong thời gian chờ đợi ĐTC.

Lúc quá 5 giờ rưỡi, ĐTC đã đi xe díp màu trắng tiến vào quảng trường để chào thăm các tín hữu, bầu không khi thật phấn khởi và tưng bừng.

Hiện diện tại buổi canh thức, bên trái lễ đài là những hàng ghế dành cho các vị sáng lập và lãnh đạo các phong trào; bên phải là các Hồng y và Giám Mục.

Sau đó buổi canh thức chính thức bắt đầu lúc 6 giờ chiều với nghi thức rước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma lên lễ đài và mọi người cùng hát thánh thi Veni Creator Spiritus, Xin ngự đến lạy Thánh Thần sáng tạo. Đoạn tất cả đã lắng nghe Lời Chúa gồm một đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma (Rm 8,5-27) và một đoạn sách Giáo Phụ, thánh Iréné giám mục, trích từ Giờ Kinh Sách Lễ Hiện Xuống :

Bài đọc 1: 

Lời Chúa trong thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rôma (8,5-27).

Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa

Anh em thân mến, Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an. Thật vậy, hướng đi của tính xác thịt là sự phản nghịch cùng Thiên Chúa, vì tính xác thịt không phục tùng luật của Thiên Chúa, mà cũng không thể phục tùng được.

Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa. Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô. Nhưng nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính. Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.

Vậy thưa anh em, chúng ta mang nợ, không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt. Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống. Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi!". Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.

Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa. Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi? Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ.

Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.

Bài đọc giáo phụ

Trích khảo luận “Chống lạc giáo” của thánh Irênê, giám mục (Lib. 3,17, 1-3 ; SC 34, 302-306).

Sứ mệnh của Thánh Thần

Khi ban cho các môn đệ quyền cho người ta được tái sinh làm con Thiên Chúa, Chúa Giê-su nói với các ông : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19).

Thật vậy, Người đã dùng các ngôn sứ mà hứa sẽ đổ Thánh Thần xuống trên các tôi tớ nam nữ để họ tuyên sấm. Bởi đó, Thánh Thần đã ngự xuống trên Con Thiên Chúa nay đã trở thành con người, để cùng với Người quen ở giữa nhân loại, nghỉ ngơi nơi người ta, sống trong con người Thiên Chúa đã nặn ra từ bụi đất, thi hành ý muốn của Chúa Cha nơi họ, đổi mới họ, nghĩa là làm cho họ cởi bỏ con người cũ mà mặc lấy con người mới là Đức Kitô.

Thánh Luca nói: trong ngày lễ Ngũ Tuần, sau khi Chúa Giêsu lên trời, Thánh Thần đã ngự xuống trên các môn đệ ; Người có quyền trên mọi dân tộc để đưa họ tới sự sống và khai mở giao ước mới cho họ. Vì thế, các môn đệ dùng mọi thứ tiếng mà đồng thanh hát mừng Thiên Chúa, nhờ có Thánh Thần hiệp nhất các chi tộc từng xa cách nhau và dâng lên Chúa Cha của đầu mùa là mọi dân tộc.

Vì thế, chính Chúa đã hứa sai Đấng Bảo Trợ đến để làm cho chúng ta nên xứng hợp với Thiên Chúa. Quả thật, nếu không có nước, thì từ hạt miến khô không thể có một nắm bột, cũng chẳng có một tấm bánh được, thì chúng ta vốn là nhiều cũng không thể nên một trong Đức Ki-tô Giê-su, nếu không có nước từ trời đổ xuống. Và như đất khô nếu không thấm nước, sẽ không sinh hoa kết trái ; thì chúng ta vốn là cây khô cũng chẳng bao giờ sinh hoa kết trái là sự sống, nếu Chúa không để cho mưa từ trời rơi xuống.

Quả thật, thân xác của chúng ta được kết thành Hội Thánh duy nhất, để khỏi bị hư nát ; còn linh hồn thì nhờ Thần Khí. Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống trên Chúa Giêsu, Thần Khí khôn ngoan và minh mẫn, Thần Khí mưu lược và dũng mãnh, Thần Khí hiểu biết và đạo đức, Thần Khí kính sợ Đức Chúa (x. Is 11,2).

Thần Khí ấy, Chúa Giêsu lại ban cho Hội Thánh khi từ trời sai Người như Đấng Bảo Trợ xuống trên khắp thế gian, từ trời là nơi Xa-tan rơi xuống như một tia chớp, như Chúa nói (x. Lc 10,18). Vì thế chúng ta cần được Thiên Chúa đổ sương xuống, để khỏi bị đốt cháy và không sinh hoa kết quả ; và để ở đâu có kẻ tố cáo ta thì ở đó chúng ta cũng có Đấng Bảo Trợ.

Chúa đã trao phó cho Thánh Thần con người bị rơi vào tay kẻ cướp mà chính Người đã xót thương và băng bó thương tích, rồi cho hai quan tiền mang hình đức vua, để nhờ Thánh Thần, một khi nhận được hình ảnh cùng danh hiệu của Chúa Cha và Chúa Con, chúng ta làm cho quan tiền đã được giao phó cho chúng ta, sinh lợi thêm nhiều cho Chúa.

Sau đó có hai chứng từ rất ý nghĩa được trình bày: thứ nhất là của Ông John Waters, một văn sĩ kiêm ký giả người Ailen. Ông bắt đầu hành nghề ký giả với tạp chí chính trị âm nhạc nổi tiếng nhất ở Ai Len tên là Hot Press. John Waters là một trong những chuyên gia nổi tiếng nhất về âm nhạc hiện đại, và thường xuyên viết cho tờ Ai Len Thời Báo (The Irish Times) và tờ Mail on Sunday. Ông cũng sáng tác nhiều vở kịch và viết nhiều sách. Đặc biệt cuốn “Người Vô thần sa ngã” (Lapsed Agnostic) (2008) và cuốn “Vượt quá sự an ủi” (Beyond Consolation) (2010) kể lại niềm tin của ông được tìm lại sau những năm tăm tối.

Chứng từ thứ hai của ông Paul Batthi, một bác sĩ giải phẫu người Pakistan, tốt nghiệp tại Đại học Padova, bắc Italia, hành nghề bác sĩ toàn khoa ở Pakistan rồi tại Italia cho đến năm 2011 là năm mà em của ông là Bộ trưởng Shahbaz bị sát hại lúc 43 tuổi. Trong cùng năm 2011, ông Paul Bhatti được bổ nhiệm làm cố vấn đặc biệt về hòa hợp quốc gia của thủ tướng Pakistan. Hiện nay ông là lãnh tụ Liên minh thiểu số tại nước này.

Ông Shahbaz bắt đầu sứ mạng nơi người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội khi em theo học trường ở làng quê chúng con, làng Khushpur. Một Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, đứng trước Thánh giá Chúa Giêsu, em cảm thấy được kêu gọi “đáp trả tình thương ấy bằng cách trao ban tình thương cho các anh chị em chúng ta, đặt mình phục vụ các tín hữu Kitô, nhất là những người nghèo, người túng quẫn và bị bách hại đang sống tại quốc gia Hồi giáo này”.

“Thế là trọn cuộc đời, mặc dù có những nghịch cảnh và bị đe dọa, em vẫn luôn trung thành với sứ mạng gần gũi người nghèo, làm chứng về tình thương của Chúa Giêsu, làm việc để trong xã hội bị chia rẽ và bạo lực ở Pakistan, tình thương và khả năng sống chung với nhau được củng cố. Em nói: “Những người nghèo túng, cô nhi, là phần bị bách hại và nghèo khổ của thân mình Chúa Kitô”.

Shahbaz Bhatti đã bị những kẻ cực đoan sát hại. Ông đã “làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô bằng máu đào. Nhưng cuộc sống và đức tin của em đã mang lại hoa trái”.

Và ông Bhatti kết luận rằng: “Kính thưa ĐTC, con xin ĐTC cầu nguyện và nâng đỡ để chúng con có thể tiếp tục sứ mạng của Shahbaz và là chứng nhân kiên vững về Chúa Kitô, mang hy vọng và an bình để tất cả mọi người được tôn trọng và yêu mến. Là Kitô hữu chân chính, đó là điều thay đổi cả cuộc sống của một dân tộc”.

Sau hai chứng từ về kinh nghiệm tái truyền giảng Tin Mừng vừa nói, ĐTC Phanxicô đã ứng khẩu trả lời một vài câu hỏi được các đại diện Phong trào và Cộng đoàn nêu lên với Ngài. Họ hỏi về kinh nghiệm đạt tới sự chắc chắn của đức tin, làm sao vượt thắng sự mong manh của đức tin? Đối với ĐTC đâu là điều quan trọng nhất trong đó tất cả các phong trào, hội đoàn và cộng đoàn chúng con phải nhìn đến để thực hiện công tác mà chúng con được kêu gọi thực hiện? Làm sao chúng con có thể thông truyền hữu hiệu đức tin ngày nay? Làm sao Giáo Hội có thể sống như một Giáo hội nghèo và cho người nghèo? Chúng con có thể làm gì hơn nữa? Làm sao để giúp đỡ các anh chị em chúng con? Làm sao thoa dịu những đau khổ của họ mà không thể làm gì hoặc rất ít để thay đổi bối cảnh chính trị và xã hội của họ?

Buổi canh thức được tiếp tục với phần tuyên xưng đức tin, và lời nguyện chung, kinh Lạy Cha và phép lành của ĐTC.

G. Trần Đức Anh OP

 


Về Trang Mục Lục