Đức Biển Đức 16 trả lời một nhà toán học vô thần

radiovaticana.va2013-09-24 16:01:27VATICAN. Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã trả lời cho những tấn công của một nhà toán học vô thần người Italia, ông Piergiorgio Odifreddi.

Ông thường xuất hiện trên truyền hình ở Italia và mạnh mẽ phê bình tôn giáo, đặc biệt là Công Giáo. Ông đã viết cuốn “Giáo Hoàng thân mến, tôi viết cho ngài” (Caro Papa ti scrivo), để trả lời cho cuốn “Dẫn vào Kitô giáo” (Introduzione al Cristianesimo) của ĐGH Ratzinger.

Lá thư dài 11 trang được Đức nguyên Giáo Hoàng viết trong tháng 8 gửi đến ông Odifreddi hồi đầu tháng 9-2013. Ông đã cho báo phe tả “Repubblica” (Cộng Hòa), đăng tải trong số ra ngày 24-9-2013.

Trong thư ĐGH Biển Đức cho biết đã đọc sách của ông Odifreddi và ngạc nhiên vì giọng văn gây hấn và sự nhẹ dạ của tác giả trong các biện luận. Ngài bác bỏ lập luận cho rằng thần học là một khoa học giả tưởng, đồng thời xác quyết ngài không bao giờ tìm cách che đậy những điều xấu trong Giáo Hội, những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục. Thư của Đức Biển Đức 16 có đoạn viết: “Tôi không bao giờ tìm cách che đậy những điều ấy. Sự kiện quyền lực sự ác thấu nhập đến mức độ đó vào trong lòng thế giới đức tin, đối với chúng tôi, đó thực là một điều đau khổ mà một đàng chúng tôi phải chấp nhận, và đàng khác chúng tôi phải làm tất cả những gì có thể để những vụ như thế không tái diễn. Cũng không phải là một điều an ủi khi biết rằng theo nghiên cứu của các nhà xã hội hoc, tỷ lệ các linh mục phạm những tội ác lạm dụng như thế không cao hơn tỷ lệ trong các giới chuyên nghiệp tương tự. Dầu sao đi nữa, không được ngoan cố trình bày sự lệch lạc ấy như thế đó là một sự nhơ bẩn riêng của Công Giáo mà thôi. Và cũng không được im lặng trước vết tích lớn lao về thiện hảo sáng ngời và tinh tuyền mà đức tin Kitô đã vạch ra qua dòng lịch sử. Và một điều thực sự là ngày nay đức tin đang thúc đẩy nhiều người yêu thương vô vị lợi, phục vụ tha nhân, sống chân thành và công chính”.

Sự trách cứ nghiêm khắc nhất Đức nguyên Giáo Hoàng dành cho ông Odifreddi là về đề tài lịch sử. Ngài viết: “Điều mà ông nói về Đức Giêsu không đáng với trình độ khoa học của ông. Nếu Ông đặt vấn đề như thế, xét cho cùng, người ta không biết gì về Đức Giêsu, và không gì có thể chấp nhận được chứng tỏ Ngài là một nhân vật lịch sử, như thế thì tôi chỉ có thể quyết liệt mời gọi ông hãy tỏ ra có thẩm quyền hơn một chút về phương diện sử học. Về vấn đề này, tôi đặc biệt khuyên ông đọc 4 cuốn mà Martin Hengel, một nhà chú giải Kinh Thánh thuộc phân khoa thần học tin lành ở Tuebingen, đã xuất bản cùng với Maria Schwmer: đây là một thí dụ tuyệt hảo về sự chính xác lịch sử và cung cấp rất nhiều thông tin lịch sự. Đứng trước sự kiện ấy, điều mà ông nói về Đức Giêsu thực là một kiểu nói nhẹ dạ không nên lập lại”.

ĐGH Biển Đức 16 cũng đặt câu hỏi với ông Odifreddi: “Nếu ông muốn thay thế Thiên Chúa bằng “Thiên Nhiên”, thì vẫn còn có câu hỏi: thiên nhiên này là ai hoặc là gì. Không có chỗ nào trong sách ông định nghĩa thiên nhiên và vì thế nó thiên nhiên xuất hiện như thần minh vô lý, chẳng giải thích gì cả… Nhưng nhất là tôi muốn nhận xét rằng trong Tôn giáo của ông về toán học, có 3 đề tài cơ bản của cuọc sống con người không được xét tới: tự do, tình yêu và sự ác. Tôi ngạc nhiên vì ông chỉ nhắc lướt qua tới tự do, mặc dù đây đã và đang còn là giá trị chủ yếu của thời đại ngày nay”. Tình yêu cũng không được nói đến trong sách của Odifreddi và cả sự ác cũng chẳng được đề cập đến..Tôn giáo toán học của ông không biết thông tin nào về sự ác. Một tôn giáo bỏ qua những câu hỏi cơ bản như thế thì là một tôn giáo trống rỗng”.

Từ khi từ nhiệm và sống ẩn dật tại Vatican, đây là lần thứ hai ĐGH Biển Đức 16 “xuất hiện” công khai, nhưng ngài vẫn giữ nguyên lời hứa ẩn mình đối với thế giới (Vat. Ins. 24-9-2013)

G. Trần Đức Anh OP

 


Về Trang Mục Lục