15 căn bệnh của giáo triều Roma
cần chữa trị
vi.radiovaticana.va/2014-12-22
15:31:46 – VATICAN. Trong buổi tiếp
kiến sáng ngày 22-12-2014 dành cho các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa
Thánh, ĐTC Phanxicô liệt kê 14 thứ bệnh cần bài trừ khỏi những người phục vụ tại
giáo triều Roma.
Khoảng 60 Hồng Y và 50 GM cùng với nhiều giám
chức, linh mục và giáo dân lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh đến chúc mừng
ngài nhân dịp lễ Giáng Sinh và năm mới.
Mở đầu, ĐHY Angelo Sodano, 87 tuổi, niên trưởng
Hồng Y đoàn, đại diện mọi người chúc mừng ĐTC và cho biết toàn thể các cộng tác
viên thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh hứa hỗ trợ và cộng tác hoàn toàn với
ĐTC trong việc phục vụ tình hiệp nhất của Giái Hội và hòa bình giữa các dân tộc.
ĐHY cũng nói rằng tại Vatican mọi người, trong các nhiệm vụ khác nhau, hiệp nhất
và dấn thân phục vụ ĐTC và Giáo Hội.
Diễn từ của ĐTC
Lên tiếng trong dịp
này, sau khi gửi lời chúc mừng và cám ơn sự cộng tác của mọi người trong giáo
triều Roma, ĐTC nhấn mạnh sự kiện các cơ quan trung ương Tòa Thánh họp thành một
cơ thể duy nhất, và cũng như mọi cơ thể, có thể có những bệnh tật cần được chữa
lành. Trong ý hướng chuẩn bị tâm hồn, xưng tội, để đón mừng Chúa Giáng Sinh,
ĐTC đã liệt kê một loạt những căn bệnh mà những vị làm việc trong giáo triều
Roma có thể mắc phải và cần phải thanh tẩy. Ngài nói:
“Giáo triều được kêu gọi
cải tiến, luôn cải tiến và tăng trưởng trong tình hiệp thông, thánh thiện và
khôn ngoan để chu toàn sứ mạng. Nhưng giáo triều, cũng như mỗi thân thể con người,
cũng có thể bị bệnh, hoạt động không tốt, bị yếu liệt. Và ở đây tôi muốn liệt
kê vài căn bệnh có thể, những bệnh của giáo triều. Đó là những bệnh thường xảy
ra trong đời sống của giáo triều chúng ta. Đó là những bệnh tật và cám dỗ làm
suy yếu việc phục vụ của chúng ta đối với Chúa. Tôi nghĩ rằng “danh sách” các bệnh
này sẽ giúp chúng ta, như các Đấng Tu Hành trong sa mạc vẫn thường làm danh
sách mà chúng ta nói đến hôm nay: danh sách này giúp chúng ta chuẩn bị lãnh nhận
bí tích Hòa giải, là một bước tiến tốt cho tất cả chúng ta để chuẩn bị lễ Giáng
Sinh.
1. Trước tiên là bệnh tưởng mình là bất
tử, miễn nhiễm, hoặc thậm chí là không thể thiếu được, và lơ là những kiểm
điểm cần thiết và thông thường. Một giáo triều không tự phê bình, không canh tân,
không tìm cách cải tiến, thì đó là một cơ thể đau yếu. Một cuộc viếng thăm bình
thường tại các nghĩa trang có thể giúp chúng ta nhìn thấy tên của bao nhiêu người,
của vài người mà chúng ta nghĩ họ là bất tử, miễn nhiễm, và không thể thay thế
được! Đó là bệnh của người giàu có trong Phúc Âm nghĩ rằng mình sống vĩnh viễn
(Xc Lc 12,13-21) và cả những người trở thành chủ nhân ông, cảm thấy mình cao trọng
hơn mọi người, chứ không phải là người phục vụ tất cả mọi người. Bệnh này thường
xuất phát từ bệnh quyền bính, từ mặc cảm là những người ưu tuyển, từ thái độ tự
yêu mình, say mê nhìn hình ảnh của mình mà không nhìn thấy hình ảnh của Thiên
Chúa in nơi khuôn mặt của những người khác, đặc biệt là những người yếu đuối và
túng thiếu nhất. Thuốc chữa bệnh dịch này là ơn thánh, ơn cảm thấy mình là người
tội lỗi và thành tâm nói rằng: “Chúng ta chỉ là những đầy tớ vô dụng. Chúng ta
đã làm những gì chúng ta phải làm” (Lc 17,10).
2. Một bệnh khác là bệnh Marthalisme,
đến từ tên Martha, làm việc thái quá: tức là những người chìm đắm trong công việc,
và lơ là với phần tốt hơn, là ngồi bên chân Chúa Giêsu (Xc Lc 10,38). Vì thế
Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ của Ngài “hãy nghỉ ngơi một chút” (Xc Mc
6,31), vì lơ là việc nghỉ ngơi cần thiết sẽ đi tới tình trạng căng thẳng và
giao động. Thời gian nghỉ ngơi, đối với những người đã chấm dứt sứ mạng của
mình, là điều cần thiết, cần phải làm, và cần phải sống thanh thản: khi trải
qua một chút thời gian với những người thân trong gia đình và tôn trọng các kỳ
nghỉ như những lúc bồi dưỡng tính thần và thể lý; cần học điều mà sách Qohelet
đã dạy: “Có thời gian cho mỗi điều” )3,1-15).
3. Cũng có thứ bệnh “chai cứng” tâm
trí và tinh thần: nghĩa là bệnh của những người có tâm hồn chai đá, “cứng cổ”
(Cv 7,51-6); bệnh của những người đang đi trên đường, đánh mất sự thanh thản nội
tâm, mất sức sinh động và táo bạo, và ẩn nấp sau các giấy tờ, trở thành “chiếc
máy hồ sơ” chứ không còn là “những người của Thiên Chúa” nữa (Xc Dt 3,12). Họ
có nguy cơ đánh mất sự nhạy cảm nhân bản cần thiết để khóc với những người khóc
và vui với những người vui! Đó là bệnh của những người mất “tâm tình của Chúa
Giêsu” (Xc Pl 2,5-11), vì con tim của họ, qua dòng thời gian, đã trở nên chai
đá và không có khả năng yêu mến Chúa Cha và tha nhân vô điều kiện (Xc Mt 22,34-40).
Thực vậy, là Kitô hữu có nghĩa là “có cùng những tâm tình như Chúa Giêsu Kitô”
(Pl 2,5), những tâm tình khiêm tốn, và hiến thân, không dính bén và quảng đại.
4. Bệnh kế hoạch hóa thái quá và duy
hiệu năng. Khi tông đồ kế hoạch mọi sự một cách tỷ mỉ và tưởng rằng khi thực
hiện việc kế hoạch hóa hoàn toàn thì mọi sự sẽ thực sự tiến triển, như thế họ
trở thành một kế toán viên hay một nhà tư vấn kinh doanh. Chuẩn bị mọi sự là điều
tốt và cần thiết, nhưng không bao giờ được rơi vào cám dỗ muốn đóng kín và lèo
lái tự do của Chúa Thánh Linh, Đấng luôn luôn lớn hơn, quảng đại hơn mọi kế hoạch
của con người (Xc Ga 3,8). Người ta lâm vào căn bệnh này vì “ở lại thoải mái
trong các lập trường tĩnh và bất biến của mình thì vẫn là điều dễ dàng và ung
dung hơn. Trong thực tế, Giáo Hội tỏ ra trung thành với Chúa Thánh Linh theo mức
độ Giáo Hội không chủ trương điều hành và thuần hóa Thánh Linh. Thánh Linh là sự
tươi mát, sáng tạo và mới mẻ!”
5. Bệnh phối hợp kém. Khi các chi thể mất sự hiệp thông với
nhau thì thân thể đánh mất hoạt động hài hòa và chừng mực của mình, trở thành một
ban nhạc chỉ tạo ra những tiếng ồn ào, vì các thành phần của ban không cộng tác
với nhau, không sống tinh thần hiệp thông và đồng đội. Khi chân nói với tay: “Tôi
không cần anh”, hoặc tay nói với đầu: “Tôi điều khiển”, thì tạo nên sự khó chịu
và gương mù.
6. Cũng có thứ bệnh “suy thoái não bộ
tinh thần”, hay là quên đi “lịch sử cứu độ”, lịch sử quan hệ bản thân với
Chúa, quên đi mối tình đầu (Kh 2,4). Đó là sự suy thoái dần dần các khả năng
tinh thần trong một khoảng thời gian dài ngắn hơn kém, tạo nên tình trạng tật
nguyền trầm trong cho con người, làm cho nó không còn khả năng thi hành một số
hoạt động tự lập, sống trong tình trạng hoàn toàn tùy thuộc những quan niệm thường
là tưởng tượng. Chúng ta thấy điều đó nơi những người không còn nhớ cuộc gặp gỡ
của họ với Chúa, nơi những người hoàn toàn tùy thuộc hiện tại của họ, đam mê,
tính thay đổi nhất thời, và những thứ kỳ quặc khác; ta thấy nơi những người kiến
tạo quanh mình những bức tường và những tập quán, ngày càng trở thành nô lệ cho
các thần tượng mà họ tay họ tạo nên.
7. Bệnh cạnh tranh và háo danh.
Khi cái vẻ bề ngoài, những mầu áo và huy chương trở thành đối tượng ưu tiên của
cuộc sống, quên đi lời thánh Phaolô: “Anh em đừng làm gì vì cạnh tranh hoặc háo
danh, nhưng mỗi người với tất cả sự khiêm tốn, hãy coi người khác hơn mình. Mỗi
người đừng tìm tư lợi, nhưng hãy tìm lợi ích của người khác nữa” (Pl 2,1-4). Đó
là căn bệnh đưa chúng ta trở thành những con người giả dối và sống một thứ thần
bí giả hiệu, một chủ thuyết yên tĩnh giả tạo, Chính thánh Phaolô đã định nghĩa
họ là “những kẻ thù của Thập Giá Chúa Kitô” vì họ “kiêu hãnh về những điều mà lẽ
ra họ phải hổ thẹn và chỉ nghĩ đến những điều thuộc về trần thế này” (Pl 3,19)
8. Bệnh tâm thần phân liệt trong cuộc
sống. Đó là bệnh của những người sống hai mặt, hậu quả của sự giả hình về sự
tầm thường và dần dần trở nên trống rỗng về tinh thần mà các văn bằng tiến sĩ
hoặc các bằng cấp khác không thể lấp đầy được. Một thứ bệnh thường xảy ra nơi
những người bỏ việc mục vụ, và chỉ giới hạn vào những công việc bàn giấy, đánh
mất sự tiếp xúc với thực tại, với những con người cụ thể. Như thế họ tạo cho
mình một thế giới song song, trong đó họ gạt sang một bên tất cả những gì họ
nghiêm khắc dạy người khác, và bắt đầu sống một cuộc sống kín đáo và thường là
tháo thứ. Sự hoán cải là điều rất cần thiết và không thể thiếu được đối với thứ
bệnh rất nặng này (Xc Lc 15,11-32).
9. Bệnh 'ngồi lê đôi mách', lẫm bẩm và
nói hành. Tôi đã nói nhiều về bệnh này và không bao giờ cho đủ. Đó là một bệnh
nặng, thường bắt đầu bằng những cuộc chuyện trò, và nó làm cho con người thành
người gieo rắc cỏ lùng cỏ dại như Satan, và trong nhiều trường hợp họ trở thành
người “điềm nhiên giết người”, giết hại danh thơm tiếng tốt của đồng nghiệp và
anh em cùng dòng. Đó là bệnh của những người hèn nhát không có can đảm nói thẳng,
mà chỉ nói sau lưng. Thánh Phaolô đã cảnh giác: “Anh em hãy làm mọi sự mà đừng
lẩm bẩm, không do dự, để không có gì đáng trách và tinh tuyền” (Pl 2,14-18). Hỡi
anh em, chứng ta hãy giữ mình khỏi những nạn khủng bố nói hành nói xấu!
10. Bệnh thần thánh hóa giới lãnh đạo. Đó là bệnh của những kẻ dua nịnh cấp
trên, hy vọng được ân huệ của họ. Họ là nạn nhân của công danh sự nghiệp và của
thái độ xu thời, tôn kính con người chứ không tôn kính Thiên Chúa (Xc Mt
23,8-12). Đó là những người khi phục vụ chỉ nghĩ đến điều mà họ phải đạt được
chứ không tới điều mà họ phải làm. Những người bủn xỉn nhỏ nhặt, bất hạnh, và
chỉ hành động vì ích kỷ (Xc Gl 5,16-25). Bệnh này có thể xảy ra cho cả các cấp
trên khi họ chiêu dụ vài cộng tác viên để được sự tuân phục, trung thành và tùy
thuộc về tâm lý, nhưng kết quả cuối cùng là một sự đồng lõa thực sự.
11. Bệnh dửng dưng đối với người khác.
Khi mỗi người chỉ nghĩa đến mình và đánh mất sự thành thực và quan hệ nồng nhiệt
với nhau. Khi người giỏi nhất không đặt kiến thức của mình để phục vụ đồng nghiệp
yếu kém hơn. Khi người ta biết được điều gì và giữ riêng cho mình thay vì chia
sẻ tích cực với những người khác, Khi vì ghen tương và tinh ranh, họ cảm thấy
vui mừng khi thấy người khác ngã xuống, thay vì nâng người ấy dậy và khích lệ họ!
12. Bệnh có bộ mặt đưa đám. Tức là
những người cộc cằn và hung tợn, cho rằng để tỏ ra là nghiêm minh, cần có bộ mặt
âu sầu, nghiêm khắc và đối xử với những người khác, nhất là những người cấp dưới,
một cách cứng nhắc, cứng cỏi và kiêu hãnh. Trong thực tế, sự nghiêm khắc đóng kịch
và thái độ bi quan vô ích thường là triệu chứng của sự sợ hãi và bất an về
mình. Tông đồ phải cố gắng là một người nhã nhặn, thanh thản, nhiệt thành và
vui tươi, thông truyền niềm vui tại bất kỳ nơi nào. Một con tim đầy Thiên Chúa
là một con tim hạnh phúc, chiếu tỏa và làm lan rộng niềm vui cho tất cả những
người quanh mình, người ta nhận thấy ngay điều đó.. Chúng ta đừng đánh mất tinh
thần vui tươi, tinh thần hài hước, thậm chí tự cười mình, làm cho chúng ta trở
thành những người dễ mến, cả trong những hoàn cảnh khó khăn”. Một chút tinh thần
hài hước thật là điều tốt cho chúng ta dường nào. Thật là điều tốt nếu chúng ta
thường đọc kinh của Thánh Thomas More: tôi vẫn đọc kinh đó hằng ngày và điều
này mang nhiều ích lợi cho tôi.
13. Bệnh tích trữ. Khi tông đồ tìm cách lấp đầy khoảng trống
trong con tim của mình bằng cách tích trữ của cải vật chất, không phải vì cần
thiết nhưng chỉ vì để cảm thấy an ninh. Trong thực tế không có gì vật chất có
thể mang theo mình vì “khăn liệm không có túi” và mọi kho tàng vật chất của
chúng ta, dù có thực đi nữa, không bao giờ có thể lấp đầy khoảng trống, trái lại
càng làm cho nó khẩn trương và sâu đậm hơn. Chúa lập lại với những người ấy: “Ngươi
bảo: nay tôi giầu có, đã đầy đủ của cải rồi, tôi chẳng cần gì nữa. Nhưng ngươi
không biết mình là kẻ bất hạnh, khốn nạn, một kẻ nghèo, mù lòa và trần trụi.. Vậy
ngươi hãy nhiệt thành và hoán cải” (Kh 3,17-19). Sự tích trữ của cải chỉ làm
cho nặng nề và làm cho hành trình trở nên chậm hơn! Và tôi nghĩ đến một giai
thoại: trước kia các tu sĩ dòng Tên Tây Ban Nha mô tả dòng như một đoàn “kỵ
binh nhẹ nhàng của Giáo Hội”. Tôi nhớ cuộc dọn nhà của một tu sĩ dòng Tên trẻ,
trong khi chất lên xa vận tải bao nhiêu đồ đạc: hành lý, sách vở, vật dụng, quà
tặng, thì một tu sĩ dòng Tên cao niên quan sát và mỏỉm cười nói: đây có phải là
kỵ binh nhẹ của Giáo Hội không?”. Những cuộc dọn nhà của chúng ta là một dấu hiệu
về bệnh ấy.
14. Bệnh những nhóm khép kín, trong
đó sự thuộc về một nhóm nhỏ trở nên mạnh hơn thuộc về cả thân mình và trong một
số trường hợp, mạnh hơn thuộc về chính Chúa Kitô. Cả căn bệnh này cũng luôn bắt
đầu bằng những ý hướng tốt là tiêu khiển với các bạn bè, nhưng với thời gian nó
trở nên xấu, thành bệnh ung thư đe dọa sự hài hòa của thân thể và tạo nên bao
nhiêu điều ác, gương mù, nhất cho cho những anh em bé nhỏ hơn của chúng ta. Sự
tự hủy diệt, hay là “những viên đạn của bạn đồng ngũ” chính là nguy hiểm tinh tế
nhất. Đó là sự ác đánh từ bên trong, và như Chúa Kitô đã nói, “nước nào chia rẽ
bên trong thì sẽ bị tàn lụi” (Lc 11,17).
15. Sau cùng là bệnh tìm kiếm lợi lộc
trần tục và phô trương. Khi tông đồ biến việc phục vụ của mình thành quyền
lực, và biến quyền lực của mình thành hàng hóa để kiếm được những lợi lộc phàm
tục và được nhiều quyền thế hơn. Đó là bệnh của những người tìm cách gia tăng
vô độ quyền lực và để đạt được mục tiêu đó, họ vu khống, mạ lỵ và làm mất thanh
danh của người khác, thậm chí trên cả các nhật báo và tạp chí, dĩ nhiên để biểu
dương và chứng tỏ mình có khả năng hơn người khác. Cả thứ bệnh này cũng gây hại
rất nhiều cho thân mình, vì nó làm cho con người đi tới độ biện minh việc sử dụng
bất kỳ phương thế nào để đạt tới mục tiêu ấy, thường là nhân danh công lý và sự
minh bạch. Và ở đây tôi nhớ đến một linh mục đã gọi các ký giả đến để kể cho họ
- một điều mà LM này bịa đặt - về những chuyện riêng tư của những linh mục khác
và của giáo dân. LM ấy chỉ muốn được xuất hiện trên những trang nhất của báo
chí, và như thế cảm thấy mình quyền năng và chiến thắng, nhưng tạo ra bao nhiêu
đau khổ cho những người khác và cho Giáo Hội! Thật là kẻ đáng thương!
ĐTC nhận xét rằng những
căn bệnh và cám dỗ ấy cũng là nguy cơ của mỗi Kitô hữu, mỗi giáo xứ, cộng đoàn,
dòng tu, các phong trào Giáo Hội, trên bình diện cá nhân và cộng đoàn.
Ngài mời gọi tất cả mọi
người hãy sống theo chân lý trong sự thật, nhất là trong mùa Giáng Sinh này,
hãy chuẩn bị xưng tội và xin Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội, chữa lành mọi vết thương tội
lỗi mà mỗi người chúng ta mang trong tâm hồn, và xin Mẹ nâng đỡ Giáo Hội và
giáo triều để tất cả được lành mạnh, thánh thiện và thánh hóa, hầu tôn vinh Con
của Mẹ và để cứu độ chúng ta và toàn thế giới.
Sau bài diễn văn, ĐTC đã đích thân đến bắt tay
chúc mừng các Hồng Y đứng thành hình vòng cung ở sảnh đường Clemente trong dinh
Tông Tòa,
và tiếp đến, các GM cũng như các giám chức,
các LM khác và các giáo dân ở vị trí lãnh đạo, đến trước ĐTC để chúc mừng và bắt
tay ngài.
G. Trần Đức Anh OP