Không lẩn tránh trước lòng nhân hậu của Thiên Chúa – Bài giảng của ĐTC
Phan-xi-cô ngày 06.10.2015
Chúng
ta phải bảo vệ mình trước việc thủ đắc một quả tim chai cứng mà lòng nhân hậu của
Thiên Chúa không tìm ra được bất cứ con đường nào để đi vào con tim đó! Đức
Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba hôm
nay tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Dù tham dự các buổi thảo
luận của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đang diễn ra tại Vatican, nhưng Đức
Thánh Cha cũng vẫn không bỏ thói quen dâng Lễ vào sáng sớm mỗi ngày tại nguyện
đường vừa nêu.
Trong
bài giảng hôm nay của Ngài, Đức Thánh Cha đã liên hệ tới Bài Đọc I được trích từ
sách Giô-na, thuật lại lời giảng thống hối của vị Ngôn Sứ tại Ninivê. Trước lời
cảnh cáo của Ngôn Sứ Giô-na, người dân của thành phố lớn này đã thực sự hoán cải
– Đức Thánh Cha nhấn mạnh.
„Giô-na đã thực hiện một phép lạ thật sự, vì
trong trường hợp này, ông đã không thể kiên trì theo đuổi sự ngoan cố của mình,
nhưng đã thực hiện theo Thánh Ý Thiên Chúa – ông đã thực hiện điều mà Thiên
Chúa đã yêu cầu ông thực hiện.“
Đức
Thánh Cha đã phát hiện ra ba tình tiết trong toàn bộ sách Giô-na: Giô-na phản
kháng chống lại sứ vụ mà Thiên Chúa ủy thác cho ông; sự vâng phục mà từ đó đưa
đến phép lạ thực sự về việc dân thành Ninivê trở lại; và sau cùng, Giô-na phản ứng
chống lại lòng nhân hậu của Thiên Chúa.
„Vì thế Giô-na nói: ´Lạy Chúa, con đã chẳng
nói về điều ấy ngay từ khi con vẫn còn ở trong nước của con rồi sao? Chúa là một
Thiên Chúa nhân hậu, và con đã làm tất cả công việc rao giảng ấy, con đã thu xếp
ổn thỏa tất cả các việc đó, còn Chúa thì lại tha thứ cho chúng một cách đơn giản
vậy sao?` Đó là con tim chai cứng, nó không muốn tiếp nhận lòng nhân hậu của
Thiên Chúa. ´Nhưng bài giảng của tôi thì quan trọng hơn, điều tôi suy nghĩ cũng
quan trọng hơn, toàn bộ danh mục các điều cấm kỵ mà tôi phải tuân giữ ấy lại
càng quan trọng hơn – tất cả đều quan trọng hơn lòng nhân hậu của Thiên Chúa!`“
Đức
Thánh Cha đã gọi cách suy nghĩ trên là một „thảm
kịch“. Trong các cuộc tranh luận của Ngài với các Luật Sĩ, Chúa Giê-su vẫn
luôn phải chạm trán với những lập luận theo kiểu đó; các Luật Sĩ đã không thể
hiểu tại sao Chúa Giê-su lại lưu tâm tới việc xử sự với các tội nhân, họ đã „không hiểu về lòng nhân hậu“ – Đức Thánh
Cha giải thích. Vấn đề ở đây là: lòng nhân hậu của Thiên Chúa sẽ hiện diện ở bất
cứ nơi đâu nếu nơi đó có Thiên Chúa hiện diện – „Và nơi đâu có sự nghiêm khắc thì ở đó đang có các đầy tớ của Thiên Chúa“
– Đức Thánh Cha đã trích dẫn lời nhận xét dí dỏm nhưng cũng đầy chua chát ấy của
Thánh Ambrosiô. „Tính ngoan cố sẽ thách
thức sứ vụ truyền giáo, sẽ thách thức lòng nhân hậu“ – Đức Thánh Cha quả
quyết.
„Bên thềm Năm Thánh về Lòng Thương Xót, chúng
ta hãy cầu xin Chúa, xin Ngài giúp chúng ta hiểu được về con tim của Ngài như
thế nào; hiểu được Lòng Thương Xót có nghĩa là gì; hiểu được lời Ngài nói: ´Ta
muốn lòng thương xót chứ không cần hy lễ!` Trong Thánh Lễ này, chúng ta hãy cầu
nguyện bằng lời nguyện tuyệt đẹp sau đây: ´Xin đổ Lòng Thương Xót của Chúa trên
chúng con` - vì người ta chỉ có thể hiểu được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa
khi chúng ta bị chất đầy bởi tội lỗi và bởi sự khốn cùng của chúng ta.“
(theo
de.rv 06.10.2015 sk)
Đam Trần