Cuba vùng đất đối đầu
giữa hai cường quốc
vi.radiovaticana.va/2015-01-06
16:58:01 – Ngày 17 tháng 12 vừa
qua Hoa Kỳ đã tuyên bố bình thường hóa ngoại giao với Cuba sau hơn nửa thế kỷ
đoạn tuyệt, thù nghịch và cấm vận. Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul
Castro đã hầu như đồng thời công bố tin này trên đài truyền hình quốc gia sau
cuộc điện đàm kéo dài 45 phút.
Tổng thống Obama nói: “Kể
từ nay các tương quan giữa nhân dân Hoa Kỳ và nhân dân Cuba thay đổi. Một
chương mới trong lịch sử của châu Mỹ được mở ra… Với niềm hãnh diện trong 50
năm qua Hoa Kỳ đã ủng hộ nền dân chủ và các quyền con người tại Cuba. Chúng ta
đã làm điều đó trước hết với các hoạt động của chính quyền nhằm cô lập Cuba, và
cả khi các đường lối chính trị này đâm rễ sâu trong các ý hướng tốt lành nhất,
đã không có quốc gia nào liên kết với chúng ta trong việc đưa ra các cấm vận,
và chúng đã đạt ít kết qủa, ngoài việc cung cấp cho chính quyền Cuba một cớ để
áp đặt các hạn chế trên chính nhân dân của họ…”.
Nhiều người trong giới
truyền thông cho rằng đây là một biến cố lịch sử, vì bức tường cuối cùng ghi dấu
sự chia rẽ thế giới thành hai khối Đông Tây, đã sụp đổ. Từ thế thù địch Cuba lại
trở thành bạn của Hoa Kỳ. Thật vậy, người ta còn nhớ cuộc khủng hoàng ngoại
giao giữa Hoa Kỳ và Cuba đã bắt đầu năm 1960, khi Fidel Castro lên nắm quyền và
quốc hữu hóa kỹ nghệ, khiến cho các doanh thương Mỹ mất các nhà máy lọc đường
cũng như nhiều sòng bạc và cơ sở kinh doanh khác. Ngày 16 tháng 4 năm 1961 thống
John Kennedy ủng hộ việc đổ quân Mỹ lên Vịnh Heo để tổ chức các lực lượng chống
cách mạng, nhưng thất bại. Sự thất bại của chiến dịch này khiến cho Cuba ngả
theo Liên Xô. Ngày 25 tháng 4 năm 1961 Hoa Kỳ ra lệnh cấm vận Cuba toàn diện,
khiến cho Cuba lại càng tùy thuộc Liên Xô về mặt kinh tế hơn nữa. Năm sau đó vụ
Liên Xô đặt các dàn hỏa tiễn nguyên tử trên đảo Cuba gây ra cuộc khủng hoảng giữa
hai cường quốc. Trước các phản ứng cứng rắn của tổng thống Kennedy, Liên Xô đã
phải rút các hỏa tiễn nguyên tử về nước, tránh cho thế giới rơi vào nguy cơ của
một cuộc chiến nguyên tử.
Trong thời chiến tranh
lạnh Cuba đã luôn luôn là một cái gai chọc vào hông Hoa Kỳ. Và ngay cả sau khi
Liên Xô sụp đổ, trong 20 năm qua, Cuba đã giữ một vai trò quan trọng trong việc
ngăn chận ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên các nước châu Mỹ Latinh. Biến cố tổng thống
Hugo Chavez nắm quyền và “cuộc cách mạng Bolivariana” bên Venezuela đã làm nảy
sinh “Trục các quốc gia châu Mỹ Latinh” liên kết các nước Cuba, Venezuela,
Bolivia, Nicaragua, Uruguay, và cả Argentina và Peru nữa, chống lại sư thống trị
kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ.
Biến cố chế độ cộng sản
Liên Xô sụp đổ hồi thập niên 1990 khiến cho Cuba lún sâu vào cuộc khủng hoảng
kinh tế rất trầm trọng. Năm 2001 tổng thống Putin quyết định đóng cửa căn cứ
Lourdes bên Cuba, vì cho rằng nó thừa thãi vô ích trước các tương quan tốt đẹp
và bầu khí giãn xả giữa Hoa Kỳ và Liên Bang Nga. Hai bên đã ký kết một loạt các
thỏa hiệp giảm các vũ khí chiến lược. Tổng Thống George Bush tuyên bố thời kỳ
chiến tranh lạnh đã chấm dứt và ông dấn thân thiết lập một tương quan cộng tác
mới và trong sáng với Liên Bang Nga. Ông cam đoan Hoa Kỳ sẽ không bao giờ đặt hệ
thống hỏa tiễn nguyên tử tại các nước cựu Đông Âu, cũng như lợi dụng việc giải
tán Khối Varsava để thành lập các căn cứ quân sự của khối Nato gần biên giới
Nga. Dựa trên thỏa hiệp miệng đó chính quyền Matscơva đã đóng của hai căn cứ
quân sự tại Lourdes bên Cuba và Cam Ranh bên Việt Nam.
Tuy nhiên, trong một
diễn văn năm 2012 tổng thống Putin đã tố cáo Hoa Kỳ không giữ lời hứa, trái lại
đã tạo thành một vòng vây Liên Bang Nga, bằng cách lôi cuốn vào cuộc cả các nước
vùng Trung Âu, Baltic, Ucraina và Caucaso nữa… Vì thế ông nói: “Câu trả lời duy
nhất cho sự kiện này có thể là một sự bành trướng không cân xứng sự hiện diện
quân sự của Nga tại nước ngoài, nhất là tại Cuba, vì ở đây có các vị trí thiên
nhiên thích hợp cho các tầu quan sát điện tử và tầu chiến của chúng ta, một hệ
thống các sân bay và căn cứ yểm trợ. Với sự đồng ý hoàn toàn của chính quyền Cuba
ngày 11 tháng 5 năm nay 2012 nước ta đã bắt đầu việc tái lập trung tâm điện tử
tại Loudes và căn cứ hậu cần cho Thủy quân Nga. Hoa Kỳ đã không muốn hoạt động
theo tình hữu nghị, thì giờ đây họ phải gánh lấy các hậu quả”.
Đây là lý do giải
thích tại sao ngày 21 tháng 7 năm 2012 Đề đốc Nga Victor Chirkov chỉ huy Thủy
quân Nga, đã tuyên bố là Nga đang hoạt động trên bình diện quốc tế để thành lập
các trung tâm phối hợp cho thủy quân Nga tại căn cứ Lourdes bên Cuba, trên quần
đảo Seychelles và căn cứ Cam Ranh bên Việt Nam. Lourdes và Cam Ranh đã là hai
căn cứ quân sự lớn nhất của Cựu Liên Xô, và căn cứ Lourdes chỉ cách Hoa Kỳ 180
cây số. Và qủa thế hồi tháng 7 năm 2014 Liên Bang Nga và Cuba đã ký thoả hiệp mở
lại căn cứ quân sự tại Lourdes cho tình báo và quân đội Nga hoạt động.
Ngoài ra, cũng không
được quên các căng thẳng hiện có giữa Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu châu và Nga, sau vụ
tổng thống Putin yểm trợ và cung cấp khí giới cho phe nổi loạn bên Ucraina và
cho quân Nga tiến chiếm Crimea. Cuộc khủng hoảng tại Ucraina khiến cho Hoa Kỳ
và khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột bên Âu
châu, bắt đầu bằng cuộc chiến kinh tế và dầu hỏa nhằm bao vây và cô lập hóa
Liên Bang Nga. Chiến thuật gây áp lực này của Hoa Kỳ vô cùng nguy hiểm, vì có thể
châm ngòi cho một cuộc chiến với một kẻ thù có căn cứ quân sự chỉ cách bờ biển
Florida 90 dặm.
Các động thái của Nga
muốn trở lại Cuba để kèm chân Hoa Kỳ chắc chắn đã là lý do chính khiến cho tổng
thống Barack Obama bất thình lình tuyên bố tái lập liên lạc ngoại giao với
Cuba, mở của tòa đại sứ, bỏ cấm vận và viện trợ cho Cuba. Tuy mới ký thỏa hiệp
cho Nga tái sủ dụng căn cứ quân sự tại Lourdes, nhưng suy đi nghĩ lại Cuba thấy
đi với Mỹ vẫn có lợi và an toàn hơn đi với Nga, nên đành “bán anh em xa, mua láng
giềng gần”. Và thế là tổng thống Barack Obama trổ tài “nhanh tay lẹ con mắt” hớt
tay trên của tổng thống Vladimir Putin. Rốt cuộc Cuba lại tiếp tục là vùng đất
đối đầu giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Liên Bang Nga.
Linh Tiến Khải