Tuyên ngôn của Thượng HĐGM về Trung Đông, Phi châu và Ucraina
VATICAN. Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 lên án
thảm trạng tại Trung Đông, Phi châu và Ucraina, đồng thời liên đới với dân
chúng, các tín hữu và các nạn nhân tại những vùng này.
Tuyên ngôn được
thông qua và công bố hôm 24-10, ngày họp cuối cùng của Thượng HĐGM thế giới về
gia đình. Văn kiện có đoạn viết:
“Từ nhiều năm
nay, vì các cuộc xung đột đẫm máu hiện nay, các gia đình tại Trung Đông đang là
nạn nhân của những tàn bạo chưa từng có. Hoàn cảnh sống của họ càng trầm trọng
hơn trong những tháng và tuần lễ gần đây.
Việc sử dụng
các võ khí tàn sát hàng loạt, sự giết hại bừa bãi, những vụ chặt đầu, bắt cóc
người, buôn bán phụ nữ, cưỡng bách trẻ em xung vào quân ngũ, bách hại vì lý do
tín ngưỡng, bộ tộc, tàn phá các nơi thờ phượng, phá hủy gia sản văn hóa và vô số
những hành động tàn ác khác đã bó buộc hàng ngàn gia đình phải rời bỏ gia cư,
trốn chạy và tìm nơi tị nạn nơi khác, thường là trong những hoàn cảnh cực kỳ bấp
bênh. Hiện nay họ bị cấm cảm không được trở về nhà và thi hành quyền của họ được
sống trong phẩm giá và an ninh trên lãnh thổ của họ, góp phần vào việc tái thiết
và an ninh vật chất cũng như tinh thần của đất nước họ.
Trong bối cảnh
bi thảm đó, có sự vi phạm các nguyên tắc cơ bản của phẩm giá con người và sự sống
chung hòa bình và hòa hợp giữa con người và các dân tộc, các quyền sơ đẳng nhất
trong đó có quyền sống và quyền tự do tôn giáo, và công pháp quốc tế về nhân đạo.
Vì thế, chúng
tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với các vị Thượng Phụ, GM, LM, tu sĩ nam nữ và giáo
dân, cũng như với tất cả dân chúng tại Trung Đông, biểu lộ tình liên đới với họ
và cam đoan cầu nguyện. Chúng tôi nghĩ đến tất cả những người bị bắt cóc và yêu
cầu trả tự do cho họ. Tiếng nói của chúng tôi hiệp với tiếng kêu của bao nhiêu
người vô tội: đừng bạo lực nữa, đừng khủng bố, phá hoại, bách hại nữa! Hãy chấm
dứt tức khắc những sự thù địch và việc buôn bán võ khí! Hòa bình tại Trung Đông
cần được tìm kiếm không phải bằng những chọn lựa áp đặt bằng võ lực, nhưng bằng
những quyết định chính trị tôn trọng các đặc tính riêng về văn hóa và tôn giáo
của mỗi quốc gia và những thực tại khác nhau cấu thành miền này.
Trong khi chúng
tôi đặc biệt biết ơn nước Giordani, Liban, Thổ nhĩ kỳ và nhiều nước Âu Châu vì
sự tiếp đón dành cho những người tị nạn, chúng tôi tái kêu gọi Cộng đồng quốc tế,
gạt qua một bên những tư lợi, hãy tín nhiệm những phương tiện ngoại giao, đối thoại,
công pháp quốc tế trong việc tìm kiếm các giải pháp.
Chúng tôi nhắc
nhớ lời ĐTC Phanxicô gửi tất cả những cá nhân và cộng đoàn nhìn nhận mình trong
tổ phụ Abraham: “chúng ta hãy tôn trọng và yêu mến nhau như anh chị em với
nhau! Chúng ta hãy học cách hiểu đau khổ của người khác! Đừng ai lạm dụng danh
Thiên Chúa để thi hành bạo lực! Chúng ta hãy cộng tác với nhau cho công lý và
hòa bình”! (Diễn văn tại trụ sở Đại Hội Đồng về quảng trường Đền thờ Hồi giáo,
Jerusalem, 26-5-2014).
Chúng tôi xác
tín rằng hòa bình là điều có thể và có thể chặn đứng những bạo lực tại Siria,
Irak, Jerusalem và toàn Thánh Địa, ngày càng gây hệ lụy cho nhiều gia đình và
các thường dân vô tội, và làm cho cuộc khủng hoảng nhân đạo càng trầm trọng
thêm. Sự hòa giải là thành quả của tình huynh đệ, công lý, tôn trọng và tha thứ.
Ước muốn duy nhất của chúng tôi, cũng như của những người thiện chí họp thành đại
gia đình nhân loại, là có thể được sống trong an bình. Ước gì “người Do thái,
Kitô và Hồi giáo có thể nhận ra nơi tín hữu khác một người anh em cần tôn trọng,
và cần yêu mến để nêu chứng tá thật đẹp trước tiên nơi lãnh chổ của họ về sự
thanh thẩn và sự sống chung giữa các con cái của Tổ Phụ Abraham” (Ecclesia in
Medio Oriente, 19).
Tư tưởng và lời
cầu nguyện của chúng tôi, với cùng nỗi âu lo, ân cần quan tâm và yêu thương, được
nới rộng tới tất cả các gia đình đang bị kẹt trong những tình cảnh tương tự tại
các nơi khác trên thế giới, nhất là Phi châu và Ucraina. húng tôi đặc biệt nghĩ
đến các gia đình ấy trong khi nhóm họp Thượng HĐGM này, cũng như các gia đình ở
Trung Đông, chúng tôi cũng mạnh mẽ yêu cầu cho họ được trả về với một cuộc sống
xứng đáng và yên hàn.
Chúng tôi phó
thác các ý nguyện của chúng tôi cho Thánh Gia của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh
Giuse, đã từng chịu đau khổ, để thế giới sớm trở thành một gia đình duy nhất gồm
các anh chị em!”.
G. Trần Đức Anh OP (vi.radiovaticana.va/news/24/10/2015
18:02)