Bắt đầu buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình tại Siria
vi.radiovaticana.va2013-09-07 19:12:33 –
Buổi cầu nguyện, được chính ĐTC
loan báo trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 1-9 vừa qua, đã khởi sự
lúc 7 giờ tối và kéo dài đến 12 giờ đêm. Đây là buổi cầu nguyện dài nhất từ
trước đến nay do một vị Giáo Hoàng chủ sự. Rất nhiều nơi trên thế giới đã hưởng
ứng lời kêu gọi của ĐTC và tổ chức các thánh lễ, các buổi cầu nguyện cầu cho
hòa bình. Cả các tín hữu Kitô không Công Giáo, tín đồ tôn giáo khác cũng tổ
chức cầu nguyện theo thể thức của họ.
Trong số hàng chục ngàn người
hiện diện tại Quảng trường, cũng có đại diện của các cộng đoàn Arập và những
người không tín ngưỡng, nhiều giới chức chính quyền Italia và thành phố Roma,
như ông Mario Mauro, Bộ trưởng quốc phòng, Ông Mario Giro, thứ trưởng ngoại
giao Italia, với phái đoàn Cộng hòa Trung Phi gồm 17 người. Nhiều đại biểu quốc
hội, các vị đại diện 20 nước cạnh Tòa Thánh, v.v. Về phía các chức sắc có hơn
40 HY và GM, cùng với một số GM Chính Thống giáo.
Từ 4 giờ rưỡi chiều, Quảng
trường Thánh Phêrô bắt đầu mở ra để đón nhận các tín hữu tham dự. Vì ngày 7-9
cũng là ngày ăn chay trong tinh thần thống hối để cầu xin ơn hòa bình, nên từ
lúc 5 giờ 45, đã có 50 LM giải tội túc trực tại hai vòng cột bên phải và bên
trái của Quảng trường để đón nhận các tín hữu muốn hòa giải với Thiên Chúa và
Giáo Hội. ĐTC Phanxicô nhắc nhở rằng “hòa bình đích thực nảy sinh từ con tim
của người được hòa giải với Thiên Chúa và anh chị em mình”.
Lúc 6 giờ rưỡi, bài Huấn dụ của
ĐTC trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật vừa qua (1-9) đã được một
xướng ngôn viên đọc lại để nhắc nhở các tín hữu hiện diện về ý nghĩa buổi canh
thức cầu nguyện đặc biệt này.
ĐTC đã tiến vào quảng trường lúc
7 giờ tối, và sau lời chào phụng vụ của ngài, ca đoàn và các tín hữu hát kinh “Veni Creator” cầu xin Thánh Linh của
Chúa Phục Sinh linh hoạt và hướng dẫn buổi cầu nguyện. Tiếp đến là ảnh Đức Mẹ
là Phần Rỗi của dân Roma đã được 4 vệ binh Thụy sĩ rước lên lễ đài. Có hai
thiếu nữ và 2 thanh niên tháp tùng mang hoa kính mừng Đức Mẹ.
Phần đầu tiên của buổi cầu
nguyện là kinh Mân Côi với 5 mầu nhiệm mùa Vui. Vào đầu mỗi chục kinh có một
đoạn Kinh Thánh được công bố, kèm theo một bài suy niệm và một bài thơ của
Thánh Mữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Và sau mỗi chục kinh Kính Mừng có thêm lời cầu:
“Lạy Nữ Vương Hòa Bình, xin cầu cho chúng con!” Kinh Mân Côi kết thúc với bài
thánh ca Lạy Nữ Vương và kinh cầu Đức Bà.
Bài suy niệm của Đức Thánh Cha
“Thiên Chúa thấy đó là điều tốt
lành” (St 1,12.18.21.25). Trình thuật Kinh Thánh về khởi đầu lịch sử thế giới
và nhân loại nói với chúng ta về Thiên Chúa, Đấng nhìn xem công trình sáng tạo,
hầu như là chiêm ngưỡng công trình ấy và lập lại: đó là điều tốt lành. Điều này
đưa chúng ta vào con tim của Thiên Chúa, và chính từ thẳm sâu của Thiên Chúa,
chúng ta lãnh nhận sứ điệp của Ngài.
“Chúng ta có thể tự hỏi sứ điệp
ấy có nghĩa là gì? Sứ điệp này nói gì với tôi, với bạn, với tất cả chúng ta?
1. Sứ điệp ấy nói với chúng ta
đơn giản rằng thế giới này ở trong tâm trí Thiên Chúa là “căn nhà hòa hợp và
hòa bình” và là nơi trong đó tất cả có thể tìm được chỗ đứng của mình và cảm
thấy thoải mái như ở nhà mình, vì đó là “điều tốt lành”. Toàn thể công trình
sáng tạo họp thành một tập hợp hài hòa, tốt lành, nhưng nhất là con người, được
dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa, họ là một gia đình duy nhất, trong đó
những tương quan huynh đệ đích thực không những được công bố bằng lời nói mà
thôi: tha nhân là anh chị em cần yêu thương, và tương quan với Thiên Chúa là
tình thương, là lòng trung thành, là sự thiện hảo phản ánh trên tất cả các quan
hệ giữa con người với nhau và mang lại sự hài hòa cho toàn thể công trình sáng
tạo. Thế giới của Thiên Chúa là một thế giới trong đó mỗi người cảm thấy có
trách nhiệm đối với tha nhân, đối với thiện ích của tha nhân. Tối hôm nay,
trong sự suy tư, chay tịnh, cầu nguyện, mỗi người chúng ta, tất cả chúng ta hãy
suy tư trong thâm tâm mình: phải chăng đây là thế giới mà tôi mong muốn? Phải
chăng đây là thế giới mà tất cả chúng ta mang trong con tim? Thế giới mà chúng
ta mong muốn chẳng phải là một thế giới hài hòa và hòa bình trong chúng ta,
trong các quan hệ với tha nhân, trong gia đình, trong các thành thị, trong và
giữa các quốc gia sao? Và tự do đích thực trong việc chọn lựa những con đường
cần đi theo trên thế giới này có phải là con đường duy nhất hướng về thiện ích
của tất cả mọi người và được tình thương hướng dẫn hay không?
2. Nhưng giờ đây chúng ta hãy tự
hỏi: phải chăng đó là thế giới mà chúng ta đang sống? Công trình tạo dựng giữ
nguyên vẻ đẹp của nó làm cho chúng ta đầy kinh ngạc, tiếp tục là một công trình
tốt đẹp. Nhưng cũng có cả “bạo lực, chia rẽ, đụng độ, chiến tranh”. Điều này
xảy ra khi con người, - ở tột đỉnh của việc tạo dựng-, không còn nhìn chân trời
của vẻ đẹp và của sự tốt lành nữa, để rồi khép kín mình trong sự ích kỷ.
Khi con người chỉ nghĩ đến mình,
tới lợi lộc riêng của mình và đặt mình ở trung tâm, khi con người để cho mình
bị thu hút vì những thần tượng thống trị và quyền lực, khi con người coi mình
thay Thiên Chúa, thì lúc đó nó làm hư hỏng mọi tương quan, làm tan vỡ tất cả,
và mở cửa cho bạo lực, cho sự dửng dưng, cho xung đột. Đó chính là điều mà đoạn
sách Sáng Thế ký muốn cho chúng ta hiểu, đoạn sách trong đó có thuật lại tội
lỗi của con người: con người bắt đầu xung đột với chính mình, nhận thấy mình
trần truồng và ẩn nấp vì sợ hãi (St 3,10), con người sợ cái nhìn của Thiên
Chúa; cáo buộc người nữ vốn là thịt bởi thịt của mình (v.12); con người phá vỡ
sự hài hòa với thiên nhiên, đi tới độ giơ tay chống lại em mình để giết hại em.
Chúng ta có thể nói rằng từ sự hòa hợp, người ta tiến tới sự thiếu hòa hợp
(disarmonia) hay chăng? Không, không có sự thiếu hòa hợp: hoặc là có sự hòa
hợp, hoặc người ta rơi vào tình trạng hỗn độn, trong đó có bạo lực, tranh
giành, đụng độ và sợ hãi.
“Con người ở trong tình trạng
xáo trộn ấy khi Thiên Chúa hỏi lương tâm con người: “Abel em ngươi ở đâu?” Và
Cain trả lời: “Tôi không biết. Tôi có phải là người canh giữ em tôi đâu?” (St
4,9). Câu hỏi này cũng được gửi đến chúng ta và chúng ta cũng nên tự hỏi: “Tôi
có phải là người canh giữ anh em tôi không?” Đúng, ngươi là người canh giữ anh
em ngươi! Là người có nghĩa là người canh giữ nhau! Và trái lại, khi người ta
phá vỡ sự hài hòa, thì xảy ra một sự biến thái: người anh em cần phải canh giữ
và yêu thương trở thành một đối thủ phải bài trừ, phải tiêu diệt. Bao nhiêu bạo
lực xảy ra từ lúc ấy, bao nhiêu xung đột, bao nhiêu chiến tranh xảy ra trong
lịch sử chúng ta! Chỉ cần nhìn xem nỗi đau khổ của bao nhiêu anh chị em chúng
ta. Đây không phải là một cái gì tình cờ, nhưng là một sự thật: trong mỗi bạo
lực và trong mỗi chiến tranh chúng ta làm tái sinh Cain. Tất cả chúng ta! Và cả
ngày nay chúng ta tiếp tục để cho những thần tượng, lòng ích kỷ, những lợi lộc
riêng tư hướng dẫn, và thái độ này đi xa hơn: chúng ta đã kiện toàn các võ khí,
lương tâm chúng ta ngái ngủ, chúng ta làm cho những lý luận của mình trở nên
tinh tế để biện minh cho mình. Chúng ta tiếp tục gieo rắc tàn phá, đau thương,
chết chóc, như thể đó là một điều bình thường!
3. Về điểm này tôi tự hỏi: có
thể đi theo một con đường khác hay không? Chúng ta có thể ra khỏi cái vòng lẩn
quẩn đau thương và chết chóc hay không? Chúng ta có thể học lại cách bước đi
trên những con đường hòa bình hay không? Khi cầu khẩn ơn phù trợ của Thiên
Chúa, dưới cái nhìn từ mẫu của Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma, là Nữ Vương hòa
bình, tôi muốn trả lời rằng: Có, tất cả chúng ta đều có thể đi theo một con
đường khác! Tối hôm nay, tôi muốn rằng từ mọi nơi trên trái đất chúng ta kêu
lên: Có, tất cả mọi người đều có thể đi con đường khác! Đúng hơn, tôi muốn mỗi
người chúng ta, từ nhỏ chí lớn, cho tới cả những người được kêu gọi cai trị các
dân nước, hãy trả lời: Có, chúng tôi muốn con đường khác! Đức tin Kitô của tôi
thúc đẩy tôi nhìn lên Thánh Giá.
Tôi ước ao rằng trong lúc này
đây tất cả mọi người nam nữ thiện chí nhìn lên Thánh Giá! Tại đó người ta có
thể đọc được câu trả lời của Thiên Chúa: tại đó, người ta không đáp trả bạo lực
bằng bạo lực, không dùng ngôn ngữ chết chóc để đáp lại chết chóc. Trong thinh
lặng của Thánh Giá, tiếng bom đạn im bặt và người ta nói với ngôn ngữ của sự
hòa giải, tha thứ, đối thoại, hòa bình. Tối hôm nay tôi muốn cầu xin Chúa cho
chúng ta là các tín hữu Kitô, cho các anh chị em thuộc các tôn giáo khác, mỗi
người nam nữ thiện chí mạnh mẽ kêu lên: bạo lực và chiến tranh không bao giờ là
con đường hòa bình! Ước gì mỗi người nhìn vào thẳm sâu của lương tâm mình và
lắng nghe tiếng nói: ngươi hãy ra khỏi lợi lộc riêng tư đang góp nghẹt con tim
ngươi, hãy vượt thắng sự dửng dưng đối với tha nhân, sự dửng dưng làm cho con
tim ngươi không còn nhạy cảm, hãy chiến thắng những lý lẽ chết chóc của ngươi
và hãy cởi mở đối thoại, hòa giải: hãy nhìn nỗi đau khổ của anh em ngươi và
đừng chất thêm những đau khổ khác, hãy ngừng tay lại, hãy tái tạo sự hòa hợp đã
bị phá tan; và thực hiện điều này không phải bằng sự đụng độ, nhưng bằng sự gặp
gỡ! Hãy chấm dứt những tiếng ồn của võ khí! Chiến tranh luôn đánh dấu sự thất
bại của hòa bình, luôn luôn là một sự thất bại cho nhân loại. Một lần nữa những
lời của Đức Phaolô VI vang vọng: “Đừng chống lại nhau nữa, đừng bao giờ nữa!..
Đừng bao giờ chiến tranh, đừng chiến tranh nữa!” (Diễn văn tại LHQ, 4-10-1965:
AAS 57 [1965], 881). “Hòa bình chỉ được khẳng định bằng hòa bình, hòa bình
không tách rời khỏi nghĩa vụ công lý, nhưng được nuôi dưỡng bằng sự hy sinh của
mình, bằng lòng khoan nhân, từ bi, bác ái” (Sứ điệp Ngày Hòa bình thế giới
1976: AAS 67 [1975], 671). Tha thứ, đối thoại, hòa giải, đó là những lời hòa
bình: tại quốc gia Siria yêu quí, tại Trung Đông, trên toàn thế giới! Chúng ta
hãy cầu nguyện cho sự hòa giải và cho hòa bình, hãy làm việc cho hòa giải và
hòa bình và tất cả chúng ta đều trở thành những người hòa giải và hòa bình
trong mỗi môi trường. Amen”
Chầu Mình Thánh Chúa
Sau bài suy niệm của ĐTC là phần
Thờ Lạy Mình Thánh Chúa. Hai nữ tu Phi châu mang lên bàn thờ hai bó hoa lớn rồi
Mặt Nhật Mình Thánh Chúa được thày phó tế đặt trên bàn thờ.
Buổi chầu Mình Thánh Chúa có
phần hướng dẫn, diễn ra qua 5 hồi: mỗi hồi có một bài sách thánh về đề tài hòa
bình, rồi lời nguyện của ĐTC cũng về chủ đề hòa bình, sau đó là những lời khẩn
cầu dưới hình thức đáp ca để xin ơn bình an. Tiếp đến là bài thánh ca, và nghi
thức dâng hương. Có 5 đôi vợ chồng đến từ Siria, Ai Cập, Thánh Địa, Hoa Kỳ và
Nga tiến lên bỏ hương vào lò than đặt bên phải bàn thờ. Mỗi hồi trong buổi chầu
Thánh Thể được kết thúc trong thinh lặng để mỗi người thờ lạy Thánh Thể trong
tâm hồn.
Buổi cầu nguyện được nối tiếp
với giờ độc vụ với hình thức dài hơn dành cho các buổi canh thức, với các thánh
vịnh, bài đọc trích từ sách Ngôn Sứ Giêrêmia (37,21;38,14-28), đoạn bài giảng
của thánh Lêô Cả Giáo Hoàng về các mối phúc (Disc. 95,6-8) và sau cùng là đoạn
Tin Mừng được chọn cho phần canh thức này trích từ Tin Mừng theo thánh Gioan,
đoạn 20, kể lại cuộc hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ ở trong
nhà đóng kín vì sợ người Do thái. Chúa chúc bình an cho họ, trao ban Thánh Thần
và sai họ ra đi. Chúa cũng ban quyền tháo giải cho các môn đệ. Chúa hiện ra 8
ngày sau đó và lần này có cả Tông đồ Tôma. Ngài đã hoán cải và làm cho ông
tuyên xưng niềm tin nơi ngài.
Cuối giờ độc vụ, trời đã quá 10
giờ 15, ĐTC và cộng đoàn đã cầu nguyện trong thinh lặng, gần 30 phút, rồi mọi
người Chầu Mình Thánh trước khi ngài ban phép lành kết thúc. (SD 7-9-2013)
G. Trần Đức Anh OP