Tin Tức Giáo Hội Công Giáo – Bản tin tổng hợp ngày
04.03.2015
1.Đức
Hồng Y Parolin sẽ viếng thăm Belarus
Từ ngày 12 tới ngày
15 tháng 03 này, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, sẽ công du
tới Belarus. Hội Đồng Giám Mục Belarus đã thông báo như thế vào ngày thứ Tư hôm
nay. Tuy nhiên, cho tới lúc này cũng vẫn chưa có thông báo chính thức từ phía Tòa
Thánh Vatican. Theo thông báo của Hội Đồng Giám Mục Belarus, những cuộc gặp gỡ
của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh với các đại diện của chính phủ cũng như với các
Giám Mục Công Giáo tại Belarus, đều đã được trù liệu sẵn. Theo chương trình, Đức
Hồng Y Quốc Vụ Khanh cũng sẽ có một cuộc gặp gỡ với tổng thống Aleksander
Lukaschenko.
Ngoài ra, việc đến
làm phép cho viên đá đầu tiên để xây dựng mới tòa nhà Khâm Sứ tại thủ đô Minsk
cũng nằm trong chương trình của Đức Hồng Y Parolin. Bên cạnh đó, Ngài cũng sẽ
có cuộc gặp gỡ với vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội Chính Thống tại Belarus, đó
là Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Pawel.
Trong số xấp xỉ gần
mười triệu công dân Belarus, có khoảng 1,5 triệu tín hữu Công Giáo. Sau Giáo hội
Chính Thống, Giáo hội Công Giáo có số tín hữu đông thứ hai tại quốc gia cựu
sô-viết này.
Vào năm 2008, tổng
thống Lukaschenko đã thống nhất với Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh hồi đó là Tarcisio
Bertone, về việc sẽ thực hiện các cuộc đàm phán liên quan tới một hiệp định cấp
nhà nước giữa Belarus và Tòa Thánh. Tuy nhiên, những cuộc thảo luận về vấn đề
đó xem ra vẫn còn đang bị ngưng trệ. Cho tới nay, một hiệp ước vẫn chưa được ký
kết giữa hai bên, và cũng vẫn chưa có cái mà Hội Đồng Giám Mục Belarus gọi là một
bản giao kèo như là đề tài trong chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y Parolin tại
Minsk.
(kap 04.03.2015 no)
2.Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Neapel
Vào
ngày 21 tháng 03 tới đây, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô sẽ lên đường để đến Neapel.
Cụ thể là Ngài sẽ đến viếng thăm trung tâm Camorra Scampia. Đây là trung tâm nằm
ở khu vực phía Bắc của Neapel, và khét tiếng như là một điểm nóng trên toàn nước
Ý, cũng như có một tỉ lệ tội phạm rất cao.
Chuyến
viếng thăm này của Đức Thánh Cha chỉ kéo dài trong vòng một ngày. Theo lịch
trình đã được Tòa Thánh Công bố hôm nay thì vào sáng sớm ngày 21 tháng 03, Đức
Thánh Cha sẽ khởi hành với máy bay trực thăng từ Vatican. Trước khi đến
Scampia, Đức Thánh Cha sẽ đáp xuống Thánh Địa Đức Mẹ tại Pompeji, gần khu khảo
cổ. Đây là điểm hành hương kính Đức Mẹ Mân Côi, và là một Thánh Địa có tầm quan
trọng nhất đối với toàn nước Ý, được quản lý trực tiếp bởi Tòa Thánh Vatican. Đức
Thánh Cha sẽ cử hành một giờ cầu nguyện ngắn tại Vương Cung Thánh Đường của
Thánh Địa này.
Vào lúc
09g30, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ dân chúng tại khu vực phía trước những tòa tháp
cao thuộc vùng ngoại ô của Scampia. Trong cuộc gặp gỡ này cũng có sự hiện diện
của các viên chức chính quyền và của giới lao động. Đức Thánh Cha sẽ đọc một
bài diễn văn tại đó.
Vào lúc
11g00, Đức Thánh Cha sẽ cử hành một Thánh Lễ tại Piazza Plebiscito, nơi được
coi như là con tim của Neapel. Sau đó, Ngài sẽ đến thăm một nhà tù tại quận
Poggioreale, và sẽ dùng bữa trưa tại đó với các tù nhân.
Vào lúc
15g00, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các Linh Mục của Tổng Giáo Phận Neapel tại Nhà
Thờ Chính Tòa của Tổng Giáo Phận này. Tại đây, Đức Thánh Cha cũng sẽ cử hành một
nghi thức tôn kính Thánh Tích của Thánh Januarius – vị Bổn Mạng của Tổng Giáo
Phận.
Sau đó,
Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các bệnh nhân tại Vương Cung Thánh Đường Gesu Nuovo.
Vào lúc
17g00, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ giới trẻ Caracciolo.
Sau cuộc
gặp gỡ với giới trẻ, Đức Thánh Cha sẽ lên máy bay trực thăng để bay về lại
Vatican. Cứ sự thường, vào khoảng 19g00, Đức Thánh Cha sẽ có mặt tại Thánh Đô của
Giáo hội.
(rv/kap
04.03.2015 no)
3.Đức Thánh Cha gặp gỡ các Giám Mục Syria, Irak và Ucraina
Vào
sáng thứ Tư hôm nay, tại Vatican, trước khi diễn ra cuộc hội kiến chung, Đức
Thánh Cha Phan-xi-cô đã đón tiếp các Đức Giám Mục đến từ Syria, từ Irak, từ
Ucraina, và từ khoảng ba chục quốc gia khác. Như Tòa Thánh đã loan tin, đây là
phái đoàn gồm 60 vị Giám Mục, các Ngài đều là những cộng tác viên hay những người
thân hữu của phong trào Focolare. Hiện tại, các Ngài đang họp tại Castel
Gandolfo với đề tài: „Bí Tích Thánh Thể, Mầu Nhiệm Hiệp Thông“. Đức Thánh Cha
đã nói với các Ngài như sau:
„Trước hết, Cha xin cám ơn anh em – hỡi những
người anh em của Cha đến từ những vùng đất đang bị tẩm ướt bởi máu, từ Syria, từ
Irak và từ Ucraina. Trong thời gian vô cùng đau khổ này, tức những đau khổ mà
nhiều người trong những quốc gia của anh em đang phải gánh chịu, anh em đã
không đánh mất niềm hy vọng vào sự hiệp nhất của Bí Tích Thánh Thể, nhưng còn
có sức mạnh để tiến về phía trước, hầu hiệp nhất trong Đức Tin và trong niềm hy
vọng. Trong mỗi Thánh Lễ hằng ngày vào buổi sáng, chúng tôi đều hiệp thông với
anh em và cầu nguyện cho anh em. Và từ đó chúng tôi cũng rút được sức mạnh cho
những sáng kiến dành cho các Giáo hội của anh em.“
Trong
bàn diễn văn dành cho các Đức Giám Mục, Đức Thánh Cha đã cổ võ cho „sự hiệp nhất của Bí Tích Thánh Thể“. „Giao Ước Hiệp Nhất“ chính là nền tảng
căn bản cho những hành động của mọi thành viên thuộc phong trào Focolare – Đức
Thánh Cha bổ sung. Giao ước này được ký kết trong lúc lãnh nhận Bí Tích Thánh
Thể, và làm sáng tỏ rằng, chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể đem đến sự hiệp nhất.
Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh, nếu không có sự hiệp nhất, Bí Tích Thánh Thể sẽ
đánh mất đi „thần tính“ của mình, và sẽ giản lược hóa thành một động cơ tâm lý
học và xã hội học thuần túy nhân loại.
„Giám mục là nguyên lý của sự hiệp nhất trong
Giáo hội. Nhưng điều ấy sẽ không hiện hữu nếu không có Bí Tích Thánh Thể: Giám
mục không quy tụ dân chúng chung quanh cá nhân mình, hay chung quanh những ý tưởng
riêng của mình, nhưng là chung quanh Chúa Ki-tô.“
(rv
04.03.2015 no)
4.Ba Kiểm Toán Viên đối với vấn đề tài chánh của Tòa Thánh Vatican
Trong
tương lai, sẽ không chỉ có một nhưng có tới ba Kiểm Toán Viên sẽ kiểm soát về
tình hình tài chánh của Tòa Thánh Vatican. Điều này là kết quả từ những quy tắc
mới đối với văn phòng của Tổng Kiểm Toán Viên tại Vatican, mà giờ đây chúng đã
được công bố trên trang Internet của Tòa Thánh Vatican. Tất cả ba bản quy chế đều
có hiệu lực từ ngày mồng 01 tháng 03 năm 2015. Chúng liên quan tới văn phòng của
vị Tổng Kiểm Toán Viên, tới Ban Thư Ký Kinh Tế Tòa Thánh, và tới Hội Đồng Kinh
Tế Tòa Thánh. Những quy chế vừa nêu đã được ký tên bởi Đức Thánh Cha
Phan-xi-cô, và đã được biên soạn theo hình thức một „Motu proprio“ (Tư Sắc), tức
một văn bản ngang luật mà các Đức Giáo Hoàng vẫn ban hành theo những „lý do
riêng“.
Nguyên
thủy, chỉ có một vị Tổng Kiểm Toán Viên duy nhất thi hành chức vụ kiểm toán
viên kinh tế tại Tòa Thánh Vatican. Nhưng sau khi có cuộc thanh tra của Ủy Ban
Giáo Hoàng về các văn bản luật, lời đề nghị đặt hai nhân viên về phía Văn Phòng
Kiểm Toán, mới bất thần xuất hiện. Những bổ nhiệm trong lãnh vực này vẫn chưa
được tiến hành.
Đức Hồng
Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục München, đang là người lãnh đạo của Hội Đồng
Kinh Tế Tòa Thánh Vatican, và Hội Đồng này đã được thiết lập bởi Đức Đương Kim
Giáo Hoàng. Theo quy chế, Hội Đồng này sẽ có tất cả 15 thành viên, gồm 8 Đức Hồng
Y hoặc Giám Mục và bảy Giáo dân có chuyên môn về kinh tế, đến từ nhiều quốc
gia. Tất cả đều có quyền bỏ phiếu quyết định trong Hội Đồng này. Một vị thư ký
sẽ được liên kết với Đức Hồng Y điều phối viên và với vị đại diện của Ngài. Vị
thư ký này sẽ được bổ nhiệm cho 5 năm bởi Đức Thánh Cha. Ban Thư Ký của Đức Hồng
Y và vị chủ tịch của Ban Thư Ký Kinh Tế sẽ tham dự các buổi họp của Hội Đồng
Kinh Tế, nhưng không có quyền bỏ phiếu quyết định. Với tư cách là cơ quan độc lập,
Hội Đồng này sẽ ấn định về chính sách kinh tế và tài chánh của Tòa Thánh, và
thường xuyên bổ sung cho chúng. Vì thế, cơ quan điều hành của Hội Đồng này
chính là Ban Thư Ký Kinh Tế của Tòa Thánh, Ban này được thành lập vào tháng 02
năm 2014, và được lãnh đạo bởi Đức Hồng Y George Pell. Ngài là người Úc và hiện
đang làm việc trong Giáo Triều. Ban thư ký có hai bộ phận: một để kiểm soát và
thanh tra các hoạt động kinh tế tại Vatican, và một để quản lý các tài sản kinh
tế. Mỗi năm, Ban Thư Ký Kinh Tế sẽ phải báo cáo về những hoạt động của mình cho
Hội Đồng Kinh Tế.
Văn
phòng của Tổng Kiểm Toán Viên sẽ kiểm soát về tài chánh của tất cả các cơ quan
thuộc Giáo Triều Rô-ma, của những cơ quan được liên kết với Tòa Thánh, và của
các ban quản lý thuộc quốc gia Vatican. Điều này cũng bao gồm việc làm cho Hội
Đồng Kinh Tế cũng như Ban Thư Ký Kinh Tế chú ý đến những điều bất thường có thể
có trong các cơ quan và các văn phòng.
(rv/efe/ansa
03.03.2015 mg/sk)
5.INDONESIA:
Truyền Giáo trong Mùa Chay tại vùng ngoại vi của Jakarta
Jakarta (Fides) – Đối
với các tín hữu tại Jakarta, Mùa Chay chính là thời gian thuận lợi để thi hành
sứ vụ truyền giáo tại vùng ngoại vi. Như hãng tin Fides đã đưa tin, các cộng
đoàn thuộc Tổng Giáo Phận Jakarta – từ những Giáo xứ lớn nhất tới những Giáo xứ
nhỏ nhất, từ những Cộng Đoàn Dòng Tu tới những hiệp hội Giáo dân – trong những
cố gắng đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô – đã bắt đầu thực hiện
một công tác mục vụ đặc biệt nhằm mang Tin Mừng đến với những nơi mà sự nghèo hèn túng quẫn cũng như sự loại trừ
đang thống trị.
Việc truyền giáo tại
vùng ngoại vi chính là đề tài trung tâm của lá thư mục vụ mà Đức Tổng Giám Mục
Jakarta – tức Đức Cha S.E. Mons. Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo – đã công bố
nhân dịp Mùa Chay. Lá thư này đã được Ngài gửi tới tất cả mọi Cộng Đoàn trong Tổng
Giáo Phận. Trong lá thư đó, Đức Tổng Giám Mục đã xin mọi người cầu nguyện „để mỗi người trong chúng ta, các gia đình và
các Cộng Đoàn của chúng ta càng ngày càng trở nên tốt lành và chu đáo hơn“,
và khích lệ các tín hữu „sống sự tốt lành
đó.“
Mùa Chay chính là „thời gian dành để thực hiện cuộc hành hương
thiêng liêng, mà cuộc hành hương này càng đầy ý nghĩa bao nhiêu thì nó càng được
ghi dấu ấn bởi sự cầu nguyện bấy nhiêu, và lời cầu nguyện cho phép thu hoạch những
hoa trái của ơn cứu độ đới với sự sống mới, tức sự sống mà Thiên Chúa đã ban tặng
chúng ta, và được thực hiện trong tất cả hầu đạt tới được vinh quang của Thiên
Chúa“ – Đức tổng Giám Mục Suharyo viết.
Vị Tổng Giám Mục
này cũng đã suy tư về „tính năng động của
Bí Tích Thánh Thể“, và đã giới thiệu Bí Tích ấy như là mô hình của mỗi người
tín hữu: Giống như Chúa Ki-tô – „Tấm Bánh
được bẻ ra“, tấm bánh được dành cho các môn đệ làm lương thực, thì bất cứ một
Ki-tô hữu nào cũng vậy, họ được kêu gọi „trở
nên một tấm bánh“, bằng cách là họ trao hiến chính bản thân mình cho cuộc sống
của tha nhân; và trước hết là đồng hành với „những người mắc bệnh phong hủi trong thời đại chúng ta“, những người
bị đối xử bất công trong thời đại hôm nay, những người bị loại ra ngoài, những
người bị bỏ rơi, những người đau khổ túng quẫn, và các nạn nhân của nạn buôn
người cũng như của nạn kỳ thị, và rồi giúp đỡ họ. (PA)
(Fides 27/2/2015)
Minh An – tổng hợp