Đức Thánh Cha kêu gọi thay
đổi công nghệ khai thác quặng mỏ
VATICAN. ĐTC
kêu gọi các giới hữu trách công nghệ khai thác mỏ hãy cải tổ toàn diện, nhất là
tại các nước nghèo nhất, để tôn trọng quyền lợi của các cộng đoàn địa phương và
bảo vệ môi trường.
Ngài đưa
ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp chào mừng các tham dự viên cuộc hội thảo
quốc tế đang tại Vatican từ ngày 17 đến 19-7-2015 về chủ đề “Giáo Hội và các quặng
mỏ”: hiệp với Thiên Chúa chúng ta lắng nghe một tiếng kêu.
Sứ điệp của ĐTC
được ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, là cơ
quan tổ chức cuộc hội thảo, tuyên đọc trong buổi khai mạc sáng ngày 17-7 vừa
qua. ĐTC viết:
“Anh chị em đã
muốn họp nhau ở Roma trong ngày suy tư này liên quan đến một đoạn trong Tông Huấn
“Niềm vui Phúc Âm” (nn.187-190) để
làm vang vọng tiếng kêu của nhiều cá nhân, gia đình và cộng đoàn, đang chịu đau
khổ trực tiếp hoặc gián tiếp, vì những hậu quả tiêu cực của các hoạt động khai
thác quặng mỏ. Một tiếng kêu cho những vùng đất bị mất; một tiếng kêu vì sự
khai thác tài nguyên phong phú từ lòng đất, nhưng không mang lại sự sung túc
cho dân chúng địa phương, khiến họ tiếp tục ở trong tình trạng nghèo khổ; một
tiếng kêu đau thương phản ứng lại bạo lực, những đe dọa và tham nhũng; một tiếng
kêu phẫn nộ và kêu cứu vì những vi phạm các quyền con người, bị chà đạp trắng
trợn hoặc kín đáo, liên quan đến sức khỏe của dân chúng, các điều kiện làm việc,
và nhiều khi làm nô lệ và nạn buôn người, nuôi dưỡng hiện tượng mại dâm thê thảm;
một tiếng kêu đau buồn và bất lực vì sự ô nhiễm nước, không khí và đất; một tiếng
kêu không được cảm thông vì không có những tiến trình bao gồm và nâng đỡ từ phía
các chính quyền dân sự, địa phương và quốc gia, là những người có nghĩa vụ cơ bản
phải thăng tiến công ích”.
ĐTC cũng khẳng
định rằng “Toàn bộ lãnh vực khai thác mỏ chắc chắn được kêu gọi thực hiện một sự
thay đổi toàn bộ mô hình của mình để cải tiến tình trạng tại nhiều nước. Có thể
cộng tác vào công trình này có các chính quyền của những nước nguyên quán của
các công ty liên quốc và những nước nơi các công ty ấy hoạt động, các giới chủ
xí nghiệp và những nhà đầu tư, các chính quyền địa phương canh chừng hoạt động
khai thác mỏ quặng, các công nhân và các đại diện của họ, các chuỗi cung ứng quốc
tế với những người trung gian khác nhau, những người tiêu thụ hàng hóa đối tượng
của các hoạt động khai thác khoáng sản. Tất cả những người ấy được kêu gọi hãy
có một thái độ được linh hoạt nhờ sự kiện chúng ta họp thành một gia đình nhân
loại duy nhất, “tất cả có liên hệ với nhau, và sự chăm sóc đích thực cho chính
cuộc sống chúng ta cũng như các quan hệ của chúng ta với thiên nhiên là điều
không thể tách rời khỏi tình huynh đệ, công lý và lòng trung thành đối với người
khác” (ibid. 70) (SD 17-7-2015)
G. Trần Đức Anh
OP (vi.radiovaticana.va/news/18/07/2015 11:33)