Cha Lombardi và sinh hoạt của Đức Thánh Cha ngày 7-7-2015
Thứ ba 7-7-2015
là ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm mục vụ của ĐTC tại Ecuador. Ban sáng
ngài đến “Công viên 200 năm”, rộng 125 hécta, ở thủ đô Quito, cách tòa Sứ Thần
11 cây số để gặp gỡ 40 GM thuộc HĐGM Ecuador, trước khi cử hành thánh lễ cho
khoảng 1 triệu rưỡi tín hữu vào lúc 10 giờ rưỡi cũng tại Công viên này, với chủ
đề là việc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc.
Ban chiều vào
lúc 4 giờ rưỡi, ĐTC đã gặp gỡ giới học đường và đại học tại Đại học Công Giáo
Ecuador. Sau đó lúc 6 giờ, ngài gặp xã hội dân sự ở nhà thờ thánh Phanxicô là
thánh đường cổ kính nhất của Mỹ châu la tinh, thuộc khu trung tâm lịch sử của
thành Quito. Sau cùng ĐTC viếng thăm thánh đường của dòng Tên, “Iglesia de la
Compania”. Nhà thờ này được xây từ năm 1606 và có bức ảnh baroc nổi tiếng năm
ngoái có 150 ngàn người đến viếng.
Ký giả Mario
Galgano, thuộc ban tiếng Đức, đài Vatican, đã phỏng vấn Cha Federico Lombardi,
SJ, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh và cũng là Tổng giám đốc Đài Vatican:
H. Tình trạng sức khỏe của ĐTC thế nào, thưa cha?
Lombardi: ĐTC vẫn khỏe mạnh, không phải chỉ vì tôi
phải nói như vậy, nhưng đó là sự thực và vì nếu ai thấy những gì ngài làm thì
không thể không cảm thấy ngưỡng mộ vì nghị lực khác thường của ngài, đặc biệt
khi nhìn ngài ở gần kề, mặc dù bao nhiêu công việc trong ngày, thấy ngài luôn
thanh thản, an bình, tự chủ, quan tâm đến những người ở chung quanh, chú ý đến
cả những chi tiết nhỏ.. quả thực ĐTC tỏ ra có một khả năng sống những giai đoạn
đặc biệt với nhiều công tác như thế, với một khả năng hoàn toàn đương đầu với mọi
khía cạnh của vấn đề.
H. Chương trình hoạt động trong ngày 7-7-2015 của ĐTC rất khẩn
trương: cử hành thánh lễ tại Công viên 200 năm ở thủ đô Quito, gặp gỡ các sinh
viên, nghĩa là giới đại học, rồi giới xã hội của Ecuador.. Đâu là những điểm mạnh
trong ngày thứ ba 7-7 của ĐTC?
Lombardi: Ngày 7-7 này có lợi điểm là diễn ra
hoàn toàn trong cùng một thành phố, vì thế không phải di chuyển xa như trong
ngày 6-7 bằng máy bay, đi tới phi trường và trở về ... Mọi hoạt động trong ngày
thứ ba này đều diễn ra tại thủ đô, vì thế ĐTC có thể thi hành một chương trình
với một loạt những sinh hoạt quan trọng, bắt đầu từ cuộc gặp gỡ với các GM, tuy
là cuộc gặp gỡ riêng nhưng có một tầm quan trọng trong một cuộc viếng thăm mục
vụ trong Giáo Hội, rồi đến thánh lễ đặc biệt tại Công viên kỷ niệm 200 năm độc
lập, thánh lễ được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, không những với nội dung phong phú,
nhưng cả về việc chuẩn bị tinh thần.
Ban chiều ngày
7-7, ĐTC đã có hai biến cố quan trọng: trước tiên là gặp giới giáo dục. Giáo hội
Ecuador rất muốn có cuộc gặp gỡ này với ĐTC để ngài khích lệ nỗ lực giáo dục
qui mô của Giáo hội, nhưng được hội nhập vào trong một thực tại rộng lớn và phức
tạp hơn. Cuộc gặp gỡ này là cơ hội để ĐTC đề cập đến một loạt các vấn đề lớn,
không những liên quan tới giáo dục, nhưng cả những giá trị lớn đang được thông
truyền qua giáo dục, những vấn nạn lớn của thế giới ngày nay. ĐGH đặc biệt nhắc
đến những vấn nạn mà ngài bàn tới trong thông điệp mới đây “Laudato sì”. Những
câu hỏi ấy giúp xếp đặt việc giáo dục, nhắm giúp người trẻ chuẩn bị trả lời cho
các vấn nạn ấy của nhân loại ngày nay, với trách nhiệm của họ và với sự chẩn bị
thích hợp.
H. Về giới văn hóa, dân sự xã hội, trong cuộc gặp gỡ ĐTC đã có một
bài diễn văn rất sâu xa, đề cập đến nhiều đề tài. Có gì gây ấn tượng mạnh nhất
không?
Lombardi. Chắc chắn đó là một bài diễn văn người
ta chờ đợi rất nhiều, vì tình trạng hiện nay của xã hội Ecuador, cũng như nhiều
xã hội khác, đang ở trong tình cảnh khó khăn, với những căng thẳng. Chắc chắn
có một sự tiến bộ rất tích cực ở Ecuador, trong nhiều năm, nhưng cũng có nhiều
vấn đề bỏ ngỏ. Vậy ĐGH có thể góp phần thế nào cho nhân dân Ecuador trong tình
trạng như thế? Đó là một câu hỏi lớn. Và ĐTC, trong tất cả các bài diễn văn của
cuộc viếng thăm ở Ecuador, một cách này hay cách khác, đều chuyển đạt một sứ điệp
đối thoại, liên đới, hướng dẫn việc xây dựng một xã hội hài hòa, bao gồm mọi
người, có thả năng hội nhập tất cả các thành phần khác nhau của xã hội, hội nhập
tinh thần sáng tạo của các thành phần ấy cũng như trách nhiệm của họ, cùng quan
tâm đến công ích của đất nước. Và phương pháp mà ĐTC chọn trong bài diễn văn của
ngài là đi từ kinh nghiệm cụ thể của gia đình, các giá trị gia đình, và nới rộng
các giá trị ấy, từ việc xây dựng gia đình đến xã hội. Vì thế ĐTC đã chỉ một con
đường rất cụ thể để trình bày diễn văn của ngài, tập trung vào những thái độ mà
mỗi người phải có để góp phần tích cực vào tương lai đất nước của mình (SD
8-7-2015)
G. Trần Đức Anh
OP chuyển ý (vi.radiovaticana.va/news/08/07/2015
10:43)