Nói có với sự chuyển động, và nói không với óc bè phái – Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 08.05.2015

 

Chúa Thánh Thần là Đấng quan tâm tới „sự chuyển động“ trong Giáo hội: Ngài đã xuất hiện ngay từ lúc ban đầu để chế ngự „sự hỗn mang“, nhưng Ngài luôn luôn đưa đến „sự hiệp nhất“ giữa các Ki-tô hữu – với điều kiện là người ta phải quỳ gối xuống cầu xin Ngài, và phải cầu xin trong tinh thần đối thoại. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Sáu hôm nay tại nguyện đường Thánh Mác-ta. Ngài đã nhắc tới Đại Lễ kính Đức Trinh Nữ Maria Luján – Nữ Bổn Mạng của đất nước Argentina, quê hương của Ngài, và Ngài đã cử hành Thánh Lễ này – như Ngài nói – cho người Argentina.

Tuy nhiên, trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha lại không hề đề cập gì tới người Argentina – thay vào đó, Ngài lại giải thích về Bài Đọc I được trích từ sách Công Vụ Tông Đồ, chương 15, tường thuật về Công Đồng Giê-ru-sa-lem đầu tiên – một Công Đồng nổi tiếng, do chính các Tông Đồ triệu tập. Vào tháng 10 năm ngoái, chính Đức Thánh Cha cũng đã yêu cầu các nghị phụ của Thượng Hồi Đồng Giám Mục tại Rô-ma phải phát biểu cách „cởi mở“. Và hôm nay, chính Đức Thánh Cha cũng ca ngợi cách thế mà các Tông Đồ đã giải quyết những vấn đề đang còn gây tranh cãi liên quan đến việc truyền giáo cho dân ngoại.

Các Ngài đã giải quyết vấn đề như thế nào? Các Ngài đã họp nhau lại, và mỗi Ngài đều đưa ra những nhận xét cũng như những ý kiến của mình. Các Ngài thảo luận với nhau với tư cách là những người anh em chứ không phải như những kẻ thù. Các Ngài không có kết bè kết phái ở bên ngoài để thắng thế; các Ngài không đi đến những cơ quan dân sự để đạt thắng lợi, các Ngài không truy sát bất cứ ai để chiến thắng – các Ngài kiếm tìm con đường cầu nguyện và đối thoại. Lúc đầu, các Ngài thực sự là hai phe đối kháng nhau, nhưng các Ngài đối thoại với nhau và hiệp nhất với nhau. Đó là công việc của Chúa Thánh Thần!

Rốt cuộc, quyết định cuối cùng đã đạt được sự đồng thuận – Đức Thánh Cha nói. Một bức thư chung đã được công bố tại Giê-ru-sa-lem để giúp các tân Ki-tô hữu tại Antiochia đạt tới được sự đồng tâm hiệp ý.

Một Giáo hội mà trong đó không bao giờ có những vấn đề thuộc loại này thì sẽ làm cho Cha nghĩ rằng, Chúa Thánh Thần không hiện diện trong đó. Và trong một Giáo hội, nơi luôn luôn có những gây lộn, và có những bè nhóm, cũng như có những người anh em lừa bịp lẫn nhau, thì cũng không có Chúa Thánh Thần ở đó! Chúa Thánh Thần chính là Đấng tác tạo nên những điều mới mẻ, Ngài mang tình hình vào trong sự chuyển động, để người ta có thể tiến về phía trước; Ngài tạo ra không gian mới, Ngài đánh thức sự khôn ngoan mà Chúa Giê- su đã nói với những lời: ´Ngài sẽ dầy dỗ anh em về tất cả mọi sự`. Ngài đặt điều đó vào trong sự chuyển động, nhưng vào lúc cuối, Ngài cũng đem tới sự hiệp nhất giữa tất cả.

Một câu trong bức thư của Công Đồng Giê-ru-sa-lem đã khơi lên mối quan tâm của Đức Thánh Cha một cách đặc biệt – và cụ thể, đó là câu: „Chúa Thánh Thần và chúng tôi cùng quyết định“. Ở đây cho thấy một điều rõ ràng rằng, vấn đề không chỉ đơn giản là sự thiện chí, nhưng thực ra, còn là một sự can thiệp của Chúa Thánh Thần:

Đó là điều mà bức thư này dậy cho chúng ta hôm nay, điều mà Công Đồng đại kết đầu tiên dậy chúng ta. ´Chúa Thánh Thần và chúng tôi cùng quyết định` - đó là một công thức, khi Chúa Thánh Thần làm cho tất cả chúng ta trở nên đồng tâm nhất trí với nhau. Giờ đây chúng ta hãy cầu nguyện cùng với Chúa Giê-su, xin Ngài luôn luôn gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta – đến với tất cả chúng ta, đến với từng người một trong chúng ta. Cũng xin Chúa Giê-su sai Chúa Thánh Thần đến với Giáo hội, và xin Ngài làm cho Giáo hội hiểu được việc phải trung thành với những chuyển động mà Chúa Thánh Thần gợi lên!

 

(rv 08.05.2015 sk)

 

Đam Trần

 




                                   
Về Trang Mục Lục