9/26/2013
THƯ GỬI “MỘT NGƯỜI
KHÔNG PHẢI KITÔ-HỮU, NHƯNG BỊ ĐỨC GIÊSU QUÊ LÀNG NADARET LÀM CHO MÊ HOẶC “
Đức Giáo Hoàng PHANXICÔ
làm chứng về đức tin của mình trong Nhật báo “LA REPUBLICA”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô
trả lời cho “một người không phải là kitô-hữu, nhưng từ lâu vẫn bị quấy rầy và
làm cho mê hoặc bởi lời rao giảng của Đức Giêsu quê làng Nadaret” khi làm
chứng, ở ngôi thứ nhất, về điều mà ngài đang sống : “Đức tin, đối với tôi, nẫy
sinh do việc gặp gỡ với Đức Giêsu. Đó là một gặp gỡ mang tính ngã vị giữa hai
đối tác, mà vốn đã động chạm đến trái tim tôi và đã trao ban cho hiện sinh của
tôi một định hướng và một ý nghĩa mới.”
Trong một bức thư gửi
cho phóng viên nhật báo Ý là ông Eugenio Scalfari, sáng lập viên và là cựu giám
đốc nhật báo La Republica, tờ báo đã phổ biến bản văn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô
trả lời cho những câu hỏi mà nhà báo nầy đã đặt ra cho ngài về đức tin và về
thể chế thế quyền biệt lập (laїcité) trong hai bài xã luận vào ngày 7 tháng 7
và ngày 7 tháng 8.
Chúng tôi đã cho công
bố loạt bài phân tích bản văn (được thực hiện bởi Antonio Gaspari, ngày 12
tháng 9, và một bài bình luận của Đức Cha Forte, ngày 13 tháng 9 nầy). Và đây
là toàn văn bức thư của Đức Giáo Hoàng : các phụ đề là của chúng tôi.
THƯ GỬI ÔNG EUGENIO
SCALFARI
Tiến sĩ Scalfari thân
mến,
Quả thực, phải nói rằng
tôi rất muốn, dù chỉ là với những nét khái quát, thử trả lời cho bức thư kèm
theo cả một chuỗi những suy tư cá nhân mà ông đã muốn tỏ bày với tôi trong
những trang báo “La Republica”, ngày 7 tháng 7, và rồi sau đó ông còn làm cho
phong phú thêm nữa trong cũng một tờ nhật báo đó, ngày 7 tháng 8.
Tôi cám ơn ông, trước
hết, vì sự quan tâm mà ông đã dành cho thông điệp “Lumen fidei”, qua viêc đã
đọc kỹ thông điệp đó. Thực ra, trong thâm tâm của vị tiền nhiệm đáng kính của
tôi là Đức Bênêđictô XVI, người vốn đã cưu mang và đã biên soạn phần lớn, mà
tôi chỉ là kẻ kế thừa công việc của ngài, mục đích của thông điệp nầy không chỉ
nhằm để kiên tín thêm những ai đã có đức tin vào Đức Giêsu, mà còn là để tạo ra
một bầu khí đối thoại chân thành và nghiêm túc với tất cả những ai, như ông
chẳng hạn, vốn tự coi mình như là “một người không phải là kitô-hữu nhưng từ
lâu vẫn hằng được gây hứng thú và bị làm cho mê hoặc bởi lời rao giảng của Đức
Giêsu quê làng Nadaret”. Vì thế, xem ra hoàn toàn có ích, không chỉ cho riêng
chúng ta, mà còn cho cả toàn xã hội mà chúng ta đang sống, khi chúng ta dừng
lại để đối thoại với nhau về một thực tại quan trọng biết bao là đức tin, vốn
qui chiếu về lời rao giảng và dung mạo của Đức Giêsu. Tôi nghĩ rằng có hai bối
cảnh đặc biệt khiến cho công cuộc đối thoại nầy, ngày nay, trở thành đúng đắn
và quí báu.
Công cuộc đối thoại
nầy, vả lại, như người ta biết đấy, tạo nên một trong những tầm nhắm chính yếu
của công đồng Vaticăng II như Đức Gioan XXIII mong muốn, và của tác vụ của các
giáo hoàng, là những đấng mà mỗi người với sự nhạy bén và tầm ảnh hưởng của
riêng mình, từ đó, vẫn tiếp tục đi trên con đường mà Công đồng nầy đã vạch ra.
Một thứ diễn ngữ có
liên quan mật thiết và không thể thiếu
Bối cảnh thứ nhất, như
đã được nhắc lại trong những trang đầu của thông điệp, đến từ sự kiện trong
suốt những thế kỷ mà khuynh hướng tân thời ngự trị, chúng ta đã chứng kiến một
nghịch lý : đó là niềm tin kitô mà tính mới mẻ và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của nó
trên đời sống của con người, ngay từ đầu, đã được diễn tả qua biểu tượng ánh
sáng, thế mà, lúc bấy giờ, lại thường bị trình bày như là bóng tối mê tín dị
đoan, đối nghịch với ánh sáng của lý trí. Chính vì thế mà, một đàng, giữa Giáo Hội
và nền văn hóa được khơi nguồn từ kitô-giáo và, đàng khác, nền văn hóa tân thời
thấm nhuần tinh thần khai sáng, một sự trao đổi trở thành không thể nào có
được. Thời cơ, kể từ nay, đã đến, và công đồng Vaticăng II đã khai trương mùa
lễ hội nầy, khai mào một nỗ lực đối thoại cởi mở và không thành kiến, mà vốn,
một lần nữa, mở ra cánh cửa cho một cuộc gặp gỡ nghiêm túc và sâu sắc.
Bối cảnh thứ hai, liên
quan đến người vẫn tìm kiếm cách thế trung thành với ân huệ được đi theo Đức
Giêsu trong ánh sáng đức tin, nẫy sinh từ sự kiện công cuộc đối thoại nầy không
phải là một thứ phụ tùng thứ yếu trong hiện sinh của người tín hữu : trái lại,
đó là một thứ diễn ngữ liên quan mật thiết với mình và không thể thiếu. Về chủ
đề nầy, xin mạn phép được trích dẫn lại, để ông hay, một khẳng định của thông
điệp mà theo tôi vốn rất quan trọng : bởi vì sự thật mà đức tin làm chứng đó là
sự thật tình yêu, “từ đó cho thấy rõ ràng là đức tin không phải là một thứ gì
đó cứng ngắc không thay đổi được, nhưng là một thực thể được lớn dần lên khi
người ta cùng chung sống và tôn trọng nhau. Người tín hữu không phải là kẻ cố
chấp : trái lại, sự thật khiến người tín hữu khiêm tốn, vì biết rằng không phải
mình sở đắc sự thật mà chính sự thật mới ôm trọn và sở đắc mình. Hoàn toàn
không làm cho anh ta ra chai cứng, tình trạng an toàn của đức tin tuy vậy đặt
người tín hữu luôn trong tư thế phải lên đường, và khiến cho việc làm chứng và
đối thoại với tất cả mọi người trở nên khả dĩ” (số 34). Đó chính là tinh thần
khiến tôi viết cho ông những lời nầy.
Một ý nghĩa mới
Đối với tôi, đức tin
nẫy sinh từ việc gặp gỡ với Đức Giêsu. Một sự gặp gỡ có tính liên vị, đụng chạm
tới trái tim tôi và ban cho hiện sinh của tôi một định hướng và một ý nghĩa
mới. Nhưng đồng thời, đó cũng còn là một gặp gỡ mà sở dĩ có được là nhờ cộng
đoàn có cùng chung niềm tin, mà trong đó tôi đã sống, và nhờ đó mà tôi đã hiểu
được Kinh Thánh, đã có được sự sống mới, vốn như giòng nước tràn tuôn đến từ
Đức Giêsu qua các bí tích, đã có được tương quan huynh đệ với tất cả mọi người,
và đã có thể phục vụ những người nghèo khổ, vốn là hình ảnh đích thực của Chúa.
Không có Giáo Hội, ông hãy tin tôi, tôi đã chẳng thể nào gặp gỡ được Đức Giêsu,
dù vẫn hoàn toàn ý thức rằng ân huệ to lớn là đức tin nầy vốn được cất giữ
trong những bình sành dễ vỡ là thân phận loài người của chúng ta. Bây giờ đây,
đúng là từ khởi điểm đó, từ kinh nghiệm đức tin cá nhân mà tôi đã sống trong
Giáo Hội, mà tôi cảm thấy thoải mái để lắng nghe những vấn nạn của ông, và để
cùng với ông tìm ra những con đường khả dĩ giúp chúng ta cùng với nhau bắt đầu
cuộc hành trình nầy.
Mong ông thứ lỗi cho
tôi, nếu tôi đã không từng bước từng bước đi theo lộ trình những luận cứ mà ông
đã đề ra trong bài xã luận ngày 7 tháng 7. Theo thiển ý, xem ra sẽ có hiệu quả
hơn – hay chí ít là tôi sẽ cảm thấy được tự nhiên hơn – khi cách nào đó đi ngay
vào trung tâm các vấn đề mà ông quan tâm. Tôi cũng không đi sâu vào cách thức
mà thông điệp nầy đã dùng để trình bày vấn đề của mình, và ở đấy ông đã lưu ý
về việc tại sao không có một chương hồi nào đó cách đặc biệt đề cập đến kinh
nghiệm lịch sử mà người ta có được về Đức Giêsu quê làng Nadaret.
Để bắt đầu, tôi chỉ lưu
ý rằng một nỗ lực phân tích những vấn đề như vậy không phải là thứ yếu. Thực
ra, nếu như người ta để ý kỹ cái logic vốn chi phối cách sắp xếp các chương hồi
của thông điệp, người ta sẽ thấy điều được quan tâm ở đây, đó là nội hàm ý
nghĩa của điều mà Đức Giêsu đã nói và đã làm, và như vậy, nói cho cùng, là về
điều mà Đức Giêsu đã là và đang là đối với chúng ta. Thật vậy, các Thư của
Phaolô và Tin Mừng của Gioan, vốn cách đặc biệt được trích dẫn nhiều trong
thông điệp, được xây dựng dựa trên nền tảng vững chắc là tác vụ thiên sai của
Đức Giêsu quê làng Nadaret, mà đỉnh điểm là biến cố Ngài vượt qua sự chết và sự
Phục sinh của Ngài.
Lịch sử của Đức Giêsu
Vì thế, tôi cho rằng
cần phải chạm trán với Đức Giêsu trong cái cụ thể và trong cái gồ ghề thô ráp
của lịch sử của Ngài, như đã được tường thuật lại cho chúng ta, nhất là trong
bản văn cổ nhất của các sách Tin Mừng, đó là sách tin mừng của Maccô. Lúc bấy
giờ, người ta sẽ nhận ra rằng “cái gai chướng” (scandale) do lời nói và thực
hành của Đức Giêsu gây ra xung quanh mình vốn xuất phát từ “thẩm quyền”
(autorité) ngoại thường của Ngài, hạn từ “thẩm quyền” nầy vốn đã được chứng
thực là đã được sử dụng trong sách tin mừng của Maccô, và không dễ gì tìm ra
được một từ tương ứng trong Ý ngữ. “Exousia”, một từ Hy ngữ, vốn có nghĩa là
cái gì đó “phát xuất từ hữu thể” mà người ta là. Vì thế, ở đây, không liên quan
gì tới cái gì đó ở bên ngoài hay được áp đặt vào, mà là một cái gì đó lan tỏa
ra từ bên trong và tự thân nó đòi hỏi phải như thế. Thật vậy, Đức Giêsu sờ đến,
gây sững sờ, canh tân, khởi đi – chính Ngài đã nói vậy – từ tương quan của Ngài
có với Chúa Cha, Đấng mà cách thân mật Ngài gọi là “Bố ơi !” (Abba !), và là
Đấng đã cho Ngài “thẩm quyền” đó để Ngài phục vụ mang lại lợi ích cho loài
người. Như vậy, Đức Giêsu giảng dạy “như ai đó có quyền thực sự”, Ngài kêu gọi
các môn đệ đi theo Ngài, Ngài tha thứ… tất cả những hành vi đó, trong Cựu Ước,
là của Thiên Chúa và của chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi.
Câu hỏi mà vẫn trở đi
trở lại nhiều lần trong Tin Mừng của Maccô : “Vậy, người đó là ai ?” và vốn
liên can đến căn tính của Đức Giêsu, nẫy sinh từ việc người ta nhận thấy có một
thứ thẩm quyền khác hẳn với thẩm quyền của thế gian, một thẩm quyền không tìm
cách để hành quyền trên kẻ khác, mà là để phục vụ tha nhân, để cho họ được tự
do và có được một sự sống dồi dào. Và điều đó sâu xa đến nỗi xô đẩy toàn bộ đời
sống riêng tư của Ngài vào cuộc, đẩy Ngài đến độ phải kinh qua chén đắng bị
hiểu lầm ngộ nhận, bị phản bội, bị từ khước, bị lên án chết, bị dìm vào bóng
tối bị bỏ rơi trên thập giá. Thế nhưng, trước sau như một, Đức Giêsu vẫn một
mực trung thành với Thiên Chúa. Và, như viên đại đội trưởng người Roma dưới
chân thập giá đã làm chứng, trong tin mừng của Maccô, chính trong khoảnh khắc
đó mà cách nghịch thường Đức Giêsu tỏ mình ra như là Con Thiên Chúa ! Con của
một Vị Thiên Chúa vốn là tình yêu và tự đáy lòng vốn vẫn hằng mong muốn con
người, mọi người, khám phá ra rằng cả họ nữa cũng đích thực là con của Ngài và
rằng họ đang sống Ngài. Đối với niềm tin kitô, điều đó được xác minh bởi sự
kiện Đức Giêsu đã được phục sinh : không phải để tỏ ra mình đã thắng những kẻ
đã từ chối mình, mà là để chứng thực rằng tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn sự
chết, rằng sự tha thứ của Thiên Chúa mạnh hơn mọi tội lỗi, và rằng cũng đáng để
đánh đổi cả cuộc đời mình, cho đến tận cùng, để làm chứng cho ân huệ bao la
nầy.
Mở ra con đường tình
yêu cho tất cả mọi người
Niềm tin kitô tin điều
đó : niềm tin nầy tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đến trao ban mạng sống
mình để mở ra cho tất cả mọi người con đường tình yêu. Tiến sĩ Scalfari thân
mến, ông có lý khi cho rằng mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa là bản lề của
niềm tin kitô. Thưở xưa, Tertullien cũng đã viết “caro cardo salutis”, xác thể
(của Đức Kitô) là bản lề của sự siêu độ. Bởi vì mầu nhiệm Nhập Thể, - tức là sự
kiện Con Thiên Chúa đến trong thân phận xác phàm chúng ta và việc Ngài đã chia
sẻ những niềm vui và những đau buồn, những chiến thắng và những thất bại của
kiếp người chúng ta, đến tận tiếng kêu thét đớn đau trên thập giá, khi sống tất
cả điều đó trong tình yêu và trong niềm trung tín với “Bố” (Abba), - chứng thực
cho thấy tình yêu không thể nào tin được mà Thiên Chúa có đối với mỗi người, và
phẩm giá vô cùng cao quí mà Thiên Chúa đã phú ban cho con người. Chính vì thế
mà mỗi người trong chúng ta đều được mời gọi để làm cho cái nhìn và lựa chọn
tình yêu đó của Đức Giêsu trở nên là của mình, được mời gọi để đi vào trong
cung cách hiện hữu, suy nghĩ và hành động của Ngài. Và đó chính là đức tin,
cùng với toàn bộ những diễn ngữ đã được miêu tả cách chính xác trong thông
điệp.
Còn nữa, trong bài xã
luận ngày 7 tháng 7, ông cũng có hỏi tôi phải hiểu thế nào tính độc đáo của
niềm tin kitô vốn được tập trung trên mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa,
khi so sánh với những niềm tin khác vốn xoay quanh tính siêu việt tuyệt đối của
Thiên Chúa. Tôi sẽ nói rằng tính độc đáo của niềm tin kitô chính xác hệ tại sự
kiện niềm tin đó khiến, trong Đức Giêsu, chúng tôi được tham dự vào tương quan
mà Ngài có với Thiên Chúa, vốn là “Bố” (Abba) của Ngài, và trong ánh sáng nầy,
chúng tôi còn được tham dự vào tương quan mà Ngài có với tất cả mọi người khác,
ở đây phải hiểu là kể cả các kẻ thù của Ngài, trong khung cảnh tình yêu. Nói
cách khác, tư cách là Con của Đức Giêsu, như niềm tin kitô trình bày cho chúng
tôi, không được mặc khải ra để nhằm lưu ý có một sự cách biệt không thể nào
vượt qua giữa Đức Giêsu và tất cả những người khác, mà là để nói với chúng tôi
rằng trong Ngài tất cả chúng tôi đều được mời gọi để là những con cái của Cha
duy nhất và giữa chúng ta với nhau là anh em.
Để thông giao chứ không
phải để loại trừ
Nét độc đáo nơi Đức
Giêsu đó là hằng muốn thông giao chứ không muốn loại trừ. Đã hẳn, do vậy mới có
sự phân biệt nầy – và điều nầy không phải là không quan trọng – sự phân biệt
giữa hai lãnh vực tôn giáo và chính trị vốn được xác nhận qua sự kiện “hãy trả
cho Thiên Chúa cái thuộc về Thiên Chúa và trả cho Xêda cái thuộc về Xêda”, và
đã được Đức Giêsu khẳng định cách rõ ràng, châm ngôn mà đã khiến cho công cuộc
xây dựng lịch sử Tây phương đã lao đao lận đận vì nó. Thật vậy, Giáo Hội được
mời gọi để gieo vãi men và muối, tức là tình thương và lòng thương xót của Thiên
Chúa, những điều vốn nối kết tất cả mọi người lại với nhau, và điều đó chứng tỏ
cho thấy mục đích tối hậu của chúng tôi là cái bên kia, trong khi vai trò gay
go của xã hội dân sự và chính trị là làm sao cho cuộc sống của dân chúng ngày
càng mang bộ mặt người hơn, bằng cách làm cho cuộc sống đó cách hài hòa mang
trong mình vừa sự công bằng vừa tình liên đới, vừa có quyền lợi vừa hòa bình.
Đối với người sống niềm tin kitô, điều đó không có nghĩa một sự trốn chạy trần
gian hay cung cách tìm kiếm một thứ quyền bá chủ nào đó, mà là sự phục vụ con
người, con người toàn diện và tất cả mọi người, khởi đi từ những ngoại vi của
lịch sử, trong cùng lúc luôn cảnh giác để đừng đánh mất đi cảm thức về niềm hy
vọng vốn thúc đẩy người ta làm điều thiện trong bất cứ hoàn cảnh nào, và luôn
luôn hướng nhìn về cõi bên kia.
Dân tộc Do Thái
Trong phần kết luận bài
viết thứ nhất của ông, ông cũng có hỏi tôi phải nói gì về những người anh em Do
Thái của chúng tôi liên quan chủ đề lời hứa mà Thiên Chúa đã có với họ : Phải
chăng lời hứa đó đã hoàn toàn thất bại ? Vấn nạn nầy, ông hãy tin tôi, vẫn hằng
hạch hỏi chúng tôi cách triệt để trong tư cách là những kitô-hữu, bởi vì, với
sự trợ giúp của Thiên Chúa, nhất là khởi từ Công đồng Vaticăng II, chúng tôi đã
khám phá ra rằng dân tộc Do Thái đối với chúng tôi luôn luôn vẫn là gốc rễ
thánh từ đó Đức Giêsu đã nẫy sinh. Bản thân tôi cũng vậy, khi còn ở Achentina,
trong thâm tình mà tôi đã vun tưới được trong quan hệ với các anh em Do Thái
của mình, suốt trong những năm tháng ấy, tôi vẫn thường cật vấn Thiên Chúa
trong kinh nguyện của mình, đặc biệt khi mà tâm hồn tôi khiến tôi nhớ lại kinh
nghiệm kinh khủng liên quan kế hoạch Shoah (kế hoạch diệt chủng mà phát xít Đức
có đối với những người Do Thái trong Thế chiến II = chú thích của người dịch).
Điều mà tôi có thể nói, cùng với Phaolô, đó là không bao giờ có chuyện lòng
trung thành của Thiên Chúa đối với giao ước mà Ngài đã ký kết với dân Itraen
tàn phai, và đó là dù trãi qua bao nhiêu thử thách kinh khủng trong những thế
kỷ vừa qua, những người Do Thái vẫn giữ vững được niềm tin của họ nơi Thiên
Chúa. Và chúng tôi, Giáo Hội, và còn cả loài người nữa, chúng ta sẽ không bao
giờ bày tỏ đủ lòng biết ơn đối với họ. Hơn nữa, chính trong khi kiên vững trong
niềm tin của mình nơi Thiên Chúa giao ước, những người Do Thái nhắc nhở tất cả
chúng ta, ở đây kể cả chúng tôi những kitô-hữu, rằng như những khách lữ hành,
chúng ta hãy luôn ở trong tư thế đợi chờ Đức Chúa quay trở lại và rằng tất cả
chúng ta đều phải mở lòng ra với Ngài và đừng bao giờ co rúm mình lại ẩn núp
sau cái mà chúng ta đã đạt được.
Nghe theo lương tâm của
mình
Bây giờ tôi nói đến ba
câu hỏi mà ông đặt ra cho tôi trong bài báo ngày 7 tháng 8. Theo tôi, có vẻ như
trong hai câu hỏi đầu tiên, điều ông canh cánh trong lòng đó là muốn biết Giáo
Hội có thái độ nào đối với những người không cùng chỉa sẻ niềm tin nơi Đức
Giêsu. Trước tiên, ông hỏi tôi liệu Thiên Chúa của các kitô-hữu có tha thứ cho
những người không tin và những người không tìm kiếm niềm tin chăng. Vì rằng –
và đây là điểm nền tảng – lòng thương xót của Thiên Chúa vốn không có giới hạn,
nếu người ta tìm Ngài với tấm lòng chân thành và thống hối, thế nên, đối với kẻ
không tin nơi Thiên Chúa, vấn đề nằm ở chỗ người ta có tuân theo lương tâm của
mình hay không. Tội lỗi, ngay cả đối với kẻ không có đức tin, hệ tại việc người
ta đi ngược lại với lương tâm của mình. Thật vậy, nghe được lương tâm của mình
và tuân theo nó có nghĩa người ta đã đưa ra quyết định của mình đối với điều mà
người ta nhận ra là điều thiện hay điều ác. Và chính trên cơ sở của quyết định
đó mà những hành vi của chúng ta được coi như có bản chất tốt hay bản chất xấu.
Sự thật, chẳng thay đổi
cũng chẳng mang tính chủ quan
Sau đó, ông hỏi tôi
liệu đó là một sự sai lầm hay là một tội lỗi khi nghĩ rằng chẳng có một tuyệt
đối nào cả, và vì thế, cũng chẳng có một thứ chân lý (= sự thật) nào là tuyệt
đối cả, mà chỉ có một chuỗi những chân lý tương đối và chủ quan mà thôi. Để bắt
đầu, tôi sẽ không nói về chân lý “tuyệt đối”, ngay cả đối với người tín hữu
cũng vậy, theo nghĩa tuyệt đối là cái gì đó chẳng ăn nhập vào đâu, chẳng liên
quan gì tới ai cả. Tuy nhiên, chân lý, theo niềm tin kitô, là tình yêu của
Thiên Chúa đối với chúng ta trong Đức Giêsu-Kitô. Chân lý như vậy là một tương
quan ! Đúng vậy, vì thế, mỗi người trong chúng ta nắm bắt sự thật và diễn tả sự
thật khởi đi từ chính bản thân mình : từ lịch sử và từ nền văn hóa của mình, từ
hoàn cảnh mà người ta đang sống, v.v…Điều đó không có nghĩa sự thật là điều gì
đó có thể biến đổi và mang tính chủ quan, trái lại là đàng khác. Nhưng điều đó
có nghĩa chân lý luôn được ban cho chúng ta, và theo một cách duy nhất, như là
một con đường và như là một sự sống. Chính Đức Giêsu đã chẳng nói : “Thầy là
đường, là sự thật và là sự sống” ? Nói cách khác, bởi vì chân lý là một với tình
yêu, vì thế, chân lý đòi phải khiêm tốn và cởi mở lòng ra để được tìm kiếm, để
được đón nhận và để được phô bày. Vì thế, để bắt đầu, người ta cần phải có một
sự thống nhất về mặt từ ngữ và có lẽ là để đi ra khỏi tình trạng đối đầu…tuyệt
đối, từ đó may ra mới có thể đưa dẫn vấn đề đến được chiều kích sâu thẳm của
nó. Tôi nghĩ rằng ngày nay đó là điều vô cùng cần thiết hầu có thể tạo ra được
một sự đối thoại lành mạnh và có tính xây dựng, điều mà ngay từ đầu bức thư nầy
tôi vẫn hằng mong mỏi.
Thiên Chúa không phải
là một “ý tưởng”
Sau cùng, ông hỏi tôi
liệu có phải khi con người biến mất khỏi trái đất nầy, cũng biến mất luôn tư
duy có khả năng tư duy Thiên Chúa hay không ! Đã hẳn, điều khiến con người trở
nên vĩ đại đó là khả năng tư duy Thiên Chúa của nó. Và vì thế, trong cả việc
con người có khả năng sống với Ngài tương quan có ý thức và có trách nhiệm nữa.
Nhưng tương quan nầy là giữa hai thực tại. Thiên Chúa không phải là một ý
tưởng, cho dẫu ý tưởng đó có được nâng lên rất cao bao nhiêu đi nữa, vẫn là kết
quả tư duy của con người : đó là điều tôi vẫn tư duy và đó cũng là kinh nghiệm
của bản thân tôi, thế nhưng, cả hôm qua cũng như hôm nay liệu có được mấy người
chia sẻ với quan điểm nầy ! Thiên Chúa là một Hiện Thực với chữ “H” viết hoa.
Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta Thiên Chúa như một vị Cha mà lòng tốt và lòng
thương xót của Ngài là vô cùng vô tận, và chính tương quan phụ tử đó là điều mà
Đức Giêsu vẫn hằng sống với Cha Ngài. Thiên Chúa, vì thế, không tùy thuộc tư
duy của chúng ta. Vả lại, ngay cả như nếu sự sống của con người trên trái đất
nầy chấm dứt – dẫu sao đối với niềm tin kitô thì thế giới như chúng ta vốn đang
biết đây mang trong mình thân phận là sẽ phải biến đi – thì con người vẫn không
thôi hiện hữu, kể cả vũ trụ vốn được tạo dựng nên cùng với con người cũng không
thôi hiện hữu, cho dù theo cách nào đó cho đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa biết
được. Kinh Thánh vẫn nói về “trời mới và đất mới” và vẫn khẳng định rằng cuối
cùng, - ở một “nơi nào đó” và một “khi nào đó” bên kia chúng ta, nhưng trong
đức tin chúng ta vẫn hằng hướng về đó trong niềm khát vọng và trong nỗi đợi chờ
- Thiên Chúa sẽ là “tất cả trong tất cả mọi người và mọi sự”.
Một nỗ lực cố gắng trả
lời chân thành và tin cậy
Tiến sĩ Scalfari thân
mến, ở đây, tôi xin mạn phép được kết thúc những suy tư của mình, vốn được gợi
lên từ điều mà ông đã muốn trao đổi và hỏi tôi. Kính mong ông hãy đón nhận
chúng như là một nỗ lực nhằm đưa ra một câu trả lời dù mang tính tạm thời,
nhưng chân thành và tin cậy cho đề nghị mà tôi đã đề xuất với ông như một khởi
đầu cho hành trình chung của chúng ta. Ông hãy tin tôi, dù nặng nề đến mấy, dù
bất trung đến mấy, dù lầm lẫn đến mấy và dù tội lỗi đến mấy trong quá khứ,
trong hiện tại và cả trong tương lai do con cái của mình gây ra, nhưng Giáo Hội
không mang một ý nghĩa, một mục đích nào khác hơn đó là sống bằng Đức Giêsu và
làm chứng về Ngài, Đấng mà đã được “Bố” (Abba) sai tới “để mang tin mừng cho
những kẻ nghèo hèn, loan báo cho những kẻ bị giam cầm biết họ được tha và cho
những người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho những người bị áp bức,
công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4, 18-19).
Thân ái trong tình
huynh đệ.
PHANXICÔ.
Linh mục Phêrô NGUYỄN
THIÊN CUNG chuyển ngữ.
(Nguồn : Zenit, từ bản
Pháp ngữ của Hélène GINABAT).