Cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội là con đường hướng đến ơn cứu độ

by Piero Gheddo

 

Milan – “Đừng quên cầu nguyện cho Cha”, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói như thế ngay từ lúc khởi đầu triều đại Giáo hoàng của ngài (13 tháng 03 năm 2013). Lập đi lập lại nhiều lần lời đó, Ngài đã xin người Ki-tô hữu hãy cầu nguyện cho Ngài và phục vụ Giáo hội bằng cách thức đó.

Khi còn ở Giáo phận Buenos Aires, vị Giáo hoàng đến từ tận cùng biên thùy thế giới, đã có một quan điểm rất rõ ràng rằng, phải làm cách nào đó để canh tân Giáo hội theo con đường truyền giáo, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Thật tế thì Ngài đã được bầu chọn làm Giáo Hoàng vì lý do đó. 

Có lẽ ngài đã có một ý niệm từ lâu rằng, cuối cùng thì ngài cũng sẽ phải đấu tranh để chống lại những người không hiểu gì về giá trị của việc canh tân Giáo hội do Ngài thực hiện, hoặc những người cảm thấy bị ảnh hưởng trực tiếp bởi công cuộc canh tân ấy, và do đó đã chống đối công cuộc canh tân và đã gây ra những bê bối và gieo rắc sự hoang mang giữa dân Chúa.

Việc biết được ai là người đang chống đối ngài, không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng chính là việc hiểu được rằng, việc phản kháng chống lại công việc của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đang ở phía trước và đang ở trong trung tâm điểm của các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng cố làm mờ đi ý nghĩa đích thực của công cuộc cải tổ mà Đức Thánh Cha đang thực hiện, mà công cuộc cải tổ này muốn đem đến cho những ai tin vào Chúa Giê-su một sự thay đổi cả về nhân sự lẫn cấu trúc từ những thể chế của Giáo Hội, đó là mô hình của Thiên Chúa.

Đối với Đức Thánh Cha, sứ mạng mang tính hoàn vũ của Giáo hội (kể từ đây nhãn hiệu của ngài được coi như là vị Giáo hoàng truyền giáo) bắt đầu từ cuộc hoán cải của những người tin vào Chúa Giê-su, để mang mọi người đi tới một con đường duy nhất đưa đến ơn cứu độ. Đó là những điều mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã trình bày với Giáo Hội Ý tại Florence vào ngày mồng 10 tháng 11 vừa qua, cụ thể là sự khiêm nhường, lòng vị tha, và tám Mối Phúc. Việc rao giảng về Chúa Giê-su trong thế giới ngày nay phải trở thành một cuộc đối thoại với mọi người, và nó phải được phát sinh từ chứng tá của riêng chúng ta.

Đức Thánh Cha kể rằng: “Khi Cha gặp một Cha xứ ở Vicenza (Ý), ngài đã nói với Cha thế này, “Mọi người, hầu hết mọi người, thán phục và ca ngợi Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, nhưng lời mời gọi hoán cải của ngài vẫn không đủ để cắm sâu vào da thịt của các cộng đoàn tín hữu, và những sự kiện gần đây đã làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn, kéo sự chú ý ra khỏi những gì mà Đức Thánh Cha đang đòi hỏi từ mỗi người trong chúng con”.

Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha là một thông lệ truyền thống trong Giáo Hội Công Giáo. Cầu nguyện cho những người đang bị đòi hỏi một cách khắt khe bởi nhiệm vụ, giống như Đức Thánh Cha, là một bổn phận dành cho những ai đã chịu phép Rửa Tội. Đây là hành động đầu tiên của đức bác ái, là điều lớn lao nhất của họ. Cầu nguyện là sức mạnh của con người và là sự yếu đuối của Thiên Chúa, đặc biệt nếu việc cầu nguyện này xảy ra vì những nhu cầu của ai khác, điều ấy thật là xứng đáng hơn cho mỗi cá nhân chúng ta.

Khi ngài xin những lời cầu nguyện, thì có nghĩa là Đức Thánh Cha đang giáo huấn chúng ta rằng, ngài là người đầu tiên chẳng làm được điều gì nếu không có Thiên Chúa. Vì thế, ngài đang tỏ cho chúng ta thấy rằng, mọi người cần dựa vào Thiên Chúa. Giống như thế, ngài thường nói, ngài sẽ không dừng bước trước công cuộc cải cách Giáo hội, và đó là điều mà ngài đang xin người Ki-tô hữu cầu nguyện cho ngài hơn là ngài xin các anh em Giám mục và Linh mục.

Hiện tại, chúng ta đang trải qua một thời gian đen tối, đang đi trong một đường hầm mà ở đó những ung nhọt đã vỡ tung ra và những vụ bê bối cũng nổ ra. Một số người tín hữu đã rời bỏ Giáo hội, bởi vì họ nhầm lẫn giữa một phần của Giáo hội với toàn thể Giáo hội.

Ngày nay, chúng ta cần một lời cầu nguyện chung trong các giáo phận, các giáo xứ, các gia đình, các hiệp hội và những cơ sở Ki-tô giáo, hiệp thông với lời cầu khẩn dâng lên Đức Maria, để Mẹ hỗ trợ Đức Thánh Cha. Nhưng chúng ta đừng quên rằng, Giáo hội là tất cả chúng ta; mỗi người chúng ta đều là Giáo Hội. Trong bối cảnh này, chúng ta phải trở nên kiên định và mạnh mẽ. Tóm lại, chúng ta phải nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc cầu nguyện cá nhân, cầu nguyện gia đình, cầu nguyện trong các cộng đoàn Giáo hội, lớn cũng như nhỏ. Người Giáo dân là sức mạnh của những Linh mục đau yếu, và của một Giáo hội yếu đau.

Chúng ta có thể thuyết phục những người khác cầu nguyện cho Đức Thánh Cha bằng cách nào đây? Bằng gương sáng. Khi tôi đau yếu, tôi cầu nguyện và xin những lời cầu nguyện. Nếu tôi yêu một người đau bệnh, tôi cầu nguyện cho họ. Hiên tại, Giáo Hội đang đau yếu và những ai yêu mến Giáo hội thì phải cầu nguyện cho Giáo hội, bởi vũ khí mạnh mẽ nhất để chống lại ma quỷ chính là lời cầu nguyện. Để biểu lộ tình yêu đối với Giáo Hội và với Đức Thánh Cha, chúng ta phải cầu nguyện cho những ai đang phạm tội, để Chúa Thánh Thần có thể thôi thúc họ hối cải. Đó là một lời mời gọi cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng: nếu chúng ta yêu mến ngài, thì sẽ là điều chưa đủ nếu chúng ta chỉ trao tặng ngài một cử chỉ vỗ tay hoan hô: chúng ta phải cầu nguyện cho ngài, và trao đến ngài một dấu hiệu sống động từ lòng trung thành của chúng ta.

Vào năm 1930, ở Tỉnh quê nhà của tôi tại Tronzano Vercellese, có hai gia đình đang thù hằn nhau. Một người thanh niên trẻ đã đâm người khác mà không giết anh ta. Kết cục anh ta bị bắt, tống giam và ngồi tù. Một lịnh mục quản xứ, cha John Ravetti (sau nay là Đức Ông và là linh mục Giáo xứ gần tỉnh Santhià), đã quy tụ mọi tín hữu lại để lần chuỗi Mân Côi và dâng Lễ cho hai gia đình đó. Cha của tôi, ông Giovanni, là chủ tịch hiệp hội Giáo dân Công Giáo - Azione Cattolica - đã đi tới với vị Linh mục và nói rằng, “Cầu nguyện thì chưa đủ, chúng ta cần ăn chay”.

Đó là điều mà Đức Ông Ravetti đã nói với tôi sau cái chết của người tôi tớ Thiên Chúa, Giovanni Gheddo. Cha Ravetti thêm rằng, nhiều người ngoài Công giáo và những người hiếm khi đến Nhà thờ đã cầu nguyện và ăn chay cho hai gia đình này. Họ cảm thấy có sự liên đới mạnh mẽ giữa họ với cộng đoàn Tronzano.

Ngày nay, dân Thiên Chúa phải tụ họp nhau lại như trong những ngày bị bách hại. Chúng ta bị bách hại không chỉ trong những vùng đất xa xôi, nhưng còn bị bách hại ngay cả trong vùng thuộc trung tâm của Ki-tô giáo nữa. Chúng ta phải chung tay, phải trở nên gần gũi, và phải hướng về Thiên Chúa để xin Ngài phù trợ. Đức Thánh Cha đang cần những bàn tay siết chặt và sự chăm sóc; những lời cầu nguyện và chay tịnh chính là những cái ôm siết chặt và là sự chăm sóc dành cho tâm hồn.

 

(Theo AsiaNews 11/23/2015)

 

Thérèse Nguyễn


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 11, 2015