Hai văn bằng tiến sĩ danh dự
cho Đức Biển Đức 16
CASTEL
GANDOLFO. Sáng 4-7-2015, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã được trao tặng 2
văn bằng tiến sĩ danh dự từ Ba Lan.
Bằng thứ I của
Học Viện thánh nhạc và bằng thứ II của Đại học Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, cả
hai đều ở thành phố Cracovia bên Ba Lan.
Từ lâu Đức Biển
Đức 16 cho biết ngài không nhận các văn bằng danh dự do các đại học trao tặng,
nhưng ngài chấp nhận thi hành luật trừ trong trường hợp này vì mối liên hệ đặc
biệt với Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2.
Hiện diện tại
buổi trao tặng văn bằng tại dinh thự Giáo Hoàng ở Castel Gandolfo có các chức sắc
và giáo sư của Học viện và Đại học liên hệ.
ĐHY
Stanislaw Dziwisz TGM Cracovia, trong tư cách là Đại chưởng ấn của hai cơ sở
giáo dục Công Giáo nói trên, đã trao hai Văn bằng tiến sĩ danh dự và nói đề
lòng gắn bó đặc biệt của Đức nguyên Giáo Hoàng với Cracovia. ĐHY nói: “Chúng
con không quên những lời ngài đã nói ngày 28-5-2006 khi viếng Cracovia: “Cracovia
của Đức Karol Wojtila và Cracovia của Đức Gioan Phaolô 2, cũng là Cracovia của
tôi”.
Trong diễn từ tại
buổi nhận Văn bằng, Đức Biển Đức 16 cho biết qua cử chỉ này, liên hệ của ngài với
Ba Lan, với Cracovia càng sâu đậm hơn, liên hệ với quê hương của vị đại thánh của
chúng ta Gioan Phaolô 2. Vì không có người, thì hành trình linh đạo và thần học
của tôi cũng không thể tưởng tượng được. Qua tấm gương sinh động, Ngài cũng chỉ
cho chúng ta thấy làm sao có thể đi song song giữa niềm vui của thánh nhạc và
nghĩa vụ chung phải tham gia phụng vụ thánh, niềm vui long trọng và sự đơn sơ của
sự cử hành đức tin”.
Đức nguyên Giáo Hoàng cũng nói đến sự kiện do
sự hiểu sai Công đồng chung Vatican 2, nhiều người đã làm mất kho tàng thánh nhạc
long trọng trong phụng vụ. Trong Hiến chế về phụng vụ, đoạn số 114, Công đồng dạy
rằng “cần hết sức bảo tồn và tăng cường gia sản thánh nhạc”. Phong trào phụng vụ
sau đó cho rằng các tác phẩm lớn về thánh nhạc chỉ nên dành cho các phòng hòa
nhạc chứ không nên dùng trong phụng vụ. Trong phụng vụ chỉ nên có những thánh
ca và kinh nguyện thường của giáo dân. Từ đó người ta nhận thấy có sự nghèo nàn
văn hóa trong Giáo Hội. (SD 4-7-2015)
G. Trần Đức Anh
OP (vi.radiovaticana.va/news/04/07/2015 15:48)