ĐHY Parolin: quốc tế ít chú ý đến Siria, Irak, Ucraina
ROMA. ĐHY
Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, than phiền cộng đồng quốc tế có phần dửng
dưng đối với các cuộc xung đột tại Siria, Irak và Ucraina.
Trong cuộc phỏng
vấn dành cho giới báo chí hôm 11-3-2015 ở Roma, ĐHY Parolin nói: “Rất tiếc là
người ta quen với những tình trạng xung đột ấy, đúng vậy, tôi tin là có sự dửng
dưng phần nào, cả cuộc xung đột ở Siria tiếp tục tàn hại nhưng không còn thu
hút sự chú ý như đã có thể lúc ban đầu. Và đó là nguy hiểm lớn nhất: người ta
quên lãng các cuộc chiến tranh và những tình trạng xung đột ấy ngày càng trở
nên khó chữa trị và chúng tiếp tục gây ra nhiều đau khổ lớn lao. Cần tiếp tục
quan tâm và cảnh giác, đề ra những sáng kiến có thể giúp giải quyết, mặc dù nhiều
sáng kiến không đạt tới những mục tiêu ta nhắm tới”.
ĐHY Quốc vụ
khanh Tòa Thánh cũng phê bình tình trạng sa lầy trong việc cải tổ LHQ và nói rằng:
“Cho đến nay người ta chỉ ghi nhận bối cảnh thế giới đã thay đổi và không có những
tác nhân như trước đây, nhưng người ta vẫn chưa tìm được giải pháp hoặc không
quyết định và không chấp nhận các giải pháp cải tổ LHQ; chúng tôi tiếp tục nhấn
mạnh về điểm này mỗi khi có thể. Nhưng dầu sao LHQ vẫn là một phương tiện có
giá trị để đương đầu với các cuộc khủng hoảng, chúng tôi vẫn luôn nói và tin điều
đó, nhưng cần có một LHQ được canh tân đối với thực tại mới chúng ta đang gặp
phải”.
Trả lời câu hỏi
về tương quan giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, ĐHY Parolin nhìn nhận “có những tiếp
xúc đang tiến hành và có ý muốn đối thoại, một cuộc đối thoại có những nhịp độ
và thời gian, và chúng tôi hy vọng nó có thể mang lại vài kết quả. Nhưng tôi muốn
nói rằng về những điều mà báo chí đăng tải, không có gì mới mẻ đáng kể. Có ý muốn
đối thoại và có vài tiếp xúc, và chúng tôi hy vọng nó có thể được cụ thể hóa một
cách rõ ràng và có tổ chức hơn”.
ĐHY Parolin đã
trả lời câu hỏi của giới báo chí bên lề buổi thuyết trình của ngài tại Đại học
Giáo Hoàng Gregoriana ở Roma về đề tài “Hòa bình: hồng ân của Thiên Chúa, trách
nhiệm của con người, sự dấn thân của các tín hữu Kitô”.
Trong bài thuyết
trình, ĐHY nói đến vai trò của các vị Tòa Sứ Thần Tòa Thánh và hoạt động ngoại
giao của các vị Giáo Hoàng, đặc biệt trong thời đại tân thời. Ngài cũng nhấn mạnh
đến sự dấn thân của Tòa Thánh trong việc bảo vệ các tín hữu Kitô, tuy rằng “sự
bảo vệ này phải được thi hành đối với những nạn nhân của các cuộc xung đột, trước
khi để ý đến họ thuộc một cộng đồng tôn giáo nào”. Tòa Thánh dấn thân 'củng cố
công pháp quốc tế về nhân đạo' trong những tình trạng xung đột.
ĐHY Parolin
minh xác rằng việc sử dụng võ lực phải được coi như giải pháp cuối cùng, và
càng ngày càng cần phải hoạt động để “phòng ngừa chiến tranh” qua những phương
thế như thương thuyết, đối thoại, điều đình. Trong bối cảnh này, ĐHY cầu mong
trong tiến trình cải tổ giáo triều Roma, cần thiết lập một văn phòng về sự
trung gian của Đức Giáo Hoàng, như một phương tiện có thể đặc biệt hữu ích trong
các cuộc thương thảo quốc tế” (Vat. Ins. 11-3-2015)
G. Trần Đức Anh
OP (vi.radiovaticana.va/12/03/2015 13:53)