Tiếng nói Dự thính viên tại Thượng Hội đồng Giám Mục
VATICAN. Các dự
thính viên tích cực góp ý kiến vào công việc bàn thảo tại Thượng HĐGM 14 về gia
đình.
Trong số các tham dự viên Thượng HĐGM, ngoài
270 nghị phụ, còn có 45 dự thính viên, trong đó có 18 đôi vợ chồng. Họ có quyền
phát biểu ý kiến, nhưng không có quyền bỏ phiếu.
Sau đây, là ý
kiến của 2 đôi vợ chồng và một nữ dự thính viên.
1. Ông
Bà Andrès Salvador Galindo Lopez và Gertrudiz Clara Rubio de Galindo, Tổng thư ký điều hành Ủy ban GM Mêhicô
về gia đình, Thư ký của Liên HĐGM Mỹ châu la tinh, gọi tắt là Celam, cho vùng
Mêhicô Trung Mỹ. Bà Clara nói:
”Chúng con là một
đôi hôn phối Andrès và Clara Galindo, từ Mêhicô. Chúng con thành hôn với nhau
cách đây 45 năm. Chúa ban cho chúng con 2 người con, nay đã có gia đình và nhờ
đó chúng con có 4 người cháu. Như nhiều đôi hôn phối khác, chúng con bắt đầu cuộc
sống gia đình với nhiều ảo tưởng, nhưng cũng có những lúc tích cực và tiêu cực,
về cảm xúc cũng như về kinh tế.
Những năm đầu
tiên không dễ dàng, nhất là vì một số sức ép của một số người thân trong gia
đình, khiến cho cuộc sống mới của chúng con không có viễn tượng thành công nhiều,
đến độ những vấn đề kinh tế tìm cách phân rẽ chúng con. Và một hôm, một người họ
hàng đến nhà chúng con với những giấy tờ đã chuẩn bị sẵn để chúng con ký tên ly
dị nhau.
Mặc dù sự nài nỉ
và sức ép muốn chúng con chiều theo biện pháp đó, Andrès và con quyết định chiến
đấu chống lại sự chênh lệch khiến xảy ra tình trạng ấy và tiếp tục cuộc sống
hôn nhân và gia đình mà chúng con mới thành lập, mặc dù quyết định ấy được đưa
ra mà k hông ý thức rõ ràng về ý nghĩa bí tích hôn phối.
Ít lâu sau đó,
nhờ ơn Chúa, chúng con được cơ hội sống kinh nghiệm tương giao trong phong trào
Gặp gỡ gia đình Công Giáo, qua đó chúng con học cách đả thông với nhau, biết tha
thứ, nhưng nhất là biết đâu là kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng con trong
tư cách là vợ chồng và gia đình. Thế là chúng con tiếp tục chiến đấu cho tương
quan vợ chồng của chúng con, nhưng với ý thức hơn về ý định của Thiên Chúa.
Một thời gian
sau, chúng con lại phải trải qua một giai đoạn rất khó khăn cho cuộc sống của
chúng con vì anh Andrès bị thất nghiệp và tình trạng kinh tế của chúng con bị
suy sụp, một người bạn thân xin chúng con tháp tùng anh ấy đến Đền thánh Đức Mẹ
Guadalupe. Lợi dụng dịp ấy, chúng con đã cầu xin Đức Mẹ yêu quí của chúng con
và cầu xin Chúa giúp giải quyết các vấn đề của chúng con, và chúng con hứa sẽ
làm điều mà Chúa và Đức Mẹ yêu cầu.
Giã từ Đền
thánh Đức Mẹ, chúng con được mời cộng tác vào việc mục vụ gia đình và phản ứng
đầu tiên chúng con định trong đầu là từ chối và muốn nói rằng trước tiên chúng
tôi cần giải quyết các vấn đề kinh tế của mình. Nhưng nhờ ơn Chúa và Đức Mẹ,
chúng con đã nghĩ lại và chấp nhận phục vụ Giáo Hội trong việc mục vụ gia đình.
Trong các hoạt
động phục vụ Giáo Hội, tại Mêhicô cũng như ở Trung Mỹ, chúng con có thể tham dự
nhiều khóa học, đại hội, các cuộc hội thảo .. về những vấn đề lớn mà các gia
đình gặp phải do những yếu tố xã hội, văn hóa, chính trị, giáo dục, kinh tế, và
tôn giáo gây ra, khiến cho hôn nhân và gia đình bị suy yếu. Sức sống của hôn
nhân và gia đình cần được củng cố qua sự huấn luyện và giáo huấn về căn tính và
sứ mạng của mình.
Việc mục vụ gia
đình ngày nay, trong Ngàn Năm thứ ba này, đang phải chịu những cuộc tấn công lớn
nhỏ của một số tổ chức chính quyền và dân sự, chống lại hôn nhân, gia đình và sự
sống. Cần có những vị mục tử yêu mến chương trình của Thiên Chúa để thực hiện một
nền mục vụ gia đình, nảy sinh từ tâm hồn mục tử, để các gia đình được hướng dẫn,
tháp tùng và huấn luyện theo kế hoạch của thiên Chúa, để sống căn tính và sứ mạng
của mình.
2. Ông
Bà Buysile Patronella Nkosi và Meshack Jabulani Nkosi, thành viên Ban tư vấn của Văn phòng
toàn quốc về gia đình thuộc HĐGM miền Nam Phi.
Trong phiên
khoáng đại thứ 3 ngày 6-10-2015, ông bà đã nói về việc phân định ơn gọi gia
đình.
”Tên con là
Jabu Nkosi và đây là Buyi vợ con. Chúng con kết hôn từ 35 năm nay và được chúc
lành với 5 con và 8 cháu. 3 trong số những người con của chúng con đã làm lễ cưới
ở nhà thờ, nhưng cả ba đều lấy người không Công Giáo, sống trong 2 tín ngưỡng
nhưng với một tình yêu. Một trong những người con rể và con dâu của chúng con
muốn trở thành Công Giáo và chúng con đang mong đợi đến Lễ Phục sinh năm tới,
2016, khi đó chúng con sẽ đón nhận họ vào gia đình Công Giáo.
Trong 33 năm
qua, chúng con đã tháp tùng nhiều người trẻ, chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống, Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội với họ, mang
lại cho họ một cơ hội để thực hiện những quyết định trong cuộc sống của họ.
Chúng tôi thông truyền Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta qua
Chúa Giêsu Con của Ngài, và trong cuộc sống hằng ngày, chúng con cố gắng nhờ ơn
Chúa trở thành Tin Mừng cho nhau và cho những cặp vợ chồng trẻ cũng như cho thế
giới. Điều này có thể thực hiện được bằng cách để cho Lời Chúa, là chính Chúa
Kitô, đồng hành với chúng con. Chúng con đã và đang có nhiều thách đố, vì không
có cùng cái nhìn hoặc làm thương tổn nhau cách này hay cách khác, nhưng chúng
con luôn cố gắng khiêm tốn để nói ”xin lỗi” như lời ĐTC vẫn dạy qua 3 lời: ”xin
lỗi, cám ơn và xin vui lòng”, đó là những lời không thể thiếu được nếu chúng ta
muốn sống an bình và hòa hợp trong gia đình chúng ta. Điều quan trọng là nhớ
nói: ”Anh yêu em, em yêu anh, ba thương con, mẹ thương con” với nhau và với con
cái.
ĐGH Biển Đức
16, trong thông điệp ”Bác ái trong chân lý” nhấn mạnh tầm quan trọng của tình
yêu như nguyên lý cuộc sống trong xã hội, nơi mà mỗi người học ích chung vì gia
đình là nơi đầu tiên một người mới học yêu thương, tha thứ, cảm nghiệm sự tha
thứ và học cách chia sẻ về Thiên Chúa và Giáo Hội như một gia đình, đó là trường
học đầu tiên về tình thương và tình người.
Sự chọn lựa mà
chúng con thực hiện cách đây 35 năm là sự chọn lựa mà chúng con tiếp tục làm mỗi
ngày, săn sóc nhau trong gia đình và chung thủy với nhau khi chúng con cam kết
thương yêu mãi mãi. Đáng tiếc là xã hội hiện nay đã phát triển thứ văn hóa ”vứt
bỏ”, coi sự cam kết thành hôn trọn đời là điên rồ và nực cười, làm nản chí. Vì
thế người trẻ có xu hướng sợ kết hôn và nhìn sự cam kết ấy như một gánh nặng. Một
phần ơn gọi của chúng con là khuyến khích người trẻ tiến vào hành trình của cuộc
hôn nhân thánh, nhìn Chúa Kitô như niềm hy vọng mới của họ.
Chúng con cảm
nghiệm sự sống mới đang sinh ra, và nhìn thấy cha mẹ chúng con nâng đở chúng
con trong việc giáo dục con cái chúng con. Chúng con cũng thấy họ trở nên già
hơn, yêu hơn và chăm sóc họ cho đến khi họ qua đi. Chúng con thấy con cái chúng
con trở thanh cha mẹ và chúng con đảm nhận vai trò nâng đỡ chúng và gia đình
chúng. Chúng con tiếp tục thông truyền đức tin và tất cả các giá trị Kitô và nền
văn hóa Ubuntu, tức là văn hóa tình người. Điều này mang lại niềm vui và sự
sung mãn, làm cho cuộc sống chúng con phong phú và trọn vẹn hơn nhờ ơn thánh của
Chúa.
3. Bà Thérèse Nyiarabukeye, người
Ruanda, huấn luyện viên thuộc Liên hiệp Phi châu về thăng tiến
gia đình ở Ruanda (FAAF).
Trong bài phát
biểu, bà mạnh mẽ tố giác trào lưu thực dân hóa ý thức hệ tại Phi châu.
- Tại Phi châu
dân chúng con gần gũi với thiên nhiên. Chúng con phải chịu bao nhiêu sức ép từ
nước ngoài, áp đặt cho chúng con các phương tiện ngừa thai, nhưng trong tâm hồn,
văn hóa Phi châu, điều này không được chấp nhận. Các sức ép đó được các tổ chức
quốc tế trình bày như các quyền về sức khỏe và sinh sản. Các chiến dịch này được
sự tài trợ dồi dào”.
Bà Thérèse nhận
xét rằng ”vì những sức ép chính trị, dân chúng Phi châu không được làm điều mà
họ muốn. Như ĐGH đã nói, đó là một hình thức thực dân ý thức hệ. Điều làm cho
chúng con thực sự đau buồn là sự kiện dân chúng bị thúc đẩy làm điều mà họ
không muốn!
Bà Thérèse xác
nhận các sức ép vừa nói trên là điều xảy ra các nơi ở Phi châu, như một chương
trình thế giới nhắm trước tiên tới các nước nghèo đang trên đường phát triển.
”Đây là một điều bất công! Chúng con cảm thấy trong tâm hồn Phi châu, chúng con
vẫn còn cái gì thánh thiêng đối với sự sống con người: các sức ép từ nước ngoài
muốn tước bỏ khỏi tâm hồn chúng con cảm thức đó khiến chúng con không còn là
chúng con nữa! Người ta cũng phổ biến lý thuyết về giống, gender theory, một ý
thức hệ, đang thay đổi đời sống vợ chồng và đời sống gia đình, đối với chúng
con đây là điều kinh khủng, vì các phụ nữ đơn sơ không hiểu ý nghĩa từ gender,
giống. Người ta đang thực hiện một sự thay đổi đời sống bình thường, đời sống của
mỗi gia đình, về mặt nhân loại học. Và đây thực là một điều tai hại, chúng con
thấy điều đó mỗi ngày và tôi không biết tương lai gia đình Phi châu sẽ ra sao.
Theo bà
Thérèse, ”tình trạng trên đây là một thách đố đối với Giáo Hội. Giáo Hội là tổ
chức duy nhất còn bảo vệ phẩm giá của con người như Chúa muốn. Vì thế con mong
đợi Giáo Hội một lời mạnh mẽ, một lời không tỏ ra yếu nhược, nhưng tái khẳng định
phẩm giá gia đình và phẩm giá phụ nữ như Chúa muốn trong kế hoạch của ngài.
Giáo Hội phải nói một cách rõ ràng, vì không phải chỉ các Kitô hữu mới chờ đợi
nơi Giáo Hội những lời mạnh mẽ, nhưng cả những người không tín ngưỡng, ít là tại
Phi châu, họ chờ đợi nơi Giáo Hội một lời giúp dân chúng tiến bước như những
con người. Con thấy gia đình đang cần được chăm sóc đặc biệt, vì tất cả chúng
ta đều xuất thân từ gia đình và tiến về gia đình. Sự giúp đỡ gia đình bao gồm
và liên quan tới toàn thể việc mục vụ; sự kiến tạo nền móng cho con người nảy
sinh từ gia đình. Vì thế nếu những người kiến thiết không được kiến thiết,
không được huấn luyện, thì làm sao họ có thể nghĩ đến con người thực sự là người?
Con thấy đó là một công việc rất quan trọng mà Giáo Hội cần phải làm”.
G. Trần Đức Anh
OP (vi.radiovaticana.va/news/12/10/2015 14:42)