Đức Thánh Cha hối thúc giới trẻ đọc Kinh Thánh: “Kinh Thánh không phải là một kiệt tác văn học”, nhưng là một cuốn sách mà qua đó “Thiên Chúa nói

 

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã viết lời tựa cho cuốn Kinh Thánh ấn bản bằng tiếng Đức dành cho người trẻ. Cuốn Kinh Thánh này được các Tu sĩ Dòng Tên người Áo và cũng là những chuyên gia nghiên cứu Kinh Thánh Tân Ước, phát hành với những lời bình luận của người trẻ.

Lời tựa cho ấn bản bằng tiếng Ý của Đức Giáo Hoàng được xuất bản trong số mới nhất của tờ Civiltà Cattolica sẽ ra mắt tuần này. Trong đó, Đức Thánh Cha cho biết rằng, Kinh Thánh không phải là “kiệt tác mang tính văn học”, nhưng hơn thế nữa, “điều gì đó thật sự thánh thiêng, một cuốn sách mà nó giống như lửa, một cuốn sách mà Thiên Chúa nói”. Vì thế, chúng ta nên “nhớ rằng, Thánh Kinh không được viết rồi đặt lên giá sách, Thánh Kinh được viết để được đặt trong tay con người, để đọc thường xuyên, mỗi ngày, ngay cả lúc ở một mình hay với người khác”.

Lời tựa của Đức Thánh Cha được đọc cho các độc giả trẻ cách trực tiếp. “Nếu các con đã nhìn thấy cuốn Kinh Thánh của cha”, ngài nói, “hẳn là nó không lôi kéo sự chú ý của các con. Hẳn là các con nói, Cái gì? Cuốn Kinh thánh của Đức Thánh Cha ư? Một cuốn sách cũ kỹ, rách bươm! Các con hẳn sẽ bị cám dỗ để mua cho cha một cuốn mới, với cái giá một ngàn euro mới có thể mua được cuốn sách của cha. Cha không thể mua được nó. Cha yêu cuốn sách Kinh thánh cũ kỹ ấy của cha. Nó đã ở với cha nửa cuộc đời. Nó được xem là niềm vui, và cũng thấm đẫm nước mắt của cha. Nó là một báu vật vô giá. Cha sống vì nó, và cha không từ bỏ nó vì bất cứ điều gì trên thế gian này”.

Đối với Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, sau khi đọc một lần, đừng xếp xó cuốn sách này trên kệ sách “để hứng bụi”, cho tới khi “con cái các con đem bán ở chợ trời. Không, điều này không thể xảy ra”.

Cha muốn nói cho các con một điều“, ngài tiếp tục, “ngày nay, những người Ki–tô hữu còn bị bách hại hơn cả thời Giáo hội tiên khởi nữa. Vì sao vậy? Thưa, họ bị bách là vì họ mang một cây Thánh Giá và làm chứng cho Chúa Giê-su. Họ bị kết án, là bởi vì họ giữ lại cho mình một cuốn Kinh Thánh. Thật rõ ràng, Kinh Thánh là một cuốn sách cực kỳ nguy hiểm. Nó nguy hiểm đến nỗi mà trong một số quốc gia, những ai thủ đắc cho mình một cuốn Kinh Thánh sẽ bị đối xử như thể họ đang che dấu lựu đạn trong tủ đồ vậy!

Trong lúc đưa ra ý kiến của mình, Đức Thánh Cha đã trích dẫn ông Mahatma Gandhi, dù ông không phải là một Ki-tô hữu. Ngài nói, “Các con là những Ki-tô hữu quan tâm đến một tài liệu mà nó chứa đựng đủ mọi kiệt tác, có khả năng làm cho tất cả mọi nền văn minh bị thổi bay ra từng mảnh, có thể lộn ngược thế giới và mang hòa bình đến cho một hành tinh đang bị chiến tranh xé toạc. Nhưng các con lại đối xử với nó giống như thể nó chẳng khác gì một áng văn chương”.

Lúc đó các con cầm gì trong tay? Một kiệt tác văn học ư? Một bộ sưu tập những câu chuyện cổ tích ư?” Đức Thánh Cha đã hỏi như thế. “Trong trường hợp này, chúng ta phải nói cho tất cả những người Ki-tô hữu cũng như những ai đang bị ngồi tù và bị tra tấn vì Tin Mừng rằng, “Sao anh chị em lại lại ngớ ngẩn và ngu dại như thế. Đó chỉ là một đoạn văn học mà thôi!” Không phải thế, Lời Chúa trở thành ánh sáng, và ánh sáng ấy sẽ không bao giờ bị dập tắt”.

Các con giữ trong tay mình điều gì đó thật sự linh thánh”, Đức Giáo Hoàng nói, “một cuốn sách mà nó giống như lửa, một cuốn sách trong đó Thiên Chúa nói. Vì vậy, hãy nhớ rằng, Kinh Thánh không được viết để đặt lên giá sách. Nó được viết để được đặt trong tay con người, hãy đọc thường xuyên, mỗi ngày, ngay cả lúc ở một mình hoặc với người khác”.

Thật ra, Đức Giáo Hoàng đã lưu ý rằng, “Các con có thể chơi thể thao và đi mua sắm cùng nhau. Tại sao lại không thể đọc Kinh Thánh chung với nhau trong những nhóm hai, ba hay bốn người? Ban ngày, được bao quanh bởi thiên nhiên, bởi rừng rậm, bởi biển cả, ban tối bở ánh nến.... Các con sẽ có trải nghiệm về sức mạnh và sự phong nhiêu. Hay có thể các con sợ hãi vì nghĩ rằng, người khác sẽ cho các con là người ngu dốt chăng?

Hãy đọc cẩn thận, đừng hời hợt như đọc một quyển sách tranh trẻ em. Lời Chúa không phải là những gì mà người ta lướt qua cách đơn giản như thế”. Lời Chúa đòi hỏi người ta phải tra vấn lại chính mình rằng, Kinh Thánh nói gì trong tâm hồn. “Vì chỉ Lời Chúa mới biểu lộ quyền năng; vì chỉ nhờ Lời Chúa, cuộc sống chúng ta mới có thể được biến đổi, để trở nên sung mãn và tươi đẹp hơn”.

Hãy để cho cha nói cho các con nghe Cha đã đọc cuốn Kinh Thánh cũ nát của Cha như thế nào”, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói. “Cha thường cầm lên, đọc một chút; rồi cha đặt cuốn Kinh Thánh ấy sang bên cạnh và để cho Lời Chúa soi rọi vào cha. Cha không là người nhìn vào Ngài; Ngài là Đấng nhìn vào cha. Thiên Chúa thật sự ở đây, hiện tại. Vì thế, cha để cho Thiên Chúa nhìn vào cha và cha cảm nhận và hiểu, và đây không phải là tình cảm ủy mị, Thiên Chúa trong sâu thẳm đang nói với cha”.

Đôi lúc Ngài chẳng nói gì cả. Vì thế, cha không cảm nhận được gì; chỉ là sự trống rỗng, trống rỗng và trống rỗng... Nhưng cha vẫn kiên nhẫn ở đó và chờ đợi Ngài, đọc và cầu nguyện. Cha ngồi cầu nguyện, bởi quỳ gối làm cha đau. Đôi lúc, khi cha cầu nguyện, cha buồn ngủ. Nhưng điều này tốt thôi. Cha giống như đứa con trai ngồi cạnh cha của nó, đây là điều đáng lưu ý. Các con có muốn làm cho cha vui không? Hãy đọc Kinh Thánh”.

(Theo AsiaNews 12/03/2015)

 

Thérèse Nguyễn

 

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 12, 2015