Nhận ra dấu chỉ thời đại – Bài giảng của ĐTC
Phan-xi-cô ngày 23.10.2015
Mọi thời đại đều đổi thay, và bất cứ người Ki-tô hữu nào cũng đều
phải thay đổi với chúng, nhưng luôn luôn với cái nhìn về Tin Mừng. Vì chân lý sẽ
vững bền, còn thế gian thì biến đổi. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhấn mạnh như
thế nơi bài giảng của Ngài trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Sáu hôm nay tại nguyện
đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Bài giảng của Đức Thánh Cha đã xoay
quanh cụm từ có tính chất như một từ khóa: „Dấu Chỉ Thời Đại“. Đâu là
điều mà một Ki-tô hữu không nên thực hiện: đó là một cuộc sống được thích ứng một
cách bất động, trong đó tất cả đều đứng im.
Lời của Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Rô-ma (Rm 7,18-25) và
bài Tin Mừng trong ngày theo Thánh Lu-ca (Lc 12,54-59) có một sự giống nhau
cách đặc biệt, và thực ra, đó là sự nhấn mạnh rằng, con người chỉ có thể trở
nên tự do nhờ vào Chúa Ki-tô.
„Chúng ta có sự tự do ấy để
phân định mọi sự vật. Nhưng để chúng ta có thể thực hiện được sự phân định đó,
chúng ta cũng phải biết được điều gì là điều khiến người ta trở thành người có
khả năng phân định. Và điều đó như thế nào? Giáo hội mô tả điều đó như là ´việc
nhận ra các dấu chỉ thời đại`. Vì mọi thời đại đều sẽ thay đổi. Và cái thuộc về
sự khôn ngoan Ki-tô giáo chính là việc nhận ra được những thay đổi ấy, và hiểu
được toàn bộ những điều đó là gì để không sợ hãi trước chúng, nhưng trong sự tự
do hoàn toàn.“
Lẽ dĩ nhiên là điều đó không đơn giản – Đức Thánh Cha nói tiếp.
Cho dù có quá nhiều những tác động từ bên ngoài đi nữa thì chúng cũng vẫn không
thể làm cho các „Ki-tô hữu tốt lành“
bị giao động.
„Đó là một bổn phận mà
chúng ta không thể không đảm nhận. Chúng ta ưa thích với việc thích ứng và tự
trấn an mình. Bởi thế chúng ta nói: ´Này nhé, người khác đã nói thế này thế
kia, nhưng rồi sau đó thì im luôn!` Nhưng chúng ta không tự hỏi xem, sự thật là
gì, và Thiên Chúa đang muốn nói với chúng ta điều gì. Để tiến lên phía trước một
cách chính xác, trước tiên người ta phải thinh lặng, và sau đó phải quan sát.
Và rồi những suy nghĩ trong lòng sẽ chợt đến. Chẳng hạn như: Tại sao lúc này lại
có quá nhiều những cuộc chiến tranh? Phải chăng đang có một cái chi đó xảy ra?
Chúng ta hãy bắt đầu thinh lặng để suy nghĩ về những câu hỏi và hãy cầu nguyện,
rồi sau đó chúng ta sẽ tìm thấy những câu trả lời cũng như sẽ hiểu được các dấu
chỉ thời đại, kể cả việc hiểu được đâu là điều mà Chúa Giê-su đang muốn nói với
chúng ta.“
Việc nhận ra dấu chỉ thời đại không chỉ là bổn phận của những
người thuộc thành phần tinh hoa về văn hóa. Chúa Giê-su đã không nói rằng, người
ta phải nhìn ngắm các tiến sĩ, nhìn ngắm các sinh viên đại học, nhưng đúng hơn,
Chúa Giê-su đã hướng về những con người giản dị mà họ có thể tách những vỏ trấu
ra khỏi những hạt thóc.
„Mọi thời đại đều thay đổi,
và các Ki-tô hữu chúng ta cũng luôn phải thay đổi. Chúng ta phải thay đổi bằng
cách là chúng ta xác tín trong niềm tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, bám chặt vào
chân lý của Tin Mừng, nhưng sự bấu bám của chúng ta cũng phải di chuyển. Chúng
ta phải tự do. Chúng ta tự do là vì chúng ta đã nhận được hồng ân tự do của
Chúa Giê-su. Giờ đây, bổn phận của chúng ta hệ tại ở chỗ là nhìn vào mình để tự
gỡ mình ra khỏi những cảm nhận và những suy nghĩ của chúng ta, và rồi quan sát
xem, cái gì đang diễn ra ngoài cái TÔI. Nhưng hãy nhớ: Trong sự tĩnh lặng,
trong chiêm nghiệm và trong cầu nguyện.“
(theo de.rv 23.10.2015 mg)
Đa-minh Thiệu