vi.radiovaticana.va2013-09-15
16:02:06 –
Trong bài huấn dụ ngắn, ngài đã quảng diễn ý nghĩa
bài Tin Mừng theo thánh Luca chúa nhật thứ 24 thường niên năm C nói về lòng từ
bi và tha thứ của Thiên Chúa. ĐTC nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Trong phụng vụ hôm nay có đọc chương 15 của Tin
Mừng theo thánh Luca, chứa đựng 3 dụ ngôn về lòng từ bi thương xót: dụ ngôn con
chiên lạc, dụ ngôn đồng tiền bị mất và dụ ngôn dài nhất trong các dụ ngôn, tiêu
biểu của thánh Luca, là dụ ngôn người cha và hai người con, người con “hoang
đàng”, và người con tưởng mình là công chính, tưởng mình là thánh. Cả 3 dụ ngôn
đều nói về niềm vui của Thiên Chúa: nhưng đâu là niềm vui của Thiên Chúa? Thưa
đó là tha thứ, niềm vui của Thiên Chúa là tha thứ! Đó là niềm vui của một mục
tử tìm lại được con chiên của mình; niềm vui của một phụ nữ tìm lại được đồng
tiền của mình; là niềm vui của một người cha đón nhận lại nơi nhà mình đứa con
bị mất, như đã chết và nay được sống lại. Đó là tất cả Tin Mừng, là trọn Kitô
giáo! Nhưng anh chị em hãy chú ý, đây không phải là tình cảm, là thái độ “xuề
xòa, cái gì cũng chấp nhân”! Trái lại, lòng từ bi là một sức mạnh thực sự có
thể cứu vớt con người và thế giới khỏi bệnh “ung thư” là tội lỗi, là sự ác luân
lý và tinh thần. Chỉ có tình thương mới lấp đầy sự trống rỗng, những vực thẳm
tiêu cực mà sự ác khơi lên trong các tâm hồn và trong lịch sử. Chỉ có tình yêu
mới có thể làm điều này, đây là niềm vui của Thiên Chúa.
“Chúa Giêsu là tất cả từ bi, là tất cả tình
thương: Ngài là Thiên Chúa làm người. Mỗi người chúng ta là con chiên lạc, là
đồng tiền bị mất; mỗi người chúng ta là đứa con đã làm hư hỏng tự do của mình
khi đi theo những thần tượng giả dối, ảo ảnh hạnh phúc, và đánh mất tất cả.
Nhưng Thiên Chúa không quên chúng ta, Ngài là người Cha không bao giờ bỏ rơi
chúng ta. Là người Cha kiên nhẫn, luôn chờ đợi chúng ta! Chúa tôn trọng tự do
của chúng ta, nhưng Ngài vẫn luôn trung tín, và khi chúng ta trở về cùng Chúa,
Ngài đón tiếp chúng ta như những người con trong nhà Ngài, vì Ngài không bao
giờ ngừng chờ đợi chúng ta trong tình yêu thương, dù là một giây phút. Con tim
của Thiên Chúa mừng rỡ vì mỗi người con trở về. Ngài mở tiệc vì vui mừng! Thiên
Chúa có niềm vui này, khi một trong những người tội lỗi như chúng ta đến với
Ngài và xin tha thứ.
Vậy đâu là nguy hiểm? Nguy hiểm là chúng ta tự coi
mình là người công chính và xét đoán người khác. Chúng ta xét đoán cả Thiên
Chúa, vì chúng ta nghĩ rằng Ngài phải trừng phạt những kẻ tội lỗi, lên án tử
cho họ, thay vì tha thứ. Và thế là chúng ta có nguy cơ bị ở ngoài nhà Cha! Như
người con cả trong dụ ngôn, thay vì hài lòng vì đứa em trở về, anh ta giận dữ
với cha vì đã đón tiếp đứa con ấy và mở tiệc ăn mừng. Nếu trong tâm hồn chúng
ta không có lòng từ bi, không có niềm vui tha thứ, thì chúng ta không hiệp
thông với Thiên Chúa, cho dù chúng ta tuân giữ mọi giới luật, vì chính tình
thương cứu thoát, chứ không phải chỉ thực hành các giới luật. Chính lòng mến
Chúa yêu người là sự chu toàn mọi giới răn. Đây chính là tình thương của Thiên
Chúa, và niềm vui của Ngài: đó là sự tha thứ.
Nếu chúng ta sống theo luật “mắt đền mắt, răng đền
răng”, thì chúng ta không ra khỏi cái vòng sự ác. Ma quỷ là kẻ tinh ranh, hắn
đánh lừa làm cho chúng ta tưởng rằng sự công chính phàm nhân của chúng ta có
thể cứu thoát chúng ta và thế giới. Trong thực tế, chỉ có sự công chính của
Thiên Chúa mới có thể cứu thoát chúng ta! Và sự công chính của Thiên Chúa được
biểu lộ trong Thập Giá: Thập Giá là sự phán xét của Thiên Chúa trên tất cả
chúng ta và trên thế giới này. Nhưng Thiên Chúa phán xét chúng ta như thế nào?
Thưa bằng cách ban sự sống cho chúng ta! Đó là hành vi công chính tột đỉnh đã
đánh bại quỷ vương của thế gian này một lần cho tất cả; và hành vi công chính
tột đỉnh ấy cũng chính là lòng từ bi. Chúa Giêsu kêu gọi tất cả chúng ta hãy
theo con đường ấy: “Các con hãy có lòng từ bi như Cha các con trên trời là Đấng
từ bi” (Lc 6,36).
Đến đây, ĐTC mời gọi tất cả mọi người, trong thinh
lặng, hãy nghĩ đến người mà mình không có quan hệ tốt, những người mà chúng ta
giận dữ họ, chúng ta không yêu thương họ. Chúng ta hãy nghĩ đến người ấy và
trong thinh lặng, trong lúc này đây, cầu nguyện cho họ, và chúng ta trở nên từ
bi đối với họ. Rồi ngài mời gọi mọi người: Giờ đâu chúng ta hãy cầu xin sự
chuyển cầu của Mẹ Maria là Mẹ Từ Bi.
Lễ phong
chân phước Brochero
Sau phép lành, ĐTC đã nhắc đến lễ phong chân phước
hôm thứ bẩy 14-9 vừa qua và nói rằng:
“Anh chị em thân mến, hôm qua, tại Argentina, đã
có lễ phong chân phước cho cha José Gabriel Brochero, linh mục thuộc giáo phận
Córdoba, sinh năm 1840 và qua đời năm 1914. Được tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy,
cha đã hoàn toàn hiến thân cho đoàn chiên, để mang mọi người vào Nước Thiên
Chúa, với lòng từ bi vô biên và lòng nhiệt thành đối với các linh hồn. Cha ở
với dân, tìm cách mang bao nhiêu người đi tham dự các cuộc linh thao. Sau cùng
cha bị mù và phong cùi, nhưng đầy an vui, niềm vui của một mục tử tốt lành.
Bằng tiếng Tây Ban Nha, ĐTC nói thêm rằng: “Tôi
muốn chia sẻ niềm vui của Giáo hội tại Argentina vì lễ phong chân phước cho vị
mục tử gương mẫu này, Cha cưỡi lừa dong ruỗi không biết mệt mỏi trên những con
đường khô cằn trong xứ đạo của cha, đi từng nhà tìm kiếm những người được ủy
thác cho cha, để mang họ về với Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Kitô, nhờ
lời chuyển cầu của vị tân Chân phước, gia tăng con số các linh mục, biết theo
gương cha Brochero, hiến thân phục vụ công cuộc rao giảng Tin Mừng, quì gối
trước Đấng chịu đóng đanh, để làm chứng cho các nơi về lòng yêu thương và từ bi
của Thiên Chúa.
ĐTC cũng nhắc đến Tuần Lễ xã hội của các tín hữu
Công Giáo Italia kết thúc hôm qua (15-9) tại thành Torino về chủ đề “Gia đình,
hy vọng và tương lai của xã hội Italia”. Tham dự Tuần lễ này có 1.300 đại biểu
đến từ các nơi ở Italia. Ngài nói:
“Tôi chào thăm tất cả các tham dự viên và vui mừng
vì sự dấn thân rất lớn trong Giáo Hội tại Italia cùng với các gia đình và cho
các gia đình, và là một khích lệ lớn cho cả các tổc hức và toàn nước nửa. Hãy
can đảm lên, hãy tiến bước trên con đường này.
Sau cùng ĐTC đã chào thăm tất cả các tín hữu hành
hương hiện diện: các gia đình, các nhóm thuộc các xứ đạo, các bạn trẻ.
G. Trần Đức Anh OP