Tóm lược Phúc trình chung kết Thượng Hội Đồng Giám mục
VATICAN. Thượng
HĐGM thế giới kỳ thứ 14 đã kết thúc tốt đẹp và đã thông qua Phúc trình chung kết,
với những hướng đi tích cực cho việc mục vụ gia đình trong hoàn cảnh xã hội
ngày nay.
Trong phiên họp
khoáng đại thứ 18 và là phiên cuối cùng chiều thứ bẩy, 24-10 vừa qua, các nghị
phụ Thượng HĐGM đã bỏ phiếu về bản tường trình chung kết gồm 94 đoạn. Toàn bộ
đã được thông qua với đa số 2 phần 3, tức là tối thiểu 177 phiếu trên 265 nghị
phụ hiện diện. Đây là văn kiện được các nghị phụ đệ lên ĐTC và ngài đã cho phép
công bố.
Phúc trình mô tả
gia đình là ánh sáng trong bóng đen của thế giới. Thực vậy gia đình ngày nay
tuy có bao nhiêu khó khăn, nhưng cũng có khả năng rất lớn đương đầu và phản phản
ứng trước những khó khăn ấy.
Phúc trình
chung kết mạch lạc và đón nhận rất nhiều sửa chữa tài liệu làm việc do các nghị
phụ đề nghị, và do đó phản ánh tiếng nói của Thượng HĐGM.
Những đoạn bàn về các gia đình ở trong tình trạng khó khăn:
Đặc biệt có hai
đoạn 85 và 84 được chấp thuận với 178 và 187 phiếu, vừa đủ để được thông qua với
2 phần 3 số phiếu. Trong những đoạn này có nói về phương thức mục vụ dành cho
các gia đình bị thương tổn hoặc ở trong những tình trạng “bị rối”, không hợp với
giáo luật và kỷ luật của Giáo Hội, cụ thể là những cặp sống chung không kết
hôn, những cặp chỉ kết hôn dân sự, những người ly dị tái hôn dân sự và cách thức
mục vụ dành cho những trường hợp này trong thái độ tích cực và tiếp đón.
Văn kiện tái khẳng
định đạo lý về sự bất khả phân ly của bí tích hôn phối, đặc tính này không phải
là cái ách, nhưng là hồng ân của Thiên Chúa, là chân lý dựa trên Chúa Kitô và mối
liên hệ của Người với Giáo Hội. Đồng thời các nghị phụ nhấn mạnh rằng chân lý
và lòng từ bi thương xót đều đồng qui trong Chúa Kitô. Từ đó, Thượng HĐGM kêu gọi
đón tiếp các gia đình bị thương. Tuy không nói rõ ràng về việc cho những người
ly dị tái hôn dân sự được rước lễ, nhưng Thượng HĐGM nhắc nhớ rằng họ không bị
vạ tuyệt thông và để tùy sự phân định của các vị mục tử, phân tích tình trạng
gia đình phức tạp của họ. Các nghị phụ nhấn mạnh rằng sự phân định này phải được
thực hiện theo giáo huấn của Hội Thánh, trong niềm tín thác lòng thương xót của
Chúa không bị phủ nhận đối với bất kỳ một ai.
Đối với những
người sống chung, Văn kiện tái khẳng định rằng cần phải cứu xét tình trạng của
họ một cách tích cực, tìm cách biến hoàn cảnh ấy thành cơ hội hoán cải, tiến đến
sự viên mãn của hôn nhân và gia đình, dưới ánh sáng Tin Mừng.
Về những người đồng tính luyến ái
Văn kiện khẳng
định rằng không được kỳ thị những người có xu hướng đồng tính luyến ái, nhưng đồng
thời cho biết Giáo Hội chống lại sự kết hiệp giữa những người đồng phái và
không chấp nhận những sức ép từ bên ngoài trên Giáo Hội về vấn đề này.
Có những đoạn đặc
biệt nói về những người di dân, tị nạn, bị bách hại, gia đình của họ bị phân
tán và họ có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Thượng HĐGM kêu gọi đón
tiếp họ, tái khẳng định các quyền và cả nghĩa vụ của họ đối với những nước đón
nhận họ.
Đề cao giá trị phụ nữ, bảo vệ trẻ em và người già
Văn kiện chung
kết của Thượng HĐGM cũng trình bày những suy tư đặc thù về phụ nữ, người nam,
trẻ em, là những bản lề của đời sống gia đình, đồng thời tái khẳng định sự bảo
vệ và đề cao giá trị những vai trò của họ.
Đối với các phụ
nữ, Thượng HĐGM cầu mong họ nắm giữ một vai trò quan trọng hơn trong tiến trình
huấn luyện các thừa tác viên thánh chức, trong khi đối với các trẻ em, các vị đề
cao vẻ đẹp của sự nhận con nuôi và ủy thác, tái tạo những mối liên hệ gia đình
bị gián đoạn. Thượng HĐGM cũng không quên những người góa bụa, người khuyết tật,
người già, các ông bà nội ngoại là những người giúp thông truyền đức tin trong
gia đình và cần phải bảo vệ họ chống lại nền văn hóa gạt bỏ. Cả những người
không kết hôn cũng được nhắc đến vì sự dấn thân của họ trong Giáo Hội và trong
xã hội.
Cuồng tín, cá nhân chủ nghĩa, nghèo đói..
Văn kiện chung
kết Thượng HĐGM cũng bàn đến những bóng đen của thời đại ngày nay đang đè nặng
trên gia đình: trước tiên là thái độ cuồng tín về chính trị và tôn giáo thù nghịch
đối với Kitô giáo, trào lưu cá nhân chủ nghĩa gia tăng, ý thức hệ về giống
(gender), các cuộc xung đột, bách hại, nạn nghèo đói, công ăn việc làm bấp
bênh, nạn tham ô hối lộ, những cưỡng bách kinh tế loại trừ gia đình khỏi lãnh vực
giáo dục và văn hóa, hiện tượng hoàn cầu hóa sự dửng dưng đặt tiền bạc chứ
không phải con người ở trung tâm xã hội, nạn dâm ô và sự suy giảm dân số.
Tăng cường chuẩn bị hôn phối
Thượng HĐGM đặc
biệt kêu gọi tăng cường việc chuẩn bị hôn phối, nhất là đối với những người trẻ
dường như lo sợ đối với hôn nhân: cần có một sự huấn luyện thích hợp cho họ về
tình cảm, tập nhân đức khiết tịnh, và tự chủ. Trong viễn tượng này, các nghị phụ
nhắc nhở về mối liên hệ giữa hành vi tính dục và hành vi sinh sản giữa vợ chồng,
trong đó con cái là hoa trái quí giá nhất, vì chúng mang trong mình ký ức và hy
vọng của một hành vi yêu thương. Một liên hệ khác cũng được tái khẳng định là
liên hệ giữa gia đình và ơn gọi sống đời gia đình và ơn gọi sống đời thánh hiến.
Cả việc giáo dục về tính dục, về thể xác và thăng tiến việc làm cha làm mẹ theo
tinh thần trách nhiệm theo giáo huấn của Đức Phaolô 6 trong Thông Điệp “Humanae
vitae” (Sự sống con người) cũng là điều chủ yếu, cũng vậy vai trò hàng đầu của
các cha mẹ trong việc giáo dục đức tin cho con cái.
Bảo vệ sự sống từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên
Thượng HĐGM kêu
gọi các chính quyền hãy “thăng tiến và nâng đỡ các chính sách gia đình, trong
khi các tín hữu Công Giáo dấn thân trong chính trị được nhắn nhủ bảo vệ gia
đình và sự sống vì xã hội nào lơ là đối với gia đình thì sẽ mất viễn tượng
tương lai của mình. Về vấn đề này, Thượng HĐGM tái khẳng định sự thánh thiêng của
cuộc sống con người từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên và cảnh giác
chống lại những đe dọa trầm trọng đối với gia đình như nạn phá thai và làm cho
chết êm dịu.
Những đoạn cuối
cùng dành cho các hôn nhân hỗn hợp, trong đó các nghị phụ nhấn mạnh các khía cạnh
tích cực đối với việc thăng tiến đối thoại đại kết và liên tôn. Rồi tái khẳng định
sự cần thiết phải bảo vệ tự do tôn giáo và quyền phản kháng lương tâm trong xã
hội.
Giáo hội cần canh tân ngôn ngữ đễ loan báo Tin Mừng
Văn kiện chung
kết trình bày một suy tư dài về sự cần thiết phải thay đổi ngôn ngữ của Giáo Hội,
làm cho nó có ý nghĩa hơn để việc loan báo Tin Mừng gia đình đáp ứng thực sự những
mong đợi sâu xa nhất của con người. Thực vậy, vấn đề ở đây không phải chỉ là
trình bày một qui tắc, nhưng là loan báo ơn mang lại khả năng sống những thiện
hảo của gia đình
Gia đình là bến cảng chắc chắn cho các tình cảm sâu xa nhất
Sau cùng, Phúc
trình chung kết nhấn mạnh vẻ đẹp của gia đình: Giáo Hội tại gia dựa trên hôn
nhân giữa một người nam và một người nữ, tế bào cơ bản của xã hội mà Giáo Hội
góp phần làm tăng trưởng, là bến cảng chắc chắn cho những tâm tình sâu xa nhất,
là điểm duy nhất liên kết, trong một thời đại bị phân hóa, là thành phần của
sinh thái học con người, gia đình cần được bảo vệ, nâng đỡ và khích lệ, kể cả từ
phía các chính quyền
Thỉnh cầu ĐTC ban hành một văn kiện về gia đình
Các nghị phụ đệ trình phúc
trình lên ĐTC để ngài cứu xét xem có nên tiếp tục hành trình với một văn kiện của
ngài, dựa trên Thượng HĐGM này, để đào sâu thêm đề tài gia đình theo hướng đi
mà ngài đã đề ra. Chúng ta tiếp tục tiến bước”
G. Trần Đức Anh
O.P (vi.radiovaticana.va/news/25/10/2015 09:35)