Nguyên văn cuộc đối thoại giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và các Linh Mục tại Caserta

Vào chiều thứ Bảy vừa qua, trước khi cử hành Thánh Lễ tại Caserta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các Linh Mục của Giáo phận nằm tại phía Nam nước Ý này. Đây là một cuộc đối thoại có cường độ tập trung sâu, trong một bầu khí rất thân mật và có tính gia đình. Cuộc gặp gỡ này diễn ra trong nguyện đường hoàng hậu thuộc khu hoàng gia Caserta. Sau đây là nguyên văn cuộc đối thoại giữa các Linh Mục và Đức Thánh Cha.

Đức Cha D´Alise, Giám mục của Giáo phận Caserta:

Thưa Đức Thánh Cha, con đã không hề viết sẵn ra giấy bất cứ một từ nào, vì con ý thức rằng, Đức Thánh Cha mong muốn thực hiện một cuộc đối thoại thân mật và có chiều sâu với các Linh Mục. Con chỉ xin nói với Đức Thánh Cha một cách mộc mạc thế này thôi: xin nhiệt liệt chào mừng Đức Thánh Cha! Đây là Giáo hội của chúng con với các Linh Mục của chúng con, và rồi chúng ta sẽ nhìn thấy những thành phần khác của Giáo hội cũng như sẽ cử hành Bí Tích Thánh Thể. Khoảnh khắc này rất quan trọng đối với con, thực ra con mới ở đây từ hai tháng nay, nhưng việc khởi đầu sứ vụ Giám Mục của con bằng chuyến viếng thăm và phúc lành của Đức Thánh Cha, quả là một điều tốt lành trong những điều tốt lành mà con đã được nhận. Giờ đây chúng con sẽ chăm chú lắng nghe những lời của Đức Thánh Cha, bởi chúng con biết rằng, Đức Thánh Cha mong muốn một cuộc đối thoại. Các Linh Mục của chúng con đã chuẩn bị sẵn những câu hỏi.

Đức Thánh Cha đáp:

„Cha đã chuẩn bị sẵn một bài diễn văn, nhưng Cha trao bản văn ấy cho Đức Giám Mục. Xin cám ơn về lòng hiếu khách. Cám ơn. Cha rất vui với việc hiện diện tại đây, và có một mặc cảm tội lỗi là, Cha đã làm cho anh em phải chi tiêu quá nhiều vào Đại Lễ mừng vị Thánh Bổn Mạng của anh em. Cha đã không biết điều đó. Khi Cha gọi điện tới Tòa Giám Mục để hỏi xem liệu Cha có nên thực hiện một chuyến viếng thăm cá nhân hay không để gặp gỡ mục sư Traettino, mà thực ra ông ta là người bạn của Cha, và người ta đã nói với Cha thế này: ´Ấy nhưng mà hôm đó là Lễ Bổn Mạng của thành phố`. Ngay lập tức Cha đã nghĩ tới việc báo chí sẽ giật một hàng tít lớn: Giáo Hoàng đến thăm người Thệ Phản vào ngày Lễ Bổn Mạng của người Công Giáo! Một tiêu đề rất hay đấy chứ, đúng không?

Và vì thế chúng tôi đã sắp xếp mọi chuyện cho đâu vào đấy, thực ra nó đã diễn ra hơi nhanh, nhưng Đức Giám mục của anh em đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều về điều đó, cũng như các nhân viên tại viện Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Khi Cha gọi điện cho vị đại diện, Cha đã nói với ông: ´Xin vui lòng lấy đi khỏi tôi cái thòng lọng treo ở cổ.` Và ông đã làm điều đó rất tốt.

Cha cám ơn anh em một lần nữa về những câu hỏi của anh em cũng như những lời đề nghị của anh em: chúng ta nên bắt đầu ngay. Nhưng mà thế này, chúng ta sẽ trả lời một lúc cho hai hoặc ba câu hỏi có được không, hay cứ sau mỗi một câu hỏi thì lại là một câu trả lời?“

Câu hỏi thứ nhất: Sự hiệp nhất giữa các Giám Mục

Kính thưa Đức Thánh Cha, con xin hết lòng cám ơn Đức Thánh Cha! Con là Linh Mục tổng đại diện của Giáo phận Caserta, và tên của con là Don Pasquariello. Câu hỏi của con là như sau: Điều tốt lành mà Đức Thánh Cha mang đến cho Giáo hội Công Giáo với những bài giảng vào mỗi buổi sáng của Đức Thánh Cha, những văn kiện chính thức – và con nghĩ một cách đặc biệt tới Thông Điệp Evangelli Gaudium – đó là những điều rất quan trọng đối với việc hoán cải tinh thần và cá nhân. Sự hoán cải này liên quan tới ý tưởng của con về những lãnh vực thuộc Thần Học, chú giải và triết học. Bên cạnh việc hoán cải cá nhân này – điều rất quan trong đối với ơn cứu độ của linh hồn – với tư cách cá nhân, con thấy rằng, sẽ là điều rất tốt nếu như Đức Thánh Cha đưa đến cho dân Chúa nhiều hơn nữa, vì kỳ thực họ là một dân. Con muốn nói một cách rõ ràng hơn rằng: Giáo phận của chúng con có những cách phân chia ranh giới rất phi lý từ 900 năm nay: một số cộng đồng dân sự bị chia ra cho hai hoặc ba Giáo phận. Khu vực chung quanh nhà ga xe lửa của Caserta thì thuộc về Giáo phận Capua, mặc dầu nhà xứ chỉ nằm cách đó có mấy thước. Vâng, Đức Thánh Cha đã viết ở trong Thông Điệp Evangelii Gaudium rằng, các Giám Mục có nhiều điều để nói, nhưng chúng con còn nên đợi chờ cho tới bao lâu nữa? Trước đây, một ai đó thuộc viện Quốc Vụ Khanh đã nói với chúng con rằng, nếu các Giám Mục của chúng con đồng thuận với nhau thì các Ngài đã ký tên vào việc tái phân chia Giáo phận tại Tòa Thánh rồi.

Đức Thánh Cha:

„Các nhà Giáo Sử học đã nói rằng, trong những Công Đồng đầu tiên, một số Giám Mục đã bị đánh trọng thương, thậm chí còn bị đánh bể đầu, nhưng khi kết thúc, các Ngài vẫn tìm được sự đồng tâm nhất trí. Chẳng đẹp đẽ gì khi một Giám Mục lại đi nói xấu về một Giám Mục khác, hay khi các Ngài vào phe vào cánh với nhau. Cha không có ý nói để suy tư về sự giống nhau, hay để có được một sự hiệp nhất như nhau về tinh thần, Cha nói về những phe phái trong ý nghĩa tiêu cực nhất của từ ngữ này. Thật chẳng đẹp đẽ gì vì họ đã hủy hoại sự hiệp nhất của Giáo hội. Điều đó chẳng có gì để làm với Thiên Chúa. Và trái lại, các Giám Mục chúng tôi phải trở nên một mẫu gương của sự hiệp nhất, như Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha ban điều ấy cho Giáo hội.

Người ta không thể nói xấu về người khác. Không! Hãy đi đến với cá nhân người ấy và nói thẳng thắn trước mặt họ. Các vị tiền bối của chúng ta đã bị đánh bể đầu tại các Công Đồng, và Cha thích rằng, thà người ta la mắng nhau và sau đó lại ôm ghì nhau vào lòng, và đừng nói xấu người khác sau lưng. Cha nhìn điều đó như là quy luật nền tảng: Điều quan trọng trong sự hiệp nhất của Giáo hội là thế này, có sự hiệp nhất giữa các Giám Mục. Các Ngài đã làm nổi bật nên con đường mà Chúa Giê-su đã sắp đặt cho Giáo hội. Và sự hiệp nhất giữa các Giám Mục cũng thúc đẩy việc kiếm tìm sự đồng tâm nhất trí.

Trong một đất nước – đất nước ấy bây giờ không phải là nước Ý – có một Giáo phận nhận được ranh giới mới, nhưng vì người ta không thể đồng thuận với nhau, trong khi đó, cứ sự thường thì có nhiều tài sản được cất giấu trong nhà thờ Chính Tòa của Giáo phận. Quá trình kiện tụng đã kéo dài tới hơn bốn chục năm. Xảy ra tất cả những điều đó chỉ vì tiền. Cha không hiểu điều đó! Nhưng ma quỷ thì ăn mừng! Hắn là kẻ chiến thắng trong những vụ như vậy.

Thật là tuyệt vời khi các sử gia nói rằng, các Giám Mục vẫn tìm thấy được sự đồng tâm nhất trí, nhưng các Ngài vẫn luôn phải biến điều đó thành sự hiệp nhất, chứ không phải là sự giống nhau. Bất cứ ai cũng đều có những đoàn sủng riêng, mỗi người đều nghĩ tới người khác và nhìn về những vấn đề của người khác. Những quan điểm khác biệt này cũng có thể dẫn đến những lầm lỗi, nhưng thường thì chúng là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần muốn rằng, trong Giáo hội có sự đa dạng này về các đoàn sủng. Chúa Thánh Thần tạo điều kiện cho sự khác biệt để chúng mang đến sự hiệp nhất; một sự hiệp nhất mà trong đó mỗi người đều có sự khác biệt, không  phải là việc người ta đánh mất đi cái ngôi vị riêng.

Cha hy vọng rằng, vấn đề sẽ không tiếp tục xảy ra như thế  nữa tại Giáo phận anh em, như cha Tổng Đại Diện đã mô tả. Nhưng tất cả chúng ta đều là những người tốt, vì chúng ta đã được lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, và chúng ta có Chúa Thánh Thần trong mình, Ngài sẽ giúp chúng ta tiến về phía trước.“

Câu hỏi thứ hai: Lòng đạo đức bình dân

Con là Linh mục Angelo Piscopo, là cha sở của Giáo xứ Thánh Phêrô Tông Đồ, và của Đại Thánh Đường Thánh Phêrô. Câu hỏi của con là thế này: Thưa Đức Thánh Cha, trong bức Thông Điệp Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người khuyến khích và tăng cường lòng đạo đức bình dân, đó là một kho tàng quan trọng của Giáo hội Công giáo. Nhưng đồng thời Đức Thánh Cha cũng đã chỉ cho thấy những mối nguy hiểm – mà tiếc rằng chúng đang có trong thực tế - và thực ra đó là sự phát tán một thứ Kitô giáo nhuốm màu chủ nghĩa cá nhân và ủy mị đa cảm, mà chúng chỉ chú ý tới những hình thức cổ truyền, nhưng không hề liên hệ đến những bình diện nền tảng của Đức Tin, và cũng tách rời khỏi cuộc sống xã hội. Đức Thánh Cha có thể cho chúng con lời chỉ dẫn nào liên quan tới việc này để chúng con khuyến khích một sự mục vụ mà nó không đi ngược lại với lòng đạo đức bình dân và đồng thời vẫn lưu tâm tới tính ưu việt của Tin Mừng? Con xin chân thành cám ơn Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha:

„Người ta nói rằng, chúng ta sống trong một thời đại mà trong đó sự mộ đạo trở thành điều không quan trọng, nhưng Cha không tin điều đó. Nhưng chắc hẳn là đang có những khuynh hướng này, đang có những cái có thể gọi là những trường phái đạo đức cá nhân, họ rất tôn sùng thuyết bất khả tri, và có một sự chăm sóc tinh thần, nó rất giống với những lời cầu nguyện tiền Kitô giáo, có nghĩa là nó giống như những lời cầu nguyện nằm ngoài Kinh Thánh, hay thuộc về phái bất khả tri. Chủ thuyết bất khả tri đã thâm nhập Giáo hội thông qua những nhóm ấy. Cha gọi khuynh hướng này là ´chủ nghĩa thân mật`. Khuynh hướng này không đưa tới điều tốt lành cho chúng ta. Ở đây người ta cảm thấy mình được hiệp thông với Thiên Chúa một cách bình an và thoải mái. Nó hơi giống với con đường của New Age, ngay cả khi nó là một cái gì đó khác đối với tôi.

Thực ra có sự sùng đạo, nhưng đó là một sự sùng đạo thuộc ngoại giáo hay thậm chí là lạc giáo, nếu Cha có thể nói như vậy. Chúng ta đừng sợ hãi trong việc nói về thuật ngữ đó, vì chủ nghĩa bất khả tri  giờ đây đã là một lạc giáo. Đó là lạc giáo đầu tiên trong lịch sử Giáo hội. Khi Cha nói về sự sùng đạo thì sau đó Cha nói về chính kho tàng của Lòng Thương Xót mà nó chứa đựng rất nhiều giá trị, và Đức Đại Giáo Hoàng Phao-lô VI đã mô tả về nó trong Thông Điệp Evangelii Nuntiandi. Hãy nghĩ tới một điều: Văn kiện của Aparecida. Văn kiện này đã được thảo ra trong cuộc hội nghị lần thứ năm của các Giám Mục Mỹ Châu La-tinh, trong chương áp chót, đã thực hiện một mối liên quan tới Thông Điệp Evangelii Nuntiandi mà nó được biên soạn cách nay đúng 40 năm. Điều đó có nghĩa là, bất cứ bản văn nào cũng có tính thời sự, vì chính Đức Phao-lô VI đã khẳng định rằng, lòng đạo đức bình dân đôi khi cũng đòi phải có Tin Mừng, vì nếu không thì sẽ đưa đến điều nguy hiểm rằng, nó sẽ trở nên khiếm diện và không còn thay thế cho một đời sống Đức Tin mạnh mẽ nữa.

Nhưng lòng từ tâm của nhân loại đến từ con tim  của họ thông qua Bí Tích Thanh Tẩy, và điều này là một động lực lớn, vì Dân Thiên Chúa không thể lầm lạc trong tính toàn thể của mình, và không hề sai lầm trong Đức Tin, như đã được viết trong Hiến Chế Lumen Gentium số 12. Lòng đạo đức bình dân đích thực phát sinh thông qua cảm thức Đức Tin, như được mô tả trong văn kiện trên của Công Đồng, và là sự dẫn đưa tới việc cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, với Mẹ Thiên Chúa cũng như với những cách thế diễn đạt bình dân trong những ý nghĩa tốt lành. Vì thế, lòng từ tâm của Dân Chúa đã bén rẽ rất sâu.

Có thể có một lòng từ tâm của Dân Chúa trong phòng thí nghiệm được vô trùng. Nó vẫn luôn đi ra khỏi cuộc sống chúng ta. Chúng ta có thể mắc phải những lỗi lầm nhỏ - và vì thế chúng ta phải trông chừng – nhưng lòng đạo đức bình dân là một khí cụ của việc rao giảng Tin Mừng. Chỉ cần chúng ta nghĩ tới thế hệ trẻ hôm nay. Kinh nghiệm của Cha trong một Giáo phận khác cho thấy rằng, giới trẻ và những phong trào dành cho giới trẻ không hoạt động tại Buenos Aires. Vì sao vậy? Thưa vì người ta nói với họ, chúng ta gặp gỡ nhau để nói chuyện … Và rồi cuối cùng thì những người trẻ đã buồn chán. Nhưng khi các Linh Mục thấy được cách tham gia, và cụ thể là trong những công việc truyền giáo nho nhỏ được thực hiện trong kỳ nghỉ, hay trong việc dậy Giáo lý trên đường, thậm chí cả trong những ngôi làng mà tại đó không có các Linh mục, sau đó thì thấy có kết quả. Người trẻ muốn có được động lực truyền giáo này và tự học hỏi để thấy được lòng từ tâm, mà nó cũng là một loại đạo đức bình dân. Cũng như việc tông đồ giới trẻ là một loại đạo đức bình dân vậy.

Lòng đạo đức bình dân tích cực, trong một phương diện nào đó, chính là một cảm thức Đức Tin – như Đức Phao-lô VI đã nói – rất có chiều sâu, và chỉ được nhận thức bởi những con người đơn sơ và khiêm hạ. Và đó là một điều tuyệt vời!

Trong những nơi hành hương đều có rất nhiều những chứng từ về các phép lạ! Trước đây, cứ vào ngày 27 tháng 07 là Cha lại đi đến Thánh Địa của Thánh Pantaleo tại Buenos Aires, và ngồi giải tội cả buổi sáng tại đó. Và cứ mỗi lần như thế Cha lại cảm thấy mình được biến đổi và được gây gấn tượng về sự thánh thiện biết bao của những con người đơn thành ở đây. Họ là những tội nhân nhưng đồng thời cũng là những vị thánh, vì họ thú nhận những lỗi lầm của mình, và rồi còn nói về cuộc sống của mình. Sau đó người ta nhận ra được ý nghĩa của Tin Mừng. Trong những điểm hành hương, người ta thấy được chính điều đó. Các tòa giải tội được đặt tại những nơi ấy, chính là nơi để biến đổi các Linh Mục và các Giám Mục của chúng ta. Có thể nói được rằng, những nơi đó đang diễn ra những lớp học về sự cải biến đời sống Đức Tin của chúng ta, vì người ta cảm nhận được lòng đạo đức bình dân tại những nơi đó. Và khi các tín hữu đến với tòa giải tội, họ sẽ kể cho bạn biết về tất cả những nỗi khổ đau của họ, và với tư cách là Linh Mục, bạn sẽ nhìn thấy sự tốt lành và lòng khoan hậu của Thiên Chúa ở trong những trường hợp đó, cũng như đã dẫn đưa những người ấy tới với tình trạng ấy. Cuộc gặp gỡ này với dân Chúa, tức dân cầu nguyện và đang trên đường, chính là sự trợ giúp đích thực cho con đường thi hành chức vụ Linh Mục của chúng ta.

Câu hỏi thứ ba: Khủng hoảng căn tính Linh Mục

Xin cho phép con được gọi Đức Thánh Cha là Cha Phanxicô, vì tình cha cũng có nghĩa là sự thánh thiện khi tình cha ấy là xác thực. Với tích cách là học sinh trước đây của Dòng Tên, con đã mang ơn Dòng này vì đã dành cho con sự giáo dục trong lãnh vực văn hóa và ơn gọi Linh Mục. Nhưng con muốn tiết lộ về một cảm tưởng riêng: Linh Mục của ngàn năm thứ ba trông có vẻ như những điều sau: được làm cân bằng trong lãnh vực con người và thiêng liêng; ý thức sứ vụ truyền giáo; mở ra cho sự đối thoại với các tín ngưỡng cũng như với các tôn giáo khác. Tại sao con lại thấy như vậy? Cha đã giới thiệu một cuộc cách mạng Copernic để nói thông qua cách thức của Cha, thông qua phong cách sống và cách ứng xử của Cha cũng như thông qua chứng từ đối với những vấn đề đa dạng trên bình diện quốc tế, điều gây ấn tượng cho cả người vô thần lẫn những người mà họ đang ở xa Giáo hội. Vậy câu hỏi của con ở đây là: trong cộng đồng ngày nay, nó sẽ có thể như thế nào, khi một Giáo hội muốn phát triển, nhưng lại bị tụt lại rất xa so với một cộng động mà nó rất năng động và nhiều mâu thuẫn, nhưng đồng thời cũng rất xa lạ với các giá trị Kitô giáo? Cuộc cách mạng của Cha thuộc về ngôn học, về ngữ nghĩa, về văn hóa và về Tin Mừng lẽ dĩ nhiên không phải là nguyên nhân gây ra một cuộc khủng hoảng thực sự về căn tính nơi một số Linh Mục. Vậy con đường mang tính sáng tạo nào mà Cha sẽ giới thiệu cho chúng con để vượt qua cuộc khủng hoảng này? Con xin cám ơn Cha.“

Đức Thánh Cha:

„Vấn đề ở đây là làm thế nào để Giáo hội đang phát triển tiến về phía trước? Anh đã nêu ra một số thuật ngữ như sự cân bằng, đối thoại…. Vậy làm thế nào để có thể tiến về phía trước? Anh đã sử dụng một từ ngữ rất đẹp, thậm chí Cha dám nói đó là một Lời thuộc về Thiên Chúa: SÁNG TẠO. Đó là giới luật của Thiên Chúa dành cho Ađam: Hãy đi và hãy làm cho mọi loài sinh sôi nẩy nở trên khắp mặt đất. Hãy sáng kiến! Chúa Giêsu cũng đã ra lệnh cho các môn đệ của Ngài như vậy, và thực ra là nhờ vào Chúa Thánh Thần, và chúng ta đã nhìn thấy điều đó, chẳng hạn như nơi Giáo hội tiên khởi, trong mối tương quan với Dothái giáo: Thánh Phaolô đã rất sáng kiến. Thánh Phêrô đã từng sợ hãi khi ông đi đến nhà Cornelio, vì Thánh Nhân nghĩ rằng, Ngài sẽ phải thực hiện một cái gì đó mới mẻ, cũng như phải có sáng kiến. Nhưng bất chấp tất cả, Thánh Nhân vẫn đi tới đó.

SÁNG TẠO là một thuật ngữ. Và người ta có thể thấy được sự sáng tạo ấy như thế nào? Tất cả đều ở phía trước – và đó là điều kiện tiên quyết, nếu chúng ta muốn sáng tạo trong Thần Khí, tức là Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta – không có con đường nào khác ngoài việc cầu nguyện. Một Giám Mục mà không cầu nguyện, một Linh mục mà không cầu nguyện, thì có nghĩa là đã đóng lại cánh cửa, đóng lại con đường của sự sáng tạo rồi. Ngay trong khi cầu nguyện, khi Chúa Thánh Thần làm cho bạn cảm thấy một cái gì đó, thì ma quỷ cũng đến để làm cho bạn cảm thấy một cái khác; điều đó cũng có ý nghĩa nếu như sau đó việc cầu nguyện trở nên một cái gì đó nhàm chán. Cầu nguyện là điều rất quan trọng. Và lúc này Cha không chỉ nghĩ tới những người làm ra vẻ cầu nguyện, mà Cha còn nghĩ tới phụng vụ Thánh Lễ mà nó được cử hành trong sự bình an và với sự khiêm nhu, hay là cầu nguyện cá nhân với Thiên Chúa. Ai không cầu nguyện, người ấy có thể là một nhà kinh doanh về việc chăm sóc mục vụ hay thiêng liêng nào đó, nhưng nếu Giáo hội không cầu nguyện thì Giáo hội sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ và không có sự xức dầu của Chúa Thánh Thần. Cầu nguyện là bước đầu tiên, vì nó là sự mở ra với Thiên Chúa, để con người mở ra với nhau.

Và chính Chúa đã phán: Hãy làm điều này, hãy làm điều kia … Và vì thế dẫn tới sự sáng tạo, điều đòi hỏi rất nhiều những cố gắng nơi nhiều vị Thánh. Chúng ta hãy nghĩ tới Thánh Antonio Rosmini. Sở dĩ Ngài là một nhà phê bình rất sáng tạo, là vì Ngài đã cầu nguyện nhiều. Ngài đã viết về điều mà nó đã làm cho Ngài cảm nhận về Chúa Thánh Thần, và vì lý do đó, Ngài đã phải đi vào trong nhà tù tinh thần, và như thế có thể nói được rằng, Ngài đi vào trong ngôi nhà của Ngài: Ngài không được phép nói, dậy dỗ hay viết lách về điều đó nữa. Những cuốn sách của Ngài đã bị liệt vào hàng danh mục sách cấm. Và ngày nay Ngài là một vị Chân Phúc của Giáo Hội!

Thường thì vấn đề là thế này, sự sáng tạo sẽ đưa bạn tới với Thánh Giá. Nhưng nếu như điều ấy diễn ra thông qua sự cầu nguyện, thì rồi những cây Thánh Giá ấy lại đơm bông kết trái. Vấn đề ở đây không phải là sự sáng tạo vượt ra ngoài mọi kiểu cách, hay đơn thuần chỉ là có tính cách mạng, vì kiểu mẫu của thời đại hôm nay là trở thành một nhà cách mạng. Không, điều đó không có gì để làm với Chúa Thánh Thần. Nhưng nếu như sự sáng tạo đến thông qua Chúa Thánh Thần và dẫn đưa đến sự cầu nguyện, thì rồi sau đó những vấn đề có thể sẽ tự mất đi! Sự sáng tạo đến thông qua việc cầu nguyện, nó có một chiều kích siêu việt thuộc về nhân loại học, vì chúng ta tự mở ra cho sự siêu việt của Thiên Chúa thông qua sự cầu nguyện.

Nhưng cũng có một sự siêu việt khác: tự mở mình ra với tha nhân. Nó đòi hỏi Giáo hội không được tự khép kín trong chính mình, tức chỉ nhìn về lỗ rốn riêng của mình, một  Giáo hội chỉ liên hệ đến chính mình, chỉ nhìn vào một mình mình và không ở trong trạng thái bung ra. Sự siêu việt quan trọng từ cái nhìn khác biệt: đi đến với Thiên Chúa và tha nhân. Đi ra khỏi chính mình là một cuộc phiêu lưu, một con đường mà Thiên Chúa đã chỉ ra cho nhân loại, nhưng cũng là một dân, như Ngài đã từng nói với Abraham: Hãy ra khỏi quê hương xứ sở của ngươi! Đi ra khỏi chính mình có nghĩa là gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân. Và điều ấy diễn ra thế nào?  Từ xa hay gần? Lẽ dĩ nhiên là gần, và thậm chí là rất gần.

Sáng tạo, siêu việt và gần gũi: Gần gũi là một từ khóa, và như thế là ở gần và không sợ hãi trước bất cứ điều gì, vì người thuộc về Thiên Chúa thì không hề sợ hãi. Chính Thánh Phaolô cũng không hề sợ hãi khi Ngài nhìn thấy những bức tượng thần tại Athen, và đã nói với những người ở đấy: Quý vị là người có tôn giáo, quý vị có rất nhiều các vị thần… Nhưng tôi nói về một vị khác. Ngài không sợ hãi trong việc đến gần họ, và thậm chí còn viện dẫn các nhà thơ của họ: Các nhà thơ của quý vị đã nói thế nào? … Ngài đến gần với văn hóa nhưng cũng gần gũi với con người và cách suy nghĩ của họ, đến gần với những đau khổ và cảm quan của họ. Thường thì sự gần gũi này sẽ dẫn tới hành động thống hối, vì chúng ta quá phải thường xuyên nghe tới những điều nhàm chán mà chúng đang bị vượt qua.

Cách nay hai năm, có một Linh Mục làm việc với tư cách là nhà Truyền Giáo tại Argentina, Ngài gốc ở Buenos Aires và đến làm việc ở miền Nam nước này, ở đó không có Linh Mục và thay vào đó là có rất nhiều người Tin Lành., Ngài đã nói với Cha rằng, Ngài đến nhà một người phụ nữ, bà ấy là một giáo viên, và thậm chí sau này còn trở thành hiệu trưởng của trường học thuộc ngôi làng đó. Người phụ nữ này để cho Ngài ngồi yên vào ghế và bắt đầu la mắng Ngài, không phải chỉ với những lời la rầy nhẹ nhàng, nhưng là với những lời rất độc địa. ´Quý vị đã để cho chúng tôi cô đơn, tôi cần Lời Chúa và đã phải đi đến với một người Thệ Phản và vì thế chính tôi đã trở thành một nữ Thệ Phản` - bà ta nói. Vị Linh Mục trẻ này rất bình tĩnh và cũng là một người cầu nguyện. Để cho cơn thịnh nộ của người phụ nữ ấy dịu xuống, sau đó Ngài mới nói: ´Tôi chỉ nói một lời thôi: xin tha thứ. Xin hãy tha thứ cho chúng tôi! Chúng tôi đã để cho đoàn chiên phải bơ vơ.` Và rồi người phụ nữ ấy đã thay đổi ngay tức khắc giọng điệu của bà. Bà ta vẫn đang còn là người Thệ Phản, nhưng vị Linh Mục đã không nói về điều ấy, không yêu cầu bà phải thống hối. Thậm chí lúc bấy giờ Ngài cũng đã không hề đề cập một tí gì về chuyện đó. Nhưng cuối cùng thì bà ấy cười và nói: ´Thưa Cha, con mời Cha dùng cà-phê!` - ´Vâng, chúng ta cùng uống cà phê với nhau nhé?`. Khi vị Linh mục đứng lên ra về, bà ta đã nói: ´Thưa Cha, xin từ từ hẵng về. Con muốn mời Cha đến xem cái này!` Thế rồi bà ta đi vào trong phòng ngủ và mở cửa tủ ra. Bà ấy chỉ cho vị Linh mục thấy một bức ảnh Đức Mẹ đang được đặt trong đó. ´Cha phải biết rằng, Đức Mẹ đã không hề bỏ rơi con trong những lúc hoạn nạn. Con đã cất giấu bức ảnh này ở đây trước vị Mục Sư Thệ Phản,  nhưng Đức Mẹ chưa bao giời rời khỏi ngôi nhà này`. Câu chuyện vừa rồi dậy cho chúng ta một điều rằng, sự gần gũi đã dẫn con người ta tới sự dịu dàng, đã làm cho người phụ nữ ấy được tái giao hòa với Giáo hội, vì bà ấy đã có cảm giác như mình bị bỏ rơi bởi Giáo hội. Và Cha đã đặt ra cho vị Linh mục ấy một câu hỏi mà đáng lẽ người ta không bao giờ được phép đặt ra, và cụ thể là: cuối cùng thì sao? Vị Linh Mục ấy đã sửa lỗi Cha ngay lập tức và nói: ´Ấy nhưng mà con đã không hỏi tiếp: bà ấy vẫn còn đi đến nhà thờ của người Thệ Phản, nhưng người ta nhìn thấy bà ấy là một phụ nữ cầu nguyện, và rồi sau đó thì Thiên Chúa sẽ làm những gì Ngài muốn.` Vị Linh Mục đã không đến nhà bà ấy nữa, và bà ấy cũng không mời Ngài đến để tái gia nhập Giáo hội Công giáo.

Đó là chính sự giúp đỡ mà qua đó người ta biết những giới hạn nằm ở đâu. Nhưng sự gần gũi cũng có nghĩa là đối thoại; người ta phải đọc Thông Điệp Ecclesiam Suam của Đức Phao-lô VI, trong đó quyền giáo huấn nói về đối thoại, và đó cũng chính là điều được lập lại bởi các Đức Giáo Hoàng khác.

Đối thoại thì rất quan trọng, nhưng để đối thoại được với nhau, đòi hỏi phải có hai điều kiện tiên quyết: Điểm xuất phát là căn tính riêng, và sau đó là sự đồng cảm với người khác. Nếu tôi không bảo đảm về căn tính riêng của tôi, nhưng rồi sau đó lại tìm đến một cuộc đối thoại, thì rồi tôi sẽ liều lĩnh với việc đi thương thảo về Đức tin của mình. Người ta không thể bước vào một cuộc đối thoại mà trước hết, không xuất phát từ căn tính riêng. Cũng cần phải có sự đồng cảm hầu không gây ra những tiên kiến.

Bất cứ người nam hay người nữ nào cũng có một cái gì đó riêng tư để tiếp tục trao đi; bất cứ người nam hay người nữ nào cũng có một lịch sử riêng, một hoàn cảnh riêng, và chúng ta phải lắng nghe họ. Sau đó sự cảnh tỉnh của Chúa Thánh Thần sẽ chỉ ra cho chúng ta biết chúng ta nên trả lời thế nào.

Đối thoại không có nghĩa là thực hành khoa minh giáo, dù rằng đôi khi người ta phải làm chuyện đó, vì những câu hỏi được đặt ra cho chúng ta đòi hỏi một sự giải thích. Đối thoại là một cái gì đó rất nhân tính. Nó bao gồm con tim và tâm hồn. Những điều đó sẽ dẫn tới sự đối thoại, và điều đó hoàn toàn quan trọng! Nó có nghĩa là, không hề sợ hãi trước việc đối thoại với người khác. Người ta nói về một vị Thánh và thực ra đó là một sự hài hước – và Cha không tin đó là Thánh Philipp Neri, nếu như Cha không nhầm – rằng, Ngài cũng có thể bước vào trong cuộc đối thoại với ma quỷ. Vì sao vậy? Thưa vì Ngài có sự tự do để lắng nghe tất cả, nhưng luôn luôn xuất phát từ căn tính riêng. Ngài hoàn toàn chắc chắn về chính mình. Nhưng cảm thấy mình chắc chắn không có nghĩa là tìm cách lôi kéo người ta theo đạo.

Tìm cách lôi kéo người khác theo đạo là một điều mà ngay cả Chúa Giêsu cũng muốn kết án khi Ngài nói với những người Pha-ri-siêu và những người Sa-đi-sê-ô rằng: „Các ngươi đi khắp đó đây để lôi kéo người ta theo đạo…“ Đó là một cái bẫy. Đức Bê-nê-đíc-tô XVI có một cách đặt tên rất tuyệt vời khi Ngài áp dụng nó tại Aparecida, và Cha tin rằng, Ngài cũng lập lại điều ấy ở những dịp khác: Giáo hội không phát triển nhờ vào việc lôi kéo người khác theo đạo, nhưng nhờ vào sức hấp dẫn. Và cái gì tạo ra sức hấp dẫn ấy? Thưa, đó là mối cảm thông nhân loại mà nó được dẫn dắt thông qua Chúa Thánh Thần.

Và nét đặc trưng của Linh Mục sẽ là thế nào trong thời đại thế tục hóa này? Linh Mục là một con người sáng tạo, thực hiện theo mệnh lệnh của Thiên Chúa – „Đấng sáng tạo nên các sự vật“ – một con người thuộc về sự siêu việt, với Thiên Chúa, trong cầu nguyện, và với đồng loại, và thực ra là luôn luôn; một con người của sự gần gũi, người đến gần người khác. Vứt bỏ con người sang một bên sẽ không còn gì để làm với sự hiện hữu của một Linh Mục nữa, và người ta đang vô cùng chán ngấy trước một thái độ như thế, vì con người đến với chúng ta. Nhưng ai đón nhận con người và ở bên cạnh họ thì cũng sẽ đối thoại với họ, vì họ cảm thấy mình có sự chắc chắn về căn tính riêng, và điều đó sẽ dẫn đưa họ tới với việc mở con tim của chính mình ra cho sự đồng cảm. Đó là điều mà Cha có thể trả lời cho câu hỏi của Anh.“

Câu hỏi thứ tư: Làm chứng cho Đức Tin

Kính thưa Đức Thánh Cha khả ái, câu hỏi của con liên quan tới địa điểm, nơi mà chúng con cư ngụ: Giáo phận, với các Đức Giám Mục của chúng con, mối quan hệ với những người anh em của chúng con. Và con xin hỏi Đức Thánh Cha: khoảnh khắc lịch sử này mà chúng con đang sống, có những mong chờ về các Linh Mục chúng con, và thực ra là việc chúng con thực hiện một chứng tá rõ ràng mà nó vừa cởi mởi nhưng đồng thời cũng rất thiện cảm – như chính Đức Thánh Cha đã mời gọi chúng con – và đó chính là điều mở ra với sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần. Vậy theo quan điểm của Đức Thánh Cha, Linh Đạo nào Là Linh Đạo vừa có tính đặc trưng và cũng vừa có tính nền tảng mà một vị Linh Mục của Giáo phận phải biểu lộ? Con tin là mình đã ít nhất một lần đọc thấy rằng, Đức Thánh Cha đã từng nói, Linh Mục không phải là một nhà chiêm niệm. Điều đó khác với trước đây. Bây giờ Đức Thánh Cha có thể cung cấp cho chúng con một điều gì đó mà nó có thể tạo điều kiện cho sự tái sinh và phát triển của Giáo phận chúng con được không? Và điều gây quan tâm cho cá nhân con là: Chúng ta có thể trở nên trung tín với con người như thế nào?“

Đức Thánh Cha:

„Anh đã nói về ´sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần`. Đúng vậy. Nhưng Thiên Chúa là Thiên Chúa của những điều bất ngờ, Ngài gây bất ngờ cho chúng ta luôn luôn, luôn luôn và luôn luôn. Chúng ta hãy đọc Tin Mừng và rồi chúng ta sẽ thấy được sự bất ngờ đối với những người khác. Chúa Giêsu gây bất ngờ cho chúng ta, vì Ngài luôn luôn đến với chúng ta trước: Ngài chờ đợi chúng ta, Ngài yêu chúng ta trước, khi chúng ta tìm kiếm Ngài thì Ngài cũng đã đi tìm chúng ta trước rồi. Như Ngôn Sứ Isaia và Ngôn Sứ Jeramia đã nói, nhưng bây giờ Cha không thể trích dẫn nguyên văn những lời ấy: Thiên Chúa giống như hoa hạnh nhân. Hoa của cây này nở sớm nhất trong mùa Xuân. Như vậy, Chúa Giêsu cũng là người trước tiên chờ đợi chúng ta. Đó là một điều gây bất ngờ.

Thường thì chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa ở đây, nhưng Ngài không chờ đợi chúng ta ở chỗ chúng ta đang tìm. Và sau đó đến với Linh Đạo của một Linh Mục Giáo phận: Ngài là Linh Mục chiêm niệm, nhưng không phải là một linh Mục sống trong Đan Viện, vì thế, ý của Cha không phải như anh nói trên kia. Giờ đây, người Linh Mục phải là người chiêm niệm ở mức độ như vậy, trong khi Ngài trở nên như thế, vừa đối với Thiên Chúa vừa đối với con người. Ngài là một người luôn lấp đầy cặp mắt và con tim của mình bằng sự chiêm niệm ấy, và luôn hiện diện trước mặt Thiên Chúa với Tin Mừng cũng như trước nhân loại với những vấn đề thuộc về con người. Trong ý nghĩa đó, Ngài phải trở thành một người chiêm niệm.

Nhưng dẫu sao chúng ta cũng không phải thực hiện việc pha trộn: một Đan Sĩ là một cái gì đó khác. Nhưng trung tâm đời sống thiêng liêng của Linh Mục Triều nằm ở đâu? Cha muốn nói tới nó trong mối liên hệ với Giáo phận. Vị Linh Mục phải mở ra với Giáo phận. Linh đạo của một Tu Sĩ, chẳng hạn thế, hàm chứa trong việc tự mở ra với Thiên Chúa, với các anh em khác trong Cộng Đoàn. Điều này có giá trị cả cho những cộng đoàn Dòng Tu lớn lẫn cộng đoàn nhỏ. Nhưng Linh Đạo của Linh Mục Triều thì lại chính là việc mở ra đối với Giáo phận. Còn Tu Sĩ của Giáo phận mà làm việc trong các Giáo xứ, phải thực hiện hai điều do Thánh Bộ Giám Mục và Thánh Bộ Dòng Tu trình bày trong một bản chỉnh lý của Huấn Thị Mutuae relationes (Văn kiện nền tảng về các mối quan hệ giữa Dòng Tu và các Giáo Phận), vì thế người Tu Sĩ thuộc về cả hai cơ sở.

Nhưng hãy trở lại với tầm quan trọng của Giáo Phận: Điều đó nghĩa là gì? Nghĩa là duy trì mối quan hệ với Giám Mục và ở trong sự thay thế với các Linh Mục khác. Mối quan hệ với Giám Mục là điều rất quan trọng và cần thiết. Một Linh Mục Giáo phận không thể bị chia tách khỏi Giám Mục. ´Nhưng mà Đức Giám Mục không thích tôi, Giám Mục ở đây, Giám Mục ở đó…` Có lẽ mỗi Đức Giám Mục cũng đều có một vài nét tiêu cực, nhưng Ngài là Giám Mục, và vẫn là Giám Mục của bạn. Và bạn cũng phải tìm ra một cách thế trong bất cứ thái độ không tích cực nào để ở lại trong mối quan hệ với Ngài. Nhưng dầu sao thì điều đó cũng hiếm khi xảy ra.

Tôi là Linh Mục Giáo Phận vì tôi ở trong mối quan hệ với Giám Mục của tôi, đó là một phương châm. Chúng ta hãy nhìn điều đó trong nghi thức phong chức Linh Mục. Trong nghi thức này, người ta tuyên hứa tuân phục: con hứa vâng phục Cha và những Đấng kế vị Cha. Mối liên hệ Giáo Phận có nghĩa là mối quan hệ với Giám Mục; mối quan hệ ấy phải được khuyến khích và bảo vệ. Nói chung thì hiếm khi có những vấn đề bão tố, nhưng đa phần chỉ là những ngày tháng bình thường.

Bình diện thứ hai của mối quan hệ Giáo Phận là mối quan hệ với các Linh Mục khác. Sẽ không có một Linh đạo cho Linh Mục nếu như không có hai bình diện này: Mối tương quan với Giám Mục và Mối quan hệ với các Linh Mục khác. Cả hai đều cần thiết. ´Với Giám Mục thì mọi sự diễn ra trôi chảy, nhưng tôi không tham gia các cuộc hội họp của Linh mục, vì ở đó toàn nói những chuyện ngu ngốc` - một Linh Mục tự nhủ. Nhưng rồi một cái gì đó sẽ thiếu đối với bạn, bạn sẽ không có một Linh Đạo thật sự của một Linh Mục thuộc về Giáo phận.

Đó là tất cả, nó nhẹ nhàng và dễ dàng, nhưng đồng thời cũng không. Nó khó khăn và phức tạp, vì không hề đơn giản chút nào đối với việc luôn có được suy nghĩ cân bằng với Giám Mục… Và nếu cần thì rồi người ta nên giữ sự đối thoại! Trong cuộc đối thoại ấy, người ta cũng được phép to tiếng với nhau. Chẳng hạn như trong các cuộc tranh cãi giữa cha mẹ và con cái: lúc tranh cãi thì to tiếng với nhau vậy, nhưng khi kết thúc thì cha mẹ vẫn là cha mẹ, con cái vẫn là con cái. Nếu như thuật xã giao bước vào thì rồi Chúa Thánh Thần sẽ bị đẩy sang một bên, vì sau đó thiếu sự tự do của Thánh Thần. Người ta cũng cần phải có sự can đảm để nói: tôi thấy điều đó không phải thế, ý của tôi thì khác. Và trong cuộc đối thoại này cũng phải rất khiêm tốn để được sửa sai. Đó là điều rất quan trọng.

Ai là kẻ thù lớn nhất của những mối tương giao này? – Đó là chuyện ngồi lê đôi mách. Cha vẫn thường nghĩ – vì chính Cha cũng có cơn cám dỗ này – tất cả chúng ta đều có điều đó, vì ma quỷ biết rằng, đó là hạt giống có thể sinh hoa kết trái – và Cha nghĩ về mình, liệu chẳng phải đó là hệ quả của đời sống độc thân mà nó được sống trong điều kiện vô trùng và không sinh hoa kết trái hay sao? Một con người cô độc sẽ kết thúc trong sự cay đắng, sẽ không đơm bông kết trái và bắt đầu nói xấu về người khác. Điều đó không đưa tới sự tốt lành, và là một rào cản trong mối tương giao giữa Linh Mục và Giám Mục.

Ngồi lê đôi mách là kẻ thù lớn nhất của Linh Đạo đối với Giáo phận. Một người nói, nếu bạn có một điều gì đó để nói thì hãy nói điều đó với Giám Mục. Người khác lại nghĩ, sẽ có những hệ quả tiêu cực. Nhưng hãy treo nó vào Thánh Giá và hãy trở thành một người đàn ông! Nếu bạn là người chín chắn và nhìn thấy một cái gì đó không làm hài lòng bạn trong người anh em - cũng là một Linh Mục - của bạn, thì bạn hãy đi tới và nói cho với người anh em đó biết. Nhưng đừng đi nói với người khác, vì bạn sẽ có thể tự gây ố  cho bản thân bạn bởi chuyện đó! Hơn nữa, ma quỷ sẽ rất hạnh phúc về chuyện đó, chúng sẽ mở tiệc ăn mừng, vì chúng đã có thể túm lấy những thành công của đời sống thiêng liêng.

Theo thiển nghĩ của Cha, những cuộc ngồi lê mách lẻo sẽ đưa đến rất nhiều thiệt hại. Lúc này đây không còn phải là một sự tò mò hậu Công Đồng nữa. Thánh Phao-lô đã phải tự tranh luận với mình vì điều đó. Anh em hãy nhớ tới câu nói của Ngài: ´Tôi thuộc về Phao-lô, hay tôi thuộc về Apollo…?` Sự ngồi lê đôi mách đã là một đề tài ngay từ thời bắt đầu lịch sử Giáo hội rồi, vì ma quỷ không hề muốn Giáo hội đơm bông kết trái, hiệp nhất và vui tươi. Nhưng đâu là chỉ dấu cho thấy các mối tương giao giữa Giám mục và Linh Mục đang diễn ra tốt đẹp? Đó là niềm vui. Nếu như sự cay đắng là chỉ dấu cho một sự khiếm khuyết về Linh Đạo, thì niềm vui lại là chỉ dấu cho một mối tương giao thành công. Người ta có thể đối thoại, người ta cũng có thể trở nên xấu xa, nhưng niềm vui thì nên hiện diện tại đó và nên khích lệ mối tương giao giữa Linh Mục và Giám Mục.“

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Mục Lục Tin Giáo Hội