Tường thuật chuyến ĐTC công
du Ecuador, Bolivia và Paraguay
Tường thuật
chuyến viếng thăm mục vụ ba nước Ecuador, Bolivia và Paraguay
** Trong các sinh hoạt ngày thứ
ba viếng thăm Ecuador còn có hai cuộc gặp gỡ khác vào ban chiều: đó là cuộc gặp
gỡ giới sinh viên học sinh tại Đại học công giáo Ecuador và với các đại diện giới
dân sự.
Sau khi dùng bữa trưa và nghỉ
ngơi tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh lúc sau 16 giờ ĐTC đã đi xe papamobil tới Đại học
giáo hoàng công giáo Ecuador cách đó 3 cây số. Hai bên đường đã có rất đông tín
hữu chào đón ĐTC.
Đại học giáo hoàng công giáo
Ecuador được thành lập năm 1946 thuộc tổng giáo phận Quito do các cha Dòng Tên
điều khiển. Đại học gồm 14 học viện và phân khoa gồm Kiến trúc, Quản trị, Sư phạm,
Khoa học, Triết học, Thần học, Khoa học nhân văn, Truyền thông, Văn chương,
Kinh tế, Y tá, Kỹ sư, Luật, Y khoa, Sinh học, Trợ giúp xã hội. Có tất cả 30.000
sinh viên.
Vào thời thực dân Giáo Hội đã
thành lập Đại học San Fulgencio do các cha dòng Agostino điều khiển; đại học
thánh Gregorio do các cha dòng Tên điều khiển cho tới khi các vị bị trục xuất;
và đại học San Tomas do các cha dòng Đa Minh điều khiển.
ĐTC đã được viện trưởng César
Fabián Carrasco Castro tiếp đón trong khuôn viên đại học có chỗ cho 5.000 người.
Sau lời chào của ĐC Alfredo José Espinoza Mateus, GM Loja và là chủ tịch Ủy ban
giáo dục và văn hóa của HĐGM Ecuador, các sinh viên học sinh đã tặng qùa cho
ĐTC. Tiếp đến mọi người đã nghe chứng từ của một nữ sinh viên, một giáo sư và
viện trưởng đại học.
Ngỏ lời trong dịp này ĐTC đã quảng
diễn ý nghĩa của dụ ngôn người gieo giống và lệnh Thiên Chúa truyền cho con người
phải vun trồng và giữ gìn thụ tạo. ĐTC nói:
Thiên Chúa không chỉ ban cho
con người sự sống, nhưng cũng ban cho con người trái đất, thụ tạo. Ngài không
chỉ ban cho con người một người bạn đường và các khả thể vô tận. Nhưng Ngài
cũng đưa ra một lời mời gọi, và trao ban cho con người một sứ mệnh nữa. Ngài mời
gọi họ tham dự vào công trình tạo dựng của Ngài và nói: hãy vun trồng! Ta ban
cho con các hạt giống, trái đất, nước, mặt trời, Ta ban cho con đôi bàn tay và
tay của anh em con. Nó cũng là của con. Nó là một món quà, một ơn, một sự cống
hiến. Nó không phải là cái gì được chiếm hữu, được mua. Nó đi trước chúng
ta và sẽ tiếp nối chúng ta… Thụ tạo là một ơn phải được chia sẻ. Nó là không
gian Thiên Chúa ban cho chúng ta để xây dựng với chúng ta, để xây dựng một “chúng
ta”. Thế giới, lịch sử, thời gian là nơi chúng ta đi xây dựng chúng ta với
Thiên Chúa, với người khác và với trái đất. Cuộc sống của chúng ta luôn dấu ẩn
lời mời gọi này, một lời mời gọi ít nhiều ý thức nhưng tồn tại luôn mãi. Tuy
nhiên, chúng ta ghi nhận một điểm đặc biệt. Trong trình thuật của sách Sáng Thế,
cùng với từ “vun trồng” Thiên Chúa nói ngay một lời khác “giữ gìn”, chăm sóc. Từ
này được hiểu nhờ từ kia. Một bàn tay giơ ra cho một bàn tay khác. Ai không vun
trồng thì không chăm sóc, ai không chăm sóc thì không vun trồng. Chúng ta không
chỉ được mời gọi là phần của công trình sáng tạo bằng cách vun trồng nó, làm
cho nó lớn lên, phát triển nó, nhưng chúng ta cũng được mời gọi chăm sóc, che
chở, giữ gìn nó nữa. Ngày nay lời mời gọi này càng mạnh mẽ hơn nữa. Không phải
chỉ như là một lời nhắn nhủ, nhưng như là một đòi buộc nảy sinh từ “sự dữ mà
chúng ta đã gây ra, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và lạm dùng các tài nguyên
Thiên Chúa đã đặt để trong trái đất. Chúng ta lớn lên và nghĩ rằng chúng ta là
chủ và là kẻ thống trị, được phép cướp bóc nó, vì thế giữa các người nghèo bị bỏ
rơi và đối xử tàn tệ nhất có trái đất của chúng ta bị áp bức và tàn phá”
(Laudato sì, 2).
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:
Có một tương quan giữa cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của mẹ đất, giữa sự
hiện hữu của chúng ta và ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. “Môi sinh nhân bản
và môi sinh thiên nhiên cùng nhau trở nên đồi tệ, và chúng ta không thể đương đầu
với sự suy đồi môi sinh một cách thích hợp, nếu không chú ý tới các lý do có
tương quan với sự suy đồi nhân bản và xã hội” (ibid., 48). Nhưng chúng cũng
nâng đỡ nhau và có thể thay đổi hình dạng. Đó là một tuơng quan giữ gìn một khả
thể của sự rộng mở, thay đổi, của sự sống cũng như của tàn phá và chết chóc.
Có một điều chắc chắn: đó là
chúng ta không thể tiếp tục quay lưng lại với thực tại của mình, với các anh em
mình, với mẹ đất. Chúng ta không được phép không biết điều đang xảy ra chung
quanh chúng ta, làm như thể là các tình trạng xác định không hiện hữu hay không
liên quan gì tói thực tại của chúng ta. Một lần nữa câu Thiên Chúa hỏi lại vang
lên: “Em ngươi đâu?”. Tôi tự hỏi không biết câu trả lời của chúng ta có tiếp tục
là “Tôi có phải là người canh giữ em tôi đâu?” (St 4,9).
Trong bối cảnh đại học này, sẽ
rất đẹp nếu chúng ta tự vấn liên quan tới nền giáo dục của chúng ta trước trái
đất đang kêu lên tới trời. Các trường học của chúng ta là một vườn ương cây, một
khả thể, là đất phì nhiêu mà chúng ta phải chăm sóc, kích thích, và che chở. Đất
phì nhiều khát sự sống.
Cùng anh chị em là các giáo sư
tôi tự hỏi: Anh chị em có thức tỉnh trên các sinh viên học sinh bằng cách trợ
giúp họ phát triển một óc phê bình, một tinh thần tự do có khả năng chăm sóc thế
giới ngày nay hay không? Một tinh thần có khả năng tìm ra các câu trả lời mới
cho nhiều thách đố mà xã hội ngày nay đưa ra hay không? Anh chị em có khả năng
khích lệ họ đừng không biết tới thực tại bao quanh họ hay không? Làm thế nào để
bước vào trong các chương trình khác nhau của đại học hay trong các lãnh vực
khác nhau của công việc giáo dục cuộc sống chung quanh chúng ta với các đòi hỏi,
các vấn nạn và các cật vấn của nó? Chúng ta làm nảy sinh ra và đồng hành với cuộc
thảo luận xây dựng này việc đối thoại sinh tử cho một thế giới nhân bản
hơn như thế nào?
Tiếp đến ĐTC khẳng định như
sau:
Có một suy tư lôi cuốn tất cả
chúng ta: các gia đình, học đường và nhà giáo, đó là làm thế nào để người trẻ đừng
đồng hóa bằng biếu đại học với địa vị cao hơn, với tiền bạc và uy tín xã hội.
Chúng ta làm thế nào để giúp họ nhận diện việc chuẩn bị này như dấu chỉ của
một trách nhiệm lớn hơn đối với các vấn đề ngày nay, tôn trọng và săn sóc
người nghèo, tôn trọng việc cứu vãn môi sinh. Và với các các bạn trẻ thân
mến, là hiện tại và tương lại của Ecuador, là hạt giống biến đổi của xã hội
này, tôi muốn tự hỏi: các bạn có biết thời gian học hành các bạn có không phải
chỉ là một quyền lợi mà cũng là một đặc ân không? Biết bao nhiêu bạn bè, quen
và không quen, muốn có một chỗ trong nơi này, mà vì các hoàn cảnh khác nhau đã
không có được? Việc học hành của chúng ta giúp liên đới với họ trong mức độ
nào?
Các cộng đoàn giáo dục có một
vai trò sinh động, nòng cốt trong việc xây dựng xã hội và nền văn hóa. Phân
tích, miêu tả thực tại thôi không đủ, cần phải trao ban sự sống cho các môi trường,
nơi chốn nghiên cứu đích thật, cho các thảo luận làm nảy sinh ra các giải pháp
cho các vấn đề hiện hữu đặc biệt ngày nay.
Trước sự toàn cầu hóa của mô thức
kỹ thuật hướng tới chỗ tin rằng mỗi chiếm hữu quyền lực là tiến bộ, gia tăng an
ninh, hữu ích, hạnh phúc, sức sống, gia trị tràn đầy, làm như thể thực tại, thiện
ích và sự thật phát sinh một cách tự phát từ chính quyền lực của kỹ thuật và
kinh tế” (Laudato si’, 105), chúng ta được hỏi một cách cấp thiết mau chóng suy
tư, tìm tòi, thảo luận về tình trạng của chúng ta hiện nay. Chúng ta muốn và
yêu sách cho con cháu chúng ta loại văn hóa nào đây? Trái đất này mà chúng ta
đã nhận như gia tài, như một ơn, một món quà, chúng ta muốn để lại nó như thế
nào? Chúng ta muốn in các chỉ dẫn nào trên cuộc sống? “Chúng ta đi qua trái đất
này với mục đích nào? Chúng ta đến trên trái đất này với mục tiêu nào? Chúng ta
làm việc và chiến đấu cho mục đích nào? (ibid., 160). Các sáng kiến cá nhân
luôn luôn tốt và nền tảng, nhưng chúng ta phải nhìn thực tại một cách tổng
quát, có trật tự và không rời rạc, đưa ra các vấn nạn bao gồm tất cả mọi
người. Như là đại học, như là các cơ cấu, các giáo sư và sinh viên cuộc sống
thách đố các bạn trả lời cho câu hỏi này: tại sao chúng ta cần trái đất này?
Người anh em con ở đâu? Ước chi Chúa Thánh Thần linh hứng và đồng hành với các
bạn và ban cho chúng ta sức mạnh và ánh sáng cần thiết để chu toàn sứ mạng giáo
dục này.
Sau khi từ giã giới trí thức
lúc 6 giờ chiều ĐTC đã đi xe đến nhà thờ thánh Phanxicô cách đó 4 cây số để gặp
gỡ các đại diện giới dân sự trong lãnh vực văn hóa, kinh tế, doanh thương kỹ
nghệ và nông nghiệp, cũng như các tổ chức thiện nguyện và đại diện của các thổ
dân Amazzonia.
Nhà thờ thánh Phanxicô là nhà
thờ cổ kính nhất trong toàn Châu Mỹ Latinh, được khởi công xây năm 1536, ba năm
sau ngày thành lập thủ đô Quito, và hoàn thành năm 1680. Toàn bộ kiến trúc nghệ
thuật rất phong phú vì cũng chứa đựng 3.500 tác phẩm nghệ thuật thuộc trường
phái Quito và một thư viện vào bậc nhất của các cha Phanxicô.
Sau lời chào của ĐC Luis
Cabrera Herrera, TGM Cuenca, Chủ tịch Ủy ban giáo dân của HĐGM Ecuador, đã có
phần chia sẻ chứng từ của ba giáo dân: ông Francisco Jarrin, đại diện Hiệp hội
các doanh thương kitô, bà Lidia Marlene Arcos Miranda, doanh thương tỉnh
Ambato, và bà Imelda Caicedo Vega, giáo lý viên 85 tuổi, dậy giáo lý cho dân
quê tỉnh Los Rios từ 60 năm qua. Họ đã nói lên các ưu tư, các khó khăn và thách
đố của cuộc sống đức tin trong môi trường xã hội ngày nay. Dàn nhạc Sunamune gồm
các người trẻ tàn tật và bị bệnh khờ cũng đã trình tấu chào mừng ĐTC.
Trong bài huấn dụ ĐTC đã khích
lệ mọi người dấn thân xây dựng một xã hội bao gồm sự hiện diện và tham gia của
mọi thành phần xã hội, chiến thắng ích kỷ và nền văn hóa gạt bỏ. Xã hội hãy học
nơi gia đình để không ai bị loại bỏ ra ngoài. Trong gia đình con người nhận được
các giá trị nền tảng của tình yêu thương, tình huynh đệ và sự tôn trọng lẫn
nhau, được diễn tả ra bằng các giá trị xã hội nòng cốt là sự nhưng không, tình
liên đới và sự phụ đới.
Trong tương quan xã hội, hay
trong lãnh vực chính trị, nhiều khi người ta dựa trên sự đối đầu, trên việc gạt
bỏ. Nhưng xã hội phải là một gia đình, gồm cha mẹ, con cái, anh chị em, trong
đó khi gặp khó khăn, người ta tương trợ nhau, trong đó nỗi đau đớn của một người
là nỗi đau của tất cả. Trong gia đình tất cả mọi người đều góp phần vào chương
trình chung, tất cả đều làm việc cho lọi ích chung, nhưng không hủy bỏ cá nhân.
Trái lại, họ nâng đỡ và thăng tiến cá nhân. Và ĐTC cầu mong người ta có thể
nhìn đối thủ chính trị, và người hàng xóm với đôi mắt mà chúng ta nhìn người
thân của mình trong gia đình.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC đưa ra
câu hỏi: Chúng ta có yêu thương quê hương đất nước, cộng đoàn mà chúng ta đang
tìm xây dựng không? Nếu yêu thương thật, thì phải yêu thương bằng việc làm nhiều
hơn là bằng lời nói. Trong lãnh vực xã hội sự nhưng không không phải là một bổ
túc, nhưng là một đòi buộc cần thiết của công lý. Cái mà chúng ta là và có đã
được ban cho chúng ta để phục vụ tha nhân. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho nó
sinh hoa trái trong các công việc lành.
Các tài nguyên được chỉ định
cho tất cả mọi người, vì thế khi một người chiếm làm của riêng, là việc hợp
pháp, thì một quyền sai áp luôn luôn đè nặng trên chúng. Hướng tới các anh chị
em thổ dân đến từ vùng Amazzonia ĐTC nêu bật rằng việc khai thác các tài nguyên
thiên nhiên dư đật tại Ecuador không được tìm lợi nhuận tức khắc. Là người giữ
gìn sự phong phú mà chúng ta đã lãnh nhận phải khiến cho chúng ta dấn thân với
toàn hội và với các thế hệ tương lai. Có những nơi cần phải được săn sóc đặc biệt
vì tầm quan trọng khổng lồ của chúng đối với hệ thống sinh thái thế giới. Liên
quan tới tình liên đới ĐTC khẳng định như sau:
Từ tình liên đới sống trong gia
đình nảy sinh tình liên đới trong xã hội. Nó không hệ tại việc cho những người
cần được giúp đỡ, nhưng là có trách nhiệm đối với nhau. Nếu chúng ta trông thấy
nơi tha nhân một người anh em, thì không ai có thể bị loại bỏ, bị tách rời.
Các điều khoản và luật lệ cũng
như các dự án của cộng đoàn dân sự phải tìm kiếm sự bao gồm, để tạo thuận tiện
cho các không gian đối thoại, gặp gỡ, và như thế để lui vào ký ức đau đớn bất cứ
loại đàn áp, kiểm soát vô giới hạn và lấy mất đi sự tự do nào. Hy vọng một
tương lai tốt đẹp hơn đòi hỏi cống hiến các khả thể thực thụ cho các công
dân, nhất là cho giới trẻ, bằng cách tạo ra công ăn việc làm. Tới đây ĐTC đã ứng
khẩu và mạnh mẽ tố cáo nền văn hóa gạt bỏ gây thương tích cho người trẻ và người
già với các hậu quả kinh khủng dẫn đưa tới các vụ tự tử. Tình trạng này thuận lợi
cho các kẻ phục vụ sự ích kỷ, thần tiền bạc ở trung tâm của một hệ thống đè bẹp
tất cả chúng ta.
Sau cùng ĐTC đã đề cập tới sự
phụ đới và nói : Khi nhận biết những gì là hay đẹp nơi người khác, cả với
các hạn hẹp của họ, chúng ta thấy sự phong phú định tính sự khác biệt và
giá trị của việc bổ túc. Các con người, các nhóm có quyền thành toàn lộ trình của
mình, cả khi điều này có đưa tới các sai lầm đi nữa. Đối thoại là điều cần thiết
để đạt sự thật, không thể bị áp đặt, nhưng được tìm kiếm với lòng chân thành và
óc phê bình. Trong việc tôn trọng sự tự do, xã hội dân sự được mời gọi thăng tiến
mọi người và mọi tác nhân xã hội để họ nhận lãnh vai trò của họ và góp phần
chuyên môn vào công ích. Trong một nền dân chủ được tham gia mọi lực lượng xã hội
phải là tác nhân. Cả Giáo Hội cũng muốn cộng tác vào việc tìm kiếm công ích, với
các hoạt động xã hội, giáo dục của mình bằng cách thăng tiến các gia trị luân
lý đạo đức và tinh thần, vì Giáo Hội là dấu chỉ ngôn sứ đem lại ánh sáng và niềm
hy vọng cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho những người cần được trợ giúp nhất.
Và ĐTC kết luận : Có nhiều người hỏi tại sao tôi hay nói tới các người cần
được trợ giúp, những người bị gạt bỏ, bị loại ra bên lề xã hội nhiều như thế. Một
cách đơn sơ bởi vì thực tại này và câu trả lời cho thực tại này là trọng tâm của
Tin Mừng.
Sau khi từ giã các đại diện thế
giới dân sự, ĐTC đã đi xe đến thăm nhà thờ của dòng Tên cách đó một cây số.
Nhóm tu sĩ dòng Tên đầu tiên đến Quito năm 1586. Năm 1602 cha Nicolas Duran
Mastrilli, giám đốc tiên khởi của Trường dòng Tên đến Quito mang theo sơ đồ nhà
thờ. Nhà thờ này được xây bởi kiến trúc sư Domenico Zampilli cũng là kiến trúc
sư đã xây nhà thờ Chúa Giêsu của dòng Tên ở Roma. Tiếp đến có hai kiến trúc sư
khác tới tiếp tục việc xây cất, và nhà thờ đã hoàn thành năm 1765. Tháp chuông
bị sập trong trận động đất năm 1859, đuợc xây lại nhưng lại bị sập trong trận động
đất năm 1868 và không bao giờ được tái thiết. Nhà thờ bị hư hại trong trận động
đất năm 1987 và việc trùng tu hoàn tất năm 2005.
Trong nhà thờ này có tượng Đức
Mẹ Sầu Bi với trái tim bị 7 lưỡi gươm đâm thâu. Vào năm 1906 Ecuador tuyên bố
tính cách đời của nhà nước, cấm các biến cố tôn giáo và tịch thu các tài sản của
Giáo Hội. Ngày 20 tháng 4 cùng năm xảy ra phép lạ Đức Mẹ Sầu Bi. 35 sinh viên
dòng Tên đã trông thấy mắt Đức Mẹ chuyển động trong nhà cơm trường San Gabriel.
Phép lạ được thừa nhận ngày 31 tháng 5 năm 1907. Và kể từ đó trường San Gabriel
trở thành trung tâm thánh mẫu. Hằng năm tượng Đức Mẹ được rước trong toàn nước.
Sau khi viếng thăm nhà thờ ĐTC
đã về Toà Sứ Thần Tòa Thánh để dùng bữa tối và nghỉ đêm kết thúc ngày thứ 3 viếng
thăm Ecuador.
Ngày thứ tư mùng 8 tháng 7 ĐTC
đã chỉ có hai sinh hoạt : thăm viện dưỡng lão do các nữ tu Thừa Sai Bác Ái
trông coi, và gặp gỡ hàng giáo sĩ tu sĩ chủng sinh tại đền thánh Đức Bà El
Quinche. Trung tâm Đức Bà El Quinche đưọc xây năm 1928 và được tuyên bố là
trung tâm thánh mẫu quốc gia năm 1985. Tượng Đức Bà el Quinche bằng gỗ trắc bá
cao 60 cm, do ông Don Diego de Robles thuộc trường phái Quito tạc năm 1586,
theo lời xin của các thổ dân Lumbici. Vì các thổ dân không có tiền trả công,
nên nhà điêu khắc nhường tượng lại cho các thổ dân Oyacachi muốn có bức tượng
này vì giống hình Đức Mẹ đã nhiều lần hiện ra với họ.
Sau khi dâng thánh lễ riêng lúc
7 giờ rưỡi và điểm tâm, ĐTC đã từ giã Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đi xe đến nhà dưỡng
lão tại Tumbaco là một vùng phụ cận cách xa Quito 21 cây số.
Ngài đã được nữ
tu bề trên và 10 nữ tu tiếp đón. ĐTC đã gặp các cụ già trong sân nhà dưỡng lão,
bắt tay và hỏi chuyện từng người.
Sau khi từ biệt các cụ lúc 10
giờ ĐTC đi xe đến đền thánh Đức Bà El Quinche cách đó 27 cây số. Đã có hàng chục
ngàn người quy tụ về đây để chào đón ngài. Khi xe vào thành phố tín hữu đứng
hai bên đường đã tung hoa chào mừng ĐTC trong một bầu khí lễ hội tươi vui. Mui
chiếc xe papamobil đầy cánh hoa hồng. ĐTC đã được linh mục quản đốc đền thánh
tiếp đón tại thềm đền thờ và đưa vào trong để ĐTC dâng hoa kính Đức Mẹ. Ngài đã
đứng cầu nguyện một lát trước tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Tiếp đến ĐTC đã vào nhà dòng
và viết vào sổ lưu niệm lời cầu sau đây : “Lạy Me là Đức Trinh Nữ đền
thánh Quinche, xin chăm sóc nhân dân Ecuador. Họ là con cái Mẹ, Mẹ ơi”.
Ký tên Phanxicô Giáo Hoàng.
Tiếp đến ĐTC đã ra khán đài bên
ngoài đền thánh để gặp gỡ hàng giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh. Sau lời chào mừng của
ĐC Celmo Lazzari, đặc trách những người sống đời thánh hiến của HĐGM Ecuador,
đã có phần chứng từ của cha Silvino Mina, thuộc Toà Giám quản tông toà
Esmeraldes và nữ tu Marisol Sandoval dòng Agostino.
ĐTC đã không đọc diễn văn dọn sẵn
nhưng ứng khẩu. Ngài cám ơn các linh mục tu sĩ và chủng sinh đã quảng đại đáp lại
lời kêu mời của Chúa dấn thân trong các hoạt động khác nhau lo cho dân Chúa.
Ngài khích lệ mọi người sống thân tình với Chúa, biết săn sóc sức khoẻ thể lý,
nhưng nhất là săn sóc sức khỏe tinh thần và đời sống thiêng liêng, không bị bệnh
lão hóa tinh thần, luôn biết tin yêu phó thác, cậy dựa vào ơn thánh Chúa, ý thức
mình là người phục vụ, và tận dụng các tài khéo Chúa ban cho công tác rao giảng
Tin Mừng và làm chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa lòng trần gian, tránh bệnh
lão hóa tinh thần và khuynh hướng tìm chức tước. Vì không phải là người làm
thuê ăn lương, nên công tác mục vụ phải nhưng không. Đừng để người ta trả tiền
cho ơn thánh.
Trong diễn văn dọn sẵn ĐTC phó
thác cho trái tim Mẹ Sầu Bi người già, người bệnh và mọi cuộc gặp gỡ trong chuyến
công du của ngài. Ngài cũng để tất cả mọi thành phần dân Chúa trong con tim của
những người sống đời thánh hiến. Dựa trên trình thuật Đức Mẹ dang mình vào đền
thánh, ĐTC rút tỉa ra vài suy tư và áp dụng vào đời sống thánh hiến. Trước hết
ơn gọi thánh hiến là một ơn nhưng không Thiên Chúa ban. Ngài tuyển chọn và sai
chúng ta đi. Sự kiện này giải thoát chúng ta khỏi nguy hiểm lấy mình làm điểm
tham chiếu, vì chúng ta không thuộc về mình nữa, và ơn gọi xin chúng ta từ
bỏ mọi ích kỷ, tìm lợi lộc vật chất hay bù trừ tình cảm. Chúng ta là những người
phục vụ, chứ không phải là lính đánh thuê, không phải đến để đuợc hầu hạ nhưng
để phục vụ, hoàn toàn không dính bén, không gậy, không bị, không chạy theo vinh
quang giả tạo và tinh thần thế tục, xa lánh các tham vọng, các lợi lộc thấp hèn
ích kỷ, các chú ý tới mình một cách thái quá.
Cũng như quyền bính của các
Tông Đồ các ơn chúng ta nhận được là để canh tân và xây dựng Giáo Hội. Không
khước từ chia sẻ, cho đi và khép kín trong tiện nghi dễ dãi, biết là suối mát bổ
dưỡng, đặc biệt cho những người bị tội lỗi, thất vọng và thù hận đè bẹp.
Điểm thứ hai là sự kiên trì.
Cũng như Mẹ Maria đã không quay lại đàng sau, nhưng cương quyết tiến vào đền
thánh, người sống đời thánh hiến cũng phải kiên trì trong sứ mệnh, không lang
thang tìm nơi dễ dãi tiện nghi hơn, kiên trì cả khi có gặp đêm đen và lạc lối
hay nguy hiểm, vì biết rằng dân thánh Chúa đồng hành với chúng ta, những người
thân thương và Giáo Hội đồng hành và đỡ nâng chúng ta. Cần tiến buớc trong hiệp
nhất, tương trợ lẫn nhau và sống tươi vui vì được sống trong nhà Chúa, tham dự
cuộc sống thân tình với Chúa, dấn thân loan báo Tin Mừng và đem ơn cứu độ đến
cho mọi ngưòi. Ý thức được trách nhiệm của mình đối với các dân tộc Mỹ châu la
tinh, vun trồng, linh họat và giáo dục lòng đạo đức bình dân, để tín hữu biết
biểu lộ đức tin với ngôn ngữ và kiểu cách riêng của họ, thăng tiến nền văn hóa
gặp gỡ để Giáo Hội là căn nhà chung cho mọi người, một Giáo Hội ra đi, một Giáo
Hội tới gần và thích ứng để không xa cách con người, một Giáo Hội ra khỏi tiện
nghi dễ dãi của mình và có can đảm tới với mọi vùng ngoại biên cần đến ánh sáng
Tin Mừng.
ĐTC đã ban phép lành và từ giã
mọi người để ra phi trường lấy máy bay sang thủ đô La Paz của Bolivia, bắt đầu
chặng thứ hai trong chuyến viếng thăm ba nước Eucador, Bolivia và Paraguay.
Lễ nghi tiễn biệt đã diễn ra tại
phi trường rất long trọng. Tổng thống và phu nhân đứng hai bên ĐTC trên bục trải
thảm đỏ. Ban nhạc và ban vũ thiếu nhi đã cử hành quốc thiều Vaticang và quốc
thiều Ecuador. ĐTC đã bắt tay từ biệt các Giám Mục và nhiều bộ trưởng chính phủ.
Khi tiến tới chân máy bay ĐTC đã dừng lại bắt tay và ôm hôn các trẻ em cầm cờ
toà thánh đứng hai bên. Các em ùa đến vây quanh ngài và vô cùng sung sướng. Trước
khi lên máy bay ĐTC đã ôm hôn tổng thống và bắt tay phu nhân rồi cầm lấy chiếc
cặp da của ngài. Ngài đã quay lại lần cuối chào từ biệt mọi người trước khi bước
vào trong máy bay.
Chiếc boeing 737 của hãng hàng
không Bolivia đã cất cánh lúc sau 12 giờ trưa và đến La Paz sau 3 giờ 15 phút
bay. Chúng tôi sẽ tường thuật lễ nghi tiếp đón ĐTC tại La Paz và thánh lễ ĐTC
chủ sự sáng thứ năm 9-7 để khai mạc Đại Hội Thánh Thể Bolivia tại quảng trường
Chúa Kitô Cúu Thế tại Santa Cruz trong các buổi phát ngày mai.
Linh Tiến Khải
(vi.radiovaticana.va/news/09/07/2015 16:31)