Thiên Chúa là „vẻ đẹp vĩ đại“ – (Bài giảng của ĐTC
Phan-xi-cô ngày 13.11.2015)
„La grande bellezza – Vẻ đẹp vĩ đại“ là tên của một bộ phim được
sản xuất tại Rô-ma và đã đoạt giải Oscar vào năm 2013. Nhưng trong Thánh Lễ vào
sáng sớm thứ Sáu hôm nay tại nguyện đường Thánh Mác-ta, chắc chắn Đức Thánh Cha
Phan-xi-cô đã không muốn ám chỉ tới bộ phim đó khi Ngài nói: „La grande bellezza è Dio – Vẻ đẹp vĩ đại là
chính Thiên Chúa.“ Thay vì đá động tới bộ phim nêu trên, Đức Thánh Cha đã đề
cập tới Thánh Vịnh 19. Trong Thánh Vịnh này có đoạn như sau: „Trời xanh tường thuật vinh quang Chúa.“
Vấn đề nằm ở chỗ là con người thường hay quỳ gối trước những đồ vậy mà chúng chỉ
là một sự phản ánh về vinh quang của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha đã nhận dạng được hai loại tôn thờ ngẫu tượng;
ngay cả những người mà họ được lấp đầy bởi Đức Tin, cũng có thể bị khuất phục bởi
hai cơn cám dỗ ấy. Thứ nhất là „sự tôn thờ
ngẫu tượng có tính nội tại“: Khi con người nhìn vào vẻ đẹp của thụ tạo „nhưng không vượt qua được vẻ đẹp của những
thụ tạo đó. Họ bám chặt vào những ngẫu tượng ấy. Họ hoàn toàn sửng sốt trước sức
mạnh và năng lực của các sự vật. Họ không nghĩ rằng, chúa tể của những đồ vật
đó còn trổi vượt biết chừng nào, vì Ngài đã sáng tạo nên những đồ vật đó. Ngài
chính là nguồn cội và là tác giả của mọi cái đẹp. Sự tôn thờ ngẫu tượng hệ tại ở
chỗ là, nhìn ngắm những vẻ đẹp nhưng không nghĩ rằng, sự hư vong sẽ xảy ra. Thực
ra, ngay cả sự hư vong cũng có vẻ đẹp của nó… Và sự tôn thờ ngẫu thượng mà nó bấu
bám vào những vẻ đẹp trước mắt, nhưng không hề có tính siêu việt, chính là một
cơn cám dỗ đối với tất cả chúng ta: sự tôn thờ nội tại. Hầu như chúng ta chỉ
thích giữ mãi các đồ vật cho những ngẫu tượng. Nhưng chúng ta lại quên đi sự hư
vong“.
Cơn cám dỗ thứ hai của việc tôn thờ ngẫu tượng – theo Đức Thánh
Cha – chính là „những cơn cám dỗ của những
thói quen“, chúng làm cho con tim bị tê liệt. Đức Thánh Cha đã viện dẫn những
Lời của Chúa Giê-su từ bài Tin Mừng trong ngày (Lc 17,26-47): „Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho
tới ngày ông Nô-e vào tàu, và nạn hồng thủy ập tới, tiêu diệt tất cả.“ „Thói quen là tất cả“ – Đức Thánh Cha giải
thích, „đời là thế. Chúng ta sống mà
không hề nghĩ tới sự diệt vong của những cách sống này. Và đó cũng là việc tôn
thờ ngẫu tượng: bấu bám vào những thói quen và không hề nghĩ rằng, mọi sự sẽ có
ngày tận số. Và Giáo hội nhắc chúng ta nghĩ tới sự tận cùng của mọi sự vật.
Ngay cả những thói quen cũng có thể xuất hiện như những ngẫu tượng… Đời là thế,
chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện những thói quen ấy một cách đơn giản… và rồi một
thói quen sẽ dẫn tới những thói quen tiếp theo. Nhưng có Thiên Chúa!“
Thiên Chúa đứng „trên tất
cả mọi loài thụ tạo“ – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Vì thế, mọi sự phải ngước
nhìn lên Ngài. Bà vợ của ông Lót đã ngoái lại đàng sau – một sai lầm đáng tiếc.
„Chúng ta, các tín hữu, là những người
không đi thụt lùi, không đi lạc, nhưng luôn luôn tiến về phía trước! Tiến về
phía trước trong cuộc sống này, với những vẻ đẹp và với những thói quen mà tất
cả chúng ta đều có, nhưng không tôn chúng lên thành những ngẫu tượng. Chúng sẽ
có ngày tận số… Ước gì những vẻ đẹp nhỏ bé này, mà chúng phản chiếu cho chúng
ta thấy một vẻ đẹp vĩ đại, sẽ trở nên một bài ca bất tận, và làm cho chúng ta
được đắm chìm trong vinh quang của Thiên Chúa!“
(theo de.rv 13.11.2015 sk)
Đa-minh Thiệu