Bài trừ nền văn hóa phung phí gạt bỏ để thăng tiến nền văn hóa
liên đới gặp gỡ
vi.radiovaticana.va2013-06-05
15:19:08 – Tôi ước mong tất cả chúng ta nghiêm chỉnh dấn thân
tôn trọng và giữ gìn thụ tạo, chú ý tới mọi người, chống lại nền văn hóa phung
phí và gạt bỏ, để thăng tiến một nền văn hóa liên đới và gặp gỡ.
Đức
Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ như trên với khoảng 100.000 tín hữu và du khách
hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 5-6-2013 tại quảng trường
thánh Phêrô.
Vì hôm
qua là “Ngày quốc tế môi sinh” do Liên Hiệp Quốc phát động nên trong bài huấn
dụ Đức Thánh Cha đã đề cập tới tầm quan trọng phải tôn trọng môi sinh, tiết
kiệm không phung phí thực phẩm, vì trên thế giới hiện có hàng tỷ người phải
sống trong cảnh đói khát và thiếu dinh dưỡng.
Đức
Thánh Cha nói: Khi chúng ta đề cập tới môi sinh, tôi nghĩ tới các trang đầu
tiên của Thánh Kinh, tới sách Sáng Thế, trong đó có khẳng định rằng Thiên Chúa
đặt người nam và người nữ trên trái đất để họ vun trồng và giữ gìn nó (St
2,15). Và nổi lên trong tôi các câu hỏi: Vun trồng và giữ gìn trái đất có nghĩa
là gì? Chúng ta có thật sự “vun trồng” và giữ gìn thụ tạo hay không? Hay chúng
ta đang tàn phá và lơ là với nó? Động từ “vun trồng” gợi lên trong trí tôi việc
săn sóc của nhà nông đối với đất đai của mình, để nó cho hoa trái và hoa trái
đó được chia sẻ: biết bao nhiêu là chú ý, đam mê và tận tụy! Đức Thánh Cha giải
thích thêm như sau:
Vun
trồng và gìn giữ thụ tạo là một chỉ dẫn Thiên Chúa ban cho không phải chỉ ngay
từ đầu lịch sử, mà còn cho từng người trong chúng ta nữa; nó là một phần chương
trình của Người; nó muốn nói rằng đó là làm cho thế giới này lớn lên với tinh
thần trách nhiệm, biến đổi nó để nó là một ngôi vườn có thể ở đối với tất cả
mọi người. Và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhắc lại nhiều lần rằng nhiệm vụ
này do Thiên Chúa Tạo Hóa giao cho chúng ta đòi hỏi phải tiếp nhận tiết nhịp và
luận lý của việc tạo dựng.
Chúng
ta trái lại thường khi được hướng dẫn bởi sự kiêu căng của thống trị, chiếm
hữu, lèo lái và khai thác; chúng ta không “giữ gìn”, không tôn trọng, không coi
thụ tạo như là một ơn nhưng không cần phải săn sóc. Chúng ta đang đánh mất đi
thái độ của sự kinh ngạc, của sự chiêm niệm, của việc lắng nghe thụ tạo; và như
thế chúng ta không thành công trong việc đọc được nơi đó điều mà Đức Thánh Cha
Biển Đức XVI gọi là “tiết nhịp cảu lịch sử tình yêu của Thiên Chúa đối với con
người”. Tại sao lại xảy ra điều ấy? Bởi vì chúng ta nghĩ và sống theo chiều
ngang, chúng ta xa rời Thiên Chúa, chúng ta không đọc ra các dấu chỉ của Người
nữa.
Tiếp
tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định: Nhưng mà “vun trồng và gìn giữ” không
chỉ bao gồm tương quan giữa con người với môi sinh, giữa con người với thụ tạo,
mà cũng liên quan tới các tương quan nhân bản nữa. Các Giáo Hoàng đã nói tới
môi sinh nhân bản, gắn liền chặt chẽ với môi sinh thiên nhiên. Chúng ta đang
sống một thời điểm khủng hoảng; chúng ta trông thấy nó trong môi sinh, nhưng
nhất là chúng ta trông thấy nó nơi con người. Con người đang gặp nguy hiểm, và
chăc chắn là như vậy. Ngày nay con người đang gặp nguy hiểm. Vì thế môi sinh
nhân bản là sự cấp bách! Và nguy hiểm nghiêm trọng, bởi vì lý do của vấn đề
không hời hợt, mà sâu đậm; Nó không chỉ là một vấn đề kinh tế, nhưng là vấn đề
luân lý và nhân chủng. Giáo Hội đã nhấn mạnh nhiều lần; và nhiều người nói
rằng: vâng đúng vậy, thật thế. Nhưng tình hình không thay đổi và Đức Thánh Cha
giải thích lý do tại sao:
Nhưng
hệ thống tiếp tục như trước, bởi vì điều thống trị là các năng động của một nền
kinh tế và của một nền tài chánh thiếu luân lý đạo đức. Cái chỉ huy con người
ngày nay không phải là con người mà là “tiền bạc”, “tiền bạc”, tiền bạc chỉ
huy! Thiên Chúa, Cha chúng ta, đã cho chúng ta nhiệm vụ giữ gìn chứ không phải
giữ gìn tiền bạc. Chúng ta, các người nam nữ, chúng ta có nhiệm này! Như thế
các người nam nữ bị sát tế cho các thần tượng của lợi nhuận và tiêu thụ: đó là “nền
văn hóa của sự gạt bỏ”. Nếu một máy vi tính bị bể, nó là một thảm cảnh, nhưng sự
nghèo túng, các nhu cầu, các thảm cảnh của biết bao nhiêu người thì lại là
chuyện bình thường.
Nếu
trong một đêm mùa đông tại đây, tại quảng trường Ottaviano chẳng hạn, có một
người chết, thì đó không phải là tin tức. Nếu trong biết bao nhiêu vùng trên thế
giới có các trẻ em không có ăn, sự kiện đó không phải là tin. Xem ra là điều
bình thương thôi! Nhưng điều đó không thể như vậy được! Và các điều này bước
vào trong sự bình thường: có vài người không nhà chết ngoài đường vì lạnh,
không có tin gì cả... Trái lại thị trường chứng khoán trong các thành phố sụt
10 điểm, thì đó là một thảm cảnh. Người chết thì không là tin tức, nhưng thị
trường chứng khoán mất 10 điểm thì là thảm họa. Như vậy con người bị “vứt bỏ”.
Chúng ta là người, chúng ta bị vứt bỏ như thể là rác rưởi.
“Nền
văn hóa vứt bỏ” hướng tời chỗ trở thành tâm thức chung, lây nhiễm tất cả mọi
người. Sự sống con người, bản vị con người không còn được cảm nhận như giá trị
đầu tiên cần phải tôn trọng và bảo vệ nữa, đặc biệt nếu đó là sự sống nghèo
túng hay tàn tật, nếu nó không phục vụ nữa - như trẻ
em sẽ sinh ra - hay không còn cần thiết nữa - như người già.
Đức
Thánh Cha nhận xét về hậu quả của nền văn hóa gạt bỏ này như sau:
Nền
văn hóa vứt bỏ này đã khiến cho chúng ta trở thành vô cảm đối với cả các phung
phí và vứt bỏ thực phẩm, nó còn đáng khinh bỉ hơn nữa, khi trong mọi miền trên
thế giới này rất tiếc có nhiều người và nhiều gia đình phải đau khổ vì đói khát
và thiếu dinh dưỡng.
Xưa
kia các thế hệ ông bà chúng ta đã rất chú ý không vất bỏ đồ ăn còn thừa. Chế độ
tiêu thụ đã dẫn đưa chúng ta tới chỗ quen với sự thừa thãi và phung phí thực
phẩm mỗi ngày, mà đôi khi chúng ta không còn biết đánh giá đúng đắn nữa, và nó
vượt xa các tham số thuần túy kinh tế. Tuy nhiên chúng ta hãy nhớ rằng thực
phẩm mà chúng ta vất bỏ đi, thì cũng như thể là chúng ta ăn trộm từ bàn ăn của
người nghèo, của người đói! Tôi mời gọi tất cả mọi người suy tư về vấn đề đánh
mất và phung phí thực phẩm để nhận diện ra các con đường và phương thế giúp đối
đầu một cách nghiêm chỉnh với vấn đề đó, ước chi chúng là phương tiện của tình
liên đới và chia sẻ với các anh chị em cần được trợ giúp nhất.
Cách
đây mấy ngày trong lễ Mình Thánh Chúa chúng ta đã đọc trình thuật phép lạ hóa
bánh ra nhiều: Chúa Giêsu cho đám đông ăn với năm chiếc bánh và hai con cá. Và
kết luận văn bản thật quan trọng: “Mọi người ăn no nê và những mảnh vụn còn
thừa, người ta thu lại còn được mười hai thúng.” (Lc 9,17).
Chúa
Giêsu xin các môn đệ đừng để cho những gì còn thừa bị mất đi: không vứt bỏ cái
gì cả! Và có sự kiện mười hai thúng. Tại sao lại mười hai thúng? Nó có nghĩa là
gì? Mười hai là con số 12 chi tộc
Như
thế tôi ước mong rằng tất cả chúng ta nghiêm chỉnh dấn thân tôn trọng và giữ
gìn thụ tạo, chú ý tới mọi người, chống lại nền văn hóa phung phí và gạt bỏ, để
thăng tién một nền văn hóa liên đới và gặp gỡ.
Sáng
thứ tư 5-6-2013 Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã dành ra hơn nửa tiếng để chào
tín hữu. Một em bé khi được ngài hôn đã nắm chặt lấy mảnh áo choàng của ngài và
không muốn rời ra nữa. Có một cặp tín hữu đã tặng Đức Thánh Cha chiếc mũ calốt
trắng, ngài nhận đội ngay lên đầu và lấy cái ngài đang đội tặng lại họ. Một tín
hữu Mehicô tặng ngài cái poncho mầu đỏ và quàng lên vai Đức Thánh Cha. Sau buổi
tiếp kiến Đức Thánh Cha cũng dành ra gần một giờ để chào tín hữu, các cặp vợ
chồng mới cưới và người tàn tật.
Ngài
cũng đã chào các tín hữu đến từ các đảo Antille, Maurizius, và Côte d'Ivoire,
cũng như một nhóm các imam hồi giáo dấn thân trong cuộc đối thoại liên tôn, và
các đoàn hành hương đến từ các nước châu Mỹ Latinh như Colombia, Uruguay,
Argentina, Mêhicô và Brasil.
Chào
các tín hữu nói tiếng A rập Đức Thánh Cha nhắn nhủ như sau: “Chúng ta đừng để
cho mình quen với thảm cảnh của nghèo túng, các thảm cảnh của biết bao nhiêu
người không nhà cửa chết trên đường phố, hay thấy biết bao nhiêu trẻ em không
đựơc giáo dục và săn sóc y tế. Chúng ta hãy nhớ rằng thực phẩm mà chúng ta vứt
đi thì như là chúng ta ăn trộm từ bàn tay của người nghèo và người đói.
Chào
một nhóm tân linh mục và chủng sinh Ba Lan Đức Thánh Cha khuyến khích họ cảm tạ
Chúa Giêsu vì ơn gọi linh mục, và vun trồng nó dưới ánh sáng và trong quyền
năng của Chúa Thánh Thần, để luôn là các thừa tác viên hăng say của ơn thánh
Chúa.
Đức
Thánh Cha cũng chào phái đoàn hành hương các giáo phận Aversa, Macerata và
Matera cùng với các Giám Mục cũng như phái đoàn công nhân các hãng đưởng
Venezia với Đức Thượng Phụ.
Chào
giới trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nhắc nhở
rằng tháng 6 là tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đức thánh Cha xin Chúa dậy
giới trẻ hiểu biết vẻ đẹp của tình yêu và cảm thấy được yêu. Ngài xin Chúa an
ủi các anh chị em đau yếu trong nổi khổ đau thử thách của họ, và nâng đỡ các
cặp vợ chồng mới cưới trên con đường cuộc sống hôn nhân.
Sau
cùng ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Linh
Tiến Khải